Thứ Bảy, 28 tháng 11, 2020

Thánh vương Đế Nghiêu hợp Thiên Đạo, dùng đức giáo hóa dân chúng vạn thế tôn sùng

Vua Nghiêu không truyền ngôi cho con trai mà lại truyền cho một người dân thường áo vải là Thuấn. Chuyện ấy đã trở thành một giai thoại đẹp trong lịch sử nhân loại, cũng là hình mẫu của thời đại dùng đạo đức để quản lý quốc gia, "vô vi nhi trị", không cần các biện pháp hình pháp, chính lệnh mà đạt được thiên hạ thái bình thịnh trị...

 Hiên viên Hoàng Đế, Đế Chuyên Húc, Đế Khốc, Đế Nghiêu và Đế Thuấn, lịch sử gọi là Ngũ Đế. Trong lịch sử thời thống trị của Tam Hoàng Ngũ Đế, thời kỳ vua Nghiêu cai trị có thể nói là thời kỳ tốt nhất. Bất kể là qua lời nhận xét của Khổng Tử, hay nội dung ghi chép trong các thư tịch lịch sử, đều hết lời ca tụng và đánh giá rất cao tài đức cai trị của vua Nghiêu. Sử ký có viết rằng: "Vua Nghiêu nhân đức như Trời, trí tuệ như Thần, ở gần thấy ông như mặt trời, đứng từ xa ngắm thấy ông như mây, giàu mà không kiêu, sang mà không thảnh thơi".



Phần Ngũ đế bản kỷ sách Sử ký có chép rằng, Đế Khốc có hai con trai là Chí và Phóng Huân. Sau khi Đế Khốc qua đời thì người con trai lớn tuổi nhất là Chí kế thừa ngôi vị, gọi là Đế Chí. Đế Chí tài năng tầm thường, không thể quản lý quốc gia thỏa đáng. Còn Nghiêu thì nhân từ, yêu dân, sáng suốt nhìn nhận người, trị sửa có phương pháp, đức lớn nổi tiếng khắp thiên hạ. Thế là các thủ lĩnh các bộ lạc tới tấp rời bỏ Đế Chí đến quy theo Nghiêu. Đế Chí cũng tự thấy mình không thánh minh bằng Nghiêu, cuối cùng sau 9 năm kế vị ngôi vua, Đế Chí đã nhường ngôi cho Nghiêu.

Sau khi Nghiêu lên ngôi, khéo dùng những người hiền năng tài đức song toàn trong bộ tộc, khiến người bộ tộc đoàn kết chặt chẽ, đã có thành tựu khiến "9 bộ tộc hòa mục" và khảo sát bá quan, phân biệt cao thấp, thưởng thiện phạt ác, khiến chính sự rành mạch rõ ràng có trật tự. Đồng thời vua Nghiêu chú ý điều hòa các mối quan hệ giữa các bộ tộc, các nước, giáo dục bách tính chung sống hoà thuận, do đó "hài hòa vạn bang, dân chúng liền thay đổi trở nên hoà thuận", thiên hạ yên bình, chính trị trong sạch, phong thái xã hội an lành hòa ái.

Công tích của Đế Nghiêu trong lịch sử được hậu thế kính ngưỡng. Nho gia và Mặc gia thời kỳ Tiên Tần là "Hiển học" đương thời, cả hai gia phái này đều đánh giá cực cao đối với Nghiêu Thuấn. Bắt đầu từ thời kỳ đó, Nghiêu trở thành đại biểu của Thánh vương cổ đại, là tượng trưng của luân lý đạo đức cao thượng, và cũng là tấm gương của các bậc quân chủ trong thiên hạ. Khổng Tử nói: "Vỹ đại thay bậc đế vương như vua Nghiêu. Cao cả thay, chỉ có Trời là vỹ đại nhất, chỉ có vua Nghiêu là học theo phép tắc vỹ đại của Trời".

Những lời ca ngợi vua Nghiêu của Khổng Tử đã có ảnh hưởng sâu sắc và lâu dài đối với Nho gia các đời sau. Vua Nghiêu trở thành truy cầu lý tưởng về tinh thần của tư tưởng Nho gia.

Dùng đức hạnh giáo hóa, vô vi nhi trị
Thời thượng cổ không chuộng võ mà chuộng đức, coi trọng vô vi nhi trị (Không cố ý tác động, việc trị sửa thuận theo Đạo, thuận theo tự nhiên để đạt được thịnh trị). Vai trò của thiên tử là nâng cao đạo đức con người, khiến nhân dân có thể an cư lạc nghiệp. Vua Nghiêu dẫn dắt thiên hạ bằng Đạo khiến dân chúng thuận theo. Vua tôi trên dưới, vạn dân bách tính đều lấy Đạo Trời làm chuẩn mực, người người đều không cần người khác quản thúc, đều tự giác dùng Đạo Trời làm tâm Pháp tự xem xét bản thân, tự giác tự luật. Do đó thời vua Nghiêu Thuấn là đại trị, thiên hạ không có hình pháp, chỉ có lòng người hướng thiện, ngoài đường không có người nhặt đồ rơi, đêm ngủ không cần đóng cửa, một cảnh tượng đại đồng vui vẻ hài hòa.

Đó chính là thời thịnh thế anh minh "Đại Đạo chi hành" mà trong lòng Khổng phu tử mong ngóng. Đó chính là hàm nghĩa chân chính của câu người quân tử "thả xiêm y mà thiên hạ thịnh trị" trong thịnh thế lý tưởng của Khổng Tử: "Cuối xuân, xuân phục may xong, năm sáu người mặc áo đội mũ, [mang theo] sáu bảy tiểu đồng, tắm ở sông Nghi, đón gió trên đàn cầu mưa Vũ Vụ, ngâm vịnh ca hát rồi trở về"...

Một hôm vua Nghiêu thấy một người dân miền núi nằm ở ven đường rên rỉ, vua liền quan tâm hỏi thăm: "Anh làm sao vậy?".

Người dân miền núi đáp lời với giọng yếu ớt: "Đói...".

Vua Nghiêu bèn lấy lương khô của mình đưa cho và nói: "Ăn đi, là ta đã khiến anh bị đói".

Người dân miền núi cảm động, ăn ngốn ngấu. Vua Nghiêu nói với các đại thần tùy tùng rằng: "Từ khẩu phần thức ăn của ta lấy ra một phần cho người bị đói".

Các đại thần nói: "Vậy bệ hạ thì sao?".

Vua Nghiêu nói: "Ta ăn chút cháo, ăn thêm rau dại là được rồi".

Các đại thần nghe thế đều làm theo vua, ai nấy đều lấy một phần lương thực từ khẩu phần của mình ra để cho những người bị đói.

Một hôm trên đường đi qua một thị trấn nhỏ, vua Nghiêu phát hiện ra có một tội phạm đang bị trói, dẫn đi trên phố thị chúng. Vua bèn đi đến và hỏi sai nha: "Anh ta phạm tội gì?"

Sai nha đáp: "Ăn trộm lương thực".

Vua Nghiêu hỏi phạm nhân: "Tại sao anh phải ăn trộm lương thực?"

Phạm nhân trả lời rằng: "Chỗ thảo dân xảy ra hạn hán, không thu hoạch được một hạt thóc nào".

Vua Nghiêu nói với sai nha rằng: "Hãy trói ta lại đi, là ta đã khiến anh ta phạm tội".

Viên sai nha và các đại thần tùy tùng cuống quýt quỳ xuống. Một đại thần nói: "Anh ta phạm tội là do hạn hán không có lương thực để ăn, có liên quan gì đến bệ hạ đâu".

Vua Nghiêu nói: "Dân chúng không có sức chống lại thiên tai, đó là trách nhiệm của ta. Không có cái ăn liền ăn trộm cũng là do ta không giáo dục tốt. Sao có thể nói là không có liên quan gì đến ta?"

Thế là vua Nghiêu mệnh lệnh cho các đại thần trói ông lại, đứng bên phạm nhân. Lê dân bách tính từ tứ phương tám hướng tràn đến xem, cảm động khóc lớn.

Bỗng nhiên trong đám đông có hơn chục người bước ra, quỳ trước mặt vua Nghiêu, vừa khóc nức nở vừa thú nhận những tội mà mình trước kia đã phạm, họ đều bày tỏ xin nguyện ý được xử phạt.

Vua Nghiêu sau khi đi thị sát dân tình trở về, trong đại điện bằng cỏ tranh, ông nói với quần thần trong triều rằng: "Có người bị đói, có người không có áo mặc, có người phạm tội, đều là lỗi của ta, ta muốn xuống chiếu "Tội kỷ chiếu" (chiếu trách tội bản thân) để kiểm điểm những lỗi lầm của mình đối với người dân".

Các đại thần đều xôn xao nói: "Cuộc sống dân chúng không tốt là vì thiên tai quá nhiều, là thời kỳ khó khăn, bách tính nên học cách nhẫn chịu".

Vua Nghiêu nói: "Cuộc sống bách tính không tốt, không thể đẩy trách nhiệm đó cho thiên tai được, cần phải kiểm điểm bản thân ta. Ta cũng không được trách nhân dân không biết nhẫn chịu, cần nghĩ xem khi ta trị sửa quốc gia có những chỗ nào đã làm sai?"

Mấy hôm sau, ở cổng trái cung đình, vua Nghiêu đặt một chiếc trống "Cản gián chi cổ" (Trống dám can gián), mọi người có thể đánh trống để đề xuất ý kiến với vua Nghiêu. Vua Nghiêu lại sai người đặt khúc gỗ "Phỉ báng chi mộc" (Gỗ phỉ báng) ở cổng bên phải cung đình, bách tính có thể đứng bên nói những lỗi lầm của vua Nghiêu.

Biết mệnh Trời, chế định lịch pháp
Ở thời đại vua Nghiêu đã lần đầu tiên chế định lịch pháp. Đế Nghiêu lệnh cho Hy Trọng, Hy Thúc và Hòa Trọng, Hòa Thúc lần lượt cư trú ở 4 phương Đông Nam Tây Bắc, báo cáo chi tiết về sự thay đổi dài ngắn của ngày đêm và vị trí cụ thể của các tinh tú và các các tiết Xuân phân, Hạ chí, Thu phân, Đông chí, cùng với các hoạt động nông nghiệp của mọi người và sự thay đổi cư trú của các loài muông thú. Vua yêu cầu họ quan sát sự thay đổi vận hành của mặt trời, mặt trăng và các vì sao, xác định các tiết Trọng xuân, Trọng thu, Trọng đông, tính toán lịch pháp, dạy người dân cày cấy theo mùa màng thời tiết. Dạy dân kính thuận Thượng Thiên, hàng ngày cung kính đón mặt trời mọc, cung kính tiễn mặt trời lặn, cung kính thực hiện các nghi thức cúng tế. Vua vận dụng biện pháp dùng tháng nhuận để hiệu chuẩn thời gian một năm bốn mùa.

Là Thánh vương cổ đại, vua Nghiêu biết rõ Đạo Trời khởi tác dụng quyết định tất cả lên xã hội nhân loại. Sắp đặt việc nhà nông của bách tính, các hoạt động sinh hoạt, cho đến chức phận bá quan đều phải tuân theo tiết khí bốn mùa... Tiết khí bốn mùa chính thì tất cả chính, tiết khí bốn mùa không chính thì xã hội nhân loại đều sẽ loạn. Vì vậy bậc quân vương lập thân giữa Trời Đất thì việc quan trọng hàng đầu là biết được Đạo Trời, sau đó nghiêm khắc chiểu theo tiêu chuẩn của Đạo Trời để tu trì bản thân, rồi lại chiểu theo Đạo Trời để giáo hóa dưỡng dục muôn dân trong thiên hạ.

Thời cổ đại, hết thảy cử chỉ của con người đều coi trọng thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Thế là việc kính phụng thiên thời, để con người phù hợp với Trời đã trở thành việc mà các bậc cổ Thánh tiên hiền đích thân dốc sức thực hiện và giáo hóa người đời sau, nhằm đạt được cảnh giới đạo đức cao nhất.

Bởi vì bậc quân vương hợp với Đạo Trời nên chính sự thông suốt, con người hòa hợp, có thể an bang định quốc. Người dân hợp với Đạo Trời thì tu thân tề gia, có thể đứng vững mãi mãi ở nơi bất bại. Bá quan vạn dân đều tự giác dùng Đạo Trời ước thúc bản thân, như vậy bậc quân vương tự nhiên sẽ đạt được "thả xiêm y mà thiên hạ thịnh trị".

Nhưng Trời Đất không nói. Mệnh Trời, Đạo Trời thế nào thì con người làm sao biết được? Ý chỉ của Thượng Thiên là thông qua sự vận hành của mặt trời, mặt trăng và các vì sao và sự thay đổi của giới tự nhiên để thể hiện ra cho nhân loại thấy, để con người quan sát mà ngộ ra. Đế Nghiêu biết rõ điểm này, do đó ông đã coi việc nắm vững và tính toán lịch pháp là việc trọng đại nhất của quốc gia. Ông đã để tâm sắp đặt anh em Hy Hòa nắm lịch pháp, đồng thời báo cáo chi tiết phương pháp và tiêu chuẩn cụ thể tính toán hiệu chỉnh lịch pháp, thời lệnh, căn dặn mọi người phải cung kính đón mặt trời mặt trăng, cử hành tế lễ, để đảm bảo hết thảy xã hội nhân loại vận hành không rời xa ý chỉ của Thượng Thiên, đồng thời được Thượng Thiên bảo hộ, từ đó đạt được chính sự thông đạt, con người thuận hòa, thiên hạ thái bình.

Cầu hiền tài như khát nước, dùng hiền tài mưu cầu thịnh trị
Đế Nghiêu chấp chính 70 năm, ông triệu tập đại thần, thảo luận chọn người kế vị. Đế Nghiêu không muốn để con trai mình là Đan Chu kế thừa ngôi vị, ông cho rằng đức hạnh Đan Chu không đủ. Vậy là Tứ Nhạc tiến cử Ngu Thuấn.

Để khảo sát đức hạnh của Ngu Thuấn, vua Nghiêu gả 2 con gái là Nga Hoàng và Nữ Anh cho Thuấn, để từ hai con gái quan sát đức hạnh Thuấn. Vua Nghiêu để hai con gái buông bỏ cái tâm quý tộc đến sống ở ngôi nhà bên sông Quy, tuân thủ đạo người phụ nữ. Vua Nghiêu cho rằng làm như thế này rất tốt, và để Thuấn thử gánh vác chức Tư đồi. Thuấn cần thận xử lý, thực hiện tốt năm loại luân lý đạo đức là: cha nhân nghĩa, mẹ nhân từ, anh nhân ái, em cung kính, con hiếu thuận, người dân đều tuân theo ông.

Vua Nghiêu lại để Thuấn tham gia việc của bá quan. Sự việc của bá quan cũng do đó mà trở nên trật tự rành mạch. Vua Nghiêu lại để ông đón tiếp tân khách ở tứ môn Minh Đường. Tứ môn đều hoà thuận, tân khách từ phương xa đến đều cung kính. Vua Nghiêu lại sai Thuấn vào núi hoang rừng rậm, sông lớn đầm lầy. Gặp phải mưa to gió lớn sấm sét, Thuấn vẫn không bị lạc đường lỡ việc.

Vua Nghiêu càng cho rằng Thuấn rất thông minh, rất có đức hạnh, bèn vời ông đến, hy vọng ông có thể lên ngôi thiên tử.

Trước khi vua Nghiêu nhường ngôi cho Thuấn, do tuổi tác đã cao nên vua Nghiêu để Thuấn xử lý chính sự của thiên tử, qua đó quan sát xem Thuấn làm thiên tử có hợp với ý Trời không. Vua Nghiêu nhường ngôi cho Thuấn, người trong thiên hạ đều có được lợi ích mà chỉ không có lợi đối với một mình Đan Chu. Nếu truyền ngôi cho Đan Chu thì người thiên hạ đều bị tai ương, mà chỉ một mình Đan Chu có lợi. Vua Nghiêu nói: "Ta không thể để người thiên hạ chịu thiệt hại mà chỉ để một người được lợi ích".

Do đó cuối cùng vua Nghiêu đã đem thiên hạ truyền cho Thuấn.

Đối với cách làm chọn người hiền kế vị của vua Nghiêu, Khổng Tử đã ca ngợi rằng: "Vỹ đại thay, vua Nghiêu là bậc quân vương vỹ đại". Ý nghĩa là nói rằng vua Nghiêu là tấm gương "thiên hạ vi công" (thiên hạ là của chung của tất cả mọi người).

Vua Nghiêu tại vị 70 năm rồi tìm được Thuấn, lại qua 20 năm, vua vì tuổi cao rút lui nên để Thuấn quản lý chính sự thay. Sau khi nhường ngôi cho Thuấn 28 năm, vua Nghiêu qua đời. Bách tính đau buồn thương xót, giống như mất cha mẹ đã sinh ra mình vậy. Trong vòng 3 năm, khắp các nơi 4 phương không có người nào tấu nhạc vì để tưởng nhớ vua Nghiêu.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét