Những nỗ lực hướng tới dân chủ và tự do là một câu chuyện diễn ra trong suốt chiều dài lịch sử nhân loại. Tự do là một thuộc tính tự nhiên của con người, như Jean Jacques Rousseau (1712-1778) - nhà triết học thuộc trào lưu Khai sáng có ảnh hưởng lớn tới cách mạng Pháp - 1789, đã từng nói: “Con người sinh ra đã có tự do”. Nhưng thuộc tính tự do của mỗi cá nhân luôn có xu hướng bị “đồng hóa”, bởi quyền tự do của các cá nhân luôn ràng buộc, thậm chí khống chế lẫn nhau. Bản tính tự do tự nhiên của con người được phát huy hiệu quả ở mức độ nào là tùy thuộc vào tầm vóc văn hóa và những điều kiện riêng của từng cá nhân, cùng kết quả quá trình tiến hóa của toàn xã hội.
Con đường tới tự do
Đối với đại đa số con người, điều kiện cơ bản đầu tiên của tự do là một đời sống vật chất ở mức tối thiểu. Chỉ cần bằng trải nghiệm ít nhiều trong cuộc sống, người ta cũng không khó để nhận ra cái minh triết trong lời nhắn nhủ: “Hãy kiên quyết đừng để mình trở nên nghèo túng; hãy sử dụng ít hơn bạn có. Sự nghèo túng là kẻ thù lớn đối với hạnh phúc con người; nó phá hủy tự do, và nó khiến một vài đức hạnh trở thành không thực tế, và số còn lại cực kỳ khó khăn” của Samuel Johnson (1709-1784)- nhà văn, nhà đạo đức học người Anh, thật đáng giá và thực tế biết bao! Hóa ra muốn có tự do thì trước hết con người cần phải thoát nghèo.
Tuy nhiên, để thoát nghèo, con người cần nhiều đức tính, nhưng phải chăng không thể không có những lựa chọn mạo hiểm! Người ta đã đúc kết rằng: “Một người nông dân từ bỏ một mái lều tranh, còn khó hơn một nhà tư sản từ bỏ một lâu đài”! Rằng đó phải chăng cũng chính là những “cái quẩn quanh”, không dám mạo hiểm - bứt phá, khiến chủ thể khó thoát nghèo!? Vì vậy cái “không gian tự do” của họ cứ mãi hạn hẹp! Lịch sử đã chứng minh rằng: những dân tộc chậm phát triển, tất nhiên khó mà có dân chủ và tự do nơi họ, thường cũng là những dân tộc có lịch sử ít mạo hiểm.
Nhìn sâu hơn vào bản chất, sự mạo hiểm chính là một phần của tự do, bởi rõ ràng tự do trước hết được thể hiện ở quyền tự do lựa chọn, mà gắn liền với mỗi lựa chọn luôn tiềm ẩn khả năng sai lầm. Erich Seligmann Fromm (1900-1980) - nhà tâm lý học xã hội, nhà phân tâm học, nhà xã hội học, triết gia nhân văn và nhà xã hội học dân chủ người Đức, cho rằng: “Không thể có tự do thật sự mà không có tự do vấp ngã”. Cái giá phải trả cho tự do thực sự, chính là sự vấp ngã. Hay như Mahatma Gandhi (1869 -1948) - người hùng dân tộc Ấn Độ, đã phát biểu: “Tự do không đáng để có nếu nó không bao gồm tự do được sai lầm”.
Hơn thế nữa như nhà giáo dục người Mỹ-William Arthur Ward (1921-1994) đã lý giải: “Người không mạo hiểm điều gì, chẳng là gì. Anh ta có thể tránh được đau buồn và thống khổ, nhưng anh ta không thể học hỏi, cảm nhận, thay đổi, trưởng thành hay thực sự sống. Bị xiềng xích bởi sự khuất phục, anh ta là kẻ nô lệ đã từ bỏ tất cả tự do. Chỉ người dám mạo hiểm mới có tự do”.
Do đó những kẻ cầu toàn, sợ mắc sai lầm, đều không thể có tự do đích thực. Và tương tự như thế, những kẻ không dám nhận trách nhiệm cho mỗi quyết định của mình cũng không thể là con người tự do. Rằng như Elbert Green Hubbard (1856-1915)- nhà văn và triết gia người Mỹ đã nói: “Trách nhiệm là cái giá của tự do”. Theo Anna Eleanor Roosevelt (1884-1962) (phu nhân của tổng thống Mỹ- Franklin D. Roosevelt (1882-945) - nhà tiên phong trong phong trào ủng hộ nữ quyền, tích cực trong nỗ lực hình thành nhiều định chế, trong đó đáng kể nhất là tổ chức Liên hiệp quốc) thì: “Tự do đòi hỏi rất nhiều ở mỗi người. Đi cùng với tự do là trách nhiệm. Với người không sẵn sàng trưởng thành, người không muốn mang sức nặng của chính mình, đây là một viễn cảnh đáng sợ”. Điều này có nghĩa là, đối với những thực thể “chưa trưởng thành” thì quyền tự do, hay “không gian tự do” sẽ tự nó bị tước đoạt, hay chính họ lại muốn nhường quyền tự do quyết định cho người khác. Cũng như họ dễ dàng bị kẻ khác cướp đoạt quyền tự do của mình. Họ dường như không dám “độc lập”, không dám “tự chủ”, bởi họ không có khả năng “tự quyết định” cũng như “tự chịu trách nhiệm”. Đây chính là hình ảnh thực tế, về những lớp người chưa trưởng thành, những dân tộc chưa trưởng thành. Và thật khó nói đến những ý tưởng kiến tạo, những tư tưởng khai mở, cũng như sự đột phá từ họ!
Tự do và những kẻ thù
Kẻ thù đầu tiên của tự do là thái độ hèn yếu không dám đấu tranh để có quyền tự quyết cũng như tiếp nhận trách nhiệm gắn liền với nó, nhưng đó không phải là kẻ thù duy nhất. Ở thái cực ngược lại, kẻ thù của tự do còn là khi người ta không tự nhận ra tính hữu hạn về sức mạnh và khả năng của mình, nên đã tự cho mình cái quyền tự do vô lối, nên liều lĩnh trong hành động, hoang tưởng như mình có quyền uy và năng lực tuyệt đối, trong việc tác động vào đời sống xã hội. Rằng tính chủ quan này, chính là một dạng suy thoái năng lực của con người. Điều này thường xảy ra ở những “kẻ độc tài giải phóng chính mình, nhưng lại nô dịch hóa nhân dân” như vua hề Charlie Chaplin (1889-1977) đã bóc mẽ. Và như thế, chúng trở thành những kẻ bóp chết tự do, không chỉ của người khác, mà của cả chính chúng.
Ngoài ra như William Arthur Ward cũng đã chỉ rõ: “Kẻ thù của tự do là lãng phí, thờ ơ, phóng đãng, và thái độ xảo quyệt muốn có mà chẳng bỏ công”. Quả thật, nếu những phẩm tính không mong muốn này lại đồng thời tồn tại ở một nơi nào đó, thì ở đó yêu cầu thực thi quyền tự do sẽ trở thành một thứ hoang tưởng!?
Độ rộng hẹp của “không gian tự do” luôn phụ thuộc vào sức mạnh nội tại của chủ thể. Rõ ràng những kẻ phải nhờ cậy sức mạnh của người khác để có tự do thì thứ tự do đó chỉ là thứ tự do không thực chất và khó bền lâu. Đó dường như là một chân lý phổ biến trong đời sống, cũng như trong lịch sử. Đến đây khiến người ta nhớ đến lời hiệu triệu “Tự do, Sancho ạ, là sức mạnh của ngọn giáo chiến đấu!” của kỵ sĩ Don Quijote nói với người đồng hành Sancho Panza trong tiểu thuyết nổi tiếng “Don Quijote xứ Mancha” của nhà văn Tây Ban Nha-Miguel de Cervantes y Saavedra (1547-1616). Điều này cũng đã được bàn đến trong bài “Tự do-sức mạnh của ngọn giáo” (Tia Sáng ngày 27-4-2016).
***
Lịch sử đã chứng minh rằng, một xã hội muốn phát triển, thì trước hết quyền tự do của xã hội ấy phải được phát triển. Thêm nữa, như Karl Heinrich Marx (1818-1883) đã từng nói: “Sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người”! Như vậy, chỉ có tự do của mỗi cá nhân được đảm bảo, mới có thể tạo nên tự do của một quốc gia, đặt nền tảng cho quốc gia phát triển. Mặt khác như chủ tịch Hồ Chí Minh (1890-1069) đã nhấn mạnh: “Đất nước độc lập nhưng nếu nhân dân không tự do, hạnh phúc, thì độc lập ấy không có ý nghĩa gì”. Điều này còn có nghĩa là, độc lập trước ngoại bang chỉ là một tiền đề, nó chưa hẳn đã mang đến tự do, lại càng không phải là mục đích cuối cùng! Và từ thực tiễn lịch sử cho thấy, quá trình giành độc lâp, có thể chỉ diễn ra trong ngắn hạn, nhưng quá trình để đi đến tự do, thường lại là một quá trình kiến tạo, gian khổ, phức tạp, chịu nhiều biến động, thử thách, mở và dài hạn.
Tự do thật mong manh và dễ đổ vỡ, nó là hệ quả của biết bao yếu tố ngoại lực và nội lực. Nhưng rõ ràng một thực thể nào đó dẫu đã có độc lập, nhưng vẫn chưa trưởng thành, thì vẫn còn rất xa vời với tự do gắn với phát triển, thậm chí có thể sự độc lập của nó cũng sẽ bị đe dọa. Và khả năng “tự quyết định” cũng như dám “tự chịu trách nhiệm” của mỗi thực thể, chính là những tiêu chí quan trọng, góp phần làm nên sự trưởng thành của thực thể đó! Vậy nên chăng cần bắt đầu, từ việc tạo lập quy trình, khiến cho mỗi cá nhân, mỗi tổ chức xã hội phải “tự quyết định” cũng như phải “tự chịu trách nhiệm” về mọi hành động của mình !? Rằng đó chính là khởi đầu quan trọng, nhất thiết phải vượt qua, trong lộ trình đi đến tự do cá nhân và tự do xã hội! Và điều sau cùng cần nhớ, dù có như thế nào thì cũng “không thể bảo vệ tự do trong khi nhân dân không nhận thức được nó“, cái điều mà John Adams John Adams (1735-1826) - phó tổng thống đầu tiên của Mỹ (1789-1797) và là tổng thống thứ 2 của Mỹ (1797-1801), đã nhắn gửi.
Ý thức về phẩm giá cũng như trách nhiệm với bản thân và đồng loại cùng với những mạo hiểm và sự hi sinh có thể gắn với các lựa chọn, một cách tự nhiên những yếu tố đó chính là khuôn khổ đằng sau quyền tự do của con người. Và con người chỉ tự do thực sự khi chấp nhận khuôn khổ ấy một cách tự nguyện. Một người có ý chí khát khao vươn tới mục tiêu của mình, sẽ nhận ra, tự do chính là “tự do phục tùng những luật lệ mà một người tự thiết lập cho chính mình”, cái điều mà Jean Jacques Rousseau cũng đã đề cập. Và rõ ràng mục tiêu càng cao thì cái luật lệ mà họ tự thiết lập càng nghiêm ngặt, cũng như tính tự phục tùng phải càng lớn. Đó là cái giá tất yếu phải trả để làm người tự do đích thực, bởi nếu không người ta buộc phải thuộc về một thái cực khác trong thực tế cuộc sống, đó là tự nguyện một cách có ý thức hoặc vô thức bằng lòng với sự mất tự do, hoặc phải chấp nhận một thứ tự do giả hiệu, thứ tự do trong phục tùng nghiêm ngặt những luật lệ, những quy tắc mang tính áp đặt từ người khác.
Những con người tự do đích thực là tài sản quý giá không bỗng dưng mà có. Mỗi con người sinh ra đã có tự do, nhưng để làm người tự do là kết quả của nỗ lực phấn đấu không ngừng từ bản thân mỗi cá nhân cũng như toàn xã hội, mà trước hết đó là sản phẩm của nền giáo dục. Một trong những điều kiện cơ bản để có con người tự do là họ phải được hưởng một nền giáo dục tốt. “Trẻ em cần phải được giáo dục và được hướng dẫn những nguyên tắc của tự do” như John Adams đã đúc kết.