Thứ Hai, 11 tháng 12, 2017

hình thức "rút kinh nghiệm sâu sắc" là "chưa phù hợp".

Có thằng kẻ cắp thò tay lấy cái ví của bà đi chợ bị thộp được nhăn răng cười: Tưởng lấy được. Không được thì "Xin rút kinh nghiệm sâu sắc". Bà kia suýt mất của cũng không dám làm gì, vì thân nữ nhi và vì sợ bị gán cho tội làm loạn chợ.

Thứ Ba, 5 tháng 12, 2017

Đề xuất loại tác phẩm “Chí Phèo" khỏi SGK Ngữ văn 11

“Chí Phèo” được xem là một tác phẩm văn học hiện thực xuất sắc trước Cách mạng tháng 8/1945 và nằm trong chương trình Ngữ văn lớp 11 từ lâu. Tuy nhiên, anh Nguyễn Sóng Hiền - nghiên cứu sinh tiến sĩ Trường ĐH Newcastle (Australia) cho rằng nên loại bỏ tác phẩm này để tránh tác động xấu đến mặt nhận thức của học sinh.

Xin giới thiệu bài viết nêu quan điểm của Thạc sĩ Nguyễn Sóng Hiền:
“Ở khía cạnh văn học, tác phẩm "Chí Phèo" của nhà văn Nam Cao có thể được đáng giá là thành công về phong cách viết. Tuy nhiên, đứng trên góc độ giáo dục, theo quan điểm cá nhân, tôi cho rằng cần cân nhắc kỹ lại.
Liệu có nên vẫn tiếp tục giữ trong chương trình phổ thông hay không, khi mà bản thân tác phẩm "Chí Phèo" không có ý nghĩa nhiều về mặt giáo dục, mà ngược lại, có thể có những tác động xấu về mặt nhận thức của học sinh?
Để minh chứng cho những nhận định trên, tôi xin phân tích một cách khách quan và logic về tác phẩm này.
Chí Phèo đại diện cho ai?
Nhiều nhà phê bình văn học đã cho rằng Chí Phèo đại diện cho tầng lớp nông dân bị lưu manh hoá. Nhưng theo tôi, đây là một nhận xét phiến diện và mang tính áp đặt.
Nếu xem xét kỹ toàn bộ tác phẩm, chúng ta đều có thể nhận thấy rằng Chí Phèo chỉ là bi kịch của một cá nhân. Xuất thân không cha, không mẹ, không nhà cửa, không người thân, không được giáo dục, Chí được nhặt về nuôi và đi ở hết nhà này đến nhà khác.
Nếu là đại diện cho tầng lớp nông dân thì thật mang tiếng cho nông dân mình quá.
Bản thân một đứa trẻ bị bỏ rơi đã mang cho mình số phận thiệt thòi, huống chi lại được sinh ra trong một xã hội lạc hậu và đầy rẫy bất công ấy.
Vậy, Chí đơn giản chỉ là một đứa trẻ không được giáo dục, và không thể là đại diện hay điển hình cho một tầng lớp nào trong xã hội ấy.

Hình ảnh Chí Phèo và Thị Nở trong bộ phim Lãng Vũ Đại ngày ấy.
Hình ảnh Chí Phèo và Thị Nở trong bộ phim "Lãng Vũ Đại ngày ấy".
Chí là người tốt hay xấu?
Khi còn là đứa trẻ, Chí vẫn là một đứa trẻ tốt. Chí không có ruộng nên năm 20 tuổi phải đi làm canh điền cho Bá Kiến.
Rõ ràng, trong xã hội ấy người ta vẫn nhận nuôi Chí, cho ăn, cho công việc. Có thể thấy, Chí vẫn được xã hội đó đón nhận và thừa nhận như một thành viên. Chí đã được ưu ái.
Tuy nhiên, sau khi làm thuê cho Bá Kiến, Chí bị ghen và bị đẩy đi tù 7, 8 năm. Nhiều học giả cho rằng điều này phản ánh sự áp bức, bóc lột của giai cấp phong kiến và địa chủ với tầng lớp bần nông như Chí. Nhưng xin thưa, nếu không sống ở xã hội đó mà xã hội có văn minh hơn đi nữa, những đứa trẻ bị bỏ rơi như Chí cũng khó để đón nhận được sự đối đãi công bằng từ xã hội. Thậm chí còn bị ngược đãi và lạm dụng, vì thân cô thế cô không ai bảo vệ.
Sau khi ra tù, Chí biến thành con người khác, một người xấu, hay một con quỷ. Chí uống rượu say, rạch mặt ăn vạ, đòi nợ thuê, phá phách, xin đểu, đốt quán...
Một đứa trẻ không cha, không mẹ, không được giáo dục bị đẩy đi ở tù liệu ra tù nó có thể trở thành người tốt không? Và chính lúc say Chí cũng chửi cái đứa nào đã đẻ ra mà không nuôi Chí chứ đâu chửi cái xã hội đang sống.
Đơn giản, Chí không phải là một sản phẩm của xã hội đó. Chí chỉ như những đứa trẻ cùng hoàn cảnh ở bất kỳ xã hội nào khác. Vì vậy, không thể quy chụp rằng Chí bị xã hội phong kiến lưu manh hoá, hay bị cường hào ác bá làm hại.
Lạ lùng thay, nhiều nhà phê bình và học giả còn hình tượng hoá cái cảnh Chí uống rượu say rồi cưỡng bức Thị Nở, và xem đó như sự thức tỉnh tính thiện trong con người Chí.
Trong bất kỳ xã hội nào, hành động cưỡng bức đó đều đáng lên án. Chí đã phạm pháp. Dù về mặt nhận thức, hắn không ý thức hành vi của mình, nhưng về khía cạnh giáo dục đó là hành động cần phê phán. Mà cưỡng bức với một người thiểu năng như Thị Nở thì càng phải lên án và phê phán thích đáng hơn. Chúng ta không thể và không nên bảo vệ những hành vi trái pháp luật. Điều đó chẳng khác gì cổ suý cho lớp trẻ để bắt chước làm theo.
Nhiều nhà phê bình còn cường điệu hoá cho cặp đôi Chí và Nở, xem như là một biểu tượng xứng đôi vừa lứa. Đó dường như không phải là chủ ý của nhà văn. Chí là một tên tội phạm, một kẻ lưu manh, còn Thị Nở là cô gái đáng thương, một người thiểu năng về nhận thức, ở mãi với Chí bảy ngày mới nhớ ra rằng phải về hỏi dì.
Như vậy, Nở là người bị hại, bị Chí lợi dụng lúc ngủ say để cưỡng bức. Vậy thì tại sao chúng ta có thể ghép đôi cho một kẻ lưu manh với cô gái vô tội? Chưa kể sau này, Nở lại mang bầu và lại ôm thêm nỗi khổ vào thân. Dù đánh giá ở khía cạnh nào đi nữa, Chí vẫn là kẻ xấu.

Thạc sĩ Nguyễn Sóng Hiền – hiện là nghiên cứu sinh tiến sĩ Trường ĐH Newcastle (Australia) cho rằng, tác phẩm Chí phèo chẳng những không có nhiều giá trị giáo dục mà còn có thể tác động xấu đến nhận thức của học sinh.
Thạc sĩ Nguyễn Sóng Hiền – hiện là nghiên cứu sinh tiến sĩ Trường ĐH Newcastle (Australia) cho rằng, tác phẩm Chí phèo chẳng những không có nhiều giá trị giáo dục mà còn có thể tác động xấu đến nhận thức của học sinh.
Chí đáng thương hay đáng lên án?
Số phận của Chí là một số phận đáng thương, vì khi sinh ra đã phải chịu thiệt thòi và bất công. Nhưng chúng ta cũng kịch liệt phê phán và phản đối những hành vi lưu manh, thú tính của hắn.
Và ngay cả việc giết Bá Kiến sau khi uống rượu say cũng là một hành động không thể dung thứ, cho dù nhiều học giả và nhà phê bình hình tượng hoá nó là sự phản kháng của tầng lớp bần nông đối với giai cấp cường hào, ác bá.
Nhưng xin thưa, đó là sự quy chụp và áp đặt khiên cưỡng. Chí đã giết người trong lúc say, đó là hành vi không phải của một con người. Cho dù ở bất kỳ xã hội nào, những hành động đó đều đáng bị lên án và cách ly ra khỏi đời sống xã hội”.
Theo Dân Trí





















Thứ Năm, 30 tháng 11, 2017

10 phát ngôn tiết lộ cách nhìn thế giới của Tổng thống Putin


Giới quan sát phương Tây đến nay vẫn không khỏi thắc mắc về động lực thực sự của Tổng thống Nga Vladimir Putin sau nhiều năm lãnh đạo chính trường Nga. Song thực tế, đằng sau quá trình ra quyết định của Điện Kremlin là những quan điểm thể hiện nhất quán qua những bình luận của người đứng đầu chính phủ Nga.




Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và người đồng cấp Mỹ Donald Trump (Ảnh: Reuters)
Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và người đồng cấp Mỹ Donald Trump (Ảnh: Reuters)
"Mỹ là một cường quốc"
Trong bài phát biểu tại Diễn đàn kinh tế quốc tế St. Petersburg tháng 6/2016, Tổng thống Putin nói rằng: "Mỹ là một cường quốc. Có lẽ là cường quốc duy nhất hiện nay. Chúng tôi chấp nhận điều đó và sẵn sàng hợp tác với họ. Điều mà chúng tôi không cần đó là việc họ can thiệp vào các vấn đề của chúng tôi, bảo chúng tôi phải sống như thế nào, hay ngăn cản châu Âu thiết lập quan hệ với chúng tôi".
Về cáo buộc Nga can thiệp vào nước ngoài
"Đó là chiến dịch tuyên truyền không ngừng của truyền thông Mỹ và sự tài trợ trực tiếp của các tổ chức phi chính phủ Mỹ... Hãy lấy quả địa cầu, xoay một vòng và đặt ngón tay của các bạn vào bất cứ đâu, tôi có thể đảm bảo rằng ở đó có các lợi ích của Mỹ, có sự can thiệp của Mỹ. Người Mỹ muốn gì? Để mọi người phải cúi đầu tôn trọng", ông Putin nói hồi tháng 6/2017.
Về châu Âu
"Liệu các nước châu Âu được hưởng lợi khi tuyệt đối phục vụ cho mục đích chính sách đối ngoại và thậm chí đối nội của Washington? Tôi không chắc. Đây có phải là mục đích của nền chính trị nghiêm túc, và vai trò của các quốc gia này sẽ tiếp tục nếu họ muốn tự gọi là cường quốc”, Tổng thống Putin nói tại một diễn đàn đầu tư vào tháng 10/2016.
Về NATO

Binh sĩ NATO diễn tập quân sự ở Lithuania năm 2014. (Ảnh: AP)
Binh sĩ NATO diễn tập quân sự ở Lithuania năm 2014. (Ảnh: AP)
"Không còn Liên Xô, không còn Khối phía Đông. Theo quan điểm của tôi, NATO cần một kẻ thù bên ngoài để biện minh cho sự tồn tại của mình do đó họ luôn phải tìm kiếm cho mình một kẻ thù, và khiêu khích để tạo ra kẻ thù ở những nơi không có... Ngày nay NATO là một công cụ trong chính sách đối ngoại của Mỹ. Họ không có đối tác nào ở đó mà chỉ có các chư hầu", ông Putin trả lời phỏng vấn đạo diễn người Mỹ Oliver Stone hồi tháng 6/2017.
Về Trung Đông
"Đang có một thế lực tìm cách định hình lại khu vực này và áp đặt mô hình bên ngoài vào đây thông qua thay đổi chế độ hoặc sử dụng vũ lực. Thay vì đấu tranh chống chủ nghĩa cực đoan, thay vì làm theo một cuộc chiến như vậy, một số thế lực ngang hàng với chúng tôi muốn biến sự hỗn loạn trở thành vĩnh viễn”, ông Putin nói tại Hội nghị Valdai tháng 10/2017.
Về Triều Tiên

Một vụ thử tên lửa của Triều Tiên (Ảnh: Reuters)
Một vụ thử tên lửa của Triều Tiên (Ảnh: Reuters)
"Tất nhiên chúng tôi lên án các vụ thử hạt nhân của Triều Tiên và tuân thủ tất cả các nghị quyết của Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc. Tuy nhiên để giải quyết vấn đề này cần có sự đối thoại, chứ không phải dồn Triều Tiên vào đường cùng bằng các đe dọa quân sự, hay đặt biệt danh và ‘khẩu chiến’ công khai bằng những lời phỉ báng. Dù quý vị có thích chính quyền Bình Nhưỡng hay không, quý vị cũng cần phải công nhận rằng Triều Tiên là một quốc gia có chủ quyền", Tổng thống Putin nói tại Hội nghị Valdai tháng 10/2017.
Về lật đổ Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovich
"Những gì xảy ra ở Kiev là một cuộc tiếm quyền vi hiến, có vũ trang. Ông Viktor Yanukovich đã từ bỏ quyền lực và không còn cơ hội tái tranh cử. Tại sao Ukraine rơi vào hỗn loạn? Tại sao biểu tình đòi quyền lực? Đây là một quyết định ngớ ngẩn và gây tác dụng ngược. Tôi tin rằng đó là những hành động làm mất ổn định tình hình ở miền đông nước này”, ông Putin phát biểu trong cuộc họp báo hồi tháng 3/2014.
Về chính quyền ở Kiev

Đụng độ ở quảng trường Maiden (Kiev) tháng 2/2014 (Ảnh: Sputnik)
Đụng độ ở quảng trường Maiden (Kiev) tháng 2/2014 (Ảnh: Sputnik)
“Người dân Nga và Ukraine có chung lợi ích. Điều không giống nhau là mục đích của chính quyền Ukraine và giới tinh hoa… Họ chỉ có điểm mạnh duy nhất để xuất khẩu là sự kỳ thị Nga và sự chia rẽ chính trị giữa hai nước", ông Putin nói tại Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Đức hồi tháng 7/2017.
Về hệ thống chính trị của Nga
“Chế độ quân chủ đã được truyền lại từ Đế quốc sang thời Liên Xô tuy cách thể hiện bên ngoài có sự thay đổi. Chỉ đến đầu những năm 1990, các sự kiện diễn ra đã đặt nền móng cho một giai đoạn phát triển mới của Nga", ông Putin trả lời phỏng vấn của đạo diễn Oliver Stone tháng 6/2017.
Vai trò của Nga trên trường quốc tế
“Nga là một đất nước với lịch sử nghìn năm và gần như luôn được hưởng đặc quyền của chính sách đối ngoại có chủ quyền. Ngày nay, chúng tôi cũng sẽ không đi ngược lại với truyền thống này. Ngoài ra, chúng tôi cũng hiểu rõ thế giới đã và đang thay đổi như thế nào và chúng tôi có một nhìn nhận rất thực tế về tiềm lực và các cơ hội của mình. Chúng tôi muốn tương tác với tất cả các đối tác độc lập, có trách nhiệm để có thể hợp tác xây dựng một trật tự thế giới dân chủ, công bằng, đảm bảo an ninh và thịnh vượng không chỉ cho một vài quốc gia mà cho tất cả”, ông Putin phát biểu tại Munich tháng 2/2007.
Minh Phương
Theo RT

Thứ Ba, 23 tháng 5, 2017

Qua đèo Ngang

"Qua đèo Ngang" là bài thơ nổi tiếng của Bà Huyện Thanh Quan, một nữ sĩ ở thời cận đại của lịch sử văn học Việt Nam.Với phong cách trang nhã, bài thơ "Qua đèo ngang" cho thấy cảnh tượng Đèo ngang thoáng đãng mà heo hút, thấp thoáng có sự sống của con người nhưng còn hoang sơ, đồng thời thê hiện nỗi nhớ nước thương nhà, nỗi buồn thầm lặng cô đơn của tác giả
Bài thơ Qua Đèo Ngang được viết theo thể thất ngôn bát cú Đường luật.
Bước tới Đèo Ngang, bóng xế tà,
Cỏ cây chen đá, lá chen hoa.
Lom khom dưới núi, tiều vài chú
Lác đác bên sông, chợ mấy nhà.*
Nhớ nước đau lòng, con quốc quốc,
Thương nhà mỏi miệng, cái gia gia.
Dừng chân đứng lại trời, non, nước,
Một mảnh tình riêng, ta với ta.
* Có phiên bản ghi là "rợ mấy nhà"
Trên đường vào Phú Xuân…, bước tới đèo Ngang lúc chiều tà, cảm xúc dâng trào lòng người, Bà huyện Thanh Quan sáng tác bài "Qua đèo Ngang". Bài thơ tả cảnh Đèo Ngang lúc xế tà và nói lên nỗi buồn cô đơn, nỗi nhớ nhà thương nước của một người con hiến mình cho tổ quốc. Lần đầu nữ sĩ "bước tới Đèo Ngang", đứng dưới chân con đèo "đệ nhất hùng quan" này, địa giới tự nhiên giữa hai tỉnh Hà Tĩnh - Quảng bình, vào thời điểm "bóng xế tà", lúc mặt trời đã nằm ngang sườn núi, ánh mặt trời đã "tà", đã nghiêng, đã chênh chênh. Trời sắp tối. Âm "tà" cũng gợi buồn thấm thía. Câu 2, tả cảnh sắc: cỏ cây, lá, hoa… đá. Hai vế tiểu đối, điệp ngữ "chen", vần lưng: "đá" – "lá", vần chân: "tà" – "hoa", thơ giàu âm điệu, réo rắt như một tiếng lòng, biểu lộ sự ngạc nhiên và xúc động về cảnh sắc hoang vắng nơi Đèo Ngang 200 năm về trước.





Thứ Bảy, 20 tháng 5, 2017

Nhàn

Nhàn
Một mai, một cuốc, một cần câu,
Thơ thẩn dầu ai vui thú nào.
Ta dại, ta tìm nơi vắng vẻ,
Người khôn, người đến chốn lao xao.
Thu ăn măng trúc, đông ăn giá,
Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao.
Rượu đến cội cây, ta sẽ uống,
Nhìn xem phú quý tựa chiêm bao.
(Nguyễn Bỉnh Khiêm)

Thứ Sáu, 19 tháng 5, 2017

10 đại đệ tử của Phật Thích Ca Mâu Ni, không có nữ đại đệ tử Liên Hoa Sắc

Ngày xưa thuở Đức Phật Thích Ca Mâu Ni còn tại thế, đa phần các đệ tử xuất gia của Ngài đều chứng A La Hán, như 1.250 vị tỳ kheo mà kinh thường nhắc đến. Đặc biệt có 10 vị mệnh danh là Thập Đại Đệ tử, trong 10 vị này mỗi vị đều có sở trường, sở chứng và đạo hạnh riêng.
Nữ Đại Đệ tử Liên Hoa Sắc là người xuất sắc trong đoàn Ni chúng, cũng có thần thông đệ nhất, đắc quả A La Hán, nhưng không nằm trong 10 vị này.
  1. Tôn giả Ðại Ca Diếp, Ðầu đà đệ nhất

Ngài được Đức Thế Tôn nhiếp hóa trước hai tôn giả Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên, được Thế Tôn cho là Đầu Đà đệ nhất. Sinh hoạt theo hạnh đầu đà là một lối sinh hoạt cực kỳ đơn giản nhằm mục đích tịnh hoá tâm hồn, rất thích hợp với những ai thích tu phạn hạnh như Ngài Ca Diếp. Sau khi xuất gia tu hạnh Đầu Đà trong 8 ngày liền, Ngài đắc quả A La Hán. Ngài tinh thông con.đường thiền định, nêu gương sáng cho chúng Tăng về các hạnh : “ Ít muốn, biết đủ, tinh tân, viễn ly ”. Ngài thường độc cư trong rừng dù tuổi đã cao.
Đầu-đà (tu khổ hạnh) đệ nhất, được xem là Sơ tổ Thiền tông Ấn Độ; Ngài là người yêu cầu mở đại hội kết tập kinh điển lần đầu tiên của Phật giáo.
  1. Tôn giả A Nan Ðà, Ða văn đệ nhất

Đa văn đệ nhất, người “nghe và nhớ nhiều nhất”, được xem là Nhị tổ Thiền tông Ấn Độ. A-nan-đà hay được trình bày trong tranh tượng đứng bên cạnh Phật cùng với Ma-ha-ca-diếp; tuy là Đa văn đệ nhất nhưng sau khi Đức Phật Niết-bàn ông mới chứng quả A-la-hán rạng sáng ngày kết tập kinh điển đầu tiên.
Ngài là em họ Đức Phật, xuất gia khi Phật về thăm hoàng cung, Ngài là vị tỳ kheo đệ nhất về 5 phương diện : Đa văn, cảnh giác, sức khỏe đi bộ, lòng kiên trì và hầu hạ chu đáo. Được thánh chúng đề nghị làm thị giả Đức Phật khi Đức Phật được 56 tuổi.
  1. Tôn giả Xá Lợi Phất, Trí huệ đệ nhất

Trí huệ đệ nhất, đệ tử quan trọng nhất của Phật trong các kinh Tiểu thừa (sa. hīnayāna); trước khi xuất gia, ông là một luận sư nổi tiếng trong giáo đoàn Bà-la-môn.
Ngài được xem là trưởng tử của đức Phật, là chấp pháp tướng quân, thường giảng dạy đồ chúng thay cho đức Phật và hướng dẫn cho nhiều vị đắc quả A La Hán. Ngài luôn luôn tỏ ra khiêm tốn, tận tụy, nhiệt tình, được chư Tăng thán phục và được Đức Phật khen là Trí tuệ bậc nhất. Ngài đắc quả A La Hán 4 tuần sau khi xin gia nhập giáo đoàn.
  1. Tôn giả Tu Bồ Ðề, Giải không đệ nhất

Tu Bồ Đề là vị đệ tử Giải Không Đệ Nhất (am hiểu tính không) của Phật Thích Ca.
Theo truyền thuyết của kinh sách Đại thừa, lúc Ngài mới sanh, trong gia đình Ngài toàn hiện ra những triệu chứng “ không ”. Các đồ vật trong nhà, từ kho lẫm, lu vãi… mọi vật biến đâu mất cả, chỉ thuần tịnh một mùi hương chiên đàn và hào quang sáng soi chấn động cả ba cõi, không thấy đâu là tường vách giới hạn. Hỏi về ý nghĩa điềm lạ này thì được thầy tướng bảo rằng đó là điều cực lành. Rồi nhân vì điềm “ không ” ấy, nên cha mẹ Ngài mới đặt tên cho Ngài là Tu Bồ Đề, nghĩa là Không Sanh. Lại cũng có nghĩa là Thiện Cát (tốt lành) hay Thiện Hiện (hiện điềm tốt).
  1. Tôn giả Phú Lâu Na, Thuyết pháp đệ nhất



Tôn giả Phú Lâu Na vốn được gọi là “Phú-lâu-na Di-đa-la-ni-tử”. Phú Lâu Na chỉ là tiếng gọi tắt. Danh hiệu Ngài dài như thế chính là biểu hiện cho Tôn giả khi thuyết pháp cũng trường mãn vô cùng. Danh xưng của Ngài được dịch sang tiếng Trung Hoa là “Mãn Từ Tử”. Đức Phật thường ngợi khen biện tài ngôn luận của Tôn giả trước đại chúng.
  1. Tôn giả Mục Kiền Liên, Thần thông đệ nhất

Ngài được Đức Phật khen và đại chúng công nhận là Thần thông bậc nhất. Ngài đã nhiều lần thi triển thần thông như phương tiện để giáo hóa cứu độ mọi người. Ngài cùng với Xá Lợi Phất điều hành và hướng dẫn Tăng chúng, cũng như độ cho nhiều người chứng đắc Thánh quả. về sau, Ngài bị phái Ni Kiền Tử hãm hại bằng cách lăn đá làm Ngài bị tử thương. Đức Phật xác nhận Ngài Mục Kiền Liên đã nhập Niết Bàn ngay tại chỗ thọ nạn, nơi Ngài bỏ thân tứ đại.
  1. Tôn giả Ca Chiên Diên, Luận nghị đệ nhất

Sở trường của Tôn giả Ca Chiên Diên chính là luận nghị, chuyên môn biện luận về đạo lý. Quý vị có thắc mắc về đạo lý gì muốn hỏi Tôn giả, với tài biện luận của mình, Tôn giả có thể nói thao thao bất tuyệt, khiến cho người nghe say sưa thích thú.
  1. Tôn giả A Na Luật, Thiên nhãn đệ nhất

Nhân một lần bị Phật quở khi Tôn giả ngủ gục trong lúc đang nghe pháp, Tôn giả lập thệ không ngủ nghỉ nữa. Vì dụng công tu tập quá mức, chẳng bao lâu Ton giả bị mù hai mắt. Đức Phật dạy Tôn giả tu tập “Kim cang chiếu minh tam muội” chẳng bao lâu A Na Luật chứng được thiên nhãn thông.
  1. Tôn giả Ưu Ba Ly, Trì giới đệ nhất

Là vị giữ giới đệ nhất, Tôn giả luôn luôn quan tâm đến các vấn đề pháp chế, quan trọng nhất vẫn là vấn đề giữ giới theo lời dạy của Đức Phật trước khi nhập Niết bàn.
  1. Tôn giả La Hầu La, Mật hạnh đệ nhất
Mật hạnh đệ nhất, ông cũng là người con duy nhất của Thái tử Tất-đạt-đa (Thái tử Tất-đạt-đa sau này chứng quả thành Đức Phật Bổn sư Thích Ca Mâu Ni)
Trong suốt 49 năm giáo hóa, từ Thành đạo cho đến Niết Bàn, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni quy tụ xung quanh hào quang của Ngài một số đệ tử cả xuất gia lẫn tại gia. Kinh Đại thừa ghi lại là 1.250 người đắc quả A La Hán, thoát khỏi luân hồi. 10 vị trên là những được coi là các Đại đệ tử.

Tuy nhiên có một vấn đề đáng được nêu ra là ngày nay người theo Phật, nghiên cứu tìm hiểu lời Phật dạy thật đông đảo, nhưng người tu hành chứng ngộ lại rất hiếm. Phần vì con người không tu chuyên nhất, đâu cũng cầu cũng bái; Phần thì bái Phật để cầu danh cầu lợi, cầu sức khỏe tiền tài, mà ít ai cầu cho tâm an nhiên bình ổn, nhìn lại chính mình, tự tâm hướng thiện; Phần vì lời dạy của Đức Phật bị mai một, bị diễn giải theo hiểu biết của của con người, xa rời những lời do kim khẩu Đức Phật nói ra.
Đức Phật từng giảng thời mạt Pháp có loài hoa mang tới điềm lành linh dị khai nở, có Đức Thánh Vương hạ thế độ nhân, người hướng Phật hãy mau đi tìm….

























Bí ẩn 10 nền văn minh độc đáo bất ngờ mất tích, 1 đế chế hùng mạnh từng ngự trị ở Việt Nam


Tìm hiểu sự thăng trầm của các quốc gia trong lịch sử đủ để khiến bất cứ nhà sử học nào phải đau đầu, nhưng với những nền văn minh đã mất còn phức tạp hơn. Thời cổ đại trong lịch sử nền văn minh nhân loại, không dễ để một quần thể người đột nhiên biến mất.
Tuy hầu hết sự sụp đổ và biến mất của chúng đều được ghi chép trong sách vở, nhưng một số vẫn bị bỏ sót hoặc không được nhắc đến trong tư liệu lịch sử. Ví dụ như 10 nền văn minh dưới đây. Tư liệu về chúng rất hạn chế nên tất cả những gì chúng ta có thể làm là phỏng đoán đơn thuần. Tuy vậy việc tham khảo các giả thuyết về sự biến mất của chúng được các nhà sử học đưa ra vẫn luôn là một điều thú vị.

1. Nền văn minh thung lũng Indus, Pakistan


Thung lũng Indus nằm ở lãnh thổ Pakistan ngày nay và khu vực phía tây Ấn Đô. Nó được kiến lập vào khoảng năm 7.000 TCN. Không có nhiều thông tin về nhóm người này bởi ngôn ngữ của họ chưa thể được giải mã. Tuy nhiên, chúng ta biết rằng họ đã dựng lập nên hàng trăm thị trấn nhỏ được trang bị hệ thống ống nước phức tạp. Người ta tin rằng họ có một chính phủ thống nhất và các nhóm quân sự có tổ chức.
Họ đã đi đâu? Hai giả thuyết được đưa ra: sự biến đổi khí hậu buộc họ rời thành phố hay những người Aryan đã xâm lược vùng đất này vào khoảng năm 1500 TCN.

2. Nền văn minh Anasazi, New Mexico, Hoa Kỳ

Nền văn minh Anasazi (của tộc người Pueblo cổ đại) tập trung tại khu vực “Ngã tư” (Four Corners) của vùng Đông Nam Hoa Kỳ, tại đường giao nhau giữa bốn tiểu bang Utah, Arizona, New Mexico và Colorado. Bộ tộc này bao gồm rất nhiều thợ săn sinh sống trong những ngôi nhà pit (một kiểu nhà lún một phần xuống mặt đất, có mái che). Sau này họ chuyển sang làm nông nghiệp, gieo trồng ngô, đậu, và bí. Họ nổi tiếng với kỹ thuật đan giỏ và chế tác gốm tuyệt vời.
Họ đã đi đâu?
Cho đến nay, lý do người Anasazi phải từ bỏ quê hương vẫn còn là một ẩn đó. Tình trạng bùng nổ dân số và các điều kiện trồng trọt bất lợi đã buộc họ di cư đến thung lũng Rio Grande.

3. Nền văn minh Minoans, đảo Crete

Theo thần thoại Hy Lạp, Minoa là nơi sinh của Cretan Bull và con trai, Minotaur. Minoan thường được cho là nền văn minh đầu tiên được ghi chép ở Châu Âu. Họ có trình độ nghệ thuật sâu sắc, thậm chí đã phát triển được một loại chữ tượng hình.
Họ đã đi đâu?
Đến nay nguyên nhân về sự biến mất của nền văn minh Minoa vẫn còn gây tranh cãi. Đó có thể là một vụ phun trào núi lửa trên đảo Thera hoặc cuộc xâm lược bởi người Mycenaean.

4. Nền văn minh Clovis, Bắc Mỹ

Cư trú ở khu vực trung tâm Bắc Mỹ vào khoảng 10.000 năm TCN, bộ lạc Clovis là một nhóm người tiền sử sống nhờ vào việc săn bắt. Họ thậm chí đã tạo ra mẫu thiết kế mũi tên đặc thù cho riêng bộ lạc mình. Người ta tin rằng họ di cư từ Siberia đến Alaska trong kỷ băng hà.
Họ đã đi đâu?
Nguyên nhân sự biến mất của bộ lạc Clovis được cho có liên quan đến sự tuyệt chủng của loài voi ma mút. Hoạt động săn bắn gia tăng đã làm cạn kiệt nguồn thức ăn của họ. Một sao chổi cũng được cho là đã rơi xuống gần đó, góp phần tàn phá hơn nữa các nguồn tài nguyên thiên nhiên.

5. Nền văn minh Cucuteni – Trypillian

Nền văn minh bí ẩn này phát triển mạnh vào giữa năm 5500 trước Công nguyên và năm 2750 trước Công nguyên với đặc trưng là làm gốm và một thói quen kỳ lạ là cứ sau 60 đến 80 năm lại đốt làng của mình.
Họ đã đi đâu?
Các ngôi làng sau đó được xây dựng lại trên đống tro tàn của ngôi làng cũ. Khoảng 3.000 địa điểm khảo cổ về Cucuteni – Trypillian đã được xác định.
Giống như nhiều nền văn minh khác, nền văn minh Cucuteni – Trypillian có thể đã bị xóa sổ bởi tình trạng biến đổi khí hậu, cụ thể là một trong những đợt hạn hán tồi tệ nhất trong lịch sử Châu Âu, mà họ lại chính là một cộng đồng nông nghiệp. Nhưng có giả thuyết khác cho rằng họ dần dần hòa lẫn với các nhóm dân tộc khác cho đến khi nền văn hóa riêng của họ biến mất.

6. Nền văn minh Olmec

Nền văn minh Olmec có niên đại từ khoảng 14000 năm trước Công nguyên tại miền nam Mexco. Đây là nền văn minh đầu tiên ở Tây bán cầu phát triển hệ thống chữ viết, và có thể đã phát minh ra cả la bàn và lịch Trung Mỹ. Họ là những người thợ thủ công tài năng và mỗi ngôi làng đều có những ngôi nhà thờ tinh xảo và tượng bằng đá. Mãi đến giữa thế kỷ 19 các nhà khảo cổ mới phát hiện ra sự tồn tại của nền văn minh này.
Họ đã đi đâu?
Sự biến mất của nó được cho là do những thay đổi môi trường gây ra bởi các vụ phun trào núi lửa, động đất hoặc có thể là do sự suy yếu về nông nghiệp.

7. Đế chế Khmer, Campuchia

Đế quốc Khmer, thuộc lãnh thổ Campuchia ngày nay, là một trong những đế quốc hùng mạnh nhất ở châu Á, lãnh thổ của họ từng bao gồm Thái Lan, Campuchia, Lào và miền nam Việt Nam. Họ đã xây dựng lên cố đố Angkor mà chúng ta thường thấy ngày nay. Đế chế này đã công nhận sự tồn tại của ba tôn giáo: Ấn Độ giáo, Phật giáo Đại thừa, và Phật giáo Tiểu thừa.
Họ đã đi đâu?
Các cuộc xâm chiếm của kẻ thù, tử vong do bệnh dịch hạch, các vấn đề về quản lý nguồn nước ảnh hưởng đến nông nghiệp và xung đột về quyền lực giữa các gia đình trong hoàng tộc có thể là nguyên nhân dẫn đến sự tàn lụi của đế chế này.

8. Nền văn minh Mycenae, Hy Lạp

Mycenaeans là những người chinh phục vĩ đại, họ xâm chiếm nhiều thành phố lớn của Hy Lạp như Mycenae, Tiryns, Pylos, Athens, Thebes, Orchomenus, Iolkos và Knossos. Hải quân của Mycenaean được cho là hùng mạnh nhất trong khu vực.
Họ đã đi đâu?
Sự biến mất của họ được cho có liên quan đến cuộc nổi dậy giữa giai cấp nông dân và giai cấp cầm quyền. Chính biến đã dẫn đến sự sụp đổ của xã hội. Ngoài ra một cuộc xâm lăng của một tộc người phương Bắc cũng có thể là một nguyên nhân.

9. Đế chế Aksumite, Ethiopia

Đế chế Aksumite được cho là quê hương của Nữ hoàng Sheba. Nơi đây đã từng nổi tiếng về xuất khẩu ngà voi, vàng, và các sản phẩm nông nghiệp. Đế chế này cũng là nền văn minh đầu tiên ở châu Phi phát hành tiền xu, có bảng chữ cái riêng và xây dựng nên các bia tưởng niệm khổng lồ. Nhiều di chỉ quan trọng vẫn còn tồn tại ở một số khu vực hiện nay.
Họ đã đi đâu?
Về lý do biến mất, các nhà nghiên cứu cho rằng, sự cô lập thương mại và biến đổi khí hậu chính là nguyên nhân đã kết thúc nền văn minh này. Trong khi đó, theo những thần thoại địa phương, một nữ hoàng ngoại giáo mang tên Bani al-Hamwiyah đã xâm chiếm và xóa bỏ văn hoá Aksumite.

10. Nền văn minh của người Nabatean

Nền văn minh Nabatean cổ đại ngụ tại miền Nam Jordan, Canaan và phía Bắc Arabia từ thế kỷ thứ 6 trước Công nguyên, khi mà những người du mục Nabatean nói tiếng Aramaic bắt đầu di cư khỏi Ả Rập.
Các di tích về họ được khắc vào các tảng sa thạch trên các ngọn núi của Jordan. Việc quản lý hệ thống phức tạp các đập nước, kênh rạch và hồ chứa đã giúp họ mở rộng và phát triển mạnh trong một khu vực sa mạc khô cằn. Nabatean cũng là một điểm dừng quan trọng trên một tuyến thương mại phức tạp cho lụa, gia vị, kim loại quý, đá quý, hương và dược phẩm. Mỗi công dân là một thành viên xã hội và chế độ nô lệ là không tồn tại.
Họ đã bị xâm lược bởi những người La Mã vào năm 65 trước Công nguyên và mất quyền làm chủ đất nước vào năm 106 sau Công nguyên. Sau đó, đổi tên thành vương quốc Arabia Petrea.
Họ đã đi đâu?
Vào khoảng thế kỷ thứ 4 sau Công nguyên, người Nabateans đã rời bỏ Petra mà cho đến nay vẫn chưa tìm được lý do chính xác khiến họ ra đi. Người ta tin rằng, sau nhiều thế kỷ bị người nước ngoài cầm quyền, nền văn minh Nabatean đã bị tàn lụi do các nhóm nông dân người Hy Lạp cuối cùng đã chuyển đổi sang Thiên Chúa giáo trước khi đất đai của họ bị thu giữ hoàn toàn bởi những kẻ xâm lược người Ả Rập.






















Hoa Sen


Kiều trang phơi phới gót thanh tao
Đưa đón thời duyên mặc lý đào
Nhụy một khuôn vàng gương náu bụi
Cánh ba tầng ngọc tháp vươn cao
Lòng kia vẫn thẳng dù vương vít
Hương ấy càng xa lại ngạt ngào
Biết mặt gió xuân từ mấy độ
Mà hoa quân tử ý chưa trao
(Vũ Hoàng Chương)

















Truyền thuyết về Hoàng Hạc Lâu


Hoàng Hạc Lâu là thắng cảnh nổi tiếng ở Vũ Hán gắn liền với sông Trường Giang và là một trong “Tứ đại danh lâu” của Trung Hoa. Ngôi lầu nằm bên bờ sông Dương Tử và nhìn ra thành phố Vũ Hán, tỉnh Hà Bắc. Biết bao thi nhân, có cả Thôi Hiệu và Lý Bạch, đã từng viết nên những áng thơ nổi tiếng về ngôi lầu này. Truyền thuyết kể rằng Hoàng Hạc Lâu được xây dựng để tỏ lòng tôn kính với một vị Đạo tiên.
Ngày xưa, có một người đàn ông tên Tâm là chủ một quán rượu nhỏ. Một ngày kia, một người đàn ông ăn mặc rách rưới đến và hỏi xin ông một bát rượu. Ông Tâm chẳng những không coi thường người đàn ông vì vẻ bề ngoài của ông ấy, mà còn cho ông ấy một bát rượu lớn mà không lấy tiền.
Sáu tháng tiếp đó, ngày nào người đàn ông cũng đến xin rượu. Và lần nào ông Tâm cũng cho rượu mà không hề khó chịu.
Một ngày nọ, người đàn ông nói với ông Tâm: “Tôi nợ ông rất nhiều tiền rượu, nhưng tôi không có tiền để trả ông”. Rồi ông lấy ra một miếng vỏ cam từ chiếc túi mang bên người, và vẽ lên tường một con hạc vàng bằng miếng vỏ cam.
“Chỉ cần vỗ tay khi có khách ở đây, con hạc sẽ nhảy múa”, người đàn ông nói. Rồi ông vỗ tay và hát để chứng minh điều mình vừa nói. Con hạc quả thực nhảy ra khỏi bức tường và nhảy múa theo điệu nhạc.
Dần dần, quán rượu của ông Tâm trở nên nổi tiếng vì con hạc biết nhảy múa. Nhiều vị khách tới để được tận mắt xem điều kỳ lạ, thế là ông Tâm kiếm được khá nhiều tiền trong những năm sau đó.
Một ngày, người đàn ông trở lại, vẫn trong bộ quần áo rách rưới. Ông Tâm cảm ơn người đàn ông đó và muốn được chu cấp cho ông cho đến hết đời. Người đàn ông cười và đáp: “Đó không phải là lý do tôi tới đây”. Rồi ông lấy ra một cây sáo và thổi vài điệu nhạc. Khi ông thổi sáo, những đám mây từ trên cao bỗng hạ xuống, và từ giữa những đám mây một con hạc bay về phía họ. Người đàn ông cưỡi trên lưng hạc và bay lên trời.
Ông Tâm vô cùng biết ơn người đàn ông, ông tin rằng đó là một vị Đạo tiên. Để tỏ lòng cảm kích, ông Tâm đã xây một ngôi lầu tại vị Đạo tiên cưỡi hạc bay lên trời. Nó được đặt tên là Hoàng Hạc Lâu, có nghĩa là “Lầu Hạc Vàng”.
Tương truyền, khi “Thi tiên” Lý Bạch đến Lầu Hoàng Hạc du ngoạn, định đề thơ, nhưng đọc xong thơ Thôi Hiệu đã đề trước đó, ông đành nghiêng mình gác bút, ngửa mặt lên trời mà than rằng:
“Nhãn tiền hữu cảnh đạo vô tắc,
Thôi Hiệu đề thi tại thượng đầu”
Tạm dịch:
Cảnh đẹp nhường kia sao khó viết.
Trên đầu Thôi Hiệu đã đề thơ!


Dịch nghĩa:
Lầu Hoàng Hạc
Người xưa đã cưỡi hạc vàng bay đi,
Nơi đây chỉ còn lại lầu Hoàng Hạc
Hạc vàng một khi bay đi đã không trở lại
Mây trắng ngàn năm vẫn phiêu diêu trên không
Mặt sông lúc trời tạnh, phản chiếu cây cối Hán Dương rõ mồn một
Cỏ thơm trên bãi Anh Vũ mơn mởn xanh tươi
Trời về chiều tối, tự hỏi quê nhà nơi đâu?
Trên sông khói tỏa, sóng gợn, khiến buồn lòng người!
Cho đến nay, tại Việt Nam đã có nhiều nhà thơ đã dịch Hoàng Hạc Lâu ra tiếng Việt. Tản Đà là một trong những người dịch đầu tiên và tài năng của ông đã giúp cho bài thơ trở nên quen thuộc với người Việt Nam. Ngoài ra, có thể kể đến những bản dịch của Trần Trọng Kim, Trần Trọng San, Ngô Tất Tố…
Bản dịch của Tản Đà
Hạc vàng ai cưỡi đi đâu?
Mà đây Hoàng Hạc riêng lầu còn trơ
Hạc vàng đi mất từ xưa
Nghìn năm mây trắng bây giờ còn bay
Hán Dương sông tạnh cây bày
Bãi xa Anh Vũ xanh dầy cỏ non
Quê hương khuất bóng hoàng hôn
Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai
Bản dịch của Ngô Tất Tố
Người xưa cưỡi hạc đã cao bay
Lầu hạc còn suông với chốn này
Một vắng hạc vàng xa lánh hẳn
Nghìn năm mây bạc vẩn vơ bay
Vàng gieo bến Hán, ngàn cây hửng
Xanh ngát châu Anh, lớp cỏ dầy
Hoàng hôn về đó quê đâu tá?
Khói sóng trên sông não dạ người.