MÌNH CHỌN NGHỀ HAY NGHỀ CHỌN MÌNH ?
Mấy ai ra trường được làm việc đúng với chuyên môn đào tạo?
Mấy ai làm đúng chuyên môn đào tạo cảm thấy hứng thú với công việc?
Mấy ai cảm thấy có hứng thú với công việc và nghĩ rằng mình thật sự giỏi?
Mấy ai thấy mình đủ giỏi đồng thời hài lòng với thành quả hiện tại?
Rất hiếm người có thể trả lời YES cho tất cả.
Lỗi không phải do ta, lỗi là ở cái nghề nó không chọn ta. Hay nói cách khác, lỗi do "định mệnh".
Mình chọn nghề hay nghề chọn mình. |
ĐAM MÊ:
Có giai đoạn, khắp hang cùng ngõ hẻm, từ phố thị đến miền quê, từ mạng xã hội đến báo chí, từ người thành đạt đến học sinh, từ chuyên gia đến giang hồ mạng, ai ai cũng thao thao bất tuyệt về đam mê.
Do đó, vô hình trung, đam mê được mặc định là một cái gì đó to lớn, không có nó chắc chắn ta sẽ không thành công. Nó như là một điều kiện cần cho thành công, còn điều kiện đủ là .."gặp thời".
Và rồi, người người nhà nhà như con thiêu thân lao vào ngọn lửa "đam mê". Đặc biệt, với sự "lãnh đạo" tuyệt vời của các tổ chức đa cấp, nó biến thành một món hàng vô cùng giá trị. Nó được bán, được lan tỏa, được đón nhận một cách cực kỳ nhiệt tình mà không hề có bất cứ một sự "phản kháng" nào.
Thật là một sai lầm tai hại!
Ta có thể không biết ai là người đã phát ngôn ra câu: "Hãy theo đuổi đam mê, thành công sẽ theo đuổi bạn". Nhưng, chúng ta hẳn đã thấy xung quanh có rất nhiều người: "Đã theo đuổi đam mê, và nợ nần đang theo đuổi họ".
Đam mê là gì? Đam mê khác với sở thích như thế nào?
Ta rất thích đá bóng cùng lũ bạn. Thế chẳng lẽ đam mê của ta là đá bóng. May mà nhiều người trong chúng ta không coi nó là đam mê, chứ không giờ này chắc Công Phượng cũng "mệt mỏi" với chúng ta lắm.
SỞ TRƯỜNG:
Sở trường là "một thứ gì đó" dễ khái niệm hơn, nhưng mấy ai trả lời được sở trường của ta là gì?
Lỗi không hẳn do ta. Ở một môi trường còn nặng tính giáo điều và "cào bằng" - một bầy cừu phải giống nhau và cùng đi về một hướng, thì quá trình phát hiện sở trường, từ khi còn mẫu giáo đến hết những năm phổ thông, không phải là điều ai cũng làm được.
Để rồi đến khi bước chân vào ngưỡng cửa đại học, ta lại tự hỏi nhau rằng: "Học ngành gì bây giờ?"
Dấu hiệu rõ nhất của việc không phát hiện ra sở trường bản thân thể hiện ở "tâm trạng":
- Lúc thì cảm thấy ta chẳng có gì nổi trội ngoài chơi game, đọc truyện, xem phim.
- Lúc thì cảm thấy ta cái gì cũng nổi bật, cái gì cũng biết, chỉ có điều chưa "thèm" hoặc chưa có "cơ hội" để làm.
Nguyên tắc chọn nghề bắt buộc ta phải biết mình giỏi cái gì và dở cái gì. Nó là "nghề trong mình". Nếu không hiểu được mình, mọi lời khuyên về chọn nghề đều là "vớ vẩn".
Có quá muộn không khi ta chưa thể phát hiện được sở trường bản thân ở tuổi trưởng thành?
Câu trả lời thẳng thắn nhất là: đã muộn.
Nhưng, muộn còn hơn không, ít ra ta còn cơ hội để suy nghĩ thêm lần nữa.
Có người "vô tình" phát hiện ra sở trường bản thân sau khi ra trường và làm việc.
Có người "cố tình" phát hiện ra sở trường bản thân qua các giai đoạn nhảy việc và chuyển nghề.
Dù "vô tình" hay "cố tình" nó đều phụ thuộc nhiều vào may mắn. Nhưng, nếu may mắn nó "ghét" ta thì sao?
Có rất nhiều "công cụ" khá hiệu quả trong việc giúp ta hiểu ta là ai: đơn giản nhất là thuyết 4 loại khí chất, huyền bí nhất là thuyết ngũ hành, cụ thể và chính xác nhất là trắc nghiệm MBTI.
Nhờ những "công cụ" đó, ta lọc ra những "năng lực" nào mình có thể giỏi. Sau đó, là quá trình lao đầu vào làm thử từng loại "năng lực" được khuyến nghị. Đến cuối cùng, rồi ta cũng sẽ phát hiện ra đâu là những "siêu năng lực" của ta.
NHU CẦU XÃ HỘI:
Đây là lý do cho quyết định "tư vấn nghề" mà "người khác" dành cho ta.
Nhưng để hiểu nhu cầu xã hội và nhu cầu trong tương lai, cần một tầm nhìn và hiểu biết nhất định về kinh tế, xã hội.
Việc "tư vấn" dựa vào những gì diễn ra trước mắt vô tình đã đem lại một "hiệu quả" rất lớn cho xã hội: ngành thì đất chật người đông, ngành thì thiếu nhân tài trầm trọng.
Để một bạn trẻ dưới 18 tuổi tự nhận thức được các vấn đề xã hội và kinh tế vĩ mô, có lẽ là điều không khả thi. Vì đó, mà ở các nước phát triển, việc thầy cô - cha mẹ giúp đứa trẻ định hướng tương lai, ngoài khả năng nhìn nhận sở trường còn là khả năng tư duy xã hội. Nhưng ở nước ta, ngoài những bậc cha mẹ (và cả giáo viên) may mắn được học hành tử tế, còn lại hầu hết đều đưa ra những lời khuyên nghề nghiệp khiến sau nay đứa trẻ đó phải liên tục chuyển nghề.
Ở đây, chúng ta không bàn về khả năng nhận thức hay tư duy của các bậc phụ huynh. Đất nước ta còn quá nhiều những hệ lụy sau chiến tranh, nên việc học hành của thời trước không được tạo điều kiện tốt. Nó thể hiện sự thiếu may mắn hơn là khả năng.
Vậy nhu cầu xã hội trong nghề nghiệp được hiểu cơ bản như thế nào?
1 - Nghề nghiệp của ta tạo ra hay phục vụ gì cho xã hội, nói cách khác mọi người cần gì ở ta?
2 - Nghề nghiệp của ta có thiết yếu hay không? Nói cách khác, nếu xảy ra các vấn đề xã hội (chiến tranh, dịch bệnh, suy giảm kinh tế, thiên tai v.v..), nghề nghiệp đó còn tồn tại hay không?
3 - Nghề nghiệp đó tương ứng với tầng nhu cầu nào trong tháp nhu cầu Maslow? Nó phù hợp ở môi trường và những đối tượng nào?
4 - Nghề càng ít nhu cầu hoặc nhu cầu không thiết yếu thì yêu cầu kỹ năng càng cao và rất khó thành công. (Thể thao, game thủ, diễn viên, ca sĩ v.v..)
5 - Nghề có nhiều nhu cầu hoặc nhu cầu thiết yếu nhưng "kén người làm được" thì thành quả (thu nhập, địa vị ..) càng cao. (Bác sĩ, kỹ sư cao cấp, giảng viên, chính trị v.v..)
6 - Nghề có quá nhiều người làm được thì thành quả đạt được càng thấp và khó khăn do cạnh tranh.
MÌNH CHỌN NGHỀ HAY NGHỀ CHỌN MÌNH?
Nếu ta chọn nghề theo sở trường thì đó là nghề chọn mình.
Nếu ta chọn nghề theo nhu cầu xã hội thì đó là mình chọn nghề.
Nếu ta chọn nghề theo đam mê thì khả năng rất cao đến một ngày nào đó, ta sẽ tự hỏi: mình chọn nghề hay nghề chọn mình?
Thực ra, để quyết định một nghề nghiệp ta sẽ theo đuổi cả đời không phải là điều dễ dàng. Nó cũng khó giống như chọn vợ (chồng) vậy, chọn một người phù hợp hoàn toàn là điều "gần như chỉ có trong mơ".
Vậy, chọn làm sao để được một nghề phù hợp nhất mới là điều đáng bàn.
Theo tư duy thông thường, đầu tiên là từ sở trường vạch ra danh sách nghề có thể làm được. Sau đó so sánh với nhu cầu xã hội và chọn ra nghề tốt nhất mà ta có thể làm được. Bước cuối cùng là lao đầu vào học và làm cật lực, để biến nó thành đam mê, khi ta nhận được nhiều thành quả, và cảm thấy ta thật sự giỏi với nó.
Đam mê có thể được hình thành từ nhiều "nguồn" khác nhau: thần tượng, tình yêu, biến cố, sở thích, hội nhóm, sự công nhận, lời khen v.v.. Và đam mê là thứ có thể thay đổi liên tục dựa trên sự trải nghiệm của bản thân. Do đó, đam mê nó quyết định sự thành công đến mức nào của một người, hơn là quyết định một người nên theo nghề nghiệp nào.
Tham khảo thêm: Rèn Luyện Đam Mê.
Chọn nghề, chọn bạn hay chọn vợ (chồng) đều khó khăn. Nhưng, nếu chúng ta có sự suy xét nhất định, ta có thể chọn được những gì phù hợp nhất với bản thân.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét