Thứ Hai, 5 tháng 12, 2016

Không bữa ăn nào miễn phí: Coi chừng Donald Trump

- Tổng thống đắc cử Donald Trump có thể sẽ lật đảo các quan hệ kinh tế quốc tế với những cam kết và bước đi chưa từng có của mình. Nội các toàn các tỷ phú của người Mỹ có lẽ sẽ khiến thế giới phải coi chừng vì tư duy “Không có bữa ăn nào miễn phí”.


Nội các tỷ đô
Thị trường tài chính thế giới những tuần sau khi ông Donald Trump trúng cử tổng thống Mỹ tiếp tục biến động mạnh theo những tiết lộ về chính sách và nhân sự nội các của ông chủ mới của Nhà Trắng.
Tất cả các chỉ số chứng khoán Mỹ vọt lên mức cao kỷ lục mọi thời đại. Đồng USD lên mức cao nhất hơn thập kỷ, trong khi hầu hết các đồng tiền chủ chốt khác trên thế giới tụt giảm. Giá vàng giảm nhanh và đánh mất gần hết những gì có được trong gần 11 tháng đầu năm.
Không bữa ăn nào miễn phí: Coi chừng Donald Trump
Nội các chục tỷ USD của tân tổng thống Mỹ Donald Trump.
Hàng loạt nhân vật đặc biệt trong nội các mà ông Trump lựa chọn dường như để thực thi những cam kết này. Đây hầu hết là những người bảo thủ và theo chiều hướng cứng rắn. Không ít trong số họ là các tỷ phú USD, triệu phú USD.
Khoảng 6 tuần nữa, nội các giàu nhất lịch sử nước Mỹ sẽ ra mắt. Đó là bà Betsy DeVos, một doanh nhân thừa kế gia sản tập đoàn mỹ phẩm Amway, với tài sản hơn 5 tỷ USD, trong vai trò bộ trưởng giáo dục. Tỷ phú nổi tiếng Wilbur Ross có gần 3 tỷ USD tài sản được nhắm tới ghế bộ trưởng thương mại. Trong khi bộ trưởng tài chính Steven Mnuchin, khiêm tốn cũng sở hữu khoảng một ngàn tỷ đồng.
Và tất nhiên, ông Trump cũng là một tỷ phú có hạng. Tổng tài sản theo tuyên bố của ông chủ mới của Nhà Trắng vào khoảng 10 tỷ USD. Còn theo Forbes, con số này rơi vào khoảng 3,7 tỷ USD.
Nhìn tổng thể, khối tài sản của các quan chức chính phủ Mỹ sắp hình thành có thể lên tới hàng chục tỷ USD, ngang tầm GDP của một nước trung bình trên thế giới và hơn một nửa số các quốc gia trên thế giới.
Không bữa ăn nào miễn phí: Thế giới coi chừng
Việc ông Trump và hàng loạt các tỷ phú được bầu chọn vào nội các Mỹ đã dấy lên nghi ngại về sự xung đột lợi ích công. Lợi ích đế chế kinh doanh của các tỷ phú có thể ảnh hưởng tới lợi ích quốc gia.
Bên cạnh đó, nó có thể ảnh hưởng tới chính sách mà ông Trump đã đưa ra trong chiến dịch tranh cử: chính sách dân túy, cam kết đứng về phía tầng lớp lao động nghèo khó trong xã hội.
Tuy nhiên, dưới con mắt của nhiều tỷ phú thì không hẳn như vậy.
Không bữa ăn nào miễn phí: Coi chừng Donald Trump
Donald Trump gặp mặt: Betsy DeVos, Mitt Romney, Todd Ricketts (trái qua phải)
Nhà đầu tư huyền thoại 80 tuổi Warren Buffett là người ủng hộ ứng cử viên Đảng Dân chủ Hillary Clinton nhưng khẳng định ông Donald Trump xứng đáng được tôn trọng và xứng đáng là ông chủ mới của Nhà Trắng. NĐT này cho rằng, lo ngại thị trường sẽ bị nhấn chìm vì Trump là ngớ ngẩn.
Về chính trị, những nhà lãnh đạo đi lên từ doanh nhân như ông Trump hay một số tỷ phú vừa được lựa chọn vào nội các khó có thể so sánh được với các chính trị gia lão luyện. Nhưng, về mặt lèo lái nền kinh tế, rất có thể khả năng quản trị DN siêu phàm có thể giúp họ thành công.
Như trường hợp Wilbur Ross, tỷ phú này nổi tiếng trong hoạt động tái cơ cấu, vực dậy các DN làm ăn thất bát. Nhiều “tư lệnh” khác của Trump làm trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, ngành xương sống của nền kinh tế,...
Với nhiều nhà phân tích, điều quan trọng là: tư duy của các tỷ phú rất sáng sủa, rõ ràng, logic và kinh tế. Họ hiểu nguyên tắc: không có bữa cơm nào là miễn phí. Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng, ông Trump thành công trong kinh doanh cho thấy đó là người thông minh và sẽ nhanh chóng nhận thức được trách nhiệm của mình ở cương vị mới.
Không bữa ăn nào miễn phí: Coi chừng Donald Trump
Bức ảnh cùng status mới nhất trên Facebook Donald Trump.
Một trong những vấn đề lớn nhất mà nước Mỹ đang gặp phải đó là gánh nặng nợ nần sắp vượt ngưỡng 20 ngàn tỷ USD, vượt cả GDP do... vung tay quá trán. Vị trí số 1 của Mỹ có thể sắp bị Trung Quốc lấy mất sau khi giành được từ tay nước Anh kể từ 1872. Khoảng cách giàu nghèo ngày càng gia tăng.
Có lẽ không ai hiểu rõ những vấn đề này bằng ông Trump, bởi chính ứng cử viên này đã có đường lối tranh cử ngược so với những thế lực lớn xã hội Mỹ thời điểm vừa qua. Ông có quan điểm bảo thủ, bảo hộ thương mại và sản xuất trong nước.
Chính sách của ông Trump cũng đã được đưa ra theo quan điểm cá nhân từ 30 năm trước. Khi đó, ông Trump đã không hài lòng về giá hàng hóa giá rẻ và dòng vốn đầu tư từ Nhật vào đánh bại kinh tế Mỹ. Giờ đây, ông Trump cũng cáo buộc tương tự với Trung Quốc và cho rằng nước này “thao túng tiền tệ” và “đánh cắp việc làm của người Mỹ”.
Một điều không kém phần quan trọng là, nhiều người Mỹ có thể tin tưởng rằng ông Trump sẽ không đi vay và chi tiêu bừa bãi để thế hệ sau phải chi trả, một hình thức được được cho là ăn cắp tiền của người dân để cứu các thể lực lớn, cứu các NĐT lớn.
Còn với nhiều nước khác, trò chơi phù phép đồng tiền giá rẻ và xuất khẩu giá thấp,... mà người bị móc túi là người dân, công nhân lao động khổ sở chính các nước đó… có thể sẽ không có nhiều đất diễn. Rất có thể, nhiều quan hệ kinh tế quốc tế sẽ bị đảo lộn bởi người sắp “lo” cho nước Mỹ rất có thể sẽ bám sát tư duy “không có bữa ăn nào miễn phí”.
Với Việt Nam, trong một báo cáo mới đây, HSBC cho rằng, chưa lường hết được tác động đối với kinh tế Việt Nam từ việc Donald Trump đắc cử Tổng thống. Để tránh một kịch bản xấu, VN cần thúc đẩy cải cách kinh tế càng nhanh càng tốt.
V. Minh



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét