Bên cạnh việc gây hại, thì Cái Tôi (Ego) cũng là bộ giáp sắt cứng cáp giúp bảo vệ chúng ta, giúp chúng ta không bị đánh gục, gục ngã trong rất nhiều trường hợp.
Vỏ ốc cứng cáp, nặng nề giúp bảo vệ Ốc Sên
Cái Tôi (Ego) hoạt động như thế nào?
Khi Cái Tôi (Ego) bên trong chúng ta hoạt động, chúng ta thường cảm thấy bị tổn thương, mất mặt, tự ái, khó chịu, tức giận khi đối diện với các hoàn cảnh mà chúng ta cho rằng mình bị coi thường, đánh giá thấp, đối xử bất công, hoặc khi thấy mình lép vế trước ai đó. Đặc tính của Cái Tôi (Ego) là không phải nó muốn những người đã gây ra tổn thương cho nó thay đổi hành động, thái độ để không làm tổn thương nó nữa, mà là nó muốn làm tổn thương bản thân nó thêm nữa (tức làm tổn thương bản thân chúng ta), hoặc tự cô lập chính mình để khiến đối phương cảm thấy tội lỗi, hối hận, đau khổ vì đã gây tổn thương, đụng chạm tới Cái Tôi của chúng ta.
Khi bị tổn thương, tự ái, cảm thấy mất mặt, khó chịu do Cái Tôi (Ego), chúng ta tự làm cho chính mình cảm thấy nặng nề, đồng thời có thể làm cho bầu không khí trở nên nặng nề, ngột ngạt với những người khác. Lúc này mọi nhìn nhận, đánh giá của chúng ta đều theo sự điều khiển của sự tổn thương, tự ái, khó chịu nên không còn nhìn thấy được sự thật của các sự vật, sự việc đang diễn ra nữa, và các suy nghĩ, hành động trở nên thiếu sáng suốt, khiến chúng ta phá hủy các thành quả đã có, từ bỏ, hoặc để tuột mất rất nhiều cơ hội tốt mà bình thường chúng ta có thể dễ dàng nắm bắt được.
Mỗi người chúng ta có rất nhiều Cái Tôi (Ego) khác nhau hoạt động ở các tình huống và các mối quan hệ khác nhau. Mặc dù Cái Tôi nằm trong Tâm trí của chúng ta, nhưng chúng ta không thể nào nhận biết được nó cho tới khi chính chúng ta nhìn thấy nó bùng phát, nổi lên và hoạt động thông qua suy nghĩ, thái độ và hành động của chính bản thân chúng ta.
Sự khác nhau giữa Cái Tôi (Ego) và Mong Muốn Được Tôn Trọng 1 cách chính đáng:
Mong Muốn Được Tôn Trọng 1 cách chính đáng thì luôn có mục đích rõ ràng trong các sự giao tiếp, hợp tác cụ thể. Vì phải có sự rõ ràng trong mục đích thì chúng ta mới nhận thức rõ được vai trò của mình cũng như của đối phương, đồng thời nhận thức rõ các giá trị lợi ích mà chúng ta mong muốn đối phương đem tới cho chúng ta, và ngược lại (tức chúng ta cũng đem lại cho đối phương). Lúc đó, chúng ta mới biết được chúng ta mong muốn có được sự tôn trọng như thế nào, và chúng ta cũng biết nên tôn trọng đối phương như thế nào. Ví dụ: với 1 người bạn thì chúng ta không thể tôn trọng họ như người yêu hay vợ, hay sếp của mình được, 1 người bạn thân thì chúng ta cũng không thể tôn trọng họ như người đồng sở hữu các tài sản riêng của chúng ta như chính chúng ta được...
Mong Muốn Được Tôn Trọng 1 cách chính đáng thường tuân theo các chuẩn mực xã hội mà chúng ta đang sống. Nó giúp chúng ta tôn trọng lẫn nhau để có thể tương tác và hợp tác tốt với nhau. Nếu sự tôn trọng cần thiết trong các mối quan hệ không có thì chúng ta không thể hợp tác với nhau được, hoặc sẽ đón nhận thiệt hại do thiếu sự ăn ý, thiếu sự tin tưởng trong quá trình hợp tác, và kết quả là thất bại và thiệt hại.
Cách thức tốt nhất để phân biệt sự khác nhau giữa Cái Tôi (Ego) và sự Mong Muốn Được Tôn Trọng 1 cách chính đáng là khi có sự can thiệp của các cảm xúc của chúng ta, tức chúng ta có cảm thấy mình bị mất mặt, tự ái, tổn thương, khó chịu với cách đối xử, cách giao tiếp của đối tác hay không. Nếu có các cảm xúc này xuất hiện, thì chắc chắn là có Cái Tôi (Ego) xuất hiện. Ngay cả khi đó là Mong Muốn Được Tôn Trong 1 cách chính đáng, nhưng nếu chúng ta vẫn có các cảm xúc trên can thiệp, thì ở đó vẫn có Cái Tôi ngự trị và chi phối, chỉ là nó chiếm bao nhiêu phần trăm (%) trong suy nghĩ và hành động của chúng ta mà thôi.
Bộ giáp sắt cứng cáp nặng nề của Cái Tôi (Ego)
Lợi ích của Cái Tôi (Ego):
Trong cuộc sống của chúng ta, không phải ai cũng có được tuổi thơ tốt đẹp, có gia đình, cha mẹ thương yêu, được sống trong tình yêu thương của gia đình, cũng như sự trân trọng của xã hội. Trong quá trình lớn lên và trưởng thành, không phải ai cũng có được các thành công thường xuyên và dễ dàng, được gia đình và xã hội công nhận. Vì lý do đó, nên đa số trong chúng ta đều đã có những tổn thương, mất mát, mà tới tận ngày hôm nay, vẫn cảm thấy tổn thương mỗi khi nhìn về nó, hoặc khi có các tình huống tổn thương tương tự lặp lại. Trong những tình huống đau đớn, tổn thương này, khi chúng ta không thể tự bảo vệ được mình, trốn chạy cũng không xong, và cũng không có ai hay Ông Bụt nào hiện ra để trợ giúp, bảo vệ chúng ta, nên nó khiến chúng ta tuyệt vọng, sợ hãi, tự ti, dễ dàng bị chìm xuống và có thể không ngóc đầu lên được. Những lúc này, rất may mắn, chúng ta có các Cái Tôi (Ego) xuất hiện, giúp chúng ta cân bằng được giữa bản thân mình và tình huống gây tổn thương, từ đó giúp chúng ta cảm thấy mình không còn bị lép vế. Sự cân bằng trong tâm trí này giúp chúng ta đứng vững và không bị chìm xuống để phải chịu những tổn thương, thiệt hại lớn hơn.
Nếu những tổn thương, mất mát đã từng trải qua trước đây càng lớn, thì Cái Tôi bảo vệ của chúng ta cũng được phát triển càng lớn mạnh lên theo. Vì Bộ giáp Cái Tôi phải đủ độ mạnh, cứng cáp cần thiết thì mới bảo vệ nổi sự yếu đuối, mong manh tương ứng của chúng ta. Giống như con ốc sên, con sò, vì da thịt của các con vật này quá mong manh, dễ dàng bị tổn thương với ngay cả với các va chạm nhỏ với các cành cây, ngọn cỏ, nên vỏ ốc, vỏ sò rất cứng cáp để giúp bảo vệ cho nó trước tất cả những va chạm.
Trong khi đó, đối với các con vật khác, như con rắn mối, tắc kè, con kiến, con cá dưới nước, sự va chạm với các ngọn cỏ, cành cây là bình thường, không bị tổn thương, đau đớn, nên nó không cần cái Bộ giáp vỏ bọc cứng cáp bảo vệ làm gì, mà vẫn có thể rong chơi, kiếm ăn hoàn toàn thoải mái với lớp da trần tự nhiên của nó.
Thiệt hại gây ra từ Cái Tôi (Ego):
Cái Tôi (Ego) là bộ giáp sắt cứng cáp bảo vệ chúng ta, cho nên nó rất nặng nề, khiến chúng ta phải luôn mang theo nó 1 cách cực nhọc, và tiêu hao thể lực. Bên cạnh đó, sự cứng cáp của nó cũng khiến chúng ta vận động một cách khó khăn với khá nhiều giới hạn. Điều này cũng giống như con ốc sên, con sò, không thể di chuyển nhanh, dễ dàng, không thể vận động tự do thoải mái theo ý muốn của nó như con rắn mối, tắc kè hay con cá dưới nước được. Cho nên khi Cái Tôi của chúng ta càng lớn, càng cứng cáp, thì chúng ta càng bị lệ thuộc, và càng bị nó giới hạn trong sự phát triển trí tuệ, sự bình an, giàu có và hạnh phúc cho cuộc sống của chúng ta.
Do chúng ta đã bị nặng nề, bị giới hạn hoạt động bởi sự nặng nề, cứng cáp của Bộ giáp Cái Tôi, nên chúng ta rất khó để có thể quan sát được toàn vẹn các sự vật, sự việc diễn ra nên không thể thấy được đầy đủ sự thật của các sự vật, sự việc cũng như diễn tiến của nó, nên sự hiểu biết và đánh giá của chúng ta không được sáng suốt, dẫn tới các hành động của chúng ta không được chính xác, khiến chúng ta chịu nhiều thiệt hại, đồng thời bị tuột mất rất nhiều cơ hội đem lại giá trị lợi ích tốt.
Cái Tôi (Ego) càng lớn, cứng cáp chừng nào, thì chúng ta càng thường xuyên chạy trốn vào Cái Tôi nhiều chừng đó. Vì sao vậy? Vì chúng ta luôn muốn có được sự yên tâm - dù là sự yên tâm đó có là giả tạo, ảo tưởng. Khi đó, chúng ta bị Cái Tôi điều khiển, và dễ dàng phùng mang trợn má với các tình huống giao tiếp, mà đối với người khác là bình thường, nhưng chúng ta lại thấy mình bị tổn thương, dẫn tới gây tổn hại cho các mối quan hệ, đồng thời cũng tổn hại tới nhiều giá trị lợi ích của chúng ta.
Để bỏ đi Cái Tôi, bỏ đi bộ giáp sắt cứng cáp bảo vệ này thì rất khó. Chúng ta thường xuyên được khuyến khích bỏ Cái Tôi đi, nhưng khi bỏ đi được Cái Tôi này ở trước mặt, thì cánh tay còn lại của chúng ta lại vòng ra sau lưng bám lấy 1 Cái Tôi khác. Chúng ta thường không biết về Cái Tôi mới cho tới khi nhìn thấy nó xuất hiện, hoạt động và gây thiệt hại cho chúng ta. Do đó, chúng ta cứ liên tục mất thời gian, công sức loay hoay đánh đổi từ Cái Tôi này tới Cái Tôi khác, nên bên cạnh việc đạt được 1 số giá trị lợi ích (do từ bỏ Cái Tôi này), thì chúng ta cũng bị mất mát khá nhiều các lợi ích giá trị khác (do bám víu vào Cái Tôi khác) trong cuộc sống của chúng ta.
Tuy nhiên, vẫn có cách để loại bỏ được các Cái Tôi (Ego). Nó sẽ được nói tới ở bài viết “Có nên loại bỏ Cái Tôi (Ego) không?”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét