PHAN NGỌC(*)
Phan Ngọc. “Nho giáo và Khổng học với thời đại nước ta”. Tạp chí Nghiên cứu tôn giáo, số 5-2001, tr. 50-54.
Vấn đề Nho giáo hết sức rắc rối. Theo như tôi biết, cho đến nay, không chỉ ở Việt Nam mà khắp thế giới đều có sự lẫn lộn giữa Tống Nho là học thuyết được Trung Quốc, Việt Nam, Triều Tiên theo với Khổng học là triết học do Khổng Tử sáng lập. Với chúng ta, điều này càng thêm rắc rối khi chính Hồ Chí Minh lại thường nói đến Đức Khổng Tử vĩ đại, và một số nơi tự bảo mình theo Khổng Tử nhưng không phải vì thế mà trở thành lạc hậu, trái lại là những khu vực tiến mạnh nhất và nhanh nhất trên con đường hiện đại hoá. Cho đến nay trong cách đánh giá Nho giáo, tuy vô số sách đã viết và có những hội nghị quốc tế đã bàn, nhưng vẫn chưa có ý kiến thống nhất. Sở dĩ thế là vì công việc nghiên cứu Nho giáo hãy còn thiếu một cách nhìn theo nhận thức luận (epistemology) để phân biệt, trong cái được gọi chung là Nho giáo, nhiều bộ phận khác nhau và đối lập nhau triệt để, đòi hỏi ta phải xét riêng trên cơ sở tư liệu sách vở, đồng thời đối chiếu với hoàn cảnh xã hội của từng nước cụ thể trong từng giai đoạn cụ thể.
I. KHỔNG HỌC
Trước hết phải phân biệt Nho giáo với cái phần được gọi là Khổng học. Tài liệu gốc để hiểu Nho giáo là Ngũ kinh (Kinh Thi, Kinh Lễ, Kinh Dịch, Kinh Thư, Kinh Xuân thu), còn tài liệu gốc để hiểu Khổng học là Luận ngữ. Ta lại cần phân biệt ở Khổng Tử hai con người khác nhau, một thầy dạy văn hóa cổ để kiếm sống và một nhà triết học có mục đích rõ ràng là truyền bá một học thuyết riêng của mình trên cơ sở giảng dạy văn hoá cổ.
Trước hết Khổng Tử là một thầy học phải kiếm sống bằng nghề dạy văn hóa cổ với một mục đích cụ thể là để làm quan, bởi vì ở thời của ông, muốn làm quan phải học văn hóa cổ, đây là điều hết sức đặc biệt của những nước Đông Á, lấy học vấn làm nền tảng trị nước. Ngoài Đông Á ra, chuyện phải học để làm quan chỉ được quy định ở Châu Âu từ thế kỷ XIX, còn trước đó, người ta dựa vào giai cấp, tôn giáo, không dựa vào học vấn. Một khi phải kiếm sống bằng nghề dạy văn hóa cổ, dĩ nhiên Khổng Tử phải giảng về những công trình xưa. Điều chắc chắn là ông đã rút gọn Kinh Thi và Kinh Thư từ chỗ quá phức tạp xuống thành hai tác phẩm ngắn gọn, dễ học. Còn về những công trình khác thì hết sức đáng ngờ. Điều chắc chắn là Kinh Xuân Thu xuất hiện sau khi Khổng Tử chết do các học trò của ông nhân danh ông viết ra, cho nên không thể thuộc số sách ông dạy. Cũng vậy Kinh Dịch không phải sách ông dạy. Trong toàn bộ Luận ngữ chỉ có một câu nói đến Kinh Dịch, nhưng khảo chứng học đời Thanh đã bác, nói chữ ấy không phải là "dịch" mà là "diệc" nghĩa là "cũng". Vậy Kinh Dịch không thuộc nội dung được dạy. Còn Kinh Lễ tuy có được nhắc đến trong Luận ngữ, nhưng hiện nay chỉ có Lễ kí, trong đó một phần lớn là những chuyện các môn đệ kể lại những lời bàn của Khổng Tử, chứ không phải là một kinh như kiểu Kinh Thi, Kinh Thư. Nội dung của Nho giáo với tư cách một học thuyết sau này được truyền bá là một thứ thuyết vạn vật hữu linh (animism) chung cho nhân loại cổ đại trong đó nói đến quan hệ giữa con người với mọi vật. Nhưng vì quan niệm ấy nẩy sinh ở Trung Quốc, cho nên nó cũng đổng thời được cấu trúc hoá lại kiểu Trung Quốc trong cái sơ đồ Âm Dương, Ngũ Hành, Bát quái, Bói toán, được tổ chức theo một thứ tôn ti, trong đó các hành động của vua chúa liên quan tới các hiện tượng của trời đất, các điềm báo trước, v.v... Đó là nội dung Khổng Tử dạy. Nội dung này không phải của riêng Khổng học mà là chung cho các trường phái thời Chiến quốc: Đạo học, Ngũ Hành, Âm Dương, Bói toán, Xem tướng, Đoán mộng, v.v...
Cái phần làm thành học thuyết của Khổng Tử là một sự lựa chọn độc đáo được ghi lại trong Luận ngữ. Và chỉ công trình Luận ngữ mới là tiêu biểu cho học thuyết của ông. Mọi công trình khác, trừ đoạn mở đầu của Đại học được mọi người cho là của ông vì nó khẳng định một trình độ tư duy nhất quán với Luận ngữ còn mọi công trình khác cần phải được gạt ra, nếu ta muốn tìm hiểu phần đóng góp của Khổng Tử với tư cách nhà triết học.
Một sự khảo sát Luận ngữ theo quan điểm ngữ văn cho thấy hai điều:
Thứ nhất, sự đối lập dứt khoát giữa lập trường triết học của ông là bất khả tri với "linh hồn giáo cổ đại". Trong tác phẩm Luận ngữ không có một câu nào nói đến quan hệ giữa trời đất với con người, không nói đến cái chết, thần linh, các điềm báo trước, bói toán, chuyện quái lạ. Không những ông không nói đến mà còn chống lại. Thái độ bất khả tri này được khẳng định rõ ràng ở Tuân Tử, là người thừa kế mặt duy vật của ông. Không phải vô cớ mà Tuân Tử hết sức đề cao Khổng Tử nhưng lại kịch liệt mạt sát Mạnh Tử, tuy cả hai người đều tự xưng là thừa kế Khổng Tử. Tuy Khổng Tử có nói đến "mệnh trời", nhưng khái niệm này chẳng qua chỉ là khẳng định giới hạn nhỏ bé của ông trong việc thay đổi xã hội trước mắt và sự bất lực của mình, cũng như ta nói "trời mưa, trời gió, số trời" mà thôi chứ không chứa đựng một hàm nghĩa huyền bí nào hết.
Cũng vậy, trong Luận ngữ không hề có một câu nào chứng minh Khổng Tử là người chủ trương chế độ quân chủ chuyên chế, chiến tranh xâm lược, nhân dân phải chấp nhận nghèo khổ, phụ nữ là thua kém nam giới. Đồng thời ông cũng không chủ trương học thuyết mình là một quốc giáo mà chỉ dành cho một số ít người có ý thức trau dồi mình để trở thành người quân tử nhằm đem lại hoà bình hạnh phúc cho dân khi được sử dụng vào việc trị dân. Trái lại trong Luận ngữ có nhiều câu khẳng định những điều ngược lại.
Khổng Tử muốn xây dựng một học thuyết để đem đến yên ổn, hoà bình cho xã hội, nhưng lại không gây xáo trộn to lớn. Ông quy toàn bộ giáo dục về tu thân. Trong Luận ngữ chẳng hạn, có 11 câu bàn về Kinh Thi nhưng cả 11 câu đều được giải thích theo hướng giúp người ta tu thân. Về các kinh khác cũng vậy.
Con đường tu thân của ông không xuất phát từ một tiền đề thần bí nào hết. Trước hết, phải sử dụng giác quan để nhìn và nhận xét. Do đó ông đề cao việc học. Cái gì giác quan không nhận thấy được thì ông gạt ra. Do đó ông không nói đến thần linh, cái chết, những quan niệm của thuyết vạn vật hữu linh. Một khi đã học thì phải suy nghĩ để tìm quan hệ. Do đó học trò của ông phải từ một góc mà suy ra được ba góc còn lại ông không dạy tiếp. Trong các quan hệ này có những quan hệ không thay đổi từ khi con người tồn tại cho đến nay, và ông xây dựng những chữ để hướng dẫn con người trong các hành vi này. Đã là người thì tất yếu có cha mẹ cho nên phải có chữ Hiếu; phải có anh chị em cho nên có chữ Đễ; phải có bạn bè và quan hệ giữa người với người cho nên phải có chữ Tín, phải có người trên kẻ dưới cho nên phải có chữ Trung. Các chữ này không phải tách rời nhau, độc lập đối với nhau, mà đều bị chi phối bởi một lưới những quan hệ qua lại, không có tình trạng một chiều. Trước hết có chữ Lễ là những quy tắc đã được xác lập. Thứ hai có chữ Nghĩa chỉ cách thực hiện đúng đắn. Thứ ba có chữ Trí là sự thông minh, biết đối phó thích hợp trong những hoàn cảnh khó khăn. Thứ tư có chữ Liêm là thái độ không mưu lợi ích riêng. Khi một người thực hiện được các đòi hỏi về tu thân này thì anh ta sẽ đạt đến cái tiêu chuẩn cao nhất của lí tưởng Khổng giáo là chữ Nhân.
Quan điểm tu thân này xuất phát từ chính mình, cái đó Khổng Tử gọi là tính nhất quán của học thuyết ông. Tính nhất quán ấy là gồm trong hai chữ Trung và Thứ. Chữ Trung là làm hết sức mình, và Thứ là xuất phát từ chính yêu cầu của mình: "Điều gì mình muốn người ta làm cho mình, thì làm cho người khác. Điều gì mình không muốn người ta làm cho mình thì mình đừng làm cho người khác".
Đặc biệt, Khổng Tử vì chống lại thứ đạo lí một chiều, chỉ có một bên hưởng và một bên phải phục vụ cho nên chủ trương hai khái niệm là Thời và Trung Dung. Chữ Thời là "thích hợp với hoàn cảnh cụ thể" không có gì là cố định cả. Khái niệm Hiếu, Trung, Lễ chẳng hạn, thay đổi theo từng giai đoạn lịch sử, từng hoàn cảnh xã hội cụ thể, những điều thời Khổng Tử cho là đúng không nhất thiết là đúng cho ngày nay. Khái niệm Trung Dung là có mức độ vừa phải, không cực đoan.
Quan điểm tu thân của Khổng Tử là nhằm đào tạo những con người góp phần xây dựng xã hội dưới đất, đem đến no ấm cho mọi người, không phải nhằm một lí tưởng xa vời, lên Niết Bàn hay lên Thiên Đường, và con người tu thân là để thay đổi xã hội bằng tấm gương của mình và hành động của mình. Quan điểm ấy khác các quan điểm đã có xuất phát từ một tiên đề không có cách gì chứng minh như Chúa, cái Thiện tuyệt đối. Nó không mang tính giai cấp, cũng không bó hẹp vào một chế độ xã hội, dù đó là quân chủ, dân chủ, hay chủ nghĩa xã hội. Trong bất cứ xã hội nào, con người cũng phải tu thân, và tu thân là để đổi mới xã hội đem đến hoà bình hạnh phúc cho mọi người. Muốn tu thân thì phải học không biết mỏi, lo trước vui sau. Hồ Chí Minh đề cao Khổng Tử là vì thế, thậm chí nói phải đọc sách Khổng Tử để tu thân và đọc sách Lênin để làm cách mạng. Đối với người cộng sản Việt Nam, dù có giành được độc lập, đất nước vẫn còn rất nghèo nàn, lạc hậu, đói khổ chưa chấm dứt, con người cách mạng phải đi con đường tu thân để cải tạo xã hội. Mà chỉ có Khổng Tử mới đặt được vấn đề tu thân đầy đủ và nghiêm chỉnh như vậy. Đó là điểm ưu việt của Khổng Tử bên cạnh nhiều thiếu sót của ông trong một xã hội Trung Hoa cách đây hai nghìn năm trăm năm.
II. NHO GIÁO
Nho giáo không phải là Khổng học. Nho giáo đời Hán là một sự quay trở về linh hồn giáo trước Khổng Tử khi lấy năm kinh làm đối tượng để học tập và thi cử. Và từ đó về sau Nho giáo là một hỗn hợp của Âm Dương, Ngũ Hành, Bói toán, lí thuyết quan hệ giữa Trời, quỷ thần với Người, chuyện tai biến, chuyện quái lạ... là những điều Khổng Tử tránh không nói đến. Xuất phát từ quan hệ giữa Trời và Đất trong đó Trời là Dương, Đất là Âm, Hán Nho xây dựng thuyết Tam cương để bắt bầy tôi lệ thuộc vào vua, làm cơ sở cho chế độ quân chủ chuyên chế và sự thống trị của bộ máy quan liêu, bắt con lệ thuộc vào cha, vợ lệ thuộc vào chồng, biện hộ cho chế độ bất công. Đây chẳng qua là mượn quan hệ giữa Trời và Đất xây dựng một lí thuyết về đẳng cấp kiểu Bà La Môn giáo mà thôi.
Khổng học chỉ có thể là học thuyết cho một thiểu số trí thức. Bởi vì, nó quá trí tuệ. Toàn bộ Luận ngữ không nhắc đến trái tim biểu hiện bằng chữ "tâm" mà chỉ nói đến "chính mình". Mạnh Tử đã tìm cách bổ cứu khi dùng chữ "tâm" 150 lần (cái tâm của đứa trẻ thơ, cái tâm đã mất, giữ lấy cái tâm...). Nhưng từ đời Hán đến đời Tống, Nho giáo chỉ là một học thuyết để đào tạo quan lại mà thôi. Còn nhân dân thì theo cái "tâm" được biểu hiện trong Đạo giáo và nhất là trong Phật giáo. Để cứu vãn một Nho giáo trên đà suy vong, Tống Nho xây dựng lại Nho giáo, đưa siêu hình học Đạo giáo (Âm Dương, Ngũ Hành, Lí, Khí) vào, và mượn một lôgic Phật giáo, một tâm lí học Phật giáo để bổ cứu cho những thiếu sót hiển nhiên của Khổng học. Kết quả Tống Nho đã thắng Phật giáo, Đạo giáo, và trở thành học thuyết chính thống của Nho giáo về sau. Nhưng Tống Nho được xây dựng để bảo vệ một đất nước yếu về quân sự trước nạn xâm chiếm của người Kim đã chiếm Hoa Bắc vào năm 1127 và nạn xâm chiếm của người Mông Cổ sẽ làm chủ toàn bộ Trung Hoa vào năm 1276. Vì vậy, Tống Nho chỉ có thể tạo nên một thứ Nho giáo cực kì giáo điều, chết cứng, tự túc tự mãn với ba đặc điểm (kinh tế tự túc, chế độ quân chủ cực quyền, sự phong bế về ngoại giao và ngoại thương), những điều tất yếu dẫn tới sự suy sụp của ba nước theo Tống Nho là Việt Nam, Trung Quốc và Triều Tiên.
III. NHO GIÁO VIỆT NAM
Nho giáo Việt Nam vào thời Pháp xâm lược là Tống Nho. Và suốt lịch sử Việt Nam không biết đến một Nho giáo nào khác ngoài Tống Nho. Đặc biệt khi Gia Long lên ngôi, mọi cải cách tiến bộ thời Tây Sơn đều bị bỏ: chữ Nôm mất địa vị, chữ Hán được tuyên bố là chữ viết chính thức, các giáo sĩ Công giáo bị cấm hoạt động, việc buôn bán của ngoại kiều bị cản trở để quay trở lại chế độ tự túc, bế quan tỏa cảng. Đồng thời, việc giáo dục theo hẳn Tống Nho. Nhưng đó là chuyện triều đình. Còn Nho giáo trong lòng người dân Việt Nam là theo bản sắc văn hoá Việt Nam. Cho nên Nho giáo Việt Nam chỉ có hình thức Tống Nho mà thôi, còn nội dung là vẫn theo yêu cầu của bản sắc văn hoá dân tộc.
1. Nho giáo Trung Quốc không nói đến nước, chỉ nói đến vua, triều đình, còn Nho giáo Việt Nam là Nho giáo vì Tổ quốc. Vua và triều đình Việt Nam không phải là người sở hữu nước như ở Trung Quốc. Tên gọi của Trung Quốc trước 1911 như Hán, Đường, Tống... là tên gọi của triều đại. Ở Việt Nam, tên Đại Việt chẳng hạn là chung cho nhiều triều đại từ Lý đến Trần, Lê. Triều đình và ông vua chỉ là người quản lí nước không phải người sở hữu nước. Cho nên chữ Trung của Việt Nam là trung với nước, và Việt Nam có khái niệm Đại hiếu là hiếu với dân với nước mà Nho giáo Trung Quốc không có. Với khái niệm "trung hiếu" này, nước Việt Nam là nước duy nhất trên trái đất mặc dù đất nhỏ, dân nghèo và gần Trung Quốc, đã đánh bại mọi kẻ thù giữ vững độc lập trong những hoàn cảnh không một nước nào làm được. Đối với Việt Nam, lòng hiếu với cha mẹ chỉ là "Tiểu hiếu", mà lòng hiếu với Tổ quốc Việt Nam, nhân dân Việt Nam mới là Đại hiếu. Trường hợp Nguyễn Trãi, Hồ Chí Minh và mọi người cách mạng rời khỏi cha mẹ, gia đình chính là để thực hiện Đại hiếu. Cũng vì ông vua không phải nguời sở hữu đất nuớc cho nên khi một ông vua cắt đất cho nuớc ngoài như Tự Đức hay quỳ gối truớc nuớc ngoài nhu Chiêu Thống thì nhân dân chống lại, đòi "moi gan, uống máu" ông vua. Do đó, cũng là học Nho giáo cả, nhung các nhà Nho Việt Nam tham gia mọi phong trào chống Pháp, và số nhà Nho hi sinh cho sự nghiệp cứu nuớc là không thể kể hết. Ngục tù Côn Đảo có một thời đầy những nhà Nho ưu tú nhất nuớc. Sau đó lại có hiện tuợng những nhà Nho vào Đảng Cộng sản (Đặng Thúc Hứa, Hồ Tùng Mậu, Võ Liêm Sơn...), và thế hệ học Nho giáo trong gia đình lãnh đạo Đảng cộng sản (Hồ Chí Minh, Trần Phú, Truờng Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp...). Tôi không thấy hiện tuợng này ở Trung Quốc.
2. Xã hội, đất nuớc Việt Nam xây dựng trên sự tồn tại của làng xã. Làng xã đóng một vai trò tự quản về mọi mặt: kinh tế, xã hội, tôn giáo, chính trị. Nó lo cho đời sống dân làng và chỉ có quan hệ gián tiếp với bộ máy quan lại của triều đình. Đặc điểm này tồn tại suốt lịch sử tạo nên một nuớc Việt Nam trong đó quyền lực của bộ máy quan liêu, của triều đình khá nhỏ bé. Không phải vua chúa không muốn chống lại nhung nếu quan liêu hoá toàn bộ đất nuớc theo kiểu Trung Hoa thì vấp phải sự chống đối cực kì to lớn và triều đình nhất định sụp đổ. Đặc điểm thứ hai này khiến nó khắc hẳn cái làng Trung Quốc. Chế độ ruộng công của làng Việt tạo nên sự gắn bó của dân làng, đồng thời biến mỗi làng thành một pháo đài chống ngoại xâm. Nho giáo nhập vào cái cơ chế làng xã, lập tức bị làng xã hoá, và nhà Nho truớc hết là nguời trí thức của làng, lo cho cuộc sống dân làng, rất khác nhà Nho Trung Quốc chỉ nhập vào chế độ quan liêu của triều đình, không biết đến làng. Làng Việt với tu cách cộng đồng của những nguời lao động gắn bó với nhau bằng máu mủ (thờ cúng tổ tiên), bằng tôn giáo (các thành hoàng phần lớn đều là những nguời có công với làng với nuớc), bằng một truyền thuyết chung về cha mẹ (Lạc Long Quân, Âu Cơ), bằng hợp tác trong lao động, suớng khổ có nhau. Vì vậy, chính làng Việt là cái lò tạo nên tinh thần dân chủ và có xu huớng xã hội chủ nghĩa cái mà trong Nho giáo không có và cấp cho những nguời theo Nho giáo Việt Nam ý thức trách nhiệm sống chết cho quê huơng. Làng giăng ra cái thiên la địa võng của chiến tranh nhân dân làm mọi kẻ thù trên hai nghìn năm nay khiếp vía.
3. Đặc điểm thứ ba là gia đình Việt Nam với vai trò quan trọng dành cho phụ nữ. Hết sức khác phụ nữ Trung Quốc, phụ nữ Việt Nam chưa hề bị ai bó chân, làm chủ thuơng nghiệp, nông nghiệp, nắm tài chính và quản lí tài sản gia đình, lo giáo dục con cái, gần nhu là nguời chủ yếu lo việc buôn bán của gia đình và giao dịch với họ hàng, lại tự do chăm sóc cho cha mẹ đẻ, trong khi cô dâu Trung Quốc khó khăn lắm mới được về thăm cha mẹ mình. Anh chàng rể Việt Nam có trách nhiệm với gia đình vợ chẳng kém gì với gia đình mình... Chính những quyền uu tiên mà phụ nữ Việt Nam đuợc thừa hưởng đã tạo nên nguời phụ nữ Việt Nam anh hùng và một đất nuớc toàn phụ nữ anh hùng mà lịch sử thế giới chưa hề biết đến.
Như vậy, Nho giáo Việt Nam chỉ giống Nho giáo Trung Quốc về cách học, cách thi cử mà thôi. Còn trong thực tế Nho giáo vào Việt Nam đã bị tiếp biến theo văn hoá Việt Nam để trở thành Nho giáo Việt Nam. Trong sự tiếp biến ấy, nét nổi bật là ý thức cộng đồng có xu huớng dân chủ và xã hội chủ nghĩa xuất phát từ quyền lợi chung của nguời lao động, và biểu hiện tiêu biểu nhất của nó là văn hoá dân gian mà ở đó, về mặt hệ tư tuởng, ngôn ngữ, hình thức nghệ thuật cảm xúc nghệ thuật đều không phải là Tống Nho, thậm chí chống lại Tống Nho triệt để./.
(*)Nhà nghiên cứu văn hóa học và ngôn ngữ học, Hà Nội.