Thứ Bảy, 3 tháng 12, 2016

Nhân dân và Tổng thống

Hiến pháp Mỹ tạo nên niềm tin vững như thạch trong những con người nhỏ bé rằng mình có tiếng nói, mình nắm vận mệnh đất nước, chứ không phải một người, một nhóm người, dù đó là Tổng thống Trump với nội các của ông ấy, hay Quốc hội với cán cân quyền lực nghiêng về đảng nào đấy.
We the People
"We the People…" - Chúng ta, Nhân dân Hợp chủng quốc Hoa Kỳ...tạo lập Hiến pháp này". Hiến pháp Mỹ mở đầu như vậy.
Một giáo sư luật học người Mỹ viết: “Ba từ đó (We The People) nói được nhiều hơn bất kỳ ba hay ba mươi từ nào trong toàn bộ bản văn Hiến pháp. […] Chúng lại có tính trao quyền, […] gửi một thông điệp rất mạnh mẽ đến nhân dân về bản chất của xã hội mà Hiến pháp muốn mô tả”.
Dụng ý của các nhà lập quốc Mỹ muốn khẳng định, quyền lực bắt nguồn và luôn nằm ở nơi nhân dân, người có quyền phân chia và lấy lại những quyền lực khi họ thấy cần thiết.
Ba từ We the People hàm ý vị thế làm chủ đất nước, vị thế của những người có quyền tham gia, có quyền lên tiếng, có quyền lựa chọn, và có quyền thay đổi sự lựa chọn.
Nhân dân và Tổng thống
Bản gốc của Hiến pháp Mỹ hiện đang được trưng bày tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia Hoa Kỳ và được bảo vệ nghiêm ngặt. Ảnh: beforeitsnews.com
Tám năm trước, họ đã trao cho Barack Obama một cơ hội để thay đổi, và nay, họ trao cơ hội ấy cho ông Trump. Không chỉ dừng lại ở việc lựa chọn Trump, mà lựa chọn trong cuộc bầu cử Hạ nghị sỹ hai năm tới, một phần ba Thượng nghị sỹ sau mỗi hai năm, bầu cử Tổng thống sau bốn năm, người dân Mỹ sẽ lại thay đổi cấu trúc quyền lực thượng tầng. Khi mỗi người dân “bước vào phòng kín, với chiếc bút và lá phiếu”, tiếng nói và sự lựa chọn của họ trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết.
Hiến pháp Mỹ còn tạo không gian cho người dân Mỹ tham gia và lựa chọn mọi lúc, mọi nơi, tạo không gian cho mọi quan điểm gần với con tim của từng công dân được thể hiện. Bà Clinton đã nhắc nhở người ủng hộ mình về điều đó: “Nền dân chủ hợp hiến của chúng ta đòi hỏi sự tham gia của mọi người, không chỉ cứ 4 năm một lần, mà mọi lúc”.
Như Philipos Melaku-Bello, một công dân Mỹ dựng ngôi lều nylon trước cổng Nhà trắng trong suốt 30 năm qua để kêu gọi giải trừ vũ khí hạt nhân.
Nhà báo Đức Hoàng viết: “Việc nước Mỹ để ông ở đó suốt 30 năm, với một cái lều rách và rất nhiều biểu ngữ chính trị, cách Nhà trắng vài chục mét, là một biểu hiện của giá trị Mỹ”. Khi được hỏi, việc mình làm có thay đổi được điều gì không, ông trả lời: “Có chứ, họ đã giải trừ hơn 10 nghìn đầu đạn hạt nhân. Chính là công của tôi”. Hiến pháp Mỹ tạo nên niềm tin vững như thạch trong những con người nhỏ bé rằng mình có tiếng nói, mình nắm vận mệnh đất nước, chứ không phải một người, một nhóm người, dù đó là Tổng thống Trump với nội các của ông ấy, hay Quốc hội với cán cân quyền lực nghiêng về đảng nào đấy.
Nhân dân cảm nhận thấy đó là Hiến pháp của mình, khi cá nhân mỗi công dân có thể sử dụng Hiến pháp để bảo vệ các quyền và tự do của mình, để quyền tự do của cá nhân công dân không bị xâm phạm bởi quyền lực, ý chí của đa số, dù là quyền lực của Tổng thống, đa số trong Quốc hội, hay đa số trong xã hội. Chính vì thế, chỉ vài giờ sau khi Trump đắc cử Tổng thống, Liên đoàn tự do dân sự của Mỹ (American Civil Liberties Union) đã tuyên bố, nếu ông ta thực thi những chính sách vi phạm Hiến pháp thiêng liêng, Liên đoàn sẽ kiện ra Tòa.
Cơ chế đó làm cho mỗi công dân nhỏ bé đều cảm nhận được vị thế lớn lao của mình. Nói như Montesquieu, “tự do (của người dân) xuất phát từ niềm tin rằng (họ) được sống trong sự an toàn”. Hiến pháp vì dân sẽ tạo ra niềm tin ấy, rằng họ có thể trông cậy vào các cơ chế hiến định để bảo vệ các quyền, tự do của mình, để được sống trong sự an toàn.
Chính vì tính chất “của nhân dân, vì nhân dân”, ghi nhận và thể hiện ý chí, chủ quyền tối thượng của nhân dân, Tòa án Tối cao Mỹ với 9 người, nhưng lại có quyền vô hiệu hóa cả những quy phạm do Quốc hội, với hàng trăm con người cũng nhận được sự ủy quyền của cử tri, đặt ra. Sự ủy quyền của cử tri cho các nghị sỹ là có thời hạn, trong khi chủ quyền nhân dân được ghi nhận trong Hiến pháp là vô hạn, do đó, nếu luật của Quốc hội Mỹ ban hành mà trái với Hiến pháp thì cũng phải vô hiệu hóa theo phán quyết của Tòa án Tối cao - thiết chế được Hiến pháp trao thẩm quyền làm điều đó.
Vào dịp kỷ niệm 200 năm Hiến pháp Mỹ, thẩm phán Tòa án Tối cao Mỹ khi đó là Thurgood Marshall nhận xét, Hiến pháp có hiệu lực thực tế nhờ công lao của những người không chịu bằng lòng với những quan niệm lỗi thời về “tự do”, “công bằng”, “bình đẳng”. “Những người” như vậy không chỉ là các thẩm phán có quyền giải thích Hiến pháp, mà chính là những công dân thế hệ hậu duệ với những quan niệm, khát vọng mới đã góp phần quan trọng làm thay đổi cách tiếp cận của các thẩm phán.
Trong quá trình đó, những nguyên tắc hiến định mới đã xuất hiện nhằm đáp ứng những thách thức của một xã hội thay đổi, thường xuyên bồi đắp dần dần nền tảng do bản văn Hiến pháp tạo ra, như những lớp phù sa qua hàng trăm năm bồi đắp đất bãi ven sông. Mỗi người dân đều cảm thấy, đó chính là Hiến pháp “của mình” nhờ liên tục được bảo vệ bởi Hiến pháp và tiếng nói của họ làm Hiến pháp phát triển.
Như vậy, tinh thần, điều khoản, nhất là hiệu lực thực tế làm cho dân Mỹ coi đó là Hiến pháp của mình, là rất thiêng liêng, như bà mẹ của cậu bé Barack Obama từng đem Hiến pháp ra đọc và kể cho con. Vì thế, nếu để xảy ra sự “chà đạp” lên những giá trị đã được Hiến pháp ghi nhận thì nước Mỹ cũng sẽ không còn là nước Mỹ. Trump, hay bất kỳ ai nắm chức Tổng thống đều hiểu như vậy. Người dân Mỹ càng không cho phép điều đó xảy ra.
Dựa trên Hiến pháp, lúc ấy, sẽ có câu: "Chúng ta, Nhân dân Hợp chủng quốc Hoa Kỳ thay thế Tổng thống, thay thế Chính phủ này", tương tự như Madison đã từng viết trong Người liên bang số 51. Ông Trump trong quá trình tranh cử tung ra khẩu hiệu “Đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại”.
Nước Mỹ vĩ đại nhờ những giá trị đã được minh định trong Hiến pháp 1797 bởi các nhà lập quốc. Tổng thống đắc cử Trump muốn thực hiện lời hứa tranh cử, muốn nhân dân Mỹ tin tưởng thì chỉ có thể làm một điều: không động đến những giá trị trong Hiến pháp và tiếp tục bảo vệ những giá trị đó.
Những công dân Mỹ bình thường luôn được nhắc nhở rằng, chủ quyền nhân dân không mất đi, mà nhân dân vẫn là người chủ động điều tiết các vấn đề của chính mình. Và “đó chính là điểm khởi đầu cho toàn bộ sự thông thái”.

Nguyễn Đức Lam



















Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét