Thứ Sáu, 28 tháng 5, 2021

Những kỹ năng sống cần thiết để không bị thụt lùi

 


Rèn luyện kỹ năng sống không bao giờ quá muộn bởi chỉ cần còn tồn tại, chúng ta đều phải cố gắng. Đôi khi, những thức chúng ta cần rèn luyện và học tập lại vô cùng đơn giản, không hề quá sâu xa, khó hiểu.

Kỹ Năng Sống

Các bạn trẻ muốn phát triển bản thân và thành công hơn trong cuộc sống, nhất định không được bỏ qua các kỹ năng sống quan trọng sau:

  • Kỹ năng làm chủ cảm xúc: Cảm xúc là yếu tố chi phối lí trí và đôi khi khiến cho bạn trở nên ủy mị, khó quyết đoán. Đó là lý do tại sao các doanh nghiệp lớn ngày càng coi trọng các bài đánh giá EQ (trí thông minh cảm xúc) hơn là IQ truyền thống. Tự rèn luyện hoặc tham gia các khóa học làm chủ cảm xúc, tự tạo động lực cho bản thân phần nào sẽ giúp bạn chủ động và thành công hơn trong công việc, cuộc sống.
  • Suy nghĩ tích cực: Đây là kỹ năng quan trọng và là tiền đề để hình thành những kỹ năng mềm khác. Suy nghĩ tích cực giúp bạn kiểm soát suy nghĩ của bản thân tốt hơn trong những tình huống khó khăn. Suy nghĩ tích cực giúp bạn tìm ra giải pháp nhanh chóng và hành động chính xác. Ngược lại, tiếp nhận thông tin và suy nghĩ theo chiều hướng tích cực sẽ khiến bạn bị rơi vào trạng thái bế tắc. Cách bạn suy nghĩ còn ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ thể chất của bản thân.
  • Lập mục tiêu & kế hoạch phù hợp: Sẽ có những giai đoạn bạn bị rơi vào khủng khoảng tâm lý. Giai đoạn sau khi tốt nghiệp đại học, giai đoạn trước tuổi 30 hay sau tuổi 45. Chỉ khi nào rơi vào trạng thái đó thì bạn mới nhận ra: mình sống để làm gì và tại sao mình chán nản cuộc sống như vậy. Những người thành công đều hiểu họ phải trải qua những mốc thời gian này và sắm cho mình một mục tiêu cuộc sống và bản kế hoạch chi tiết nhất có thể.
  • Kỹ năng giải quyết vấn đề: Ít có người nào trải qua một cuộc sống êm đềm, không sóng gió. Dù cho bạn bè, người thân hay đồng nghiệp thì cũng có khả năng xảy ra mâu thuẫn. Dù cho ở trường, tại công ty hay ở nhà thì vấn đề cũng luôn hiện hữu. Một tinh thần tích cực, cùng sự tự tin và khả năng quan sát, phân tích sẽ giúp bạn giải quyết mọi sự cố trong cuộc sống một cách êm đẹp.
  • Kỹ năng giao tiếp: Chắc hẳn bạn đã từng nghe câu “nhất quan hệ, nhì tiền tệ”. Việc hoạt ngôn, giao tiếp khéo léo luôn mang đến cho bạn những lợi thế nhất định về việc tạo dựng mối quan hệ, phục vụ tốt cho công việc, đời sống. Ngoài ra, lắng nghe cũng là một phần trong kỹ năng giao tiếp. Lắng nghe chính xác giúp bạn học hỏi được kiến thức từ người khác, giao tiếp phù hợp và thúc đẩy mối quan hệ xã hội.
  • Kỹ năng thấu hiểu và đồng cảm: Thấu hiểu giúp bạn nắm bắt được tâm lý, mong muốn của người xung quanh bạn, tạo dựng mối quan hệ bền vững. Thấu hiểu giúp bạn giải quyết xung đột một cách dễ dàng. Thấu hiểu giúp bạn được đồng nghiệp, công ty trân trọng. Sự đồng cảm là nhân tố làm nên những người kinh doanh và người làm dịch vụ tuyệt vời.
  • Kỹ năng quản lý quỹ thời gian và tiền bạc: Có những người lương 20 triệu nhưng 3 năm đi làm trong tay không có lấy 10 triệu tiết kiệm. Hay những bạn sinh viên 2 tháng nghỉ dịch virus corona ở nhà không hoàn thành được một việc gì ngoài xem phim, chơi game hay lướt facebook, tiktok. Vì thế, nếu học được cách lên kế hoạch về thời gian và chi tiêu tiền bạc bạn sẽ dễ đạt được nhiều thành công trong cuộc sống ngay tại thời điểm hiện tại và tương lai.
  • Ngoài những kỹ năng sống trên, mỗi cá nhân nên đặt ưu tiên rèn luyện và phát triển các kỹ năng khác để thích nghi với môi trường sống, công việc của mình. Bạn có thể tự rèn luyện ở nhà, hay tham khảo từ những blogger có kinh nghiệm hay những khoá học online. Nhưng, không dễ dàng để bạn có thể hiểu và ứng dụng những kỹ năng này vào cuộc sống. Hãy tìm cho mình một người đồng hành, một người thầy để đặt những viên gạch vững chắc cho thành công tương lai của bạn.

26 Câu Nói Tuyệt Vời Có Thể Thay Đổi Cuộc Đời Bạn

 1. Đừng quá khắt khe với chính mình. Sẽ có rất nhiều người sẵn sàng làm điều đó cho bạn. Hãy yêu lấy bản thân mình và tự hào về mọi thứ bạn làm. Thậm chí những sai lầm cũng có nghĩa là bạn đang cố gắng.

2. Càng nói ít, càng nghe được nhiều. – Alexander Solshenitsen

3. Không có hành động tử tế nào, dù nhỏ, lại bị xem là lãng phí. – Aesop

4. Không ai cần đến một nụ cười nhiều như người không thể cho đi nụ cười. – Khuyết danh6. Rất nhiều người không dám nói lên những gì họ muốn. Đó là lý do tại sao họ không có được những gì họ muốn. – Madonna

7. Khi trưởng thành, tôi ngày càng ít quan tâm đến những gì mọi người nói. Tôi chỉ xem những gì họ làm được. – Andrew Carnegie

8. Kiên trì làm việc tốt sẽ mang lại nhiều thứ. Như mặt trời có thể làm tan băng, lòng tốt có thể làm bốc hơi sự hiểu lầm, hoài nghi và thù địch. – Albert Schweitzer

9. Bắt đầu từ hôm nay, hãy đối xử với những người bạn gặp như thể họ sẽ ra đi vào nửa đêm. Hãy cho họ tất cả sự quan tâm, lòng tốt, và sự thấu hiểu mà bạn có. Cuộc sống của bạn sẽ khác đi mãi mãi. – Og Mandino

10. Bạn có thể kết bạn được nhiều hơn trong vòng hai tháng bằng cách quan tâm đến người khác hơn là hai năm cố gắng bắt người khác quan tâm đến bạn. Nói cách khác, muốn có bạn, trước tiên hãy là một người bạn. – Dale Carnegie

Stt Thay ĐỔi
Hãy tự thay đổi bản thân mình


11. Tình bạn là một tâm hồn trú ngụ trong hai cơ thể. – Aristotle

12. Tôi tiến bộ bằng cách ở cạnh với những người tốt đẹp hơn mình và lắng nghe họ. Và tôi giả sử rằng mọi người đều tốt đẹp hơn tôi ở một mặt nào đó. – Henry J. Kaiser

13. Khi bạn ganh tị với những người thành công, bạn tạo ra một lực hấp dẫn tiêu cực đẩy lùi bạn ra khỏi những việc bạn nên làm để thành công. Khi bạn ngưỡng mộ những người thành công, bạn tạo ra một lực hấp dẫn tích cực kéo bạn ngày càng đến gần với con người mà bạn muốn trở thành.- Brian Tracy

14. Tranh cãi với một kẻ ngốc sẽ chứng minh rằng có hai kẻ ngốc. – Doris M. Smith

15. Những người làm việc cùng bạn phản ánh thái độ của bạn. Nếu bạn đa nghi, không thân thiện và hạ mình, bạn sẽ nhìn thấy tất cả những đặc điểm không tốt đó dội lại bạn. Nhưng nếu bạn thể hiện những hành vi đẹp nhất, bạn cũng sẽ thấy được những điều tốt đẹp nhất ở những người làm việc chung với bạn. – Beatrice Vincent

16. Một ông chủ tạo ra sự sợ hãi, một người lãnh đạo tạo ra sự tin cậy. Ông chủ tập trung vào việc đổ lỗi, người lãnh đạo khắc phục sai lầm. Ông chủ biết tất cả, người lãnh đạo đặt câu hỏi. Ông chủ làm cho công việc trở nên cực nhọc hơn, người lãnh đạo làm cho công việc thú vị. Ông chủ chỉ quan tâm đến bản thân mình, còn người lãnh đạo thì quan tâm đến cả nhóm. – Russell H. Ewing

17. Bạn có một món quà có một không hai dành cho thế giới này. Hãy thành thật với bản thân, đối tốt với bản thân, đọc và học về mọi thứ mà bạn quan tấm đến, và hãy tránh xa những người muốn kéo bạn xuống. Khi bạn đối tốt với bản thân và trân trọng mọi thứ xung quanh bạn, bạn sẽ tặng cho thế giới này một món quà tuyệt vời…đó chính là bạn! – Dr. Steve Maraboli

18. Hãy ghi nhớ 3 điều: cố gắng, kiên định, tin tưởng.

Cố gắng cho một tương lai tốt hơn
Kiên định với công việc
Tin tưởng vào bản thân
Và thành công sẽ thuộc về bạn

19. Khi người khác hỏi những điều mà bạn không muốn trả lời, xin hãy cười và nói “tại sao bạn lại muốn biết điều đó?”

20. Bất luận lúc nào khi bạn nghe điện thoại, khi nhấc điện thoại lên xin bạn hãy cười lên, vì đối phương sẽ cảm nhận được nụ cười của bạn!

21. Cuộc sống vốn không công bằng, hãy tập quen dần với điều đó. – Bill Gates

22. Lưỡi không xương nhưng đủ sức mạnh để làm tan nát một trái tim… vì thế hãy cẩn thận với ngôn từ của bạn.

23. Đừng bao giờ cố giải thích vấn đề của bạn với bất cứ ai. Bởi vì những người tin tưởng bạn sẽ không cần điều đó còn những người không thích bạn họ sẽ không tin lời bạn đâu.

24. Nhu cầu cơ bản nhất của con người là nhu cầu thấu hiểu và được thấu hiểu. – Ralph Nichols
25. Cuộc sống giống như một cuốn sách. Một vài chương khá buồn, một số chương hạnh phúc và một số chương rất thú vị. Nhưng nếu bạn chưa bao giờ lật thử một trang bạn sẽ không bao giờ biết được những gì ở chương tiếp theo

26. Tiền xu luôn gây ra tiếng động… nhưng tiền giấy lại luôn im lặng. Vì thế khi giá trị của bạn tăng lên, hãy giữ cho mình luôn khiêm tốn và nói ít đi.

Sưu tầm

9 nghịch lý khó chấp nhận nhưng lại là cách cuộc sống này vốn dĩ vận hành: Chống trả cũng vô ích, đôi khi chấp nhận lại khiến đời thêm nhẹ nhõm hơn

 

9 nghịch lý khó chấp nhận nhưng lại là cách cuộc sống này vốn dĩ vận hành: Chống trả cũng vô ích, đôi khi chấp nhận lại khiến đời thêm nhẹ nhõm hơn


 - Có những sự thật mới nghe qua thì không thấy có lý, nhưng một khi đã hiểu thì sẽ làm thay đổi toàn bộ thế giới quan của bạn. Nhờ đó, bạn mới nhìn nhận cuộc sống bằng con mắt khác, tự tin vượt qua mọi giông bão, thay vì chới với như con tàu chìm dần mà không biết tại sao.

Càng cố thể hiện, càng bớt ấn tượng

Gây ấn tượng chẳng phải việc gì quá khó khăn. Đôi khi, chỉ một cú ném rác vào thùng từ xa mà không cần nhìn cũng giúp bạn có được cái nhìn ngưỡng mộ từ người đối diện.

Bản thân cú ném chẳng có gì đặc biệt, nhưng việc bạn thực hiện điều đó một cách dễ dàng - không cần nhắm, không cần nhìn - cũng đủ để gây ấn tượng. 

Độ ấn tượng = Kết quả/Nỗ lực

Công thức này áp dụng cho hầu hết tất cả mọi việc: đi phỏng vấn, phát biểu trước đám đông, đi hẹn hò…

Chẳng ai thích cố quá để rồi lại quá cố. Bạn càng chật vật để thể hiện, người ta nhìn vào càng không thấy ấn tượng. Muốn ghi điểm với người khác, hãy làm mọi thứ trông thật dễ dàng.

Điểm bạn ghét ở người khác chính là nỗi sợ bạn đang trốn tránh

Đã bao giờ bạn chê bai ngoại hình của một người khác vì cảm thấy bất an về chính ngoại hình của mình chưa?

Hiện tượng này, nhà tâm lý học Carl Jung gọi là "phản ánh", còn đồng nghiệp Sigmund Freud gọi là sự "phóng chiếu". Tuy nhiên, kết quả đều như nhau.

Bạn vô thức phóng chiếu nỗi bất an của mình lên người khác, lấy cơ thể và đồ ăn của họ ra làm trò đùa. Bạn trốn tránh nỗi sợ của bản thân bằng cách giải tỏa căng thẳng nội tâm thông qua một con đường khác.

Chỉ khi buông bỏ cái tôi của mình và học cách khiêm nhường, bạn mới có thể giải quyết tận gốc nỗi sợ và hoàn thiện bản thân mình.

Những người thiếu niềm tin thường không đáng tin

Trên đời này có không ít người hay ghen tuông, xem trộm điện thoại rồi tố cáo người yêu thiếu chung thủy, nhưng cuối cùng lại trở thành kẻ ngoại tình chỉ vài tháng sau đó.

Bạn nhìn thế giới qua đôi mắt của mình, còn người khác cũng nhìn thế giới qua đôi mắt của họ. Chúng ta thường đặt giả thuyết về hành vi của người khác dựa trên hành vi của chính mình. Nếu bạn cảm thấy người khác không đáng tin, khả năng cao là bạn biết người khác không thể tin vào mình.

9 nghịch lý nghe nực cười nhưng lại là cách cuộc sống này vốn dĩ vận hành: Chống trả cũng vô ích, đôi khi chấp nhận lại khiến đời thêm nhẹ nhõm hơn - Ảnh 1.

Bạn thành công vì bạn thất bại

Tại sao những người thành công thường thất bại thảm hại trước khi leo được tới đỉnh? Lý do đơn giản là: Không có thất bại, thành công là điều bất khả thi.

Jack Ma bị KFC từ chối. Michael Jordan bị đuổi khỏi đội bóng rổ của trường cấp 3. Elon Musk bị đánh bật khỏi ghế CEO ở công ty của chính mình. Thậm chí, sản phẩm đầu tiên trong dự án Paypal của vị tỷ phú này còn bị đánh giá là 1 trong 10 ý tưởng kinh doanh tồi tệ nhất, đến mức ông bị đuổi khỏi vị trí CEO Paypal khi đang đi tuần trăng mật.

Những người thành công hóa ra lại không thành công cho lắm, bởi họ đã từng thất bại vài lần. Thành công đến từ sự cải tiến không ngừng và thất bại chính là người thầy giỏi nhất.

Vấp ngã càng nhiều, bạn càng học được nhiều và càng dễ thành công.

Điều bạn sợ nhất cũng là cơ hội lớn nhất để bạn cải thiện cuộc sống

Bạn chỉ có thể trưởng thành nếu rời khỏi vùng an toàn của mình.

Bạn sợ làm quen với người mình thích vì sợ bị từ chối. Tuy nhiên, nếu dám làm, bạn sẽ cải thiện đáng kể kỹ năng giao tiếp và đời sống tình cảm của mình.

Bạn sợ chia sẻ thành quả công việc lên mạng xã hội vì sợ bị dư luận đánh giá. Tuy nhiên, nếu dám làm, bạn có thể sẽ tìm thấy những người cùng chí hướng với mình.

Khi bất đồng quan điểm với người khác, bạn sợ phải xin lỗi và thừa nhận sai lầm. Tuy nhiên, nếu dám làm, mối quan hệ của bạn sẽ được theo chiều hướng tích cực hơn.

Thứ gì càng dễ có, càng ít ham muốn

Tại sao giới nhà giàu trên thế giới sẵn sàng bỏ hàng triệu USD chỉ để mua một chiếc túi xách hay đồng hồ có giá tương đương một căn biệt thự cạnh bờ biển Malibu? Đáp án là sự khan hiếm.

Bạn sẽ coi trọng món đồ hơn nếu nó là thứ không sẵn có. Trong tiềm thức, não bộ sẽ nói với bạn rằng đây chắc hẳn là một thứ đặc biệt, vì thế bạn nên nắm lấy trước khi nó biến mất.

Đây chính là lý do mà các nhà sản xuất như Prada thà đốt túi xách thừa còn hơn giảm giá bán. Bởi lẽ, điều này sẽ giữ nguồn cung sản phẩm ở mức thấp và duy trì giá trị khan hiếm của chúng.

Cuộc sống sẽ trở nên dễ dàng hơn nếu bạn hiểu rõ điều này. Bạn sẽ tránh được cám dỗ từ những lời đề nghị mua hàng giới hạn, cũng như hiểu tại sao việc nói có với mọi thứ sẽ làm giảm giá trị thời gian và công sức của mình.

9 nghịch lý nghe nực cười nhưng lại là cách cuộc sống này vốn dĩ vận hành: Chống trả cũng vô ích, đôi khi chấp nhận lại khiến đời thêm nhẹ nhõm hơn - Ảnh 2.

Lựa chọn càng nhiều, càng bớt thỏa mãn

Khi còn là một đứa trẻ, có lẽ chúng ta đều bị bối rối mỗi khi đọc thực đơn trong quán ăn. Có quá nhiều món để lựa chọn, để rồi cuối cùng chúng ta lại lựa chọn một món ngẫu nhiên và không ngừng tự hỏi những món còn lại có mùi vị như thế nào.

Trong tâm lý học, hiện tượng này được gọi là "quá tải lựa chọn". Càng có nhiều lựa chọn, bạn càng khó thỏa mãn, bởi lúc nào bạn cũng nghĩ "lỡ những phương án kia mới tốt hơn thì sao?".

Không có lựa chọn nào thì khổ, nhưng có quá nhiều lựa chọn cũng chỉ đem lại sự tiếc nuối. Vì vậy, đừng nghĩ quá nhiều mà hãy để mọi thứ diễn ra một cách tự nhiên.

Hằng số bất biến duy nhất trong cuộc đời là sự thay đổi

Heraclitus - nhà triết học thời Hy Lạp cổ đại - từng nói: "Không có gì tồn tại mãi mãi". Từ những tế bào tí hon trong cơ thể đến vị trí của các hành tinh trong vũ trụ, mọi thứ đều thay đổi theo thời gian".

Vì vậy, bạn cần nhớ 2 bài học sau:

Đầu tiên, tận hưởng những giây phút tươi đẹp khi chúng còn tồn tại. Ánh nắng ấm áp rồi sẽ bị mây mù che lấp. Tuần trăng mật lãng mạn rồi sẽ phải nhường chỗ cho thực tế cơm áo gạo tiền của hôn nhân. Khoản đầu tư đang ăn nên làm ra, nhưng chưa ai biết trước được thị trường ngày mai sẽ như thế nào.

Thứ hai, mọi chuyện dù tồi tệ đến đâu cũng sẽ không kéo dài mãi. Một ngày làm việc buồn chán rồi sẽ phải kết thúc. Trái tim đau đớn vì thất tình rồi sẽ được chữa lành. Ngay cả người hàng xóm phiền nhiễu cạnh nhà rồi cũng sẽ chuyển đi hoặc từ giã cõi đời.

Bởi lẽ, thứ duy nhất bất biến trong cuộc đời này là sự thay đổi.

9 nghịch lý nghe nực cười nhưng lại là cách cuộc sống này vốn dĩ vận hành: Chống trả cũng vô ích, đôi khi chấp nhận lại khiến đời thêm nhẹ nhõm hơn - Ảnh 3.

Khó khăn khiến bạn hạnh phúc

Bản thân khó khăn không đem lại hạnh phúc cho bạn. Thứ khiến bạn thực sự vui vẻ chính là quá trình giải quyết khó khăn.

Chẳng hạn, giảm cân cũng là một loại khó khăn. Không phải ai cũng dễ dàng đi tập và ăn kiêng. Thế nhưng, khi vượt qua được những trở ngại này, bạn sẽ cảm thấy tự hào về bản thân và cách mình giải quyết vấn đề. Bạn sẽ cảm thấy hạnh phúc.

Tuy nhiên, điều này sẽ không kéo dài mãi mãi. Khi vượt qua được một khó khăn, bạn sẽ cần khó khăn mới để giải quyết.

Cuộc sống sẽ trở nên nhàm chán nếu thiếu đi những thách thức thú vị. Vì thế, mỗi khi khó khăn xuất hiện, đừng tỏ ra tức giận hay buồn bã, bởi đó chính là cơ hội để bạn tiến gần hơn đến hạnh phúc.

(Theo Medium)

Thứ Hai, 24 tháng 5, 2021

MÌNH CHỌN NGHỀ HAY NGHỀ CHỌN MÌNH ?

 

MÌNH CHỌN NGHỀ HAY NGHỀ CHỌN MÌNH ?

Mấy ai ra trường được làm việc đúng với chuyên môn đào tạo?

Mấy ai làm đúng chuyên môn đào tạo cảm thấy hứng thú với công việc?

Mấy ai cảm thấy có hứng thú với công việc và nghĩ rằng mình thật sự giỏi?

Mấy ai thấy mình đủ giỏi đồng thời hài lòng với thành quả hiện tại?

Rất hiếm người có thể trả lời YES cho tất cả.

Lỗi không phải do ta, lỗi là ở cái nghề nó không chọn ta. Hay nói cách khác, lỗi do "định mệnh".

Minh chon nghe hay nghe chon minh.
Mình chọn nghề hay nghề chọn mình.

ĐAM MÊ:

Có giai đoạn, khắp hang cùng ngõ hẻm, từ phố thị đến miền quê, từ mạng xã hội đến báo chí, từ người thành đạt đến học sinh, từ chuyên gia đến giang hồ mạng, ai ai cũng thao thao bất tuyệt về đam mê.

Do đó, vô hình trung, đam mê được mặc định là một cái gì đó to lớn, không có nó chắc chắn ta sẽ không thành công. Nó như là một điều kiện cần cho thành công, còn điều kiện đủ là .."gặp thời".

Và rồi, người người nhà nhà như con thiêu thân lao vào ngọn lửa "đam mê". Đặc biệt, với sự "lãnh đạo" tuyệt vời của các tổ chức đa cấp, nó biến thành một món hàng vô cùng giá trị. Nó được bán, được lan tỏa, được đón nhận một cách cực kỳ nhiệt tình mà không hề có bất cứ một sự "phản kháng" nào.

Thật là một sai lầm tai hại!

Ta có thể không biết ai là người đã phát ngôn ra câu: "Hãy theo đuổi đam mê, thành công sẽ theo đuổi bạn". Nhưng, chúng ta hẳn đã thấy xung quanh có rất nhiều người: "Đã theo đuổi đam mê, và nợ nần đang theo đuổi họ".

Đam mê là gì? Đam mê khác với sở thích như thế nào?

Ta rất thích đá bóng cùng lũ bạn. Thế chẳng lẽ đam mê của ta là đá bóng. May mà nhiều người trong chúng ta không coi nó là đam mê, chứ không giờ này chắc Công Phượng cũng "mệt mỏi" với chúng ta lắm.


SỞ TRƯỜNG:

Sở trường là "một thứ gì đó" dễ khái niệm hơn, nhưng mấy ai trả lời được sở trường của ta là gì?

Lỗi không hẳn do ta. Ở một môi trường còn nặng tính giáo điều và "cào bằng" - một bầy cừu phải  giống nhau và cùng đi về một hướng, thì quá trình phát hiện sở trường, từ khi còn mẫu giáo đến hết những năm phổ thông, không phải là điều ai cũng làm được.

Để rồi đến khi bước chân vào ngưỡng cửa đại học, ta lại tự hỏi nhau rằng: "Học ngành gì bây giờ?"

Dấu hiệu rõ nhất của việc không phát hiện ra sở trường bản thân thể hiện ở "tâm trạng":

- Lúc thì cảm thấy ta chẳng có gì nổi trội ngoài chơi game, đọc truyện, xem phim.

- Lúc thì cảm thấy ta cái gì cũng nổi bật, cái gì cũng biết, chỉ có điều chưa "thèm" hoặc chưa có "cơ hội" để làm.

Nguyên tắc chọn nghề bắt buộc ta phải biết mình giỏi cái gì và dở cái gì. Nó là "nghề trong mình". Nếu không hiểu được mình, mọi lời khuyên về chọn nghề đều là "vớ vẩn".

Có quá muộn không khi ta chưa thể phát hiện được sở trường bản thân ở tuổi trưởng thành?

Câu trả lời thẳng thắn nhất là: đã muộn.

Nhưng, muộn còn hơn không, ít ra ta còn cơ hội để suy nghĩ thêm lần nữa.

Có người "vô tình" phát hiện ra sở trường bản thân sau khi ra trường và làm việc.

Có người "cố tình" phát hiện ra sở trường bản thân qua các giai đoạn nhảy việc và chuyển nghề.

Dù "vô tình" hay "cố tình" nó đều phụ thuộc nhiều vào may mắn. Nhưng, nếu may mắn nó "ghét" ta thì sao?

Có rất nhiều "công cụ" khá hiệu quả trong việc giúp ta hiểu ta là ai: đơn giản nhất là thuyết 4 loại khí chất, huyền bí nhất là thuyết ngũ hành, cụ thể và chính xác nhất là trắc nghiệm MBTI.

Nhờ những "công cụ" đó, ta lọc ra những "năng lực" nào mình có thể giỏi. Sau đó, là quá trình lao đầu vào làm thử từng loại "năng lực" được khuyến nghị. Đến cuối cùng, rồi ta cũng sẽ phát hiện ra đâu là những "siêu năng lực" của ta.


NHU CẦU XÃ HỘI:

Đây là lý do cho quyết định "tư vấn nghề" mà "người khác" dành cho ta.

Nhưng để hiểu nhu cầu xã hội và nhu cầu trong tương lai, cần một tầm nhìn và hiểu biết nhất định về kinh tế, xã hội.

Việc "tư vấn" dựa vào những gì diễn ra trước mắt vô tình đã đem lại một "hiệu quả" rất lớn cho xã hội: ngành thì đất chật người đông, ngành thì thiếu nhân tài trầm trọng.

Để một bạn trẻ dưới 18 tuổi tự nhận thức được các vấn đề xã hội và kinh tế vĩ mô, có lẽ là điều không khả thi. Vì đó, mà ở các nước phát triển, việc thầy cô - cha mẹ giúp đứa trẻ định hướng tương lai, ngoài khả năng nhìn nhận sở trường còn là khả năng tư duy xã hội. Nhưng ở nước ta, ngoài những bậc cha mẹ (và cả giáo viên) may mắn được học hành tử tế, còn lại hầu hết đều đưa ra những lời khuyên nghề nghiệp khiến sau nay đứa trẻ đó phải liên tục chuyển nghề.

Ở đây, chúng ta không bàn về khả năng nhận thức hay tư duy của các bậc phụ huynh. Đất nước ta còn quá nhiều những hệ lụy sau chiến tranh, nên việc học hành của thời trước không được tạo điều kiện tốt. Nó thể hiện sự thiếu may mắn hơn là khả năng.

Vậy nhu cầu xã hội trong nghề nghiệp được hiểu cơ bản như thế nào?

1 - Nghề nghiệp của ta tạo ra hay phục vụ gì cho xã hội, nói cách khác mọi người cần gì ở ta?

2 - Nghề nghiệp của ta có thiết yếu hay không? Nói cách khác, nếu xảy ra các vấn đề xã hội (chiến tranh, dịch bệnh, suy giảm kinh tế, thiên tai v.v..), nghề nghiệp đó còn tồn tại hay không?

3 - Nghề nghiệp đó tương ứng với tầng nhu cầu nào trong tháp nhu cầu Maslow? Nó phù hợp ở môi trường và những đối tượng nào?

4 - Nghề càng ít nhu cầu hoặc nhu cầu không thiết yếu thì yêu cầu kỹ năng càng cao và rất khó thành công. (Thể thao, game thủ, diễn viên, ca sĩ v.v..)

5 - Nghề có nhiều nhu cầu hoặc nhu cầu thiết yếu nhưng "kén người làm được" thì thành quả (thu nhập, địa vị ..) càng cao. (Bác sĩ, kỹ sư cao cấp, giảng viên, chính trị v.v..)

6 - Nghề có quá nhiều người làm được thì thành quả đạt được càng thấp và khó khăn do cạnh tranh.


MÌNH CHỌN NGHỀ HAY NGHỀ CHỌN MÌNH?

Nếu ta chọn nghề theo sở trường thì đó là nghề chọn mình.

Nếu ta chọn nghề theo nhu cầu xã hội thì đó là mình chọn nghề.

Nếu ta chọn nghề theo đam mê thì khả năng rất cao đến một ngày nào đó, ta sẽ tự hỏi: mình chọn nghề hay nghề chọn mình?

Thực ra, để quyết định một nghề nghiệp ta sẽ theo đuổi cả đời không phải là điều dễ dàng. Nó cũng khó giống như chọn vợ (chồng) vậy, chọn một người phù hợp hoàn toàn là điều "gần như chỉ có trong mơ".

Vậy, chọn làm sao để được một nghề phù hợp nhất mới là điều đáng bàn.

Theo tư duy thông thường, đầu tiên là từ sở trường vạch ra danh sách nghề có thể làm được. Sau đó so sánh với nhu cầu xã hội và chọn ra nghề tốt nhất mà ta có thể làm được. Bước cuối cùng là lao đầu vào  học và làm cật lực, để biến nó thành đam mê, khi ta nhận được nhiều thành quả, và cảm thấy ta thật sự giỏi với nó.

Đam mê có thể được hình thành từ nhiều "nguồn" khác nhau: thần tượng, tình yêu, biến cố, sở thích, hội nhóm, sự công nhận, lời khen v.v.. Và đam mê là thứ có thể thay đổi liên tục dựa trên sự trải nghiệm của bản thân. Do đó, đam mê nó quyết định sự thành công đến mức nào của một người, hơn là quyết định một người nên theo nghề nghiệp nào.

Tham khảo thêm: Rèn Luyện Đam Mê.

Chọn nghề, chọn bạn hay chọn vợ (chồng) đều khó khăn. Nhưng, nếu chúng ta có sự suy xét nhất định, ta có thể chọn được những gì phù hợp nhất với bản thân.

Thứ Bảy, 22 tháng 5, 2021

NHO GIÁO VÀ KHỔNG HỌC VỚI THỜI ĐẠI CHÚNG TA

 

 

PHAN NGỌC(*)

 


Phan Ngọc. “Nho giáo và Khổng học với thời đại nước ta”. Tạp chí Nghiên cứu tôn giáo, số 5-2001, tr. 50-54.


 

Vấn đề Nho giáo hết sức rắc rối. Theo như tôi biết, cho đến nay, không chỉ ở Việt Nam mà khắp thế giới đều có sự lẫn lộn giữa Tống Nho là học thuyết được Trung Quốc, Việt Nam, Triều Tiên theo với Khổng học là triết học do Khổng Tử sáng lập. Với chúng ta, điều này càng thêm rắc rối khi chính Hồ Chí Minh lại thường nói đến Đức Khổng Tử vĩ đại, và một số nơi tự bảo mình theo Khổng Tử nhưng không phải vì thế mà trở thành lạc hậu, trái lại là những khu vực tiến mạnh nhất và nhanh nhất trên con đường hiện đại hoá. Cho đến nay trong cách đánh giá Nho giáo, tuy vô số sách đã viết và có những hội nghị quốc tế đã bàn, nhưng vẫn chưa có ý kiến thống nhất. Sở dĩ thế là vì công việc nghiên cứu Nho giáo hãy còn thiếu một cách nhìn theo nhận thức luận (epistemology) để phân biệt, trong cái được gọi chung là Nho giáo, nhiều bộ phận khác nhau và đối lập nhau triệt để, đòi hỏi ta phải xét riêng trên cơ sở tư liệu sách vở, đồng thời đối chiếu với hoàn cảnh xã hội của từng nước cụ thể trong từng giai đoạn cụ thể.

I. KHỔNG HỌC

Trước hết phải phân biệt Nho giáo với cái phần được gọi là Khổng học. Tài liệu gốc để hiểu Nho giáo là Ngũ kinh (Kinh Thi, Kinh Lễ, Kinh Dịch, Kinh Thư, Kinh Xuân thu), còn tài liệu gốc để hiểu Khổng học là Luận ngữ. Ta lại cần phân biệt ở Khổng Tử hai con người khác nhau, một thầy dạy văn hóa cổ để kiếm sống và một nhà triết học có mục đích rõ ràng là truyền bá một học thuyết riêng của mình trên cơ sở giảng dạy văn hoá cổ.

Trước hết Khổng Tử là một thầy học phải kiếm sống bằng nghề dạy văn hóa cổ với một mục đích cụ thể là để làm quan, bởi vì ở thời của ông, muốn làm quan phải học văn hóa cổ, đây là điều hết sức đặc biệt của những nước Đông Á, lấy học vấn làm nền tảng trị nước. Ngoài Đông Á ra, chuyện phải học để làm quan chỉ được quy định ở Châu Âu từ thế kỷ XIX, còn trước đó, người ta dựa vào giai cấp, tôn giáo, không dựa vào học vấn. Một khi phải kiếm sống bằng nghề dạy văn hóa cổ, dĩ nhiên Khổng Tử phải giảng về những công trình xưa. Điều chắc chắn là ông đã rút gọn Kinh Thi và Kinh Thư từ chỗ quá phức tạp xuống thành hai tác phẩm ngắn gọn, dễ học. Còn về những công trình khác thì hết sức đáng ngờ. Điều chắc chắn là Kinh Xuân Thu xuất hiện sau khi Khổng Tử chết do các học trò của ông nhân danh ông viết ra, cho nên không thể thuộc số sách ông dạy. Cũng vậy Kinh Dịch không phải sách ông dạy. Trong toàn bộ Luận ngữ chỉ có một câu nói đến Kinh Dịch, nhưng khảo chứng học đời Thanh đã bác, nói chữ ấy không phải là "dịch" mà là "diệc" nghĩa là "cũng". Vậy Kinh Dịch không thuộc nội dung được dạy. Còn Kinh Lễ tuy có được nhắc đến trong Luận ngữ, nhưng hiện nay chỉ có Lễ kí, trong đó một phần lớn là những chuyện các môn đệ kể lại những lời bàn của Khổng Tử, chứ không phải là một kinh như kiểu Kinh Thi, Kinh Thư. Nội dung của Nho giáo với tư cách một học thuyết sau này được truyền bá là một thứ thuyết vạn vật hữu linh (animism) chung cho nhân loại cổ đại trong đó nói đến quan hệ giữa con người với mọi vật. Nhưng vì quan niệm ấy nẩy sinh ở Trung Quốc, cho nên nó cũng đổng thời được cấu trúc hoá lại kiểu Trung Quốc trong cái sơ đồ Âm Dương, Ngũ Hành, Bát quái, Bói toán, được tổ chức theo một thứ tôn ti, trong đó các hành động của vua chúa liên quan tới các hiện tượng của trời đất, các điềm báo trước, v.v... Đó là nội dung Khổng Tử dạy. Nội dung này không phải của riêng Khổng học mà là chung cho các trường phái thời Chiến quốc: Đạo học, Ngũ Hành, Âm Dương, Bói toán, Xem tướng, Đoán mộng, v.v...

Cái phần làm thành học thuyết của Khổng Tử là một sự lựa chọn độc đáo được ghi lại trong Luận ngữ. Và chỉ công trình Luận ngữ mới là tiêu biểu cho học thuyết của ông. Mọi công trình khác, trừ đoạn mở đầu của Đại học được mọi người cho là của ông vì nó khẳng định một trình độ tư duy nhất quán với Luận ngữ còn mọi công trình khác cần phải được gạt ra, nếu ta muốn tìm hiểu phần đóng góp của Khổng Tử với tư cách nhà triết học.

Một sự khảo sát Luận ngữ theo quan điểm ngữ văn cho thấy hai điều:

Thứ nhất, sự đối lập dứt khoát giữa lập trường triết học của ông là bất khả tri với "linh hồn giáo cổ đại". Trong tác phẩm Luận ngữ không có một câu nào nói đến quan hệ giữa trời đất với con người, không nói đến cái chết, thần linh, các điềm báo trước, bói toán, chuyện quái lạ. Không những ông không nói đến mà còn chống lại. Thái độ bất khả tri này được khẳng định rõ ràng ở Tuân Tử, là người thừa kế mặt duy vật của ông. Không phải vô cớ mà Tuân Tử hết sức đề cao Khổng Tử nhưng lại kịch liệt mạt sát Mạnh Tử, tuy cả hai người đều tự xưng là thừa kế Khổng Tử. Tuy Khổng Tử có nói đến "mệnh trời", nhưng khái niệm này chẳng qua chỉ là khẳng định giới hạn nhỏ bé của ông trong việc thay đổi xã hội trước mắt và sự bất lực của mình, cũng như ta nói "trời mưa, trời gió, số trời" mà thôi chứ không chứa đựng một hàm nghĩa huyền bí nào hết.

Cũng vậy, trong Luận ngữ không hề có một câu nào chứng minh Khổng Tử là người chủ trương chế độ quân chủ chuyên chế, chiến tranh xâm lược, nhân dân phải chấp nhận nghèo khổ, phụ nữ là thua kém nam giới. Đồng thời ông cũng không chủ trương học thuyết mình là một quốc giáo mà chỉ dành cho một số ít người có ý thức trau dồi mình để trở thành người quân tử nhằm đem lại hoà bình hạnh phúc cho dân khi được sử dụng vào việc trị dân. Trái lại trong Luận ngữ có nhiều câu khẳng định những điều ngược lại.

Khổng Tử muốn xây dựng một học thuyết để đem đến yên ổn, hoà bình cho xã hội, nhưng lại không gây xáo trộn to lớn. Ông quy toàn bộ giáo dục về tu thân. Trong Luận ngữ chẳng hạn, có 11 câu bàn về Kinh Thi nhưng cả 11 câu đều được giải thích theo hướng giúp người ta tu thân. Về các kinh khác cũng vậy.

Con đường tu thân của ông không xuất phát từ một tiền đề thần bí nào hết. Trước hết, phải sử dụng giác quan để nhìn và nhận xét. Do đó ông đề cao việc học. Cái gì giác quan không nhận thấy được thì ông gạt ra. Do đó ông không nói đến thần linh, cái chết, những quan niệm của thuyết vạn vật hữu linh. Một khi đã học thì phải suy nghĩ để tìm quan hệ. Do đó học trò của ông phải từ một góc mà suy ra được ba góc còn lại ông không dạy tiếp. Trong các quan hệ này có những quan hệ không thay đổi từ khi con người tồn tại cho đến nay, và ông xây dựng những chữ để hướng dẫn con người trong các hành vi này. Đã là người thì tất yếu có cha mẹ cho nên phải có chữ Hiếu; phải có anh chị em cho nên có chữ Đễ; phải có bạn bè và quan hệ giữa người với người cho nên phải có chữ Tín, phải có người trên kẻ dưới cho nên phải có chữ Trung. Các chữ này không phải tách rời nhau, độc lập đối với nhau, mà đều bị chi phối bởi một lưới những quan hệ qua lại, không có tình trạng một chiều. Trước hết có chữ Lễ là những quy tắc đã được xác lập. Thứ hai có chữ Nghĩa chỉ cách thực hiện đúng đắn. Thứ ba có chữ Trí là sự thông minh, biết đối phó thích hợp trong những hoàn cảnh khó khăn. Thứ tư có chữ Liêm là thái độ không mưu lợi ích riêng. Khi một người thực hiện được các đòi hỏi về tu thân này thì anh ta sẽ đạt đến cái tiêu chuẩn cao nhất của lí tưởng Khổng giáo là chữ Nhân.

Quan điểm tu thân này xuất phát từ chính mình, cái đó Khổng Tử gọi là tính nhất quán của học thuyết ông. Tính nhất quán ấy là gồm trong hai chữ Trung và Thứ. Chữ Trung là làm hết sức mình, và Thứ là xuất phát từ chính yêu cầu của mình: "Điều gì mình muốn người ta làm cho mình, thì làm cho người khác. Điều gì mình không muốn người ta làm cho mình thì mình đừng làm cho người khác".

Đặc biệt, Khổng Tử vì chống lại thứ đạo lí một chiều, chỉ có một bên hưởng và một bên phải phục vụ cho nên chủ trương hai khái niệm là Thời và Trung Dung. Chữ Thời là "thích hợp với hoàn cảnh cụ thể" không có gì là cố định cả. Khái niệm Hiếu, Trung, Lễ chẳng hạn, thay đổi theo từng giai đoạn lịch sử, từng hoàn cảnh xã hội cụ thể, những điều thời Khổng Tử cho là đúng không nhất thiết là đúng cho ngày nay. Khái niệm Trung Dung là có mức độ vừa phải, không cực đoan.

Quan điểm tu thân của Khổng Tử là nhằm đào tạo những con người góp phần xây dựng xã hội dưới đất, đem đến no ấm cho mọi người, không phải nhằm một lí tưởng xa vời, lên Niết Bàn hay lên Thiên Đường, và con người tu thân là để thay đổi xã hội bằng tấm gương của mình và hành động của mình. Quan điểm ấy khác các quan điểm đã có xuất phát từ một tiên đề không có cách gì chứng minh như Chúa, cái Thiện tuyệt đối. Nó không mang tính giai cấp, cũng không bó hẹp vào một chế độ xã hội, dù đó là quân chủ, dân chủ, hay chủ nghĩa xã hội. Trong bất cứ xã hội nào, con người cũng phải tu thân, và tu thân là để đổi mới xã hội đem đến hoà bình hạnh phúc cho mọi người. Muốn tu thân thì phải học không biết mỏi, lo trước vui sau. Hồ Chí Minh đề cao Khổng Tử là vì thế, thậm chí nói phải đọc sách Khổng Tử để tu thân và đọc sách Lênin để làm cách mạng. Đối với người cộng sản Việt Nam, dù có giành được độc lập, đất nước vẫn còn rất nghèo nàn, lạc hậu, đói khổ chưa chấm dứt, con người cách mạng phải đi con đường tu thân để cải tạo xã hội. Mà chỉ có Khổng Tử mới đặt được vấn đề tu thân đầy đủ và nghiêm chỉnh như vậy. Đó là điểm ưu việt của Khổng Tử bên cạnh nhiều thiếu sót của ông trong một xã hội Trung Hoa cách đây hai nghìn năm trăm năm.

II. NHO GIÁO

Nho giáo không phải là Khổng học. Nho giáo đời Hán là một sự quay trở về linh hồn giáo trước Khổng Tử khi lấy năm kinh làm đối tượng để học tập và thi cử. Và từ đó về sau Nho giáo là một hỗn hợp của Âm Dương, Ngũ Hành, Bói toán, lí thuyết quan hệ giữa Trời, quỷ thần với Người, chuyện tai biến, chuyện quái lạ... là những điều Khổng Tử tránh không nói đến. Xuất phát từ quan hệ giữa Trời và Đất trong đó Trời là Dương, Đất là Âm, Hán Nho xây dựng thuyết Tam cương để bắt bầy tôi lệ thuộc vào vua, làm cơ sở cho chế độ quân chủ chuyên chế và sự thống trị của bộ máy quan liêu, bắt con lệ thuộc vào cha, vợ lệ thuộc vào chồng, biện hộ cho chế độ bất công. Đây chẳng qua là mượn quan hệ giữa Trời và Đất xây dựng một lí thuyết về đẳng cấp kiểu Bà La Môn giáo mà thôi.

Khổng học chỉ có thể là học thuyết cho một thiểu số trí thức. Bởi vì, nó quá trí tuệ. Toàn bộ Luận ngữ không nhắc đến trái tim biểu hiện bằng chữ "tâm" mà chỉ nói đến "chính mình". Mạnh Tử đã tìm cách bổ cứu khi dùng chữ "tâm" 150 lần (cái tâm của đứa trẻ thơ, cái tâm đã mất, giữ lấy cái tâm...). Nhưng từ đời Hán đến đời Tống, Nho giáo chỉ là một học thuyết để đào tạo quan lại mà thôi. Còn nhân dân thì theo cái "tâm" được biểu hiện trong Đạo giáo và nhất là trong Phật giáo. Để cứu vãn một Nho giáo trên đà suy vong, Tống Nho xây dựng lại Nho giáo, đưa siêu hình học Đạo giáo (Âm Dương, Ngũ Hành, Lí, Khí) vào, và mượn một lôgic Phật giáo, một tâm lí học Phật giáo để bổ cứu cho những thiếu sót hiển nhiên của Khổng học. Kết quả Tống Nho đã thắng Phật giáo, Đạo giáo, và trở thành học thuyết chính thống của Nho giáo về sau. Nhưng Tống Nho được xây dựng để bảo vệ một đất nước yếu về quân sự trước nạn xâm chiếm của người Kim đã chiếm Hoa Bắc vào năm 1127 và nạn xâm chiếm của người Mông Cổ sẽ làm chủ toàn bộ Trung Hoa vào năm 1276. Vì vậy, Tống Nho chỉ có thể tạo nên một thứ Nho giáo cực kì giáo điều, chết cứng, tự túc tự mãn với ba đặc điểm (kinh tế tự túc, chế độ quân chủ cực quyền, sự phong bế về ngoại giao và ngoại thương), những điều tất yếu dẫn tới sự suy sụp của ba nước theo Tống Nho là Việt Nam, Trung Quốc và Triều Tiên.

III. NHO GIÁO VIỆT NAM

Nho giáo Việt Nam vào thời Pháp xâm lược là Tống Nho. Và suốt lịch sử Việt Nam không biết đến một Nho giáo nào khác ngoài Tống Nho. Đặc biệt khi Gia Long lên ngôi, mọi cải cách tiến bộ thời Tây Sơn đều bị bỏ: chữ Nôm mất địa vị, chữ Hán được tuyên bố là chữ viết chính thức, các giáo sĩ Công giáo bị cấm hoạt động, việc buôn bán của ngoại kiều bị cản trở để quay trở lại chế độ tự túc, bế quan tỏa cảng. Đồng thời, việc giáo dục theo hẳn Tống Nho. Nhưng đó là chuyện triều đình. Còn Nho giáo trong lòng người dân Việt Nam là theo bản sắc văn hoá Việt Nam. Cho nên Nho giáo Việt Nam chỉ có hình thức Tống Nho mà thôi, còn nội dung là vẫn theo yêu cầu của bản sắc văn hoá dân tộc.

1. Nho giáo Trung Quốc không nói đến nước, chỉ nói đến vua, triều đình, còn Nho giáo Việt Nam là Nho giáo vì Tổ quốc. Vua và triều đình Việt Nam không phải là người sở hữu nước như ở Trung Quốc. Tên gọi của Trung Quốc trước 1911 như Hán, Đường, Tống... là tên gọi của triều đại. Ở Việt Nam, tên Đại Việt chẳng hạn là chung cho nhiều triều đại từ Lý đến Trần, Lê. Triều đình và ông vua chỉ là người quản lí nước không phải người sở hữu nước. Cho nên chữ Trung của Việt Nam là trung với nước, và Việt Nam có khái niệm Đại hiếu là hiếu với dân với nước mà Nho giáo Trung Quốc không có. Với khái niệm "trung hiếu" này, nước Việt Nam là nước duy nhất trên trái đất mặc dù đất nhỏ, dân nghèo và gần Trung Quốc, đã đánh bại mọi kẻ thù giữ vững độc lập trong những hoàn cảnh không một nước nào làm được. Đối với Việt Nam, lòng hiếu với cha mẹ chỉ là "Tiểu hiếu", mà lòng hiếu với Tổ quốc Việt Nam, nhân dân Việt Nam mới là Đại hiếu. Trường hợp Nguyễn Trãi, Hồ Chí Minh và mọi người cách mạng rời khỏi cha mẹ, gia đình chính là để thực hiện Đại hiếu. Cũng vì ông vua không phải nguời sở hữu đất nuớc cho nên khi một ông vua cắt đất cho nuớc ngoài như Tự Đức hay quỳ gối truớc nuớc ngoài nhu Chiêu Thống thì nhân dân chống lại, đòi "moi gan, uống máu" ông vua. Do đó, cũng là học Nho giáo cả, nhung các nhà Nho Việt Nam tham gia mọi phong trào chống Pháp, và số nhà Nho hi sinh cho sự nghiệp cứu nuớc là không thể kể hết. Ngục tù Côn Đảo có một thời đầy những nhà Nho ưu tú nhất nuớc. Sau đó lại có hiện tuợng những nhà Nho vào Đảng Cộng sản (Đặng Thúc Hứa, Hồ Tùng Mậu, Võ Liêm Sơn...), và thế hệ học Nho giáo trong gia đình lãnh đạo Đảng cộng sản (Hồ Chí Minh, Trần Phú, Truờng Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp...). Tôi không thấy hiện tuợng này ở Trung Quốc.

2. Xã hội, đất nuớc Việt Nam xây dựng trên sự tồn tại của làng xã. Làng xã đóng một vai trò tự quản về mọi mặt: kinh tế, xã hội, tôn giáo, chính trị. Nó lo cho đời sống dân làng và chỉ có quan hệ gián tiếp với bộ máy quan lại của triều đình. Đặc điểm này tồn tại suốt lịch sử tạo nên một nuớc Việt Nam trong đó quyền lực của bộ máy quan liêu, của triều đình khá nhỏ bé. Không phải vua chúa không muốn chống lại nhung nếu quan liêu hoá toàn bộ đất nuớc theo kiểu Trung Hoa thì vấp phải sự chống đối cực kì to lớn và triều đình nhất định sụp đổ. Đặc điểm thứ hai này khiến nó khắc hẳn cái làng Trung Quốc. Chế độ ruộng công của làng Việt tạo nên sự gắn bó của dân làng, đồng thời biến mỗi làng thành một pháo đài chống ngoại xâm. Nho giáo nhập vào cái cơ chế làng xã, lập tức bị làng xã hoá, và nhà Nho truớc hết là nguời trí thức của làng, lo cho cuộc sống dân làng, rất khác nhà Nho Trung Quốc chỉ nhập vào chế độ quan liêu của triều đình, không biết đến làng. Làng Việt với tu cách cộng đồng của những nguời lao động gắn bó với nhau bằng máu mủ (thờ cúng tổ tiên), bằng tôn giáo (các thành hoàng phần lớn đều là những nguời có công với làng với nuớc), bằng một truyền thuyết chung về cha mẹ (Lạc Long Quân, Âu Cơ), bằng hợp tác trong lao động, suớng khổ có nhau. Vì vậy, chính làng Việt là cái lò tạo nên tinh thần dân chủ và có xu huớng xã hội chủ nghĩa cái mà trong Nho giáo không có và cấp cho những nguời theo Nho giáo Việt Nam ý thức trách nhiệm sống chết cho quê huơng. Làng giăng ra cái thiên la địa võng của chiến tranh nhân dân làm mọi kẻ thù trên hai nghìn năm nay khiếp vía.

3. Đặc điểm thứ ba là gia đình Việt Nam với vai trò quan trọng dành cho phụ nữ. Hết sức khác phụ nữ Trung Quốc, phụ nữ Việt Nam chưa hề bị ai bó chân, làm chủ thuơng nghiệp, nông nghiệp, nắm tài chính và quản lí tài sản gia đình, lo giáo dục con cái, gần nhu là nguời chủ yếu lo việc buôn bán của gia đình và giao dịch với họ hàng, lại tự do chăm sóc cho cha mẹ đẻ, trong khi cô dâu Trung Quốc khó khăn lắm mới được về thăm cha mẹ mình. Anh chàng rể Việt Nam có trách nhiệm với gia đình vợ chẳng kém gì với gia đình mình... Chính những quyền uu tiên mà phụ nữ Việt Nam đuợc thừa hưởng đã tạo nên nguời phụ nữ Việt Nam anh hùng và một đất nuớc toàn phụ nữ anh hùng mà lịch sử thế giới chưa hề biết đến.

Như vậy, Nho giáo Việt Nam chỉ giống Nho giáo Trung Quốc về cách học, cách thi cử mà thôi. Còn trong thực tế Nho giáo vào Việt Nam đã bị tiếp biến theo văn hoá Việt Nam để trở thành Nho giáo Việt Nam. Trong sự tiếp biến ấy, nét nổi bật là ý thức cộng đồng có xu huớng dân chủ và xã hội chủ nghĩa xuất phát từ quyền lợi chung của nguời lao động, và biểu hiện tiêu biểu nhất của nó là văn hoá dân gian mà ở đó, về mặt hệ tư tuởng, ngôn ngữ, hình thức nghệ thuật cảm xúc nghệ thuật đều không phải là Tống Nho, thậm chí chống lại Tống Nho triệt để./.



(*)Nhà nghiên cứu văn hóa học và ngôn ngữ học, Hà Nội.

Người Bắc Âu: Sống đơn giản, ít ham muốn vật chất để tâm linh an bình

 Người Bắc Âu được đánh giá là những người “biết sống” nhất trên thế giới này. Họ sống rất tự nhiên, đơn giản và hạnh phúc – chính là những điều mà con người hiện đại mong muốn hướng tới.


 Bài trước Bắt đầu một cuộc sống đơn giản là chìa khóa vàng dẫn đến hạnh phúc

Để ý một chútngười ta nhận thấy, ở các quốc gia ở Bắc Âu đa phần không có nhà cao tầng to lớn, người dân ăn mặc rất mộc mạc, đi những chiếc xe cũ kỹ và ăn những món ăn đơn giản.

Cứ sau 7 giờ tối, gần như trên các ngả đường đều rất yên ắng, không có cuộc sống “xa hoa trụy lạc” vào ban đêm, cũng không có những dịch vụ cao cấp xa xỉkích thích thần kinh con người. Vậy, hạnh phúc của những người dân Bắc Âu đến từ đâu?

Người Bắc Âu thường xuyên nhắc đến cụm từ “Chất lượng cuộc sống”. Người Thụy Điển có câu châm ngôn: “Tiền là thứ có thể để dành được còn thời gian thì không để dành được. Bạn sử dụng thời gian như thế nào thì nó sẽ quyết định chất lượng cuộc sống của cuộc đời bạn.”

Giữa: “Cuộc sống đầy đủ nhà cao cửa rộng, tiền bạc và xe hơi sang trọng” và “Cuộc sống có đầy đủ vợ chồngcon cái, sân vườn”, người Bắc Âu sẽ lựa chọn cái vế thứ hai bởi vì thứ mà họ muốn là “phẩm chất” (chất lượng) chứ không phải là “vật chất”.

Nếu sống luôn trong trạng thái vội vãbận rộn, bạn có nghĩ rằng linh hồn của mình sẽ không theo kịp thể xác không? Người Bắc Âu lựa chọn cách sống “chậm một chút!”, nhưng họ có thể tìm được hạnh phúc thực sự từ đây.

Sống đơn giản – Giảm ham muốn vật chất, trở về với tâm linh yên bình

 
Hoàn cảnh thiên nhiên hà khắc khiến cho thói quen tiết kiệm đã trở thành điều tất nhiên ở Bắc Âu. Họ quan niệm rằng: Cơm không thể không ăn, nhưng không nhất thiết phải ăn quá ngon. Tiền không thể không có, nhưng không nhất thiết phải có quá nhiều.

Cuộc sống đơn giản của người Bắc Âu rất dễ để người khác nhận ra. Nó thể hiện trong cách ăn mặc, không quan trọng là đắt hay rẻ nhưng cần phải phù hợp. Những phụ nữ 70-80 tuổi thường mặc áo khoác màu nhạt kết hợp chân váy, đi giày nữ tính, khăn trùm đầu phong cách nữ hoàng Anh. Nhìn họ vừa nữ tính vừa trang nghiêm nhưng cũng không mất đi vẻ cuốn hút.

Ngoài ra, nếu nhà ai đó mới sinh em bé thì những nhà hàng xóm hay bạn bè đều sẽ mang những bộ quần áo cũ đã được giặt rũ thơm tho đến cho em bé sử dụng. Điều này là rất bình thường và có vẻ như nó cũng trở thành một thói quen lâu đời của người Bắc Âu.

Nếu một anh chàng thanh niên, một ông lão hay một cô gái đang đi trên đường mà bất chợt gặp bạn bè, thì quán cà phê ở đầu đường hay cuối ngõ sẽ là lựa chọn đầu tiên của họ. Một cốc cà phê nồng nàn trong không gian tĩnh lặng sẽ khiến họ ấm áp và thân thiết hơn.

Đường ở một số quốc gia Bắc Âu thường hẹp, ở thành thị thì phần lớn nó không phải những con đường thẳng mà là những ngõ, hẻm.

Người dân nơi đây chủ yếu sử dụng những loại xe ô tô cá nhân cỡ nhỏ. Rất nhiều người họ đều là đạp xe đạp đi làmBảo vệ môi trường đối với họ không phải là một loại “mốt” mà là một sự “cao thượng”.

Hiệu suất cao – Làm việc để cuộc sống tốt hơn

Cả ngày nhàn rỗi, không làm việc gì và làm việc cả ngày từ sáng đến tối muộn là hai trạng thái mà người Bắc Âu không lựa chọn.

Công việc của họ không quá khắt khe về thời gian, họ có thể làm thêm được việc khác nhưng họ không chọn cách ấy mà sẽ ngồi uống cà phê với bạn hay đọc sách. Dù vậy, bạn đừng nghĩ rằng, người Bắc Âu suốt ngày chỉ biết uống cà phê nhé! Điều kiện tiên quyết để họ được hưởng cuộc sống hạnh phúc là từ một thể chế phúc lợi do chính thái độ và hiệu suất làm việc của họ đem lại. “Đừng suy xét đến thu nhậptrước tiên hãy hỏi mình thích hay không thích, bởi vì công việc mình phải thích thì mới làm tốt được nó”, đây là quan niệm của người Bắc Âu. Cho nên, đối với người Bắc Âu mà nói, công việc không phải là một loại “dằn vặt, giày vò”.

Vì đề cao năng suấtnên người Bắc Âu nghĩ mọi cách để sáng tạonhư vậy để họ có nhiều thời gian hơn cho việc nghỉ ngơi và cho gia đình. Nhìn vào số lượng giải Nobel hay những giải thưởng danh giá khác trên thế giới chúng ta sẽ thấy rõ điều này.

Có nhiều thời gian hơn, người Bắc Âu sẽ tận hưởng cuộc sống bằng các kỳ nghỉ. Người Bắc Âu nổi tiếng là những người yêu du lịch. Họ thường xuyên đi hưởng thụ, ngắm cảnh đẹp trong nước cũng như trên toàn thế giới.

Yêu gia đình – vui chơi cùng con cái

Trong cuộc sống của người Bắc Âu, chỉ cần vừa có kỳ nghỉ là họ sẽ cùng gia đình tận hưởng những ngày vui đùa bên nhau, cùng tắm biển, tắm nắng, trượt tuyết, cưỡi ngựa…

Người Bắc Âu rất đề cao giá trị gia đình, người chồng trong gia đình sẵn sàng hủy bỏ những buổi gặp gỡ ăn uống với bạn bè sau giờ làm để dành thời gian cho vợ con.

Điều đầu tiên sau khi tan ca trở về nhà chính là mọi người giành thời gian cho gia đình. Họ cùng nhau nấu ăn, vui đùa, kể chuyện, có rất ít người ở lại bên ngoài. Cho dù là có muốn làm thêm thì họ cũng phải chọn thời gian để tránh ảnh hưởng đến gia đình.

Ví dụ, người chồng sẽ chọn đi làm tăng ca vào lúc 3 giờ sáng bởi vì họ cho rằng buổi sáng ít nhất còn có người vợ ở nhà dùng bữa sáng cùng các con. Như vậy, người chồng sẽ chỉ bị mất đi khoảng 1 tiếng đồng hồ là thời gian gia đình gặp gỡ nhau ăn sáng. Làm thêm giờ vào buổi sáng sớm, nghe thì có vẻ khó tin, nhưng điều này lại cho các ông bố có thêm thời gian vào buổi tối để gia đình được ăn tối cùng nhau.

Một người cha tên là Fredrik nói: “Nếu như một ngày, tôi không nhìn thấy bọn trẻ, không kể cho chúng một câu chuyện, không hôn lên đầu chúng thì tôi không thể làm được bất cứ điều gì!”

Họ cho rằng, khoảnh khắc hạnh phúc nhất chính là những đứa trẻ leo lên đầu gối và ôm lấy cổ bố chúng, hôn một cái trước khi đi ngủ. Họ cảm thấy khoảnh khắc ấy chính là một loại thành tựu, một loại hạnh phúc trong cuộc đời.

Đối với người đàn ông Bắc Âu mà nói, gia đình và con cái không phải là nền tảng giúp người đàn công tìm kiếm sự thành công, mà là một phần quan trọng nhất tạo nên chất lượng cuộc sống của họ.