Thứ Bảy, 15 tháng 10, 2011

Hiện tượng học

Husserl khao khát muốn đặt triết học trên nền các ngành khoa học mà bản thân không còn gì có thể lay chuyển nữa. Nhưng khoa học nào đủ sức đứng như vậy? Ông từ bỏ ý nghĩ vốn phổ biến rằng tâm lý học[2] có thể làm điều đó, và dần đi đến tin tưởng rằng vẫn chưa có ngành học nào như thế cả, và cần phải tự lập ra. Và ông đặt tên cho môn này là hiện tượng học[3]. Môn này phải trở thành “khoa học tiên khởi”, là cơ sở cho tất cả các khoa học khác, như là các triết gia mà đặc biệt là Descartes từ lâu vẫn mơ ước.

Môn khoa học tiên khởi này, sẽ cung cấp giả định cho các môn khoa học khác. Bản thân sẽ không có giả định, vì nếu có thì sẽ cần đến một cái nền khác và không thể làm nền cho tất cả. Môn học không có giả định – đó là tính chất đầu tiên. Khoa học này phải tự bỏ mọi giả thiết, kết cấu và chỉ ra định luật với những gì hiển nhiên.

Tính chất thứ hai là tính “hình thể”[4]. Có nghĩa là nghiên cứu không phải hiện tượng trong hình dạng cụ thể, mà chỉ riêng bản chất. Cũng không hỏi hiện tượng giả định - sự vật giả định, giá trị giả định - tồn tại ở đâu, tại sao hiện hữu, hay thậm chí là có tồn tại hay không; chỉ hỏi xem có tính chất gì, và nếu tồn tại thì bản chất là gì.

Nhưng sau này ý định của Husserl còn đi theo hướng khác nữa: muốn tìm ra phương pháp triết học nào không giả định về sự tồn tại của thế giới hiện thực mà thông qua phân tích nhận thức có thể đánh giá liệu có thế giới hiện thực hay không và như thế nào. Phương pháp cơ sở này được gọi là “giản lược chiêm nghiệm” hay phép giản lược của hiện tượng học; tức là loại trừ, trên cơ sở “cho vào ngoặc” như Husserl từng diễn nghĩa, tất cả những gì mà sự hiện hữu không được chính quá trình nhận thức bảo đảm. Phương pháp này nói chung giống như phương pháp của Descartes[5] nghi ngờ và loại bỏ tất cả những gì đáng ngờ. Thế nhưng cuối cùng phương pháp này lại dẫn đến một quan điểm khác: duy tâm[6].

Như vậy, hiện tượng học bao gồm hai nhánh theo các hướng đi ban đầu: một bên là nghiên cứu sự vật, bên kia là nghiên cứu hoạt động tìm hiểu các sự vật đó. Husserl chủ yếu quan tâm đến hiện tượng học sự vật, còn hoạt động tìm hiểu cũng là mối quan tâm của tâm lý học, cho nên có các ý kiến cho rằng dù ông phản biện tư tưởng tâm lý học, nhưng bản thân lại chịu ảnh hưởng của nó. Thế nhưng đó là hiểu nhầm[7]: tâm lý học và hiện tượng học xử lý hoạt động đó theo cách khác nhau, với tâm lý học là in concreto (trên trường hợp cụ thể) còn hiện tượng học là hình thể[8] (eidos). Tương tự vậy, hiện tượng học cũng không phải là vật lý học[9], dù cùng nghiên cứu nhận biết hình thể của vật chất.


[1] Từ bản gốc tiếng Ba Lan trong tập 3 (trang 217-218) của bộ “Lịch sử triết học” bằng tiếng Ba Lan do Władysław Tatarkiewicz soạn từ năm 1950, PWN tái bản lần thứ 15 năm 2002, tiếp tục được dùng trong giáo trình triết học tại Ba Lan. Sử dụng tư liệu được soạn thảo từ nửa thế kỷ trước, người dịch hi vọng sẽ chuyển tải được các ý niệm sơ khai nhất về hiện tượng học của Edmund Gustav Albrecht Husserl (1859-1938). Độc giả quan tâm hơn có thể tìm đọc mục giới thiệu bằng tiếng Anh trên từ điển triết học của Đại học Stanford http://plato.stanford.edu/entries/husserl/, hoặc các bài viết tiếng Việt có trên mạng Internet như giới thiệu của Mai Hoa http://nguoidalat.informe.com/forum/l-ch-s-v-n-hoa-f14/e-husserl-1859-1938-nha-hi-n-t-ng-h-c-t149.html, hay khảo sát của GS Trần Văn Đoàn
http://vibiwebsite.com/VIBI_WV/?p=671. Các chú thích trong bài này đều là của người dịch, dù rằng có một số đoạn cũng được dịch hoặc lấy ý từ các phần khác trong bản gốc.
[2] Husserl có thời gian nghiên cứu trong hệ phái tâm lý, vốn chiếm lĩnh triết học châu Âu cuối thế kỷ 19. Trong cuốn sách đầu tiên – Philosophie der Arithmetik 1891 – ông cho rằng các ngành như toán học và logic là sản phẩm của trí não cho nên hoạt động theo các qui luật tâm lý học. Nhưng vào năm 1900 – theo sau là tác phẩm Logische Untersuchungen 1901 – ông đổi chiều quan điểm và bắt đầu chống lại tư tưởng tâm lý, tuyên bố các qui luật logic không phải là qui luật tậm lý. Suy nghĩ này chịu ảnh hưởng mạnh từ Franz Bretano (1838-1917) và đặc biệt là triết gia Ba Lan Kazimierz Twardowski (1866-1938).
[3] Phenomenology trong tiếng Anh, Phänomenologie trong bản gốc tiếng Đức. Có nơi dịch là hiện tượng luận (và khá phổ biến trong tiếng Việt), ví dụ như Tạp chí triết học Vn 2000s http://cafesangtao.vn/index.php?option=com_content&task=view&id=1406&Itemid=23, hay Tạp chí Văn 1967 http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=13818&rb=0301. Thường đuội chữ -logy thường được dịch là ‘học’ (từ chữ gốc Hi Lạp logos là kiến thức), ví dụ như xã hội học: socio-logy. Tựa bài nghiên cứu của Trần Đức Thảo được dịch là Hiện tượng học
http://www.viet-studies.info/TDThao/TDThao_PTLuat_dich.htm. Tuy vậy, “hiện tượng luận” thể hiện sát hơn mối quan tâm của Husserl, như sẽ được giới thiệu trong phần sau của bài. Cách dịch phù hợp nhất có lẽ là “triết học hiện tượng” - hay rõ hơn, là “lý thuyết hiện tượng về nhận thức và vật chất” - như tác giả đã diễn trải trong phần trước đoạn trích dịch này trong bản gốc tiếng Ba Lan. Cũng cần chú ý thêm rằng ở đây “hiện tượng” không phải là hiện tượng như là sự kiện diễn ra theo nghĩa thông thường, mà được định nghĩa là mối tương quan của mọi hoạt động (nhận thức) bản năng, tức là những gì con người đón nhận trực tiếp và hiển nhiên. Tất nhiên, “bản năng” cũng không được hiểu theo nghĩa thường gặp mà là theo định nghĩa của Descartes, mang tính trực giác.
[4] Với từ gốc Hi lạp eidos, tức là hình ảnh mang tính bản rập, bản sao của chính sự vật. Đây là khái niệm trung tâm trong phương pháp luận của Husserl – eidetic reduction, có thể tham khảo thêm từ Bách khoa toàn thư Britannica trên mạng Internet
[5] Ví dụ như khái niệm mà Descartes gọi là trực giác (bản năng), tức là khả năng của tư duy con người tự nhận biết đâu là giả định, đâu là hiển nhiên, mà triết học hiện tượng coi là nguồn tiên khởi và không thể thay thế được trong toàn bộ nhận thức. Husserl gọi đây là “qui luật của mọi qui luật”. Hiện tượng học coi nhận thức là quá trình bị động trong khi triết học Kant coi đó là quá trình chủ động. Với Husserl thì trí não được khởi động qua bản năng (trực giác), nhận biết điều mà thế giới thể hiện ra, chính là quá trình nhận thức, hơn là trí não tự phát triển các dạng thức và sắp xếp thế giới như hệ phái Kant muốn.
[6] Vốn cổ xúy duy vật, nhưng từ 1913 Husserl bắt đầu nhìn nhận các ảnh hưởng duy tâm, cho rằng thế giới trong không gian và thời gian về bản chất là tồn tại cho ai đó, hơn là tự thân, chỉ là một bộ phận trong mối quan hệ hỗ tương mà bộ phận kia là tư duy. “Thực tại tuyệt đối cũng có nghĩa như là hình vuông tròn.” Hậu bối của ông là Scheler khi phát triển luân lý hiện tượng đã đi đến quan điểm ủng hộ đạo đức Công giáo.
[7] Những tác phẩm đã xuất bản của Husserl chỉ là một phần rất nhỏ toàn bộ công trình của Husserl, đa phần vẫn còn là bản thảo viết tay. Tư duy của Husserl cũng không ngừng phát triển, đến mức có những tác phẩm được xuất bản phần đầu rồi ngưng vì ở phần sau tác giả đã thay đổi quan điểm. Triết học hiện tượng của Husserl cũng được hậu bối phát triển theo các hướng khác nhau, ví dụ như Max Scheler (1874-1928) tạo ra thêm các nhánh là tâm lý học hiện tượng, luân lý học và triết học tôn giáo. Tư tưởng của Scheler cũng không ngừng thay đổi.
[8] Phương pháp giản lược hình thể (eidetic reduction) trong hiện tượng học chuyển tư duy triết học từ ý thức của cá nhân và cụ thể sang tổ chức liên thực nghiệm (trans-empirical realm) của hiện hữu thực sự (pure essence) cho nên đạt được cảm nhận về hình thể (eidos) của sự vật tức là các hằng số và cấu trúc sơ khai, tách khỏi những gì gắn vào một cách vô tình hoặc trong quá trình (trích từ Bách khoa toàn thư Britannica http://www.britannica.com/EBchecked/topic/180957/eidetic-reduction)
[9] Dù đều coi nhận thức là quá trình bị động như hệ phái thực nghiệm (empiricism) nhưng triết học hiện tượng tách biệt ra qua việc nhận rằng con người có thể nhận biết trực tiếp các sự thật phổ quát như những đối tượng (vật thể) đơn vị.
Lê Hải*

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét