Xã hội truyền thống giữ được nền đạo đức cao thượng suốt hàng nghìn năm thì một phần lớn là ở vai trò giáo dục gia đình, trong đó những bản gia huấn, gia quy khởi tác dụng then chốt. Những gia tộc hàng trăm hàng nghìn năm không suy bại đều nhờ những lời răn dạy trí tuệ của tiền nhân.
Nhan Thị gia huấn (Gia huấn họ Nhan)
"Tích tiền của ngàn vạn không bằng nghề mọn trên thân"
Nguyên văn: Tích tài thiên vạn bất như bạc kỹ tại thân
Nhan Chi Suy kết hợp kinh nghiệm sống, triết học xử thế, học thức tư tưởng của mình viết thành sách Nhan Thị gia huấn để răn dạy cháu con. Cuốn sách gồm 7 quyển, 20 thiên, phạm vi nội dung mỗi thiên đề cập đến khá rộng, nhưng chủ yếu là dùng tư tưởng Nho gia truyền thống giáo dục con em, giảng tu thân, trị gia, xử thế, học hành...
Ví như ông đề xướng học tập, cần phải học hành, học thức, hiểu lý sự. Ông cho rằng học tập cần lấy đọc sách làm chính, và phải chú ý đến tri thức các phương diện như thủ công, nông nghiệp, thương nghiệp... Ông chủ trương "học quý ở có thể thực hành", phản đối nói suông, luận điều cao siêu, không thiết thực. Rất nhiều câu danh ngôn trong sách này đã được lưu truyền rộng rãi, như:
Sống với người thiện như vào phòng hoa lan, lâu dần bản thân mình cũng thơm. Sống với người xấu như vào hàng cá, lâu dần bản thân mình cũng tanh hôi.
Tuổi nhỏ mà học tập thì như ánh sáng mặt trời mới mọc. Tuổi già mới học tập thì như cầm đuốc đi đêm, còn hơn người đến khi nhắm mắt vẫn không có tri thức"
Giữa cha con không được suồng sã. Tình cốt nhục không thể sơ sài. Sơ sài thì không giữ được nhân từ và hiếu thuận. Suồng sã thì sinh ra khinh mạn"
Sinh mệnh không thể không quý tiếc, cũng không thể quá ham sống sợ chết.
Người các thời đại đều rất tôn sùng Nhan Thị gia huấn, thậm chí còn cho rằng "Gia huấn cổ kim, lấy bản này làm ông tổ". Bản gia huấn này được tái bản liên tục, trải qua hơn ngàn năm mà không mất.
Viên Thị thế phạm (Quy phạm để đời họ Phạm)
"Tiểu nhân làm việc xấu không nhất thiết phải khuyên can"
Nguyên văn: Tiểu nhân vi ác bất tất gián
Viên Thái là người tài đức song toàn, người đương thời ca ngợi ông là "Đức đủ hạnh đầy, học rộng văn hay". Khi làm huyện lệnh Nhạc Thanh, ông cảm khái cách làm của Tử Tư năm xưa, truyền bá Đạo Trung dung trong bách tính, bèn viết sách Viên Thị thế phạm để thực hiện giáo dục luân lý.
Viên Thị thế phạm đi từ nông cạn đến thâm sâu, nói uyển chuyển nhẹ nhàng như nói chuyện thường ngày, do đó còn được gọi là "Tục huấn". Sách có rất nhiều câu đặc sắc, như:
Tiểu nhân thì nên tôn trọng và tránh xa.
Trách mình nhiều, trách người ít.
Tiểu nhân làm việc xấu không nhất thiết phải khuyên can.
Gia nghiệp thành nhờ lo lắng, e sợ, bại vì lười biếng, khinh suất.
Người cùng hội không thiện thì phải biết tự cảnh tỉnh mình.
Viên Thị thế phạm đã rất nhanh chóng trở thành sách giáo khoa giáo dục trẻ em trong các trường tư thục. Sỹ đại phu các thời đại đều rất tôn sùng bộ sách này, coi là báu vật.
"Mệnh tử Thiên" của Tư Mã Đàm
Tư Mã Đàm học vấn uyên bác. Hán Vũ Đế đã "chiểu theo tài năng đặt công việc", cho Tư Mã Đàm, phong cho ông chức quan mới, làm Thái sử lệnh thường được gọi là Thái sử công, quản các việc như thiên văn, lịch pháp, và còn ghi chép, thu thập và bảo tồn các văn hiến, điển tịch.
Vì vậy Tư Mã Đàm vô cùng cảm ân đội đức đối với Vũ Đế, đồng thời dốc sức làm hết chức trách. Do tinh thần trách nhiệm cao, Tư Mã Đàm trước khi lâm chung đã nắm tay con là Tư Mã Khiên, vừa khóc vừa căn dặn. Đó chính là Mệnh tử Thiên của Tư Mã Đàm. Tư Mã Đàm hy vọng sau khi mình chết thì Tư Mã Khiên có thể kế thừa được sự nghiệp của ông, càng không được quên chép, viết sử sách, cho rằng đó là "đại hiếu": "Hơn nữa, hiếu bắt đầu từ phụng sự cha mẹ, tiếp đến phụ sự quốc quân, cuối cùng là lập thân. Hiển dương danh tiếng các đời sau để vinh hiển mẹ cha, đó là đại hiếu vậy".
Hơn 400 năm sau khi Khổng Tử qua đời, chư hầu thôn tính lẫn nhau, chép sử bị đoạn tuyệt. Hiện nay thiên hạ nhất thống, những sự tích vua sáng tôi hiền, trung thần nghĩa sỹ rất nhiều. Làm Thái sử mà không thể làm hết trách nhiệm viết về những sự tích đó thì nội tâm ông vô cùng lo lắng không yên. Do đó ông đã cấp thiết hy vọng Tư Mã Thiên có thể hoàn thành đại nghiệp mà ông còn dang dở.
Tư Mã Thiên đã không phụ mệnh huấn của cha, cuối cùng đã viết được bộ Sử ký được ca ngợi là "Tuyệt xướng của sử gia, bộ "Ly Tao" không vần", được sử sách lưu danh muôn thuở.
Có người nói, không có Mệnh tử Thiên của Tư Mã Đàm thì không có Sử ký của Tư Mã Thiên. Lời nói này rất chính xác, đáng tin cậy.
Giới tử thư và Giới ngoại sanh thư của Gia Cát Lượng
"Không đạm bạc không lấy gì để sáng tỏ chí hướng"
Nguyên văn: Phi đạm bạc vô dĩ minh chí
Gia Cát Lượng 46 tuổi mới có con trai là Gia Cát Chiêm, ông rất thích cậu con trai này, hy vọng con trai sau này trở thành rường cột quốc gia. Gia Cát Lượng có hai người chị, chị hai sinh được con trai tên là Bàng Hoán, được Gia Cát Lượng rất yêu quý. Gia Cát Lượng quanh năm chinh chiến, chính sự cuốn chặt thân, nhưng ông vẫn không quên răn dạy con cháu.
Hai bức thư ông viết gửi cho Gia Cát Chiêm và Bàng Hoán được gọi là Giới tử thư (Thư răn dạy con) và Giới ngoại sanh thư (Thư răn dạy cháu).
Thư Gia Cát Lượng gửi con trai (Giới tử thư) như sau:
“Nết người quân tử, tĩnh để tu thân, kiệm dùng dưỡng đức.
Không đạm bạc chí chẳng sáng soi, không tĩnh tâm tiến xa chẳng nổi.
Học cần tâm tĩnh, tài cần phải học.
Không học, tài chẳng mở mang, không chí, chẳng thành nghiệp học.
Biếng nhác ắt chẳng thể tinh thông, nóng nảy sao tu thành tâm tính.
Tháng ngày vùn vụt, ý chí qua đi, thân đã già nua, chưa hiểu sự đời.
Nhà rách sầu bi, hối thì đã muộn”.
Thư Gia Cát Lượng gửi cháu (Giới ngoại sanh thư) như sau:
"Chí hướng cần phải cao xa, ngưỡng mộ tiên hiền, đoạn tuyệt tình dục, trừ bỏ nghi hoặc.
Khiến chí hướng nâng cao, tiếp cận bậc tiên hiền, lúc nào cũng cảm thấy khẩn thiết.
Cần nhẫn nại, biết co biết duỗi, gạt bỏ tạp niệm, học hỏi rộng rãi, trừ bỏ oán hận, sỉ nhục, tuy tài đức không được hiển đạt cũng đâu tổn hại mỹ đức bản thân, lo gì sự nghiệp không thành.
Nếu chí không kiên nghị, ý chí không khảng khái thì chỉ luân lạc chốn tầm thường, bị tình trói buộc, mãi mãi không thoát khỏi tầm thường, không tránh khỏi rớt chốn hạ lưu".
Từ hai bức thư có thể thấy Gia Cát Lượng yêu cầu với con trai và cháu trai là như nhau. Giới tử thư và Giới ngoại sanh thư là những thiên nổi tiếng trong gia huấn cổ đại, đã luận thuật tu thân dưỡng tính, học tập nên người, khiến người đọc cảnh tỉnh sâu sắc.
Gia huấn của Bao Chửng
"Kẻ tham ô không được quay về gia tộc"
Nguyên văn: Phạm tang lạm giả, bất đắc phóng quy bản gia.
Bao Chửng nổi tiếng công chính liêm khiết, cương trực, chấp pháp như sơn. Vào những năm cuối đời, ông đã đặt ra một điều gia huấn cho con cháu đời sau rằng: "Con cháu đời sau làm quan, kẻ tham ô không được quay về gia tộc. Sau khi chết cũng không được chôn trong khu mộ gia tộc. Không theo chí của ta thì không phải là con cháu của ta".
Bên dưới còn viết mấy chữ: "Mong Bao Củng (con trai Bao Chửng) khắc vào đá, dựng ở tường đông nhà, để răn dạy hậu thế".
Bản gia huấn này của Bao Chửng là lời răn dạy của ông đối với con cháu khi ông còn sống, đồng thời bảo con trai là Bao Củng khắc vào tấm đá, dựng ở tường đông ngôi nhà để cho con cháu các đời sau làm theo. Chỉ 37 chữ này nhưng đã ngưng kết phẩm tiết Bao Công, một thân chính khí, hai tay gió lành, tuy đã ngàn năm mà vẫn đủ làm mẫu mực cho người đời sau. Gia huấn của Bao Chửng là lời răn dạy của ông đối với hậu thế, cũng là miêu tả phẩm cách một đời của ông.
"Hối học thuyết" của Âu Dương Tu
"Ngọc không mài không thành đồ quý"
Nguyên văn: Ngọc bất trác bất thành khí.
Khi Âu Dương Tu 4 tuổi thì phụ thân qua đời, mẫu thân giáo dục ông rất nghiêm khắc. Để tiết kiệm chi tiêu, mẫu thân dùng cây sậy, hòn than làm bút viết lên đất hoặc bãi cát để dạy chữ cho Âu Dương Tu. Trong bản gia huấn của mình, Âu Dương Tu hy vọng con trai có thể nuôi dưỡng được thói quen đọc sách, và học được đạo lý làm người.
Thế là khi dạy bảo con trai thứ hai là Âu Dương Dịch cần nỗ lực học tập, ông đã viết Hối học thuyết (Khuyên con học) rằng:
"Ngọc không mài không thành đồ quý. Người không học không biết đạo lý. Nhưng ngọc là vật, có đức bất biến, tuy không mài thành đồ quý thì cũng không tổn hại gì ngọc. Tính con người thay đổi theo vật, nếu không học thì bỏ quân tử mà làm tiểu nhân, có thể không nghĩ sao?"
Âu Dương Tu dùng ngọc để ví với người, dạy bảo có phương pháp, có thể coi là lời vàng tiếng ngọc.
Chu Tử gia huấn
Chu Bá Lư (1627-1698), là người huyện Côn Sơn, Giang Tô sống vào cuối thời Minh đầu thời nhà Thanh. Ông là nhà lý học, nhà giáo dục nổi tiếng. Phụ thân Chu Bá Lư đã tuẫn nạn khi trấn thủ thành Côn Sơn chống quân Thanh. Chu Bá Lư phụng dưỡng mẹ già, nuôi dưỡng dạy bảo các em, tha hương lưu lạc, cực kỳ gian khổ.
Ông trước sau không làm quan, cả đời dạy học ở quê. Ông chuyên tâm học tập, lấy lý học của Trình - Chu làm gốc, đề xướng “tri - hành” cùng tiến, bản thân thực hiện thực tiễn. Ông và Cố Viêm Vũ kiên quyết từ chối không tham dự khoa thi "Bác sỹ hồng Nho" của triều đình Khang Hy. Ông cùng Từ Phương, Dương Vô Cữu được mọi người tôn xưng là "Ngô trung tam cao sỹ" (Ba cao nhân đất Ngô)
Toàn văn Chu Tử gia huấn chỉ hơn 500 chữ, nội dung cô đọng, rành mạch, sâu sắc, ngôn từ thông tục dễ hiểu, vần điệu. Từ khi ra đời đến nay, bản gia huấn này đã được lan truyền rộng khắp, trở thành bản gia huấn kinh điển giáo dục con, quản lý gia đình được người người biết đến và yêu thích. Trong đó có những câu cảnh tỉnh như:
- Bát cơm bát cháo, phải biết có được không dễ.
- Sợi tơ mảnh vải, nên nhớ vật lực gian nan.
- Nên chưa mưa mà thu lụa, chớ khát nước giếng mới đào.
Những lời dạy trong bản gia huấn này đến ngày nay vẫn còn nguyên giá trị giáo dục.
Bản "Chu Tử gia huấn" chỉ có 506 chữ nhưng lại là tập đại thành của phương pháp đối nhân xử thế của Nho gia.
Đệ tử quy
Lý Dục Tú (1647-1729) tự Tử Tiềm, hiệu Thái Tam, là học giả, nhà giáo dục nổi tiếng sống vào thời kỳ đầu nhà Thanh. Sau khi thi khoa cử không đỗ, Lý Dục Tú dốc sức học tập. Ông căn cứ vào yêu cầu truyền thống đối với giáo dục trẻ em, kết hợp với thực tiễn dạy học của bản thân, đã viết ra sách Huấn mông văn (bài văn dạy trẻ em), sau được Giả Tồn Nhân chỉnh sửa, đổi tên thành Đệ tử quy.
Đệ tử quy được lưu truyền rộng rãi thời kỳ cuối nhà Thanh, dường như có ảnh hưởng tương đồng với Tam tự kinh, Bách gia tính và Thiên tự văn. Đệ tử quy xem có vẻ như một cuốn sách nhỏ không nổi bật, nhưng thực tế lại tổng hợp đại trí huệ của các bậc chí Thánh tiên hiền.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét