Thứ Sáu, 4 tháng 11, 2016

Triết lý sâu sắc của luận sư Ấn Độ: Con người luôn ở trong vòng luẩn quẩn vì 8 mối quan tâm này


Cuộc sống giống như một vòng luẩn quẩn và chúng ta luôn bị xoay quanh bốn niềm hy vọng, tương ứng với bốn sự sợ hãi cho đến khi giác ngộ - tức là khi thoát ra khỏi 8 mối quan tâm trần thế ấy.
Triết lý sâu sắc của luận sư Ấn Độ: Con người luôn ở trong vòng luẩn quẩn vì 8 mối quan tâm này
Ngài Long Thọ (Nagarjuna) là một trong những luận sư vĩ đại nhất của lịch sử Phật giáo. Người ta xem sự xuất hiện của Sư là lần chuyển pháp luân thứ hai của Phật giáo (lần thứ nhất do Phật Thích-ca Mâu-ni, lần thứ ba là sự xuất hiện của giáo pháp Đát-đặc-la).
Triết lý của ngài Long Thọ đại biểu cho nguồn cội không chỉ lịch sử triết lý Ấn Độ mà còn tất cả lịch sử triết học nói chung. Cùng với vốn hiểu biết sâu rộng, ngài đã chỉ ra 8 mối quan tâm trần thế của nhân sinh hiện nay. Giáo viên Phật giáo Judy Lief đã bổ sung thêm những lời nhận xét để đưa ra cái nhìn đơn giản, ngắn gọn nhất về mối quan tâm chủ yếu của cuộc sống nhân sinh.
Hạnh phúc và khổ đau
Một khi chúng ta có được hạnh phúc, không phải cứ vậy mà hưởng thụ, hạnh phúc sẽ đi kèm với nỗi sợ hãi khác: sợ mất đi những gì tốt đẹp chúng ta đang sở hữu. Có rồi lại sợ mất, đó là tâm lý chung của tất cả mọi người.
Khi đau khổ phát sinh, bao nhiêu lời ước nguyện cũng chẳng làm nó biến mất. Chúng ta càng hi vọng nó khác đi, trong lòng càng cảm thấy đau đớn, khó chịu hơn.
Danh tiếng và tầm thường
Ngày nay, con người ngày càng “ham” nổi tiếng. Bởi vậy, chúng ta luôn bị ám ảnh bởi hào quang và bóng tối. Rất khó khăn để tiếp cận một chút ánh sáng, chúng ta cần và phải làm việc vất vả hơn nữa để được công nhận là một người đặc biệt. Khi có được rồi, con người lại sợ hãi, một ngày nào đó lại rơi vào bóng tối, quay trở về số phận tầm thường không ai biết đến.
Ca ngợi và khiển trách
Có một sự thật rằng, con người luôn thích được khen ngợi hơn là đổ lỗi. Nhiều lời khiển trách khiến chúng ta nghi ngờ giá trị của bản thân. Thậm chí, dù mắc sai lầm, nhiều người vẫn cố bao biện cho mình. Khi cứ mải mê tìm kiếm lời khen ngợi, chúng ta vô tình hoặc hữu ý che đậy sai lầm để không ai phát hiện, cố tạo ra lớp mặt nạ hào nhoáng bên ngoài nội tâm tăm tối.
Được và mất
Được và mất luôn tồn tại song song và hiện hữu trong suy nghĩ của mỗi người. Trước mỗi hành động, con người thường cân nhắc: Sẽ được gì và mất gì? Đôi khi, sắp cán đích thành công, chúng ta lại vô tình bị rơi xuống vực thẳm. Hy vọng nhiều, thất vọng càng lớn, lầm tưởng điều gì nhưng kết quả cuối cùng lại hoàn toàn ngược lại, dù được hay mất, chúng ta luôn sống trong sự lo lắng, sợ hãi.
Theo Nguyễn Nguyễn
CafeF/Trí thức trẻ/Lionsroar