- Xung đột giữa thế giới Hồi giáo và phương Tây tiếp tục bùng nổ khi mà nhóm khủng bố ISIS liên tiếp tuyên bố chống lại phương Tây đến cùng và khi mà sự kiện tuần báo biếm Charlie Hebdo vẫn đang khiến toàn bộ châu Âu đặt trong tình trạng báo động với khủng bố. Trong nhiều bài viết liên quan, người ta lại nhắc đến khái niệm sự va chạm của các nền văn minh của Giáo sư Đại học Harvard Samuel P. Huntington. Lập luận Huntington có thể không hoàn toàn đúng nhưng giải thích phần nào nguyên nhân hiện tượng xung đột giữa Hồi giáo và phương Tây…
Năng lượng Mới số 394
Va chạm, như thế nào và tại sao?
Giáo sư Samuel Huntington cho rằng nguồn gốc cơ bản cho các cuộc xung đột thế giới thời sau Chiến tranh lạnh không phải là ý thức hệ hay kinh tế mà chính là nền văn minh. Ranh giới khác biệt giữa các nền văn minh là ranh giới chiến tuyến trong các cuộc giao tranh. Xung đột không còn là cuộc chiến giữa các vị vua hay cuộc đối đầu trong thế giới lưỡng cực như thời Chiến tranh lạnh mà bước sang giai đoạn mới trong đó cọ xát bắt đầu từ mâu thuẫn giữa các nền văn minh phương Tây và không phương Tây (non-Western civilizations). Trong khi đó, đặc thù văn hóa dân tộc và văn minh ngày càng chiếm vị trí quan trọng. Thế giới trong ngôi làng toàn cầu sẽ được định dạng bằng sự tương tác giữa các nền văn minh chính trong đó có phương Tây, Khổng giáo, Hồi giáo, Hindu, Chính thống giáo Slavic, Mỹ Latinh… Tại sao sự va chạm giữa các nền văn minh là nguồn gốc của chiến tranh? Huntington đưa ra sáu lý do.
Thứ nhất, sự khác biệt giữa các nền văn minh không chỉ tồn tại như một sự thật mà còn rất cơ bản. Các nền văn minh được phân định bằng lịch sử, ngôn ngữ, văn hóa, truyền thống và quan trọng nhất là tôn giáo. Dân tộc thuộc các nền văn minh khác nhau có quan điểm khác nhau về tương quan giữa thượng đế và con người, tương quan giữa cá thể và tập thể, giữa công dân và nhà nước, giữa cha mẹ và con cái, giữa quyền lợi và nghĩa vụ, giữa tự do và quyền lực… Sự khác biệt chưa hẳn dẫn đến mâu thuẫn và mâu thuẫn chưa chắc đồng nghĩa với bạo lực. Tuy nhiên, trong chiều dài lịch sử văn minh nhân loại, khác biệt giữa các nền văn minh thường là nguyên nhân tạo ra các cuộc xung đột kéo dài và dữ dội nhất.
Tín đồ Hồi giáo tại Paris vào giờ cầu nguyện
Thứ hai, thế giới đang ngày càng nhỏ hơn. Sự tương tác giữa các dân tộc có nền văn minh khác nhau đang tăng dần và chính điều này đã làm nổi bật ý thức về văn minh và nhận thức về sự khác biệt giữa các nền văn minh. Một người di cư gốc Bắc Phi luôn gây khó chịu cho dân Pháp. Người Mỹ sẽ phản ứng tiêu cực hơn trước cơn lốc đầu tư của người Nhật vào nước mình, so với phản ứng trước sự đầu tư của Canada hay châu Âu. Người Ibo là người Ibo ở Nigeria. Tuy nhiên, sang London, anh ta sẽ được gọi là “người Nigeria” và ở New York anh được biết như một “người châu Phi”.
Thứ ba, tiến trình hiện đại hóa nền kinh tế và thay đổi xã hội trên khắp thế giới đang tách người ta ra khỏi sự nhận dạng địa phương từng tồn tại trong thời gian dài. Tình trạng này tạo nên hiện tượng ra đời hàng loạt xu hướng “chính thống” hay “nguyên thủy” có thể thấy trong Công giáo, Do Thái giáo, Phật giáo, Hindu giáo và nhất là Hồi giáo.
Thứ tư, sự phát triển nhận thức văn minh sẽ được tăng lên, nhằm khống chế vai trò bao trùm của phương Tây mà sức mạnh kinh tế lẫn quân sự đang nghiêng về họ. Người ta ngày càng nghe nói nhiều hơn về xu hướng quay về cội nguồn và “châu Á hóa” ở Nhật, “Hindu hóa” ở Ấn và “tái - Hồi giáo hóa” (re-Islamization) ở Trung Đông. Cách đây vài mươi năm, các xã hội không thuộc phương Tây thường tự hào về sự phương Tây hóa của mình, tự hào về việc tốt nghiệp Đại học Oxford, Sorbonne hay Sandhurst. Tuy nhiên, sự chuyển hướng ngược lại đang xảy ra. Một hiện tượng giảm thiểu ảnh hưởng phương Tây (de-Westernization) đang bùng nổ.
Thứ năm, người ta đang tránh để các đặc tính văn hóa bị ảnh hưởng nhiều của chính trị và kinh tế. Trong các xã hội thay đổi nhanh như Nga chẳng hạn, người giàu có thể biến thành kẻ nghèo và người nghèo phút chốc thành kẻ giàu nhưng người Nga sẽ không thể thành người Estonia và người Azeris không thể thành Armenia. Trong những cuộc xung đột giai cấp và tư tưởng hệ, câu hỏi quan trọng nhất luôn là “Bạn đang ở phe nào?” và người ta có thể ở phe này hôm nay hay nhảy sang phe kia vào ngày mai. Trong xung đột văn minh, câu hỏi quan trọng nhất sẽ là “Bạn là gì?” và điều này không thể thay đổi. Ở Bosnia, Caucasus hay Sudan, việc trả lời sai câu hỏi này đồng nghĩa với một phát đạn vào đầu. Chúng ta dễ dàng bắt gặp một người vừa là Pháp vừa là Arập và có thể mang quốc tịch hai nước, nhưng hiếm khi thấy một người vừa theo Công giáo vừa theo đạo Hồi.
Cuối cùng, hiện tượng kinh tế khu vực đang hình thành cũng là vấn đề đáng để ý. Sự thành công của một nền kinh tế khu vực sẽ củng cố và tăng sức mạnh cho ý thức hệ văn minh. Chính nền văn hóa chung chứ không phải gì khác là cơ sở cho sự tăng cường mối quan hệ kinh tế giữa Trung Quốc với Hongkong, Đài Loan, Singapore và các cộng đồng Hoa kiều ở các nước châu Á. Bức tranh tương tự cũng có thể thấy trong cộng đồng các nước Hồi giáo không thuộc Arập: Iran, Pakistan, Thổ Nhĩ Kỳ, Azerbaijan, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Turkmenistan, Tadjikistan, Uzbekistan và Afghanistan. Khi định nghĩa về dân tộc bao hàm sự nhận dạng cụ thể về sắc tộc và tôn giáo thì người ta bắt đầu có khuynh hướng tạo ra một quan hệ “chúng ta - bọn họ” tồn tại giữa cộng đồng mình và các cộng đồng khác sắc tộc và tôn giáo. Hơn nữa, sự khác biệt văn hóa và tôn giáo cũng tạo ra khác biệt về các vấn đề chính sách cụ thể, từ chuyện nhập cư cho đến thương mại và cả môi trường.
Phương Tây và Hồi giáo
Trong thực tế, mâu thuẫn dọc theo ranh giới phân định văn minh phương Tây và văn minh Hồi giáo đã tồn tại hàng ngàn năm qua và thể hiện không chỉ ở các cuộc thập tự chinh Công giáo tấn công Hồi giáo mà còn thể hiện ở sự hiện diện của Anh, Pháp, Italia tại Bắc Phi và Trung Đông sau khi đế quốc Ottoman sụp đổ vào đầu thế kỷ XX; còn là các cuộc chiến giữa Arập và Israel (lãnh thổ do phương Tây tạo nên); hàng loạt cuộc xâm chiếm của phương Tây (thực dân Pháp tại Algeria vào thập niên 50 của thế kỷ trước, Anh và Pháp xâm lăng Ai Cập năm 1956, Mỹ đổ bộ Lebanon năm 1958…), còn là cuộc chiến của phương Tây do Mỹ cầm chịch tại vùng Vịnh đầu thập niên 90; hay cuộc xung đột sắc tộc và tôn giáo ở Bosnia đầu thập niên 90… Trong bối cảnh chính trị mới, sự va chạm giữa các nền văn minh, hiểu rộng hơn, là xung đột giữa phương Tây và phần còn lại của thế giới - Huntington nhấn mạnh.
Xung đột quân sự giữa các cường quốc phương Tây là điều khó xảy ra mà chỉ có thể là cuộc chiến giữa phương Tây và phần còn lại của thế giới, khi phương Tây thống trị thế giới bằng các công cụ như Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ quốc tế hay thậm chí Liên Hiệp Quốc. Trong xu hướng toàn cầu, có khi người ta nghe nói đến khái niệm “nền văn minh phổ quát” (universal civilization) mang tính toàn cầu nhưng khái niệm này do phương Tây đặt ra và không thể áp dụng rộng khắp và không bao giờ thành hiện thực. Giáo sư Samuel P. Huntington cho biết ông đã thực hiện cuộc khảo sát 100 nghiên cứu về chuẩn mực giá trị ở các xã hội khác nhau và nhận thấy giá trị được xem là quan trọng nhất ở phương Tây lại kém quan trọng nhất ở các nước không thuộc phương Tây…
Samuel P. Huntington nhấn mạnh, ông không có ý nói rằng các đặc tính văn minh sẽ thay thế tất cả đặc tính khác và mỗi nền văn minh sẽ trở thành một thực thể chính trị độc lập, mà chỉ dự báo rằng, sự khác biệt giữa các nền văn minh là một sự thật đang tồn tại và quan trọng, rằng sự nhận thức văn minh đang tăng, va chạm giữa các nền văn minh sẽ thay thế các hình thức xung đột khác (chẳng hạn tư tưởng hệ) và mâu thuẫn gay gắt giữa các nhóm thuộc nền văn minh khác nhau dễ có khả năng xảy ra nhất với mức nguy hiểm có thể dẫn đến chiến tranh toàn cầu. Quan trọng hơn, Samuel P. Huntington muốn dùng luận thuyết mình làm cơ sở để nhấn mạnh ý kiến rằng các nước phương Tây nên xem xét lại chính sách đối ngoại của họ, cần “hiểu thấu đáo hơn các tính chất tôn giáo và chính trị cơ bản nằm bên dưới các nền văn minh khác (không thuộc phương Tây) và cách mà những dân tộc sống trong các nền văn minh này đánh giá về chuẩn mực riêng của họ”. Và cả chính sách đối nội cũng cần được xem lại. Câu chuyện nước Pháp được kể dưới đây cũng là câu chuyện chung của châu Âu.
France Walid sinh tại Pháp, học trung học Pháp, có bằng lái xe Pháp và căn cước Pháp. Nói cách khác, France Walid là công dân Pháp chính cống. Tuy nhiên, căn cước France Walid bắt đầu từ hai chữ số “93”, có nghĩa đối tượng thuộc khu vực ngoại ô Đông Bắc Paris, nơi tập trung dân thất nghiệp kinh niên và quanh năm đụng độ chính quyền về chính sách nhà ở cũng như phúc lợi xã hội. “93” cũng là “ký hiệu” chung cho thấy thành phần đối tượng có khả năng thuộc dân bụi đời, lăn lộn vỉa hè, ban ngày nghiện ngập, ban đêm “nhập nha” và sẵn sàng vác mã tấu giải quyết xung đột băng nhóm. Vấn đề nằm sâu xa ở chính sách đối với người di cư. Hầu hết cư dân Clichy-sous-Bois và các vùng lân cận là thế hệ thứ nhất hoặc thứ hai của thành phần di dân từ các thuộc địa cũ của Pháp. Khu Seine-Saint-Denis có mức độ tập trung dân gốc Arập nhiều nhất Pháp (khoảng 30%). Tỷ lệ thất nghiệp tại những khu ổ chuột này cũng ở mức độ cao nhất Pháp (30% ở La Courneuve, 23% tại Clichy-sous-Bois…). Thập niên 60, theo sau sự cai trị Pháp ở Algeria, khoảng 1 triệu người Arập và dân Berber từ Bắc Phi (chủ yếu Hồi giáo) đã di cư đến Pháp và sống tập trung tại ngoại ô Paris. Do vậy, bi kịch nước Pháp, tương tự một số nước châu Âu, đang đối mặt thật ra là một vấn đề kép: Thành phần di cư nghèo khổ thuộc đối tượng Hồi giáo (Pháp là quốc gia có tỷ lệ Hồi giáo cao nhất châu Âu, 5-10% dân số, với số tín đồ khoảng 3-6 triệu).