Thứ Tư, 13 tháng 6, 2018

Người nông dân nổi dậy

jacquouba29.jpg

Jacquou, người nông dân nổi dậy (Jacquou Le Croquant) là một cuốn tiểu thuyết nổi tiếng, tiêu biểu nhất trong sự nghiệp cầm bút của nhà văn cánh tả Eugène Le Roy của Pháp. Ông sinh ra năm 1836 tại lâu đài Hautefort và mất tại Montignac vùng Périgord năm 1907.  Cha của Le Roy là một công chức, còn mẹ ông là thợ may, nhưng đã gửi ông cho một người vú nuôi từ khi còn bé. Sống trong cảnh nghèo khó ở nông thôn, và chứng kiến cảnh đời cơ cực của những nông dân trong vùng, vì thế chủ đề trẻ em bị bỏ rơi và chống lại bất công xuyên suốt trong phần lớn tác phẩm của ông, một nhà văn regionalist. Cuốn tiểu thuyết đầu tay Cái cối xay gió ở Frau xuất bản năm 1891 trên tờ Tương lai của Dordogne thể hiện rõ tư tưởng cộng hòa cấp tiến chống lại tư sản, quý tộc và giáo sĩ hủ bại của nhà văn. Tuy nhiên Jacquou Le Croquant mới thực sự là tác phẩm xuất sắc nhất của Le Roy. Khác với George Sand, viết nhiều về chủ đề trẻ em bị bỏ rơi và cũng mang hương vị mộc mạc thôn quê, nhưng ở Jacquou le Croquant của Le Roy, người đọc thấy một bức tranh sống động nhiều màu sắc và những tư tưởng chính trị rộng lớn, dù bối cảnh lịch sử thu gọn lại trong vùng quê của ông. Theo phong cách của những Balzac, Stendhal, Victor Hugo,… nhưng Jacquou le Croquant đậm chất hiện thực phê phán và cấp tiến hơn nhiều áng văn đương thời, thể hiện rõ tư tưởng đòi hỏi bình đẳng và công lý của những người cộng hòa. Bản thảo đăng dài kỳ trên  “Tạp chí Paris” từ ngày 15 tháng 3 đến 15 tháng 5 năm 1899 với tên La Forêt Barade (Rừng Barát), sau đó Calmann-Levy xuất bản vào năm 1900. Có 500 bản sao được các nhà xuất bản tung ra. Cuốn sách nhận được sự nhiệt tình đón nhận của độc giả trẻ, bị quyến rũ bởi quá khứ, và những năm 1920 -1937 hơn 20.000 cuốn được bán ra, qua phiên bản 13 của cuốn tiểu thuyết. Sau khi bộ phim 1969 công chiếu, có tới hơn 150.000 bản được tiêu thụ. Và một phiên bản được NXB Văn Nghệ TPHCM ấn hành năm 1986 (bản dịch Thiên An) sau khi bộ phim cùng tên  chiếu trước đó gây ấn tượng mạnh với khán giả Việt Nam.
Bối cảnh của câu chuyện là vùng Périgord đầu thế kỷ XIX, khi giai cấp tư sản phải nhượng bộ quyền lực với giai cấp phong kiến. Những người bảo hoàng hầu hết lưu vong thời Cách mạng trở lại nắm quyền và ở các vùng nông thôn, quý tộc cũ là tầng lớp được khôi phục lại nhiều đặc quyền trước đây, bao gồm cả ruộng đất. Cuốn tiểu thuyết mô tả chi tiết các sinh hoạt của người dân  tại vùng quê của tiểu thuyết gia, mà phần lớn tại các xã Rouffignac (Ruphinhắc), Bars (Ba), và Fanlac (Phănlắc), đặc biệt trong khu vực rừng Barade (Barát) nằm gọn phía bắc địa phận Rouffignac, Bars và các xã lân cận. 
Jacquou (Giắccu) nhân vật chính của câu chuyện, sinh ra trong một gia đình tá điền, ở thuê trên đất của bá tước Nansac (Nănxắc) ở lâu đài Herm (Héc) thuộc Rouffignac. Cậu là con trai của Martissou (Máctitxu -có biệt danh là Người nông dân nổi dậy), và Marie, từ bé đã phải chứng kiến cái chết oan nghiệt của người cha trong tù (do bị kích động nên ông bắn chết Laborie (Labôri – quản gia khát máu của Nansac), bị đẩy khỏi nhà và chứng kiến cái chết của người mẹ sau khi không tìm ra được việc làm, đói rét và ốm nặng. Cậu bé nuôi trong mình hận thù sâu sắc với Nansac (có người ông chỉ là một gã ghánh nước thuê lươn lẹo mà giàu có và sau này mua tước trở nên quyền thế) từng phải đi ăn cướp thời cách mạng khi tầng lớp quý tộc bị đánh đổ, đã gây ra đau khổ cho gia đình cậu và người dân trong vùng khi y khôi phục quyền lực. Ông tổ của Jacquou là người nông dân nổi dậy thời Henri IV (Hăngri IV), thế kỷ XVI,  ông nội của cậu là người đốt lâu đài quý tộc trước Cách mạng 1789 bị kết án, cha cậu cũng được gắn cái nhãn Le Croquant, và sau này Jacquou cũng được đặt biệt danh đó. Sử sách ghi nhận những sự kiện nổi dậy của nông dân cuối thế kỷ XVI đầu thế kỷ XVII tại tây nam nước Pháp và sau này các cuộc nổi dậy của nông dân thời Cách mạng cũng được Hubert Delpont đưa vào công trình nghiên cứu của ông năm 2002. 
495686146
Jacquou được linh mục Bonal (Bônan) ở Fanlac, có nguồn gốc nông dân, một người tốt bụng nuôi nấng và dạy dỗ. Bên cạnh linh mục là hiệp sĩ Galibert (Galibe), dòng dõi gia đình quý tộc có công trong Chiến tranh 100 năm đánh đuổi người Anh, một người ít nhiều chịu ảnh hưởng tư tưởng Khai sáng. Nhưng sau đó, linh mục, do bị các tu sĩ dòng Tên quy kết tuyên thệ Hiến pháp cộng hòa thời cách mạng do đó bị “treo chén”, về nông trang giữa rừng ở Bars sinh sống và qua đời. Jacquou bị Nansac hãm hại, người yêu anh, Lina hiền thục do bị mẹ cưỡng ép và tưởng anh đã chết nên tự vẫn. Jacquou vận động dân quanh lâu đài Herm nổi dậy chống Nansac và cho đốt tòa lâu đài. Anh bị bắt và xử tại Périgueux (Pêrigơ) song được trạng sư Vidal-Fongrave (Viđan – Phônggơrivơ) bào chữa với bài hùng biện tuyệt vời và áp lực của cách mạng Tháng Bảy năm 1830 nên được tha bổng. Nansac phải bỏ xứ ra đi, gia đình mỗi người một ngả, riêng cô con gái út Galiote (Galiốt) vẫn sống gần tòa lâu đài hoang phế. Jacquou có cảm tình với cô gái kiêu kỳ nhưng sống thanh đạm này, song sau đó đến với Bertrille (Béctơridơ – bạn của Lina) vì cô có cuộc sống nghèo khổ  cần anh nâng đỡ. Jacquou sống đến tuổi 90, hạnh phúc trong nghèo khó, như ngọn đèn canh thức trong nghĩa trang Atur (Atua), một mình trong bóng đêm đón chờ cái chết đến.
 Mặc dù cuốn tiểu thuyết gây tranh cãi nhiều năm giữa những người cánh tả ủng hộ và cánh hữu phản đối, và cũng có chê trách là mang màu sắc Mani giáo, nhưng không thể phủ nhận tác giả không có cái nhìn phiến diện trong lập trường đánh giá các giai tầng khác nhau trong xã hội và cách thức giải quyết các mâu thuẫn. Nansac và Galibert đều thuộc tầng lớp cao hay Jacquou, ông Jean (Giăng) đều là nông dân như Jansou (Gianxu – người bán đứng cha Jacquou cho bá tước) song bản chất con người họ khác nhau. Tương tự cha Bonal không giống với nhiều linh mục suy đồi khác xuất hiện trong truyện, như với Enjalbert (Engianbe), tuyên úy ở lâu đài Herm. Cần khẳng định Jacquou, một người Thiên Chúa giáo cánh tả, không hẳn là một người cách mạng, nhưng sẵn sàng sử dụng bạo lực để chống lại bất công và tự vệ. Cuộc nổi dậy đơn lẻ mang tính khoan dung và xoáy trong một vòng pháp luật, dẫu dường như thể hiện tư tưởng Jacques Rousseau. Trả thù của Jacquou khống giống với trả thù của bá tước Monte Cristo hay Joaquin Murieta. Và Jacquou đã trở thành một biểu tượng anh hùng, nay vẫn có tượng gỗ tôn thờ ở Dome, Dordogne.
Tác giả truyện cũng phê phán thói mê tín được miêu tả trong đoạn lễ thánh Rêmi ở Auriac (Ôriắc), và tỏ rõ lập trường khoan dung tôn giáo. Trong miêu tả của truyện, giai cấp quý tộc từ chỗ không ít trở nên vô thần thời kỳ cách mạng đã trở lại sùng bái tôn giáo coi đạo như một mốt sống thời phục hưng chế độ quân chủ (1815), trong khi nông dân trước cách mạng chìm đắm trong mê tín, đã trở nên không còn sùng đạo như trước nữa do ảnh hưởng của Cách mạng 1789. Tiểu thuyết cũng ba lần nhắc đến, thể hiện cái nhìn không mấy thiện cảm của tác giả với giai cấp tư sản dù cốt truyện xoay quanh cuộc đấu tranh của nông dân nghèo với quý tộc phong kiến. Dẫu cuốn sách từng chịu chỉ trích của Viện Hàn lâm Pháp, nhưng có ảnh hưởng rất lớn đến các chính sách sau này của một số chính phủ và hiện được nghiên cứu tại các trường đại học Pháp. 
Bộ phim truyền hình công chiếu năm 1969 với Stellio Lorenzi đạo diễn, và Eric Damain đóng Jacquou còn trẻ gây được tiếng vang rất lớn tại Pháp, với số khán giả kỷ lục.  So với truyện, phim cắt bỏ nhiều tình tiết và tạo bố cục chặt chẽ hơn, đặc biệt mối liên kết các nhân vật trong phim,  bỏ nhiều nhân vật và thêm một số nhân vật mới. Cassius (Cátxiút – một nhà cách mạng), từng cứu mạng hiệp sỹ Galibert vào thời cách mạng, hay ông lão  La Ramée (La Ramê) một người bạn của Bonal từng đi lính cho Napoleon, được nêu lướt qua trong truyện, thì qua phim trở thành những nhân vật quan trọng. Quan hệ tình yêu cũng có nhiều đổi thay so với tiểu thuyết gốc. Tuy hầu hết không phải là diễn viên quen thuộc, nhưng diễn xuất của các diễn viên trong bộ phim nhận được sự đánh giá rất cao của khán giả. Phim vẫn bám chặt nguyên tác nhưng đạo diễn có phần tư tưởng cấp tiến hơn, thể hiện đậm nét hơn chủ nghĩa cộng hòa. Sau khi phim công chiếu,  nhà báo M.Jean Gavel về tận vùng quê của nhân vật Jacquou, trong một bài báo nổi bật ca ngợi Le Roy như là Balzac vùng Perigord, và Jacquou là thể hiện linh hồn của cả một dân tộc. Dẫu vậy bộ phim bị tổng thống Giscard d’Estaing cánh hữu bật đèn đỏ (mà sau này G.Estaing được ví von gọi là Jacquou le croquant), và chỉ được bật đèn xanh công chiếu trở lại khi ứng cử viên cánh tả François Mitterrand  giành được chiếc ghế tổng thống năm 1981. Nhà bình luận Philippe Randa đã từng nhận xét Jacquou le croquant (phim truyền hình chính trị lịch sử rất “cánh tả”) đã làm được nhiều hơn cho cuộc bầu cử của François Mitterrand năm 1981 hơn bất kỳ bài phát biểu của ông.
Đến năm 2005, Laurent Boutonnat cho dựng lại Jacquou le Croquant dưới thể loại phim nhựa. Khác với phim trước hầu hết quay tại các địa danh nêu trong tiểu thuyết với tính chân thực rất cao, phim mới một phần do vấn đề kinh phí nên được quay chủ yếu tại Romania, và còn lại chủ yếu quay tại Sarlat (Xạclát), vùng Dordogne, một địa danh nêu lướt qua trong tiểu thuyết gốc. Tư tưởng bộ phim không có nhiều thay đổi, nhưng tình tiết biến đổi khá nhiều và gây rất nhiều tranh cãi tại Pháp. Rất nhiều hình ảnh ẩn dụ, mà gây ấn tượng nhất là con thuyền buồm (Galiote) mang theo cô con gái Nansac đi trong sương mù tới London, nơi chịu ảnh hưởng nhiều hơn của Edmund Burke, người đứng giữa Voltaire và Joseph de Maistre (tiểu thuyết chỉ cho biết Galiote sau bỏ xứ ra đi không rõ cô đi đâu). Bonal là mục sư Tin Lành, trong khi ông hiệp sĩ còn tự do cấp tiến hơn, tham gia trực tiếp cuộc khởi nghĩa. Thêm một số nhân vật mới, trong khi vô số nhân vật cũ bị lược bỏ, Bertrille chỉ xuất hiện mờ nhạt, thấp thoáng. Tư tưởng khoan dung của Jacquou được thể hiện đậm nét, và quan hệ tình yêu thêm phần lãng mạn. Cảnh Jacquou đốt rừng Herm chỉ được đưa vào một trailer. Có khán giả nhận xét phim là một sự pha trộn của “Không gia đình” với “Ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên”, “Lassie” và “Giai điệu hạnh phúc”. Khán giả khác liên tưởng một sự kết hợp của “Ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên”, “Robin Hood”, với “Romeo và Juliet”. Có khán giả liên hệ phần đầu bộ phim với Oliver Twist, và cho phim chịu ảnh hưởng của Jean-François Millet.
Là một trong ba bộ phim chi phí lớn nhất điện ảnh Pháp công chiếu năm 2007 và khá ăn khách, nhận khá nhiều khen ngợi nhưng khó nói nó tạo ra một sự hấp dẫn như phiên bản 1969 mà không ít người xem là kinh điển. Trên blog Cây xương rồng đăng tải một bài viết “Eugène Le Roy, fléau culturel du Périgord” chỉ trích từ nguyên tác đến hai bản phim. Nặng lời hơn, giáo sư Gerard Jean-Lapacherie có tư tưởng thiên hữu không quên chỉ trích từ nguyên tác, bản phim 1969 cho đến bản phim mới tuyên truyền cho tư tưởng xã hội cấp tiến. Ở nước ngoài bộ phim được đón nhận nồng nhiệt hơn, như tại Trung Quốc, mà có khán giả nhận xét phim mang phong cách của “Huyền thoại mùa thu”. Có lẽ phân tích bộ phim sâu sắc hơn cả là của nhà làm phim Jodel Saint-Marc, người có trang web bình luận rất nhiều phim của L.Boutonnat, về tổng thể là bộ phim nghệ thuật xứng đáng tán dương trên rất nhiều phương diện, song chưa thể tương xứng với nguyên tác và bản phim rất thành công trước đây năm 1969, đã cho ta bài học tuyệt vời của chủ nghĩa nhân văn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét