Thứ Sáu, 29 tháng 6, 2018

CHÚA GIÊ-XU CHRIST LÀ AI?

Chúa Giê-xu có phải là Thượng Đế?

Bạn có từng gặp một người mà đi bất cứ đâu cũng trở thành trung tâm của sự chú ý? Anh ta có những đặc điểm bí ẩn, khó lý giải khiến anh ta khác hẳn những người khác. Chúa Giê-xu chính là một người như vậy hai ngàn năm trước. Nhưng tính cách của Chúa Giê-xu không chỉ thu hút những người lắng nghe Ngài. Những ai đã chứng kiến đời sống và lời nói của Ngài cho chúng ta biết rằng Ngài có gì đó khác hẳn những người khác.
Chứng thư của Chúa Giê-xu là chính Ngài. Ngài chưa từng viết một quyển sách, lãnh đạo quân đội, nắm giữ một vị trí chính trị, hay sở hữu tài sản. Ngài chủ yếu đi lại trong vòng 100 dặm quanh ngôi lành của mình, thu hút các đám đông gồm những người kinh ngạc trước những lời lẽ gây tranh cãi và những việc làm đáng ngạc nhiên của Ngài.
Nhưng sự vĩ đại của Chúa Giê-xu thật hiển nhiên với tất cả những ai từng nhìn thấy và lắng nghe Ngài. Và trong khi nhiều nhân vật vĩ đại dần bị lãng quên và chỉ còn có mặt trong sách lịch sử, Chúa Giê-xu vẫn là trọng tâm của hàng ngàn quyển sách và tạo nên sự tranh cãi vô song trên các phương tiện truyền thông. Và phần lớn những sự tranh cãi đó xoay quanh những tuyên ngôn mang tính cấp tiến của Chúa Giê-xu về chính Ngài – những tuyên ngôn gây kinh ngạc của cả môn đồ của Ngài và những kẻ chống đối Ngài.
Những tuyên ngôn đặc biệt của Chúa Giê-xu đã khiến Ngài bị chính quyền La Mã và những bậc lãnh đạo Do Thái xem như một sự đe dọa. Mặc dù Ngài là người ngoại cuộc không có chứng từ hay thế lực chính trị nào, trong vòng ba năm, Chúa Giê-xu đã thay đổi thế giới trong 20 thế kỷ tiếp theo. Những lãnh tụ đạo đức và tôn giáo khác đã để lại dấu ấn – nhưng không có gì giống như người con trai vô danh của một thợ mộc vùng Na-xa-rét.
Có điều gì ở Chúa Giê-xu mà lại tạo nên sự khác biệt đó? Ngài chỉ là một người vĩ đại, hay có gì hơn thế nữa?
Những câu hỏi này đi vào trọng tâm của việc Chúa Giê-xu là ai. Một số người tin rằng Ngài chỉ là một người thầy đạo đức vĩ đại, những người khác tin rằng Ngài chỉ là lãnh đạo của tôn giáo lớn nhất thế giới. Nhưng nhiều người tin rằng còn nhiều hơn thế. Cơ Đốc Nhân tin rằng Thượng Đế thật sự đã đến với chúng ta trong hình hài con người. Và họ tin rằng có các bằng chứng chứng minh cho điều đó.
Và sau khi xem xét cẩn thận về đời sống và lời nói của Chúa Giê-xu, cựu giáo sư trường Cambridge, từng là một người hoài nghi, C. S. Lewis, đã đi đến một kết luận bất ngờ về Ngài và điều này làm thay đổi định hướng cuộc đời ông. Vậy thì Chúa Giê-xu thật sự là ai? Nhiều người sẽ trả lời rằng Chúa Giê-xu là một người thầy đạo đức vĩ đại. Khi chúng ta tìm hiểu sâu hơn về thế giới của con người gây nhiều tranh cãi nhất thế giới này, chúng ta bắt đầu bằng câu hỏi: Chúa Giê-xu có phải chỉ là một người thầy đạo đức vĩ đại mà thôi?

Tại sao chính phủ không nên in thêm tiền?


Giới thiệu
Việt Nam đang trên bờ vỡ nợ, nghĩa là không có đủ tiền để trả nợ. Chính phủ có 4 giải pháp: 1) tăng thuế phí 2) vay thêm 3) cắt giảm ngân sách và 4) in tiền.

Cách in tiền là phương pháp thông dụng nhất, vì đó là cách âm thầm nhất. Chính phủ Việt Nam hiện tại đang in tiền để trả cho ngân sách, kết quả là giá tiêu dùng ở Việt Nam đang tăng rất cao, ước tính thật sự là trên 10%. Điều này đồng nghĩa với việc người dân phải đi làm nhiều hơn để trang trải cho cuộc sống. Họ thường đổ lỗi cho việc tăng giá lên lòng tham của người kinh doanh, nhưng ít ai biết rằng họ đang bị chính phủ ăn cắp mồ hôi nước mắt của mình qua cách in tiền (lạm phát).

Sau đây là bài viết giải thích vì sao chính phủ không nên in thêm tiền.

---------------
Vì sao lại có tiền?

Chính phủ có thể in tiền, vậy thì tại sao nó không in thêm ra và đem đi cho? Tất nhiên, điều này sẽ giảm sự nghèo đói và kích thích nền kinh tế?

Các nền kinh tế hiện đại sử dụng tiền nhiều đến độ nhiều khi chúng ta đã quên đi tiền là gì. Vậy thì hãy trở lại, suy ngẫm và tìm hiểu tiền được phát minh ra để làm gì.

Trước sự phát minh của đồng tiền, con người đã trao đổi những thứ họ sản xuất để lấy những thứ người khác sản xuất. Chúng ta gọi đó là ''cuộc trao đổi" trực tiếp, một món hàng cho một món hàng. Phương pháp này rất bất tiện, bởi vì bạn phải tìm một người nào đó không chỉ có những thứ bạn muốn mà còn phải muốn những thứ bạn có. Các nhà kinh tế học gọi vấn đề này là ''vấn đề của sự trùng hợp nhu cầu.''

Một vấn đề khác nữa với phương pháp trao đổi trực tiếp là nó trở nên rất khó để tích lũy (tiết kiệm) những thứ bạn đã sản xuất một cách lâu dài. Người Hang Động sẽ không thể nào tích lũy thu nhập của mình để trả tiền học phí đại học được. Không chỉ vì đại học thời đó không tồn tại, mà vì bốn năm học phí có giá đến 40,000 con gà. Khi các con gà thay phiên đẻ trứng, anh ta sẽ để nó vào chuồng, tích lũy cho sau này. Thời gian dần trôi qua, anh ta càng để nhiều trứng gà và con gà vào chuồng. Nhưng thời gian dần trôi qua thì những con gà đó dần chết đi.

Người Hang Động đó không thể nào tiết kiệm đủ thu nhập để trả học phí đại học được bởi vì mấy con gà của anh ta sống không đủ lâu để cho phép anh ta tích lũy đủ số lượng. Các nhà kinh tế học gọi trường hợp này là ''vấn đề giữ gìn giá trị."

Tiền giải quyết hai vấn đề: 1) ''vấn đề của sự trùng hợp nhu cầu.'' và 2) ''vấn đề giữ gìn giá trị."

---------------
Tiền là gì?

Tiền đơn giản chỉ là một tờ giấy ghi nợ "tôi nợ bạn'' mà con người có thể giữ và dùng để trao đổi với nhau một cách dễ dàng hơn so với phương pháp trao đổi hàng hóa trực tiếp với nhau. Với tiền, bất cứ một người nào cũng có thể trao đổi với một người khác, mà không cần biết người đó sản xuất cái gì. Vì sao? Bởi vì bây giờ người A phải muốn những gì người B có, nhưng người B không cần phải muốn những gì người A có. Anh ta có thể dùng tiền để mua những thứ anh ta muốn từ người khác, người C. Cả hai người đều có thể giao dịch làm ăn với nhau mà không bị giới hạn hoặc rào cản.

Tiền cũng giải quyết vấn đề giữ gìn giá trị. Người Hang Động kia có thể nuôi và bán những con gà và tích lũy thu nhập của anh ta, bây giờ là tiền, ở dưới một cục đá, hoặc ở đâu đó an toàn. Anh ta bây giờ có thể tiếp tục làm như vậy bao lâu cũng được bởi vì số tiền đó sẽ không bị mất đi hoặc chết như mấy con gà kia. Khi anh ta đã tích lũy đủ tiền, anh ta có thể mua những thứ đắc tiền.

---------------
Tiền không phải là sự thịnh vượng

Bây giờ chúng ta đã biết và nhớ nguyên nhân vì sao chúng ta lại phát minh ra tiền, thì bây giờ chúng ta có thể hiểu rõ vì sao in tiền không làm chúng ta giàu có hơn. Tiền có giá trị vì con người sẽ đưa bạn những hàng hóa và dịch vụ để đổi lấy tiền. Giá trị của tiền đến từ giá trị của hàng hóa và dịch vụ.

Việc in thêm tiền không sản xuất ra thêm hàng hóa và dịch vụ. Nói đơn giản, nó chỉ lan tràn giá trị của hàng hóa và dịch vụ xung quanh số lượng tiền tồn tại trong nền kinh tế. Kết quả là hàng hóa và dịch vụ sẽ tăng giá, vì số lượng tiền trong nền kinh tế tăng, còn số lượng hàng hóa thì không.

Trường hợp này, khi tất cả hàng hóa va dịch vụ tăng giá, chúng ta gọi là lạm phát. Nghĩa là mức giá bình quân là số lượng tiền chia cho số lượng hàng hóa và dịch vụ.

---------------
Mức giá bình quân = (số lượng tiền) / (số lượng hàng hóa và dịch vụ)

Kết quả của việc tăng số lượng tiền là giá hàng hóa sẽ tăng theo. Nếu tăng số lượng tiền lên gấp đôi, thì giá hàng hóa cũng tăng lên gấp đôi. Nếu mọi người có gấp đôi số tiền nhưng mọi thứ tăng giá gấp đôi, thì mọi người không giàu có hơn. Con người trở nên khá giả hơn bởi vì sự thịnh vượng không đến từ tiền, mà đến từ hàng hóa và dịch vụ tiền có thể trao đổi để lấy.

Tiền không phải là sự thịnh vượng, hàng hóa và dịch vụ mới là sự thịnh vượng.

---------------
Tác giả: Antony Davies, Why Not Print More Money?, 

Phận làm dân

Phận làm dân

Nguyễn Văn VĩnhĐăng Cổ Tùng báo – Thứ sáu, 18.7.1907

Lời giới thiệu111 năm trước, khi bối cảnh chính trị xã hội Việt Nam còn cực kỳ non yếu về nhận thức trong việc xây dựng bộ máy Nhà nước, nhà văn hóa, nhà báo, dịch giả Nguyễn Văn Vĩnh đã thông qua con chữ, thông qua báo chí để giác ngộ người dân về thế nào là quyền và nghĩa vụ dân sự, nhất là những người nhân danh đại diện cho dân. Xin chép lại nguyên văn bài viết về đề tài này của Nguyễn Văn Vĩnh...

Nguyễn Văn Vĩnh (1882 – 1936) là nhà tân học, nhà báo, nhà văn, nhà phiên dịch Việt Nam, nhà chính trị Việt Nam đầu thế kỷ 20.

.
PHẬN LÀM DÂN
(Đăng Cổ Tùng báo – Thứ Sáu 18.7.1907)
.
Phương ngôn Tây có câu nói rằng: “Mỗi đời một tục”.
Xưa nay dân An-nam mình chỉ biết một việc cầy cấy làm ăn, chịu thuế, quan hay thì dân được nhờ, quan dở dân phải chịu.
Bây giờ nhờ quan Toàn-quyền Beau, dân nước Nam ta được quyền mới, nhưng có quyền mới lại phải có nghĩa vụ mới.
Bản-báo mấy kỳ nay đã nói việc Nghị-viện cặn kẽ lắm rồi, nhưng dân-sự nhà-quê ít người được xem báo. Vậy nay lại xin nói một lần nữa, chắc rằng những ông đã mua báo mà xem thì cũng lo đến việc công, và cũng ước ao như chúng tôi cho dân An-nam được hiểu thấu những chính văn-minh của nước Pháp đem sang cho ta.
Xin các ông có về đến chỗ nhà-quê thì nói cho dân-sự biết rằng: dân ngày nay có quyền giự vào công việc Nhà-nước.
Ai ai cũng phải biết rằng đặt ra Nghị-viện là cái nhẽ sau này:
Phàm bao nhiêu nước văn-minh là quyền cai-trị do ở như dân cả, nhưng không có nhẽ trong một nước như xứ Bắc-kỳ ta, có 7 triệu người, lại họp cả 7 triệu lại để bàn việc nước, thì thành ra bát-nháo, cho nên cứ 35.000 người ấy có một mẩu quyền, mà mẩu ấy kén trọn một ông nào thông-minh mà gửi để mình còn làm ăn. Thế thì tuy việc nước ai ai cũng phải gánh vác, nhưng ba năm mới phải bận đến một lần.
Như vậy thì mỗi người có một mẩu quyền mà muốn giao cho ai mình phải nghĩ, phải tính toán. Mỗi hạt, sợ dân bối dối không biết bầu ai, đã có mấy ông biết mình có tài, đứng lên tình-nguyện ra làm, thì dân ai có chân đi bầu phải xét cho kỹ. Cũng có ông thì dùng cách diễn-thuyết để tỏ ý mình ra cho dân biết để dân bầu cho mình; cũng có ông lại dùng cách khác: như làm riệu mời, như đi nằn nì, xin từng người: “ông bầu cho tôi”; cũng có người mượn thế quan huyện sở-tại bảo trị-hạ một tiếng.
Tất thế nào từ hôm nay đến ngày bầu còn có lắm trò.
Mà chúng tôi là người ở giữa, chỉ muốn cho nước-nhà mỗi ngày một hay ra, mà thấy những trò ấy thì lo lắm. Lo rằng việc hay mà không khéo thì hóa ra chẳng ra gì.
Như các cụ nhà-quê xưa nay có biết đâu đến những việc này. Ví dù như thấy hai người, một người đến nói: ông bầu cho tôi thì tôi sẽ hết sức làm cho dân được nhờ, một ông lại đến: mời ông lại sơi riệu rồi ông đi bầu cho tôi; một ông đến: tôi lậy ông, ông ký cho cháu, nhé!Thế rồi quan huyện lại chuyền: anh em bảo nhau bầu cho ông Mỗ là chỗ bà con tôi nhé!Thì chắc hẳn mấy ông nhà-quê nghĩ ngay rằng: “có bầu thì phi bầu cho người bà con quan huyện, thì lại bầu cho lão kia đãi bữa chén; ông nào khí khái nhất thì đến bầu cho người van là cùng. Còn như bảo hứa làm lợi cho dân thì không nghe, vì xưa nay vẫn quen thế, người ra làm Hội-viên vẫn cho là người cầu danh, chớ có ai cho là người lo việc nước. Đi cầu danh thì phải van nài phải thần thế, phải có riệu, chớ quan huyện còn không binh nữa làm gì lợi cho ai?”.
Vậy thì ông nào Nhà-nước đã phát cho cái vé đi bầu, phải nhìn vào cái vé ấy, mà nghĩ rằng: “cái vé này là một phần lợi hại của dân ta đấy, trong ba ông: ông Giáp, ông Ất, ông Bính, là ba ông muốn ra làm, thì ta phải xem ông nào thực chí tưởng đến sự lợi của dân, thì ta bầu cho ông ấy. Đã đành rằng mỗi mình ta vì chén riệu, nhời van, hoặc có nể quan huyện, mà bầu cho người không ra gì thì một vé cũng chẳng thấm vào đâu, nhưng trong 35.000 người mà ai cũng trểnh mảng, nể nang như ta, thì có phải hạt bầu phải ông Nghị-viện dở không? Sau nữa ra phải nghĩ đến câu này: người nào thực có tài mà vì việc dân cho nên muốn ra làm, thì tính hay thẳng, tất không dùng cỗ bàn, không khấn vái, không chịu luồn-lụy, không chịu cầu cạnh thế quan”.
Hoạt động bầu cử Sau năm 1954 ở miền Bắc
.
Một bữa riệu bất quá có no được lâu đâu, vài đồng bạc tiêu cũng phải hết. Còn mượn nhời quan huyện, thì lệ bầu phải kín, ta bầu cho ai thì quan huyện biết đấy là đâu! Ta phải chịu khó đi, để mà bầu lấy một ông Nghị-viên cho rồi. Nếu ta nể nang thì dù sung-sướng một ngày, hại việc dân việc nước bao nhiêu. Ai cũng nghĩ thế cho, thì chắc Bắc-kỳ ta được một tòa Nghị-viện cứng. Dân sẽ được nhờ nhiều.

Suy ngẫm: Hai cách hiểu về “chủ nghĩa cá nhân”

Suy ngẫm: Hai cách hiểu về “chủ nghĩa cá nhân”

Nguyễn Ngọc Lanh
Giáo sư Hoàng Ngọc Hiến trong bài Tiếp cận quá trình hiện đại hoá văn hoá Việt Nam từ góc độ chủ nghĩa cá nhân văn hoá, đăng ở Viet-studies, sau đó được Chungta.com đăng lại (26-10-2009) đã phải phân trần về hai cách hiểu “chủ nghĩa cá nhân”:
  1. Ý niệm “chủ nghĩa cá nhân” lưu hành trong đời sống và ngôn ngữ hàng ngày thuộc “đạo đức học”, nghĩa của nó khá rõ và đơn giản: đó là thói ích kỷ, trong mọi hoàn cảnh đặt lợi ích của mình lên trên hết, không cho ai động đến “một sợi lông chân của mình”, có thể gọi tên nó là chủ nghĩa cá nhân “đạo đức học”.Trong khẩu hiệu “Quét sạch chủ nghĩa cá nhân” Hồ Chủ tịch nói đến chủ nghĩa cá nhân này. Trong mọi xã hội, mọi thời đại chủ nghĩa cá nhân này đều bị lên án.
  2. Còn cái mà chúng tôi gọi là chủ nghĩa cá nhân “văn hoá” không có liên quan gì đến chủ nghĩa cá nhân “đạo đức học”: đó là ý thức của cá nhân về cá tính và bản lĩnh riêng của mình, đặc biệt nó thể hiện ở “lòng tin “của cá nhân vào “giá trị của ý kiến riêng của mình” cũng như giá trị những hình thức diễn đạt nó lựa chọn và sáng tạo, tóm lại đó là lòng tin của cá nhân vào bảng giá trị của nó (thuộc mọi lĩnh vực chính trị, mỹ học, đạo đức…).
Cách hiểu đầu có lẽ xuất hiện sớm nhất từ thập kỷ 30, còn trước đó trí thức nước ta hiểu chủ nghĩa cá nhân theo cách thứ hai. Bài dưới đây thử so sánh hai cách hiểu đó
Một chủ nghĩa xấu chưa từng có
- Trong giai đoạn chống Pháp, giành độc lập (1945-1954) hầu như sách báo và văn bản của ta chưa có nhóm từ “chủ nghĩa cá nhân”. Đó là nhờ tinh thần xả thân vì lý tưởng, tác phong gương mẫu và phẩm chất liêm chính của lớp cán bộ-đảng viên ở cái thuở xa xưa ấy.
- Nhưng khi tạm thời có hoà bình (1954-1960), tư tưởng “cầu an, hưởng lạc”, “tự tư, tự lợi” bắt đầu xuất hiện, bị phê phán, dần dần quy về chủ nghĩa cá nhân.
- Giai đoạn từ 1960, khi đưa miền Bắc tiến nhanh, tiến mạnh lên CNXH, đồng thời phát động cuộc chiến tranh giải phóng miền Nam, Đảng đòi hỏi mọi người cống hiến, hy sinh nhiều hơn nữa. Do vậy, cần lên án mọi biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân. Trong học tập chính trị, cũng như trong chỉnh huấn, chỉnh đảng, chỉnh quân, bao giờ cũng có mục đề cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng và lên án chủ nghĩa cá nhân, để mỗi người tự liên hệ mà kiểm điểm bản thân. Đích thân cụ Hồ, với cương vị lãnh tụ tối cao của đảng, đã kịp thời phát biểu, viết bài trong mọi dịp cần thiết.
Nhân 40 năm thực hiện di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trang mạng của đảng CSVN đã kê ra những nội dung chính về chủ nghĩa cá nhân mà vị chủ tịch đã nêu:
  • Tháng 3-1960: Chủ nghĩa cá nhân như tự tư tự lợi, tự kiêu, tự mãn, chỉ tham việc gì có danh tiếng, xem khinh những công việc bình thường.
  • Tháng 3-1961: Chủ nghĩa cá nhân, lợi mình hại người, tự do vô tổ chức, vô kỷ luật và những tính xấu khác, là kẻ địch nguy hiểm của chủ nghĩa xã hội.
  • Tháng 1-1965: Chủ nghĩa cá nhân là kẻ thù nguy hiểm mà mỗi người chúng ta phải luôn luôn tỉnh táo đề phòng và kiên quyết tiêu diệt.
  • Tháng 7-1965: Tranh công đổ lỗi là biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân.
  • Tháng 2-1969: Chủ nghĩa cá nhân là việc gì cũng nghĩ đến lợi ích riêng của mình trước hết. Họ không lo “mình vì mọi người” mà chỉ muốn “mọi người vì mình”.
Bài viết cuối cùng về đề tài này của Hồ chủ tịch đăng trên báo Nhân Dân trong dịp 3-2-1969 có cái nhan đề rất quyết liệt: Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân. Tác dụng tức thời sau đợt học tập bài này là công nhân thêm vững “tay búa, tay súng”, nông dân càng chắc “tay cày, tay súng”; đồng thời lớp lớp thanh niên lại vượt Trường Sơn đi chiến đấu... Còn tác dụng lâu dài, thì 40 năm sau chủ nghĩa cá nhân vẫn chưa bị “quét sạch” như Cụ mong muốn.
Nó còn là nguồn gốc của mọi cái xấu
Trong bài nói trên, Hồ chủ tịch (ký là TL) đã tóm tắt đặc điểm và tác hại của chủ nghĩa cá nhân: Do cá nhân chủ nghĩa mà ngại gian khổ, khó khǎn, sa vào tham ô, hủ hoá, lãng phí, xa hoa. Họ tham danh trục lợi, thích địa vị quyền hành. Họ tự cao tự đại, coi thường tập thể, xem khinh quần chúng, độc đoán, chuyên quyền. Họ xa rời quần chúng, xa rời thực tế, mắc bệnh quan liêu mệnh lệnh. Họ không có tinh thần cố gắng vươn lên, không chịu học tập để tiến bộ.
Cũng do cá nhân chủ nghĩa mà mất đoàn kết, thiếu tính tổ chức, tính kỷ luật, kém tinh thần trách nhiệm, không chấp hành đúng đường lối, chính sách của Đảng và của Nhà nước, làm hại đến lợi ích của cách mạng, của nhân dân.
Tóm lại, do cá nhân chủ nghĩa mà phạm nhiều sai lầm.
Sau đó 38 năm, khi phát động học tập đạo đức Hồ Chí Minh (dịp 3-2-2007) tổng bí thư đương nhiệm vẫn nhắc lại một số nội dung mà cụ Hồ đã nêu: Tư tưởng không đúng thì có nhiều, nhưng có một tư tưởng mẹ: đó là chủ nghĩa cá nhân. “Chủ nghĩa cá nhân là việc gì cũng chỉ lo cho lợi ích riêng của mình, không quan tâm đến lợi ích của tập thể. “Miễn là mình béo, mặc thiên hạ gầy”. Nó là mẹ đẻ ra tất cả mọi tính hư, nết xấu như : lười biếng, suy bì, kiêu căng, kèn cựa, nhút nhát, lãng phí, tham ô... Chủ nghĩa cá nhân là vết tích xấu xa của xã hội cũ, “là một thứ rất gian giảo, xảo quyệt; nó khéo dỗ dành người ta đi xuống dốc. Mà ai cũng biết rằng xuống dốc thì dễ hơn lên dốc. Vì thế mà càng nguy hiểm”.
Ngày 31-8-2009, nhân kỷ niệm 40 năm cụ Hồ viết di chúc, bài trên trang mạng của đảng Cộng Sản Việt nam cũng nhắc lại lời Cụ: Chủ nghĩa cá nhân là một thứ vi trùng rất độc, do đó mà nó sinh ra các thứ bệnh rất nguy hiểm như: Bệnh tham lam; bệnh lười biếng; bệnh kiêu ngạo; bệnh hiếu danh; bệnh thiếu kỷ luật; óc hẹp hòi; óc thực dụng; óc lãnh tụ. Và kết luận: Chủ nghĩa cá nhân là một kẻ địch hung ác của chủ nghĩa xã hội.
Bài trên cũng cho biết: Các đại hội đảng, các hội nghị trung ương đều liên tục và mạnh mẽ nói về nguy cơ, tác hại của chủ nghĩa cá nhân và sự bành trướng của nó:
  • Hội nghị Trung ương lần thứ V khoá VI đã nghiêm khắc chỉ ra những biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân trong cán bộ, đảng viên khi đi vào đổi mới, đó là bệnh quan liêu, bàn giấy, xa rời quần chúng, xa rời thực tế, hống hách với nhân dân; sinh lòng thèm khát dồng tiền, sẵn sàng “chiếm công vi tư”, đục khoét của cải của nhân dân; sống buông thả, sa đoạ, móc ngoặc và tiếp tay cho bọn làm ăn bất chính ngoài xã hội; cơ hội chủ nghĩa, sống vô nguyên tắc, chỉ biết luồn lọt, nịnh bợ để có danh lợi; không tự phê bình và phê bình trên tình đồng chí, hoặc là xuê xoa, nể nang, hoặc là lợi dụng để đả kích nhau, tạo ra phe phái gây mất đoàn kết nghiêm trọng.
  • Trong nhiệm kỳ khoá VII, nhận diện của Đảng về chủ nghĩa cá nhân có sự phát triển. Tại Hội nghị giữa nhiệm kỳ Đảng ta cho rằng tham nhũng, quan liêu trở thành một trong bốn nguy cơ đối với chế độ mà Đảng, nhân dân ta đã lựa chọn và là biểu hiện tập trung của chủ nghĩa cá nhân, suy thoái đạo đức lối sống trong cán bộ, đảng viên.
  • Đến Đại hội VIII, chủ nghĩa cá nhân với rất nhiêu biểu hiện, đặt Đảng trước thách thức lớn hơn. Đại hội nhận định: một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên thiếu tu dưỡng bản thân, phai nhạt lý tưởng, mất cảnh giác, giảm sút ý chí, kém ý thức tổ chức kỷ luật, sa đoạ về đạo đức lối sống. Bệnh quan liêu, độc đoán, cục bộ địa phương, kèn cựa, địa vị rất nặng. Số thoái hoá về chính trị tuy ít, nhưng hoạt động của họ gây hậu quả rất xấu.
  • Những năm đầu của thế kỷ XXI, chủ nghĩa cá nhân với biểu hiện tập trung của nó là tham nhũng, tiêu cực diễn biến càng phức tạp hơn. Đại hội lần thứ IX, lần thư X của Đảng đều đã đề cập đến chủ nghĩa cá nhân và các biểu hiện chính của nó. Đảng chủ trương mỗi cấp uỷ, mỗi chi bộ có kế hoạch định kỳ kiểm điểm và thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh về nâng cao đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân, chống tư tưởng cơ hội thực dụng.
Tóm lại, không thể thêm gì vào sự xấu xa và nguy hiểm của chủ nghĩa cá nhân - một chủ nghĩa ngày càng lộng hành ở nước ta, kể từ cách đây nửa thế kỷ.
Nó là kẻ thù từ bên trong, dường như tự sinh, tự dưỡng, có sức sống mãnh liệt, dù chúng ta luôn luôn cảnh báo và đã huy động mọi khả năng để diệt trừ. Có lẽ chủ nghĩa này ở các nước bạn còn nặng nề hơn, vì chỉ 2 thập niên sau khi cụ Hồ mất, các nước XHCN Đông Âu và Liên Xô đã theo nhau sụp đổ.
Nay, 2009, nó đã phát triển tới mức đặt chế độ ta trước nguy cơ tồn vong.
Thế giới hiểu khác ta về chủ nghĩa cá nhân
Phương Tây xoá bỏ chế độ phong kiến trước phương Đông nhiều thế kỷ. Đó là điều kiện tiên quyết để chủ nghĩa cá nhân ra đời cách nay đã hai trăm năm. Đó là khi dân trí đã đủ cao, cuộc sống vật chất và tinh thần được nâng lên, tầng lớp trí thức “đích thực” đã hình thành, khiến cho mỗi con người có điều kiện suy nghĩ về những quyền lợi chính đáng của chính mình khi chung sống trong xã hội. Trước nhất và cơ bản nhất, đó là các quyền tự do cho mỗi cá nhân. Mỗi cá thể không còn quá lệ thuộc vào cộng đồng, mà phải trở thành một thành viên độc lập của cộng đồng ấy, có quyền có suy nghĩ riêng, đưa ra ý kiến, quan điểm riêng, và thể hiện bản thân theo cách riêng. Không ai bị buộc trở thành một cái bóng mờ nhạt, bị chìm lấp vào đám đông - kể cả đó là cái bóng của vĩ nhân. Tóm lại, bất cứ ai cũng được quyền thể hiện bản thân, để “tôi phải là chính tôi”.
Đạo đức cao nhất của chủ nghĩa cá nhân là không vi phạm quyền tự do của các cá nhân khác. Suy ra, chức năng số 1 của Nhà Nước là tạo điều kiện để mỗi cá nhân thực hiện đầy đủ các quyền tự do; đồng thời ngăn chặn sự xâm phạm quyền tự do của cá nhân từ bất cứ cá nhân (hay nhóm) nào khác. Nhà nước không được phép tự ý gom gộp những cá nhân thành một đám, nhào nặn để nó “có hình thù vừa ý” nhằm dễ quản lý và sai khiến cả đám – như Hitler đã làm.
Như vậy, trong khi 87 triệu dân ta hiểu chủ nghĩa cá nhân là xấu xa, nguy hiểm; thì phần khổng lồ còn lại của nhân loại lại hiểu khác.
Thành tựu và sai lầm
Một thành tựu trong quá trình ngàn năm tư duy và tiến hoá của nhân loại là tạo ra khái niệm cá nhân. Đám nô lệ khổ sai xây Kim Tự Tháp, hoặc khối nông nô lầm than đắp Vạn Lý Trường Thành không thể có khái niệm cá nhân. Không có chuyện mỗi nô lệ dám “thể hiện mình”. Mỗi người chỉ như con kiến, không cá tính, bị chìm lấp trong đàn kiến. Đó chính là tình trạng của mỗi thường dân ở xã hội phong kiến và càng như vậy ở mọi xã hội trước phong kiến.
Cá nhân, đó là con người độc lập, tuy trừu tượng (không chỉ ra một ai cụ thể), nhưng lại phổ cập (là bất cứ cá thể nào trong nhân loại) mà không phân biệt quốc tịch, màu da, trình độ... Chủ nghĩa cá nhân đặt quyền lợi và hạnh phúc của mỗi con người lên trên hết. Sau hàng thế kỷ, sự phát triển và hoàn thiện lý luận về chủ nghĩa cá nhân đã đưa đến sự ra đời khái niệm quyền con người (nhân quyền) như ta thấy hiện nay.

- Sai lầm lớn nhất: Đó là quan niệm coi “cá nhân” là... “bản thân mình”. Từ đó, coi chủ nghĩa cá nhân là thứ chủ nghĩa đặt quyền lợi và hạnh phúc của bản thân mình lên trên hết. Nếu gọi đúng tên, thì đây là chủ nghĩa vị kỷ (egoism, đối lập với chủ nghĩa vị tha), chứ không phải là chủ nghĩa cá nhân (individualism, đối lập với chủ nghĩa tập thể). Hầu hết trường hợp chống chủ nghĩa cá nhân là do cách hiểu sai lầm này. Càng tai hại, nếu giới quyền lực cố ý hiểu sai như vậy.
Đương nhiên, đang có hai cách hiểu trong chúng ta
Dân ta được giáo dục để hiểu chủ nghĩa cá nhân theo nghĩa xấu. Việt Nam ta mượn danh từ “chủ nghĩa cá nhân” chỉ để làm cái vỏ, và nhét vào đó một nội dung tự quy ước - khác với nội dung gốc. Xin khẳng định: Đó là quyền của Việt Nam, miễn là Việt Nam chỉ dùng khái niệm tự quy ước này trong phạm vi nước ta – và cứ vô tư mà dùng - cho đến khi nào buộc phải thống nhất với khái niệm chung của thế giới.
Tuy nhiên, vẫn có một số người Việt có điều kiện tiếp cận với quan niệm của thế giới. Do vậy, họ có hai cách hiểu. Và họ sử dụng mỗi cách tuỳ theo tình huống. Không khó gì tìm ra trên báo chí ta những bài viết gần đây bàn về chủ nghĩa cá nhân dưới góc độ triết lý, học thuật. Tuy nhiên, người bàn luận sớm nhất về chủ nghĩa cá nhân - theo cách hiểu từ gốc – có lẽ là cụ Phan Khôi. Từ trên 70 năm trước, sau khi lập luận đầy đủ, cụ đã đưa ví dụ: đàn chim sẻ đã sống theo “chủ nghĩa cá nhân” (mỗi cá thể có quyền tự quyết định), còn đàn kiến sống theo “chủ nghĩa tập thể” (mỗi cá thể không có quyền đó).
Đề xuất và vài nhận định sơ bộ
- Đề xuất: Đã tới lúc nên thay từ “chủ nghĩa cá nhân” bằng chủ nghĩa vị kỷ? Chớ nên tiếc, vì sự thay thế này chẳng liên quan gì tới “bản sắc văn hoá” (là cái chúng ta muốn giữ gìn), cũng chẳng phải sự khác nhau về quan niệm Đông - Tây. Cái chủ nghĩa vị kỷ này không chỉ là kẻ thù của CNXH mà là kẻ thù của cả nhân loại. Có điều, sao nó cứ ngang ngược ở nước ta hơn ở đâu hết.
- Nhận định
  • Chủ nghĩa vị kỷ bị lên án suốt nửa thế kỷ; tới nay vẫn tiếp tục bị mạt sát nặng nề. Điều đó chứng tỏ ta rất căm ghét nó, trút bực tức lên nó – vì bất lực với nó. Không những nó chưa bị “quét sạch” (như cụ Hồ dặn lại) mà còn phát triển đầy thách thức. Biểu hiện tiêu biểu nhất là nạn tham nhũng – đã tới mức đe doạ sự sinh tồn của chế độ. Vấn đề “ai thắng ai” lại được đặt ra lần nữa, nhưng không phải giữa hai phe (XHCN và TBCN) như trước đây, mà là ngay trong nội bộ xã hội XHCN ở nước ta. Mong rằng kết quả đấu tranh lần này sẽ khác lần trước.
  • Là những người duy vật, nhưng chúng ta chỉ có trong tay biện pháp duy tâm để chống lại nó. Biện pháp quan trọng nhất tới nay vẫn chỉ là khuyên (hoặc đòi hỏi) mỗi người phải học tập đạo đức bác Hồ và tự rèn luyện bản thân. Dường như những đối tượng cần học nhất lại chưa học, hoặc học chưa đủ. Ngược lại, lòng tin vào chủ nghĩa Mác-Lênin mà chúng ta cố công vun đắp lại suy thoái tới mức những văn kiện lớn của đảng phải dùng tới những từ “phai nhạt lý tưởng”, “suy giảm sút ý chí”, “sa đoạ về đạo đức, lối sống“... Nhưng biện pháp sửa chữa cũng rất duy tâm: Đó là mỗi người phải... tự rèn luyện (rèn luyện theo hướng nào?).
  • Chủ nghĩa? Đó là lý tưởng để theo đuổi cả đời. Chủ nghĩa vị kỷ đang lộng hành chứng tỏ ngày càng đông người coi đó là lý tưởng đời mình. Nếu họ lại “rèn luyện” lòng tin lý tưởng của họ thì nguy quá.
  • Liệu có phải chủ nghĩa vị kỷ sinh ra ngay từ trong cơ chế của chế độ? Bởi vì, từ thập niên 60 tới nay, dài bằng đời người, nó đã tự chứng minh năng lực tự sinh, tự phát triển dường như vô địch của nó. Nếu đây là bệnh tự sinh, tự phát – ví dụ, do độc quyền chia chác chức vụ - hỏi làm sao cách chữa như hiện nay có thể đưa lại kết quả?.

Thứ Năm, 28 tháng 6, 2018

“Lợi ích nhóm” và “Chủ nghĩa tư bản thân hữu” - cảnh báo nguy cơ

Lợi ích chính đáng (của một người, một nhóm) là lợi ích phù hợp với lợi ích chung của quốc gia, dân tộc, góp phần và bổ trợ cho lợi ích chung; không mâu thuẫn, không gây thiệt hại cho lợi ích chung. Lợi ích chính đáng luôn là mục tiêu và động lực đối với hoạt động của con người, cần được tôn trọng, bảo vệ và khuyến khích. Quên điều này, không quan tâm đến lợi ích chính đáng của con người, ngăn cản các lợi ích chính đáng ấy, thì sự lãnh đạo và quản lý xã hội không thể thành công, mà trước sau gì nhất định cũng sẽ thất bại.

Ngược lại, “lợi ích nhóm” (theo nghĩa tiêu cực) thì mâu thuẫn với lợi ích chung của quốc gia, dân tộc; gây hại cho lợi ích chung, cho cộng đồng, làm suy yếu và gây tổn thất nghiêm trọng đối với lợi ích chung. “Lợi ích nhóm” là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến việc hình thành các “nhóm lợi ích”. Đặc điểm của các “nhóm lợi ích” là có sự kết hợp cùng mục tiêu lợi ích, cùng hành động, cùng phân chia lợi ích, giữa những người có nhiều tiền với những người có quyền lực trong nhà nước và trong đảng cầm quyền. Có tiền chuyển hóa thành có quyền lực. Có quyền lực chuyển hóa thành có tiền. Người có tiền sẽ có quyền lực và người có quyền lực sẽ có tiền. Họ cùng nhau hành động để có quyền lực và có tiền ngày càng nhiều hơn. Đồng tiền cộng với quyền lực tạo thành sức mạnh khống chế, lũng đoạn tổ chức và xã hội. Nhận thức sự quan trọng của thông tin, “nhóm lợi ích” còn móc nối, “kết nạp”, kết hợp với một số nhóm truyền thông không lành mạnh để tác động chi phối dư luận theo hướng có lợi cho “nhóm lợi ích” và xuyên tạc vu cáo những người, những doanh nghiệp không cùng nhóm để tranh quyền lực và lợi ích. “Lợi ích nhóm” sẽ kéo theo và song hành với tham vọng quyền lực và tham vọng tiền bạc.
Ở nước ta, trong lãnh đạo, người đầu tiên công khai hóa và nêu lên sự cần thiết phải đấu tranh với “lợi ích nhóm” là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (phát biểu tại Hội nghị Trung ương 3 khóa XI). Sau Tổng Bí thư, một vài đồng chí lãnh đạo khác của Đảng và Nhà nước cũng có nói đến, mặc dù chỉ mới thoáng qua và nói chung, chưa có chỉ đạo gì quyết liệt trong việc ngăn ngừa, phòng chống “lợi ích nhóm”. Trong giới khoa học của Việt Nam đã có một số nghiên cứu, chưa nhiều và mới ở dạng lý thuyết chung, chưa gắn với thực tế tình hình nước ta. Các nhà nghiên cứu trên thế giới đã có nhiều tài liệu nghiên cứu vấn đề này, gắn với quá trình phát triển của một số quốc gia. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI của Đảng Cộng sản Việt Nam “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” đã xác định nhiệm vụ quan trọng phải đấu tranh chống “lợi ích nhóm”.
Hiện nay, “lợi ích nhóm” và hoạt động của “nhóm lợi ích” ở nước ta đã và đang diễn ra ở hầu hết các lĩnh vực quan trọng. Đó là trong quản lý doanh nghiệp nhà nước, quản lý dự án đầu tư, nhất là đầu tư công; trong quản lý ngân sách, thuế, quản lý ngân hàng - tín dụng; trong quản lý các nguồn vốn và chương trình đầu tư về xã hội, trong quản lý tài sản, đất đai, bất động sản, tài nguyên khoáng sản, xuất nhập khẩu; trong công tác cán bộ, quản lý biên chế; trong quản lý việc cấp các loại giấy phép; kể cả trong các vụ án, trong tham mưu về chủ trương, chính sách và trong điều hành. Đi sâu vào nghiên cứu các vụ tiêu cực, tham nhũng có tổ chức, các vụ, việc mà dư luận có nhiều ý kiến thì sẽ có nhiều thông tin cụ thể về tình hình “lợi ích nhóm” ở Việt Nam. Tức là tình hình xấu đã lan rộng, khá phổ biến và khá ngang nhiên, nghiêm trọng đến mức báo động.
“Lợi ích nhóm” và “nhóm lợi ích” có tác hại gì? Trước nhất, nó làm cho đất nước bị tổn thất các nguồn lực và giảm hiệu quả đầu tư, bị kìm hãm không thể phát triển nhanh, thậm chí không thể phát triển bình thường, mất sức sống, nền kinh tế sẽ bị khiếm khuyết, dị tật, kinh tế “ngầm”, thị trường “ảo”, chụp giật, hoang dã, khống chế và “thanh toán” lẫn nhau để giành độc quyền, làm hỏng môi trường phát triển lành mạnh và bình đẳng cho tất cả các doanh nghiệp. Hầu hết các nước bị “bẫy thu nhập trung bình” kéo dài nhiều thập niên, thậm chí kéo dài hàng thế kỷ, loay hoay mãi, lùng bùng mãi, không làm sao thoát ra được để trở thành một quốc gia phát triển là do “lợi ích nhóm” - nguyên nhân trực tiếp và hàng đầu. Với sự chi phối của các “nhóm lợi ích”, nguồn lực quốc gia bị phân bổ và sử dụng không vì lợi ích chung của quốc gia, mà nhằm hướng phục vụ cho “lợi ích nhóm”; việc bố trí đầu tư, sắp xếp dự án và kể cả ban hành chính sách, điều hành xử lý công việc cũng vậy. 
Nước ta sau mấy chục năm công nghiệp hóa, đến nay năng suất lao động xã hội vẫn thấp (vào loại thấp nhất khu vực Đông Á), hiệu quả đầu tư kém, nợ nần nhiều mà chưa rõ trả bằng cách nào, khi mà hiệu quả đầu tư (sử dụng nguồn vay ấy) còn kém; thu nhập thấp, sản phẩm công nghiệp xuất khẩu hầu như không có, các chương trình nội địa hóa không thành công, chủ yếu là làm thuê và cho thuê mặt bằng, nền kinh tế Việt Nam đang rơi vào “bẫy thu nhập trung bình thấp”. Nhìn lại nguyên nhân các nước bị “bẫy thu nhập trung bình” và nhìn lại tình hình nền kinh tế của ta thì thật đáng lo ngại.
Hậu quả thứ hai do “nhóm lợi ích” gây ra là nhất định sẽ chệch hướng khỏi mục tiêu xã hội chủ nghĩa chân chính (và cũng xa lạ với chủ nghĩa tư bản hiện đại), đất nước đi theo một con đường khác, sang “chủ nghĩa tư bản thân hữu”, đó là con đường không có tiền đồ và rất nguy hiểm, không có tự do và dân chủ (vì bị “nhóm lợi ích” độc quyền về kinh tế và chính trị thâu tóm, lũng đoạn), để lại hậu quả lâu dài mà dân tộc phải gánh chịu. Chúng ta mong muốn xây dựng một xã hội trên nền tảng của các giá trị nhân cách thì “nhóm lợi ích” lại thúc đẩy đồng tiền cộng với quyền lực chiếm địa vị thống trị. Thực chất “nhóm lợi ích” là đồng tiền (tư bản) chi phối quyền lực, trực tiếp tham gia giành và chiếm giữ quyền lực, làm cho quyền lực không còn là của nhân dân, cũng có nghĩa là chệch khỏi mục tiêu xã hội chủ nghĩa (chân chính). “Lợi ích nhóm” và “nhóm lợi ích” có từ rất sớm, ít nhất là từ buổi đầu của thời kỳ phong kiến; nhưng sang thời kỳ tư bản chủ nghĩa thì nó phát triển và diễn biến phức tạp hơn, kể cả trình độ, quy mô và tính chất. Trong Chủ nghĩa tư bản “hoang dã”, “mông muội”, các “nhóm lợi ích” hoạt động phổ biến, công khai, tích lũy và tập trung tư bản bằng mọi thủ đoạn, kể cả bạo lực, giết người. 
Nhân đây, trước khi nói đến hậu quả thứ ba do “nhóm lợi ích” gây ra, xin nói rõ hơn về “chủ nghĩa tư bản thân hữu”. Suốt mấy trăm năm nay, qua quá trình cạnh tranh, qua đấu tranh xã hội, chịu sự tác động của các quy luật khách quan về kinh tế và xã hội, chủ nghĩa tư bản buộc phải liên tục điều chỉnh. Ngày nay, chủ nghĩa tư bản hiện đại đã có những điều chỉnh rất đáng ghi nhận; tạo ra nhiều thành tựu và một số nước đạt trình độ phát triển cao, tính chất xã hội hóa sản xuất cao hơn, đang dần dần từng bước tạo ra các nhân tố mới của xã hội tương lai (xã hội xã hội chủ nghĩa). Đồng thời với quá trình tiến hóa tự nhiên ấy, trong thực tiễn thế giới tư bản còn xuất hiện một khuynh hướng khác, một khuynh hướng không lành mạnh, không bình thường, một khuynh hướng tha hóa, đó là “chủ nghĩa tư bản thân hữu”, một loại hình nguy hại cho sự phát triển của các quốc gia. Nước nào rơi vào “chủ nghĩa tư bản thân hữu” thì không ngóc đầu lên được. “Chủ nghĩa tư bản thân hữu” thực chất là sự bành trướng, biến dạng, biến tướng, sự thoái hóa cao độ của “nhóm lợi ích” gây ra. Đây là một loại hình rất lạc hậu, khác xa so với chủ nghĩa tư bản hiện đại (chủ nghĩa tư bản hiện đại có nhiều mặt tiến bộ, mà chúng ta cần nghiên cứu để học tập kinh nghiệm) và tất nhiên là càng xa lạ với chủ nghĩa xã hội văn minh.
“Chủ nghĩa tư bản thân hữu” còn có các cách gọi khác nhau, là “chủ nghĩa tư bản lợi ích”, “chủ nghĩa tư bản bè phái”, “chủ nghĩa tư bản bè cánh”, “chủ nghĩa tư bản lũng đoạn”,... “Chủ nghĩa tư bản thân hữu” không phải là một giai đoạn của chủ nghĩa tư bản, mà là một hiện tượng, một khuyết tật, một sự tha hóa của chủ nghĩa tư bản. Đây là loại hình “phát triển” mà trong đó các doanh nghiệp dựa vào ưu thế về mối quan hệ với những người có quyền lực để tạo ra nguồn thu tài chính cho cá nhân và đơn vị mình. Các doanh nghiệp này tập trung đầu tư vào “quan hệ”, vào “quan chức” để từ đó mà dùng quyền lực tạo ra lợi nhuận siêu ngạch. Đặc trưng của “chủ nghĩa tư bản thân hữu” là có sự cấu kết, xâm nhập lẫn nhau giữa nhóm đặc quyền kinh tế và nhóm đặc quyền chính trị, người kinh doanh cũng đầu tư vào quyền lực và người có quyền lực cũng tham gia kinh doanh, làm quan chức để làm giàu, họ cùng nhau bóc lột “mềm” toàn xã hội, bóc lột cả dân tộc, họ thâu tóm các nguồn tài chính, của cải và thâu tóm quyền lực chính trị, biến bộ máy nhà nước thành công cụ của một nhóm người (nhân danh nhà nước và đảng cầm quyền) thực hiện độc quyền kinh tế kết hợp với độc quyền chính trị. Nói họ thực hiện bóc lột “mềm” là vì không có hình thức tổ chức sản xuất - kinh doanh cụ thể để trực tiếp bóc lột giá trị thặng dư của lao động, sự bóc lột của họ tinh vi hơn, nhưng tai hại hơn, gây hậu quả rất nghiêm trọng. Sự bóc lột ấy thực hiện thông qua các dự án, các chương trình đầu tư; thông qua các cơ chế, chính sách (không phục vụ cho toàn xã hội mà phục vụ cho một nhóm người) và thông qua cách điều hành, cách quản lý mập mờ, không minh bạch, gây tiêu cực, tham nhũng... Họ thu lợi thông qua các công ty “sân sau”, công ty con, công ty cháu, công ty nhánh của gia đình, của “cánh hữu”. Nó ra đời trong (và gắn với) chủ nghĩa tư bản “man rợ”, chủ nghĩa tư bản “dã man”, chứ không phải chủ nghĩa tư bản văn minh. 
Rất đáng lưu ý là, “chủ nghĩa tư bản thân hữu” không chỉ có trong xã hội tư bản (yếu kém và tha hóa) mà còn có trong các xã hội khác, ở các nước mới bắt đầu vận hành nền kinh tế theo mô hình kinh tế thị trường, khi mà ở đó “lợi ích nhóm”, “nhóm lợi ích”, “lợi ích bè phái”, “tính thân hữu vì lợi ích” đang nổi lên và hoành hành; khi mà đảng cầm quyền cùng nhà nước do nó lãnh đạo bị suy thoái về đạo đức, tham nhũng trở nên phổ biến và pháp luật không được tuân thủ trong sự quản lý đất nước, quản lý xã hội (tức là trình độ quản trị quốc gia yếu kém). Thực tiễn thế giới cho thấy, “chủ nghĩa tư bản thân hữu” kìm hãm sự phát triển của quốc gia, làm cho đất nước rơi vào “bẫy thu nhập trung bình” hàng thế kỷ không ra được, làm băng hoại đạo đức xã hội (do lệch chuẩn giá trị); làm méo mó, biến dạng các chủ trương, đường lối; gây nên các khuyết tật của nền kinh tế và của xã hội, để hậu quả lâu dài. “Chủ nghĩa tư bản thân hữu” xuất phát từ các nguyên nhân, nguồn gốc: “Lợi ích nhóm” tiêu cực, các dạng ma-phi-a, tham nhũng có tổ chức, sự suy thoái đạo đức của cán bộ có chức quyền, không có cơ chế kiểm soát quyền lực, để quyền lực tha hóa và không có cơ chế tốt để nhân dân làm chủ và có quyền lực thật sự, trình độ và năng lực quản trị quốc gia yếu kém, luật pháp còn nhiều kẽ hở và việc chấp hành pháp luật không nghiêm, bảo kê, bao che và dung túng cho các sai phạm. Ở đâu và khi nào mà “nhóm lợi ích” không bị ngăn chặn có hiệu lực, hiệu quả, mà để nó phát triển mạnh, lan tràn, hoành hành, vai trò của Nhà nước lành mạnh bị vô hiệu hóa, thì ở đó, tất yếu sẽ kéo theo “chủ nghĩa tư bản thân hữu” xuất hiện và tồn tại, không thể tránh được, không thể khác được, dù có muốn hay không.
Lâu nay Đảng ta đã nhiều lần lưu ý nguy cơ chệch hướng. Nếu chệch hướng thì sẽ chệch đi đâu? Chắc không thể trở lại chế độ phong kiến, vì trình độ phát triển đã vượt qua. Cũng không thể chệch sang chủ nghĩa tư bản phát triển văn minh, vì trình độ phát triển của nước ta chưa đạt đến, và nếu vậy thì có ý kiến cho rằng cũng không đáng sợ, bởi chúng ta sẽ gần hơn với chủ nghĩa xã hội. Khả năng lớn nhất, hiện hữu và cũng đáng sợ nhất, nguy hiểm nhất là chệch hướng sang “chủ nghĩa tư bản thân hữu”, con đường nguy hại cho sự phát triển của quốc gia, dân tộc, đồng thời cũng nguy hại cho chế độ chính trị - xã hội.
Trở lại hậu quả của “nhóm lợi ích”. Hậu quả thứ ba do “nhóm lợi ích” gây ra là sự suy đồi về văn hóa, đạo đức xã hội do hệ giá trị bị đảo lộn (đồng tiền và quyền lực chiếm vị trí trung tâm và cao nhất, trong khi nhân cách bị đẩy sang bên cạnh và xuống hàng thứ yếu) và do tha hóa quyền lực (tác nhân mạnh nhất). Việc phân hóa giàu - nghèo sẽ ngày càng lớn, tạo ra bất bình đẳng và mâu thuẫn xã hội. Hỏng văn hóa và gây ra mâu thuẫn xã hội thì hậu quả khôn lường, thâm sâu và lan tỏa rộng trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, ảnh hưởng đến nền tảng xã hội và sức mạnh nội sinh của dân tộc.
Hậu quả thứ tư do “nhóm lợi ích” gây ra là làm lẫn lộn thật - giả, đúng - sai, khác nhau giữa lời nói và việc làm, đường lối đúng không vào được cuộc sống...; làm mất lòng tin của nhân dân đối với đảng cầm quyền và đối với nhà nước, tức là làm hỏng nền tảng chính trị, dẫn đến mất ổn định chính trị, mất sức mạnh của một quốc gia, và từ đó các thế lực xâm lăng từ bên ngoài có thể lợi dụng thời cơ để xâm lấn, chèn ép, dẫn đến nguy cơ mất độc lập, thậm chí là mất nước.
Hậu quả thứ năm do “nhóm lợi ích” gây ra là chính sách sử dụng cán bộ méo mó, phát triển nạn “chạy chức”, “chạy quyền”, sắp xếp cán bộ trên cơ sở “quan hệ, tiền tệ, hậu duệ”, chứ không phải sử dụng người có tài đức, làm hư hỏng đội ngũ cán bộ; là sự phát triển, sự gia tăng các hoạt động bè phái, mất đoàn kết nội bộ, phá vỡ các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của đảng cầm quyền, từ đó dẫn đến đảng cầm quyền mất vai trò lãnh đạo, tan rã hoặc bị “nhóm lợi ích” thâu tóm làm thay đổi hoàn toàn bản chất, không còn là đảng phục vụ nhân dân, và nhà nước cũng hư hỏng, biến chất, không còn là nhà nước của nhân dân, mà thành bộ máy cai trị, tham nhũng và bóc lột nhân dân, từ đó, nòng cốt chính trị đổ vỡ, bất ổn định chính trị từ bên trong.
Tình hình “nhóm lợi ích” ở Việt Nam đã đến mức độ nào? đang và sẽ đi về đâu? Như chúng ta đã biết, trước đây trong lịch sử nhiều lần các triều đại phong kiến Việt Nam bị sụp đổ, kể cả có lúc đất nước bị chia cắt là do “nhóm lợi ích” gây nên. Ngày nay, tuy chưa có các công trình nghiên cứu cấp quốc gia một cách thật đầy đủ và khoa học về “lợi ích nhóm ở Việt Nam”, nhưng qua thông tin, qua dư luận xã hội, qua nghiên cứu của một số chuyên gia và cảm nhận của nhiều người, thì tình hình “lợi ích nhóm” đã khá nghiêm trọng, tương đối phổ biến, ở cấp nào cũng có, cấp cao hơn thì mức độ càng nặng hơn, ở lĩnh vực nào cũng có, kể cả ở những nơi mà xưa nay trong tiềm thức xã hội thường cho rằng đó là nơi luôn trang nghiêm, trong sạch. “Lợi ích nhóm” cũng chính là một kiểu tham nhũng nghiêm trọng nhất, tham nhũng có tổ chức. Mặc dù Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều cố gắng trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, nhưng thực tế xã hội vẫn diễn ra một tình hình rất đáng lo ngại là ở nước ta đang có nguy cơ chuyển biến dần dần sang “chủ nghĩa tư bản thân hữu”, do hoạt động của “nhóm lợi ích” gây nên. Cũng có ý kiến cho rằng nước ta đã rơi vào “chủ nghĩa tư bản thân hữu” rồi, đã vào sâu lắm rồi (?). Ở các nước, việc quản lý nhà nước và việc điều hành kinh tế tách biệt rành mạch, và ở họ doanh nghiệp nhà nước cũng ít hơn ta. Còn ở ta, với đặc điểm cơ quan nhà nước vừa quản lý về mặt nhà nước, vừa trực tiếp điều hành kinh tế, doanh nghiệp nhà nước nhiều, lại yếu kém trong quản lý, không ít trường hợp đằng sau cái vỏ doanh nghiệp nhà nước là tư nhân núp bóng, vì vậy, đề phòng “lợi ích nhóm” ở Việt Nam còn phức tạp hơn các nước khác, nếu không đấu tranh ngăn chặn có hiệu quả. Đây là nguy cơ lớn nhất đang hiện hữu dần, đe dọa sự phát triển lành mạnh của đất nước và sự tồn vong của chế độ theo định hướng xã hội chủ nghĩa (lành mạnh). Nguy cơ này bao trùm, đáng lo hơn bất kỳ sự đe dọa nào, tác động chi phối chính, làm trầm trọng các nguy cơ khác, tạo điều kiện cho các nguy cơ khác phát triển và gây tác hại. Đây là điểm lớn nhất, cốt lõi nhất của cuộc đấu tranh về quan điểm lập trường; là trọng tâm trong chống “tự diễn biến”. Nếu Đảng và Nhà nước ta không ngăn chặn được hoạt động của “nhóm lợi ích”, để nó tiếp tục phát triển, dẫn đến lũng đoạn ngày càng lớn hơn thì sự phát triển của đất nước bị nguy khốn và chế độ chính trị cũng biến chất, cũng thay đổi theo hướng xấu, chắc chắn không còn là con đường xã hội chủ nghĩa chân chính nữa, mà sẽ là nơi phát triển “chủ nghĩa tư bản thân hữu”, mong muốn của hàng triệu đảng viên cộng sản và nhân dân đã chiến đấu, hy sinh xương máu sẽ trở nên xa vời và vô vọng, mong muốn thiết tha của Bác Hồ cũng không thực hiện được, Đảng chân chính sẽ không còn và Nhà nước sẽ biến chất, dân tộc sẽ bị bóc lột, bị tước đoạt quyền lực và tài sản của cải, chế độ xã hội sẽ là một chế độ không có dân chủ và tự do, không có bình đẳng. Lúc này, hơn lúc nào hết, các cấp ủy và toàn Đảng phải nhận thức rõ nguy cơ và quyết tâm bảo vệ quyền lợi dân tộc, thành quả cách mạng và bảo vệ chính Đảng ta, không để Đảng bị “nhóm lợi ích” và “chủ nghĩa tư bản thân hữu” thao túng, làm hư hỏng, biến chất, dẫn đến đổ vỡ.
Chống “lợi ích nhóm” là công việc hết sức khó khăn, phức tạp, vì không rõ “chiến tuyến”, thường ở trong trạng thái lẫn lộn trắng đen, trong nó có ta và trong ta có nó, vừa là ta lại vừa là nó. Ngoài việc cần nhận thức đầy đủ và sâu sắc tình hình và nguy cơ, cần thảo luận rộng rãi trong Đảng và trên công luận. Đảng và cả hệ thống chính trị phải kiên quyết đấu tranh chống “lợi ích nhóm”, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, hết sức hệ trọng và cấp bách; tập thể lãnh đạo từ cấp cao nhất cần có quyết tâm chính trị và thật sự gương mẫu trong việc đấu tranh chống “lợi ích nhóm”, sử dụng tất cả các biện pháp có thể; khẩn trương nghiên cứu ban hành bổ sung, điều chỉnh các cơ chế kiểm soát quyền lực (bằng quyền lực nhà nước, quyền lực của nhân dân và công luận); cơ chế thực thi dân chủ rộng rãi, minh bạch thông tin và quy định rõ trách nhiệm giải trình, điều trần; tạo hành lang pháp lý chặt chẽ cho báo chí vào cuộc, cho nhân dân thực hiện quyền tham chính; đổi mới căn bản công tác cán bộ, thực hiện tranh cử trước nhân dân đối với các chức danh bầu cử và thi tuyển công khai đối với các chức vụ quản lý, đồng thời thực hiện cơ chế giám sát hoạt động, kết quả công việc, thi hành việc bãi miễn và thay đổi vị trí công tác của cán bộ khi xét thấy không có lợi cho cuộc đấu tranh chống “lợi ích nhóm”./.
Vũ Ngọc HoàngTS. Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương

Thứ Tư, 27 tháng 6, 2018

Định nghĩa lại Tư bản chủ nghĩa




ĐỊNH NGHĨA LẠI TƯ BẢN CHỦ NGHĨA

Nick Hanauer & Eric Beinhocker
Sự thịnh vượng là gì? Tăng trưởng bắt nguồn từ đâu? Tại sao các thị trường vận hành? Chúng ta giải quyết sự căng thẳng giữa một thế giới thịnh vượng và một thế giới đạo đức (moral world) như thế nào?
Đối với tất cả mọi người, ngoại trừ nhóm 1 phần trăm người có thu nhập cao nhất, nền kinh tế Mỹ là bị rạn nứt. Từ những năm 1980, đã có một sự thiếu kết nối ngày càng lớn giữa đời sống của những người Mỹ bình thường với số liệu thống kê - thể hiện rằng sự thịnh vượng của chúng ta đang tăng lên. Mặc dù có sự thụt lùi do cuộc Đại suy thoái, nền kinh tế Mỹ đã tăng qui mô hơn gấp đôi trong ba thập kỷ qua, trong khi thu nhập của tầng lớp trung lưu và sức mua đã chững lại. Của cải khổng lồ được tạo ra trong khi những người sinh ra trong thời kì bùng nổ dân số (ND: 1946- 1964) mất tiền tiết kiệm hưu trí của mình. Lợi nhuận doanh nghiệp đạt mức cao kỷ lục trong khi tính cơ động xã hội đạt mức thấp kỷ lục, tụt hậu so với các nước phát triển khác. Đối với rất nhiều gia đình, giấc mơ Mỹ ngày càng trở thành một kí ức lịch sử hơn là một hiện thực có thể đạt được.
Những sự thật này không chỉ làm nổi bật những vấn đề bất bình đẳng và sức mạnh ngày càng lớn của giới tài phiệt. Chúng cũng buộc chúng ta đưa ra một bộ câu hỏi sâu sắc hơn về cách thức mà nền kinh tế của chúng ta vận hành, và về cách thức mà chúng ta đánh giá, cũng như đo lường các ý tưởng về tiến bộ kinh tế.
Nick Hanauer (1959-)
Eric Beinhocker (1968-)
Làm thế nào sự giàu có được tạo ra ở Phố Wall bằng các sản phẩm như hợp đồng hoán đổi tín dụng (credit-defaut swaps) mà đã phá hủy sự giàu có của những người Mỹ bình thường, lại được chúng ta xem là sự phát triển? Tương tự như vậy, của cải được tạo ra bằng các sản phẩm thực phẩm sản xuất hàng loạt mà khiến cho người Mỹ béo hơn, bệnh tật nhiều hơn, và chết sớm hơn. Và chúng ta vẫn xem nó như sự tăng trưởng - dù rằng nó bao gồm các chi phí thêm về y tế rất lớn. Sự ấm lên toàn cầu tạo ra các cơn bão thường xuyên hơn, phá hủy các thành phố và cuộc sống của con người. Tuy nhiên, các hoạt động kinh tế nhằm tái thiết những thiệt hại này cũng được tính vào sự tăng trưởng.
Các cuộc thảo luận chính sách kinh tế của chúng ta gần như luôn luôn tập trung vào việc làm cho chúng ta giàu có hơn và tạo ra sự tăng trưởng kinh tế nhằm đạt được sự giàu có đó. Có rất nhiều cuộc tranh luận ác liệt về việc tăng hay giảm lãi suất, hoặc tăng hay giảm quy định, và hệ thống chính trị của chúng ta bị tê liệt do một đấu tranh tư tưởng gay gắt về ngân sách. Nhưng có quá ít cuộc tranh luận về việc thực hiện tất cả những điều này nhằm làm gì (what it is all for)? Hiếm ai đặt câu hỏi: Loại tăng trưởng nào chúng ta muốn? “Sự giàu có” có nghĩa là gì? Và điều gì sẽ hữu ích cho cuộc sống của chúng ta?
Giá của mọi thứ, giá trị của con số không
M. Abramovitz (1912-2000)
Simon Kuznets (1901-1985)
Thước đo cơ bản nhất về tăng trưởng kinh tế mà chúng ta có là tổng sản phẩm quốc nội (GDP). GDP được phát triển từ công trình của nhà kinh tế học người Mỹ Simon Kuznets trong những năm 1930 và nó đã trở thành chỉ số được chấp nhận rộng rãi để đo lường sản lượng kinh tế kể từ sau hội nghị Bretton Woods năm 1944. Nhưng ngay từ đầu, Kuznets và các nhà kinh tế học khác nhấn mạnh rằng GDP không phải là thước đo của sự thịnh vượng. Năm 1959, nhà kinh tế học người Mỹ Moses Abramovitz cảnh báo rằng “chúng tôi rất hoài nghi về quan điểm cho rằng những thay đổi dài hạn trong tỷ lệ tăng trưởng phúc lợi có thể được phản đoán dù ở mức độ tương đối từ những thay đổi trong tỷ lệ tăng trưởng sản lượng.”
Joseph Stiglitz (1943-)
Nicolas Sarkozy (1955-)
Trong năm 2009, một hội đồng các nhà kinh tế học hàng đầu đã triệu tập theo lời kêu gọi của Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy và được chủ trì bởi người đoạt giải Nobel Joseph Stiglitz đã báo cáo về những bất cập của GDP. Họ đã lưu ý những vấn đề được nhiều người thừa nhận, như sự thật rằng GDP không phản ảnh những thay đổi về chất lượng của các sản phẩm (hãy nghĩ đến điện thoại di động trong 20 năm qua) hay giá trị của lao động không được trả lương (chăm sóc cho một người mẹ già ở nhà). Hội đồng này cũng trích dẫn bằng chứng cho thấy rằng tăng trưởng GDP không phải luôn luôn song hành với sự tăng lên trong thước đo về sự thịnh vượng như sức khỏe hay tự báo cáo về hạnh phúc, và kết luận rằng sự tăng trưởng GDP có thể có tác động xấu đến môi trường. Một số quốc gia đã thử nghiệm các thước đo khác để bổ sung cho GDP, như “chỉ số tổng hạnh phúc quốc gia” (gross national happiness index- GNH) của Bhutan.
Adam Smith (1723-1790)
Vấn đề của chúng ta không phải là bản thân GDP. Như người Anh có câu, “nó thực hiện chính xác những điều đã nói” (“It does what it says on the tin”)- nó đo lường hoạt động kinh tế hay sản lượng. Thay vào đó, vấn đề của chúng ta là bản chất của chính các hoạt động. Câu hỏi của chúng ta là liệu các hoạt động của nền kinh tế mà được tính vào GDP có thực sự làm gia tăng sự thịnh vượng của xã hội chúng ta hay không?
Ngày từ khi khởi đầu của lĩnh vực này, các nhà kinh tế học đã quan tâm đến việc tại sao vật này lại có giá trị hơn vật kia, và những điều kiện gì sẽ làm gia tăng sự thịnh vượng- hay phúc lợi xã hội, như cách gọi của các nhà kinh tế học. Nghịch lý kim cương- nước nổi tiếng của Adam Smith cho thấy giá thị trường của một vật nào đó không phải lúc nào cũng phản ánh các ý niệm trực quan về giá trị nội tại của nó. Kim cương - với giá trị nội tại rất ít, thường đắt hơn rất nhiều so với nước – thứ rất cần thiết cho cuộc sống. Đây là cách mà các thị trường vận hành, ở hầu hết mọi nơi, nước thì dồi dào hơn nhiều so với kim cương, và do đó, quy luật cung cầu quyết định rằng nước rẻ hơn.
Gérard Debreu (1921-2004)

Sau rất nhiều cuộc tranh luận về bản chất của giá trị kinh tế trong thế kỉ XIX và đầu thế kỉ XX, các nhà kinh tế học xem vấn đề đã được giải quyết vào giữa thế kỷ XX. Nhà kinh tế học vĩ đại người Pháp Gerard Debreu lập luận trong Lý thuyết về giá trị (Theory of value) của ông năm 1959 rằng, nếu các thị trường là cạnh tranh và mọi người đều duy lý và có thông tin hoàn hảo, thì các thị trường sẽ tự động thu xếp mọi thứ, nhằm đảm bảo giá cả phản ánh qui luật cung cầu và mọi thứ được phân bổ theo cách thức mà phúc lợi của mọi người là tối đa, và rằng không ai có thể được giàu hơn mà không khiến người khác nghèo đi. Về bản chất, giá thị trường của một cái gì đó phản ánh một phán quyết tập thể về giá trị của cái đó. Quan điểm về giá trị nội tại luôn luôn có vấn đề bởi vì nó vốn đã có tính tương đối và khó để quan sát hay đo lường. Nhưng giá thị trường là mức giá không thể tranh cải (cold hard facts). Nếu giá thị trường cung cấp một phán xét của xã hội về giá trị và phân bổ các hàng hóa sao cho việc sử dụng chúng đạt hiệu quả cao nhất và phúc lợi cao nhất, thì chúng ta không còn phải lo lắng về những ý tưởng cảm tính giống như giá trị nội tại; chúng ta chỉ cần nhìn vào giá của một cái gì đó để biết giá trị của nó.
Kenneth Arrow (1921-)
Paul Samuelson (1915-2009)
Debreu không quan tâm đến khía cạnh chính trị trong lý thuyết của mình - thực tế, ông xem nó như là một bài tập toán thiếu thực tế và liên tục cảnh báo về sự giải thích quá mức ứng dụng của nó trong các nền kinh tế thế giới thực. Tuy nhiên, công trình của ông, cũng như các công trình liên quan trong thời đại đó củaKenneth Arrow và Paul Samuelson, đã đặt nền móng cho các nhà kinh tế học nhưMilton Friedman và Robert Lucas, những người đã đưa ra một sự phê phán nặng nề chủ nghĩa Keynes trong thập niên 1960 và thập niên 1970, và người đoạt giải Nobel gần đây Eugene Fama, người tiên phong trong lý thuyết thị trường hiệu quả trong tài chính những năm 1970 và 80. Theo lý thuyết tân cổ điển xuất hiện từ thời kỳ này, nếu thị trường là hiệu quả và do đó “tối đa hóa phúc lợi”, thì chúng ta nên giảm đến mức tối thiểu bất kỳ sự méo mó nào đẩy xã hội ra xa trạng thái tối ưu này, cho dù đó là việc các công ty thực hiện hành vi độc quyền, các nghiệp đoàn can thiệp vào các thị trường lao động, hay các chính phủ tạo ra những méo mó thông qua các loại thuế và quy định.
Milton Friedman (1912-2006)
Robert Lucas (1937-)
Những ý tưởng này trở thành nền tảng tri thức của một phong trào bảo thủ hồi sinh trong những năm 1980 và đã dẫn đến một làn sóng bãi bỏ quy định trong thị trường tài chính, làn sóng này tiếp diễn trong những năm 1990 và cho đến cuộc khủng hoảng 2008. Theo logic này, nếu các thị trường tài chính là những thị trường cạnh tranh và hiệu quả nhất trên thế giới, thì chúng nên được điều tiết ở mức thấp nhất. Và những sự đổi mới giống như các chứng khoán phái sinh phức tạp ắt hẳn là có giá trị, không chỉ có các ngân hàng thu được những khoản phí lớn từ việc tạo ra chúng, mà còn có những người mua chúng và xã hội nói chung. Bất kỳ sự can thiệp nào cũng sẽ làm giảm hiệu quả của thị trường và làm giảm phúc lợi của xã hội. Tương tự như vậy các khoản tiền khổng lồ trả cho các nhà quản lý quỹ phòng hộ (hedge- fund) mua bán các chứng khoán phái sinh đó phải phản ánh giá trị mà chúng đang bổ sung thêm cho xã hội - chúng đang làm cho thị trường hiệu quả hơn. Trong thị trường hiệu quả, nếu ai đó sẵn sàng trả tiền cho một cái gì đó, thì cái đó ắt hẳn phải có giá trị. Giá và giá trị thực sự là một.
Eugene Fama (1939-)
Robert Shiller (1946-)
Ngay trước cuộc khủng hoảng, một số nhà kinh tế học đã bắt đầu hoài nghi những ý tưởng này. Trớ trêu thay, Robert Shiller thuộc Đại học Yale, người đã chia sẻ giải Nobel năm nay với Fama, cho thấy rằng trong những năm đầu của thập niên 1980, giá thị trường của cổ phiếu không phải lúc nào phản ánh giá trị cơ bản (fundamental value), và đôi khi có sự chênh lệch lớn giữa chúng. Tương tự như vậy, các nhà kinh tế học hành vi như Daniel Kahneman đã bắt đầu cho thấy rằng con người thật không hành xử theo cách siêu duy lý như lý thuyết của Debreu đã giả định. Các nhà nghiên cứu khác trong những năm 1980 và những năm 1990, thậm chí Arrow đồng tác giả nổi tiếng với Debreu, bắt đầu đặt câu hỏi về toàn bộ khái niệm của nền kinh tế tự điều chỉnh đến một điểm nghỉ ngơi hay “điểm cân bằng”, nơi mà phúc lợi của tất cả mọi người được tối ưu.­­­
Daniel Kahneman (1934-)
Một cách nhìn đang nổi lên về nền kinh tế trong thế kỷ XXI là: nền kinh tế như là một hệ thống động, không ngừng phát triển, và có tính phức hợp cao- nó giống như một hệ sinh thái hơn là một cỗ máy. Trong một hệ thống như vậy, các thị trường có thể có tính đổi mới và hiệu quả cao, nhưng đôi khi chúng không hề hiệu quả. Và tương tự như vậy, con người có thể là sáng suốt, nhưng đôi khi người ta cũng không hề duy lý. Bởi vậy, nếu các thị trường không phải lúc nào cũng hiệu quả và mọi người không phải lúc nào cũng duy lý, thì kinh tụng niệm trong thế kỷ XX rằng giá cả bằng giá trị có thể không đúng nữa. Nếu điều này là đúng, thì các thuật ngữ như giá trị, sự giàu có, sự tăng trưởng và thịnh vượng nghĩa là gì?
Sự thịnh vượng không phải là tiền, mà chính là giải pháp
Trong mọi xã hội, một số người khấm khá hơn so với những người khác. Nhận thức rõ những sự khác biệt thì khá đơn giản. Khi ai đó có nhiều tiền hơn so với hầu hết những người khác, chúng ta gọi anh ta là người giàu có. Nhưng một sự khác biệt quan trọng giữa sự giàu có kiểu này với sự có giàu xã hội mà chúng ta gọi là “thịnh vượng” phải được chỉ ra. Những gì cần để làm cho một xã hội thịnh vượng thì phức tạp hơn nhiều so với những gì cần để làm cho một người nào đó khấm khá hơn người khác.
Bằng trực giác, phần lớn chúng ta tin rằng càng nhiều người có tiền trong một xã hội thì xã hội đó càng thịnh vượng. Thu nhập khả dụng trung bình của hộ gia đình trong năm 2010 ở Mỹ là 38.001 USD, trong khi ở Canada là 28.194 USD; do đó Mỹ thịnh vượng hơn so với Canada.

Nhưng ý tưởng cho rằng thịnh vượng chỉ đơn thuần là “có tiền” thì có thể dễ dàng bị bác bỏ bằng một phép thử tưởng tượng đơn giản. (Phép thử tưởng tượng này và các yếu tố khác trong phần này được phỏng theo tác phẩm Nguồn gốc của sự giàu có (The Origin of Wealth) của Eric Beinhocker, được đăng trên tạp chí của Trường kinh doanh Harvard vào năm 2006). Hãy tưởng tượng bạn có thu nhập 38.001 USD giống như một người Mỹ điển hình, nhưng bạn lại sống ở một ngôi làng của tộc người Yanomami, một bộ tộc săn bắn hái lượm biệt lập nằm sâu trong khu rừng nhiệt đới của Brazil. Bạn sẽ dễ dàng trở thành người Yanomami giàu có nhất (họ không sử dụng tiền nhưng các nhà nhân chủng học ước tính mức sống của họ tương đương với khoảng 90 USD/năm). Nhưng bạn vẫn sẽ cảm thấy nghèo hơn rất nhiều so với người Mỹ có thu nhập trung bình. Ngay cả khi bạn đã sửa sang túp lều của mình, mua chậu đất sét tốt nhất trong làng, và ăn các bữa ăn do các đầu bếp giỏi nhất của người Yanomami nấu, tất cả sự giàu có của bạn không thể giúp bạn có được thuốc kháng sinh, máy điều hòa không khí, hay một chiếc giường thoải mái. Tuy nhiên, ngay cả những người Mỹ nghèo nhất cũng có thể tiếp cận những thành phần cốt yếu của hạnh phúc này.
Và đó chính là sự khác biệt giữa một xã hội nghèo và một xã hội thịnh vượng. Nó không phải là lượng tiền lưu thông trong xã hội, cho dù là đô la, euro, hột cườm, hay chuỗi hạt làm bằng vỏ sò. Thay vào đó, nó là sự sẵn có của những thứ tạo ra hạnh phúc - giống như thuốc kháng sinh, máy điều hòa không khí, thực phẩm an toàn, khả năng để đi du lịch, và thậm chí cả những thứ phù phiếm như các trò chơi video. Nó là sự sẵn có của các “giải pháp” cho những vấn đề của con người - những thứ làm cho cuộc sống tốt hơn - thứ làm cho chúng ta thịnh vượng.
Đây là lý do tại sao sự thịnh vượng trong xã hội loài người không thể được hiểu chuẩn xác bằng cách chỉ nhìn vào thước đo tiền tệ của thu nhập hay sự giàu có. Thịnh vượng trong một xã hội là sự tích lũy các giải pháp cho các vấn đề của con người.
Những giải pháp này đi từ tầm thường, như một lát khoai tây chiên giòn hơn, đến uyên thâm, như phương pháp điều trị những căn bệnh chết người. Cuối cùng, thước đo sự giàu có của một xã hội là một loạt các vấn đề của con người mà xã hội đã tìm thấy cách để giải quyết và sao cho các giải pháp đó là sẵn có cho người dân tiếp cận. Mỗi sản phẩm trong các cửa hàng bán lẻ khổng lồ mà người Mỹ mua sắm có thể được coi là một giải pháp cho một loại vấn đề riêng biệt nào đó - ăn như thế nào, quần áo chúng ta, làm cho ngôi nhà của chúng ta thoải mái hơn, đi lại, giải trí cho bản thân… . Khi các giải pháp càng nhiều và càng tốt sẵn có cho chúng ta thì chúng ta càng có thịnh vượng.
Quá trình tiến bộ của loài người có thể được xem như là một sự tích lũy của các giải pháp, được thể hiện qua các hàng hóa và dịch vụ của nền kinh tế. Nền kinh tế Yanomami, điển hình cho xã hội săn bắn hái lượm của tổ tiên chúng ta 15.000 năm trước, có tối đa hàng trăm hoặc hàng ngàn loại hàng hóa và dịch vụ. Trong khi đó, nền kinh tế hiện đại của Mỹ có đến hàng chục hoặc hàng tỉ loại sản phẩm. Đo lường bằng tiền, người Mỹ giàu có hơn người Yanomami trên 500 lần. Đo bằng khả năng tiếp cận các hàng hóa và dịch vụ hầu cung cấp các giải pháp cho các vấn đề của con người, sự thịnh vượng của chúng ta gấp hàng trăm triệu lần.
Tăng trưởng giống như tốc độ tạo ra giải pháp
Nếu thước đo thực sự về sự thịnh vượng của một xã hội là sự sẵn có của các giải pháp cho những vấn đề của con người, thì tốc độ tăng trưởng không thể chỉ đơn giản được đo bằng sự thay đổi trong GDP. Thay vào đó, tăng trưởng phải là một thước đo của tốc độ mà các giải pháp mới cho những vấn đề của con người trở nên có sẵn. Hơn nữa, vì tầm quan trọng của các vấn đề là khác nhau, nên cũng cần phải quan tâm cách nhìn mới về tăng trưởng; việc tìm ra một vắc-xin cúm phổ biến quan trọng hơn việc tạo ra lát khoai tây giòn hơn. Nhưng nói chung, tăng trưởng kinh tế là sự trải nghiệm thực sự của việc có một cuộc sống được cải thiện. Đi từ nỗi ám ảnh về cái chết do bệnh nhiễm trùng xoang vào một ngày nào đó, đến việc có thể tiếp cận với thuốc kháng sinh duy trì cuộc sống trong thời gian tiếp theo là sự tăng trưởng. Đi từ sự oi bức trong cái nóng của một ngày nào đó, đến việc sống cùng với điều hòa nhiệt độ trong thời gian tiếp theo là tăng trưởng. Đi từ việc cuốc bộ những quảng đường dài đến việc lái xe làtăng trưởng. Đi từ việc buộc phải đến một thư viện để tìm kiếm những thông tin cơ bản đến việc tất cả những thông tin trên thế giới đều có sẵn ngay lập tức trong điện thoại của bạn làtăng trưởng. (Rõ ràng là một số giải pháp, như điều hòa không khí, có thể tạo ra những vấn đề khác, như sự ấm lên toàn cầu. Thực hiện các đánh đổi giữa các giải pháp và các vấn đề như thế nào là một trong những thách thức trọng tâm của mọi xã hội - một vấn đề chúng ta sẽ quay trở lại sau trong bài viết này.)
Tất cả điều này hàm ý rằng chúng ta phải tìm ra những cách thức mới để đo lường sự tiến bộ. Cùng một logic rằng, không có bác sĩ giỏi nào có thể đánh giá sức khỏe của một người chỉ qua một chỉ số duy nhất - nhiệt độ của người đó chẳng hạn - nền kinh tế cũng không nên được đo lường chỉ bằng chỉ tiêu GDP. Không có thước đo đơn nhất nào như GDP có thể phản ánh được cách thức mà các hoạt động kinh tế thực sự cải thiện cuộc sống của hầu hết người dân và sức khỏe tổng thể của nền kinh tế.
Thật không thể nhận thấy rõ ràng ngay lập tức cách thức đo lường trực tiếp tốc độ mà một xã hội giải quyết các vấn đề của con người. Tuy nhiên, có thể có nhiều cách để làm điều đó một cách gián tiếp. Ví dụ, chúng ta đo lường lạm phát bằng cách theo dõi giá của một rổ hàng hóa. Cái gì đo lường khả năng tiếp cận một “rổ giải pháp” cho những vấn đề của con người? Có bao nhiêu người có khả năng tiếp cận chế độ dinh dưỡng tốt, y tế, giáo dục, nhà ở, giao thông, môi trường trong sạch, thông tin, truyền thông, và nhiều thứ khác, cái mà tác động rõ rệt đến chất lượng của cuộc sống? Chúng ta cũng có thể hỏi bản thân rổ giải pháp đang thay đổi theo thời gian như thế nào, bởi sự đổi mới tạo ra các giải pháp mới. Ví dụ, giải quyết các vấn đề lấy thông tin đã được cải thiện đáng kể với sự phát triển của Web và điện thoại thông minh. Tăng trưởng và thịnh vượng có thể được đo lường như một sự kết hợp khả năng tiếp cận các giải pháp hiện có và bổ sung các giải pháp mới thông qua đổi mới.
Các mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ của Liên Hợp Quốc, bao gồm nhiều thước đo như bình đẳng giới, tỷ lệ tử vong ở trẻ em, và tính bền vững môi trường, là một ví dụ về một nỗ lực để đánh giá sức khỏe của nền kinh tế và sự thịnh vượng của xã hội một cách đa chiều hơn. Cách tiếp cận này có thể được mở rộng để bao gồm ý tưởng về khả năng tiếp cận một rổ giải pháp. Tương tự như vậy, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) và Ngân hàng Thế giới sử dụng các phương thức tiếp cận đa chiều để xác định sức khỏe của các nền kinh tế phát triển, và đã thu thập nhiều dữ liệu cần thiết để đánh giá khả năng tiếp cận cũng như sự đổi mới trong một rổ giải pháp. Các thước đo này chắc chắn sẽ không được gọn gàng và đơn giản như GDP, nhưng việc tìm kiếm các cách thức để đo cả tốc độ mà chúng ta giải quyết những vấn đề mới và mức độ mà chúng ta khiến cho những giải pháp đó có thể được tiếp cận một cách rộng rãi là một cách hoàn thiệt hơn để đo lường sức khỏe của nền kinh tế của chúng ta.
Chủ nghĩa tư bản: Một Hệ thống có tính tiến hóa, giải quyết vấn đề
Nếu sự thịnh vượng được tạo ra bằng cách giải quyết các vấn đề của con người, thì câu hỏi quan trọng đối với xã hội là loại hệ thống kinh tế nào sẽ giải quyết hầu hết những vấn đề đối với hầu hết mọi người một cách nhanh nhất? Nhiều thế kỉ qua đã chứng minh cho chúng ta thấy rằng, các nền kinh tế tư bản thực hiện tốt hơn trong việc cung cấp mức sống cao cho công dân của họ so với các nền kinh tế được điều hành bởi các hệ thống cộng sản, chuyên quyền, hay phi thị trường khác. Lời giải thích cho điều này trong kinh tế học chính thống (standard economics) là chủ nghĩa tư bản sử dụng tín hiệu giá để cung cấp các động lực sản xuất và phân bổ hàng hóa nhằm tối đa hóa phúc lợi cho mọi người. Nhưng nếu các thị trường thế giới thực không phải những hệ thống cơ học đơn giản được tưởng tượng bởi các nhà tư tưởng của những thế kỷ trước, mà chúng phức tạp, có khả năng thích nghi, và khá giống như các hệ sinh thái hơn, thì lợi ích của chủ nghĩa tư bản có thể khác và lớn hơn những gì chúng ta tưởng tượng.
Joseph Schumpeter (1883-1950)
Mỗi doanh nghiệp được dựa trên một ý tưởng làm thế nào để giải quyết một vấn đề, từ tầm thường nhất (“Bạn làm một lát khoai tây chiên giòn hơn như thế nào?”) đến uyên thâm nhất (“Chúng ta tạo ra một loại thuốc chữa ung thư mới nhằm cứu người như thế nào?”). Quá trình chuyển đổi các ý tưởng lớn thành những hàng hóa và dịch vụ hầu đáp ứng hiệu quả các nhu cầu thay đổi nhanh chóng của con người, là cái xác định hầu hết các doanh nghiệp. Nhưng việc tìm kiếm các giải pháp tốt một cách hiệu quả đòi hỏi một hệ thống có khả năng cung cấp các yếu tố động viên và cho phép sự sáng tạo, cùng với sự thử và sai. Một nền kinh tế tư bản chủ nghĩa được hiểu tốt nhất như là một hệ thống tiến hóa, sáng tạo không ngừng và nỗ lực đưa ra các giải pháp mới cho những vấn đề theo cách tương tự như quá trình tiến hóa của tự nhiên. Một vài giải pháp là “phù hợp hơn” những giải pháp khác. Giải pháp phù hợp nhất sẽ tồn tại và nhân rộng. Giải pháp không phù hợp sẽ bị đào thải. Nhà kinh tế vĩ đại Joseph Schumpeter gọi quá trình tiến hóa này là “sự tiêu diệt sáng tạo” (“creative destruction”). Và ông nhấn mạnh tầm quan trọng của các doanh nhân chấp nhận rủi ro để làm cho nó trở thành hiện thực.
Vì vậy, đóng góp chủ yếu của các doanh nhân cho sự thịnh vượng của một xã hội là một ý tưởng để giải quyết một vấn đề. Những ý tưởng này sau đó được chuyển hóa thành các hàng hóa và dịch vụ mà chúng ta tiêu thụ, và cuối cùng tổng các giải pháp đó thể hiện sự thịnh vượng của xã hội đó.
Sản xuất tất cả các sản phẩm, ngoại trừ các sản phẩm đơn giản nhất, và đáp ứng nhu cầu của khách hàng thường đòi hỏi nhiều hơn một người, bởi vậy các doanh nhân với các giải pháp mới phải thuê mướn lao động. Đến lượt những việc làm đó cung cấp tiềm lực để mọi người mua hàng hóa và dịch vụ từ các doanh nghiệp khác, điều này sau đó tạo ra cầu, từ đó tạo ra nhiều việc làm và tuyển dụng. Vòng lặp hồi tiếp tích cực này là động lực trung tâm trong nền kinh tế tư bản chủ nghĩa. Sức mạnh của vòng lặp hồi tiếp này càng lớn thì nền kinh tế càng tạo ra nhiều tăng trưởng và thịnh vượng.
Sức mạnh to lớn của chủ nghĩa tư bản trong việc tạo ra sự thịnh vượng đến từ cách thức tiến hóa, qua đó nó khuyến khích các cá nhân khám phá không gian gần như vô tận của các giải pháp tiềm tàng cho những vấn đề của con người, và sau đó tăng cường và nhân rộng các ý tưởng nào tỏ ra thích hợp, đồng thời giảm quy mô hoặc loại bỏ những ý tưởng không phù hợp. Việc hiểu sự thịnh vượng như các giải pháp, và chủ nghĩa tư bản như một hệ thống giải quyết vấn đề có tính tiến hóa, giúp chúng ta hiểu rõ tại sao nó là công nghệ xã hội hiệu quả nhất nhằm nâng cao mức sống.
Nhập nhằng giữa hiệu quả (efficiency) và hiệu lực (effectiveness)
Quan điểm kinh tế học chính thống cho rằng chủ nghĩa tư bản hoạt động được bởi vì nó hiệu quả (efficient). Nhưng quan điểm xem nền kinh tế như một hệ thống tiến hóa phức hợp cho thấy rằng chủ nghĩa tư bản hoạt động bởi vì nó có tính hiệu lực (effective). Trong thực tế, sức mạnh to lớn của chủ nghĩa tư bản chính là sự sáng tạo của nó, và điều thú vị là sự sáng tạo này khiến nó tất yếu trở thành một quá trình tiến hóa cực kỳ thiếu hiệu quả và lãng phí. Gần một trong những ngôi nhà của chúng ta, hàng năm có người nào đó sẽ mở một nhà hàng và buộc phải đóng cửa chỉ sau vài tháng. Mỗi lần như vậy, các thợ xây dựng sẽ đến loại bỏ các đồ nội thất và trang trí cũ, và đưa vào một vài thứ mới. Sau đó, cuối cùng là một doanh nhân phát hiện ra công thức đúng và nhà hàng đã trở thành một thành tựu lớn, vẫn tồn tại cho đến ngày nay. Tìm giải pháp cho vấn đề về những thứ mà người dân địa phương muốn ăn là không dễ dàng và đòi hỏi ít nhiều nỗ lực. Chủ nghĩa tư bản có hiệu lực (effective) cao trong việc tìm kiếm và bổ sung các giải pháp nhưng chắc chắn nó đòi hỏi quá trình thử sai, và điều này hiếm khi có hiệu quả (efficient).
Một yếu tố then chốt của việc hiểu chủ nghĩa tư bản như một hệ thống tiến hóa, giải quyết vấn đề là ý tưởng cho rằng không phải mức độ khó khăn của chúng ta trong việc giải quyết một vấn đề là điểm mấu chốt, nhưng đúng hơn, như nhà lý thuyết Scott Page của Đại học Michigan cho thấy, chính sự đa dạng của các ý tưởng và cách tiếp cận mới là quan trọng nhất trong hiệu lực giải quyết vấn đề. “Nguyên tắc khác biệt” này giúp làm rõ lý do tại sao các thị trường mở và công bằng, sự đa dạng, và các thể chế dung nạp (inclusive institutions) là những đặc trưng nổi bật của các nền kinh tế thành công.
Đặc trưng này của chủ nghĩa tư bản thành công cũng nhấn mạnh lý do tại sao đầu tư vào các tầng lớp trung lưu với phương pháp tiếp cận “xem trọng giới trung lưu” (“middle-out”) trong việc hoạch định chính sách tạo ra một nền kinh tế giàu mạnh hơn. [Xem “the middle- out moment”, Issue # 29.] Ngay cả những người giỏi nhất trong số chúng ta chỉ có một vài ý tưởng. Bill Gates, doanh nhân giàu có nhất thời đại của chúng ta, cũng được cho là chỉ có một ý tưởng lớn. Cắt giảm thuế cho những người giàu có như ông ta cũng sẽ không đột nhiên khuyến khích họ có thêm ý tưởng. Sẽ tốt hơn nhiều cho đất nước của chúng ta khi cho phép mọi công dân có thể tham gia vào nền kinh tế tư bản của chúng ta bằng cách đảm bảo rằng họ có sự giáo dục và khả năng tiếp cận vốn, cũng như sự đào tạo cần thiết để chuyển những ý tưởng của họ thành sản phẩm để giải quyết các vấn đề của thế giới. Một phương pháp tiếp cận “xem trọng giới trung lưu” công nhận rằng chính sách hiệu lực là nhằm tạo ra cả những doanh nghiệp mới với những ý tưởng mới và nhiều khách hàng hơn cho những doanh nghiệp này. Nếu người lao động không có tiền thì các doanh nghiệp cũng không có khách hàng. Các chính sách tư bản thành công nhận ra và cổ vũ cho vòng lặp này bằng cách cân bằng các yếu tố khác nhau trong nền kinh tế để tạo ra một vòng thoát của sự tăng trưởng và sự thịnh vượng chung.
Steve Jobs (1955-2011)
Đặc điểm nổi bật của chủ nghĩa tư bản là cách thức mà nó tán thưởng những người giải quyết các vấn đề của người khác. Những người giải quyết các vấn đề lớn cho một số lượng lớn những người khác một cách có hiệu lực thì có thể được thưởng đậm. Steve Jobs làm cho cuộc sống của rất nhiều người trở nên tốt hơn thông qua các sản phẩm mà công ty ông tạo ra, và ông được đền đáp lớn cho điều này. Như Adam Smith quan sát cách đây 230 năm, một nền kinh tế tư bản được quản lý và quy định thận trọng gắn tư lợi của mọi người vào lợi ích chung của xã hội.
Chính sự tự do và sự động viên mọi công dân giải quyết vấn đề đã giải thích tại sao các nước tư bản trở nên giàu có, và tại sao các nước chuyên quyền cũng như các nước cộng sản nhìn chung là nghèo. Ở các nước như thế sự sáng tạo các giải pháp cho các vấn đề của con người bị hạn chế, hoặc bị cấm, hoặc thường hay hướng vào giải quyết các vấn đề của chế độ. Sự khác biệt lạ thường giữa sự nghèo nàn của Bắc Triều Tiên theo chế độ cộng sản và sự thịnh vượng của Hàn Quốc theo chế độ tư bản là một minh chứng cho điều này.
Tuy nhiên, cũng rất quan trong để thừa nhận rằng, không phải tất cả các giải pháp cho các vấn đề của con người đều được những doanh nhân tạo ra. Một nhà nghiên cứu tại một trường đại học tìm ra một cách mới để làm cho máy tính làm việc nhanh hơn có thể giải quyết một vấn đề quan trọng và dễ dàng như một nhà tư bản (mặc dù nó có thể đòi hỏi một nhà tư bản để sản xuất và truyền bá ý tưởng của nhà nghiên cứu). Tương tự, một giáo viên tìm ra một cách tốt hơn để dạy đại số cũng được xem là người giải quyết một vấn đề quan trọng cho xã hội. Nhân viên chính phủ siêng năng tìm ra một cách để cung cấp dịch vụ tốt hơn với chi phí thấp hơn cho công chúng cũng thế.
Nhưng khu vực công đôi khi phải nỗ lực để tạo ra một văn hóa và các yếu tố động viên, hầu cho phép không gian để thử nghiệm, chấp nhận rủi ro, và thất bại, những điều rất cần thiết để giải quyết vấn đề một cách hiệu lực. Nạn quan liêu và các thế lực chính trị có thể kiềm chế hoặc bóp méo sự thăm dò tiến hóa. Tuy nhiên, có rất nhiều vấn đề mà chỉ có chính phủ mới có thể giải quyết, từ việc cung cấp hàng hóa công như đường xá và cơ sở hạ tầng khác, đến việc giải quyết các ngoại tác như giảm ô nhiễm, thực thi quyền sở hữu, đảm bảo an ninh, và giải quyết những bất công xã hội. Trong thực tế, các khu vực công đang đóng một vai trò lớn trong nhiều thành phần của nền kinh tế cũng như trong nhiều khía cạnh của xã hội. Vì vậy, chính phủ cũng cần phải giải quyết vấn đề. Điều bắt buộc là chúng ta mang quá trình tiến hóa của giải quyết vấn đề vào bên trong các bức tường của chính phủ và xây dựng các thể chế công có động lực để đổi mới và không gian để thử nghiệm.
Quan điểm cho rằng sự thịnh vượng là giải pháp, và tăng trưởng là tốc độ mà chúng ta tạo ra chúng, cũng làm rõ hơn tầm quan trọng cốt yếu của các khoản đầu tư của các chính phủ vào công nghệ, sự đổi mới, và giáo dục. Công nghệ và sự đổi mới là những nền tảng cho khả năng của bất cứ xã hội nào để tạo ra những ý tưởng và giải pháp mới. Trong hầu hết các trường hợp, nó sẽ được các doanh nghiệp và các doanh nhân mang lại những giải pháp này cho công dân. Nhưng chính tri thức của lực lượng lao động và các sáng kiến khoa học, kỹ thuật và xã hội sẵn có trong xã hội, mới là cái sẽ trao quyền cho các doanh nghiệp này. Vì vậy, đầu tư vào nghiên cứu và phát triển (R&D), đổi mới, và giáo dục không phải là sự xa xỉ có thể được thực hiện bởi sự tăng trưởng và thịnh vượng, như nhiều nhà làm chính sách có vẻ tin. Thay vào đó, các khoản đầu tư này là cần thiết để tạo ra sự tăng trưởng và thịnh vượng.
Những hạn chế của chính sách tự do kinh doanh (Laissez- Faire)
Nhưng thực tế cho thấy rằng chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa chuyên quyền thất bại, không có nghĩa là chủ nghĩa tư bản không bị trói buộc là thành công. Lý thuyết kinh tế học truyền thống sùng bái thị trường hoàn hảo, và bất kỳ sự chệch hướng nào cũng làm cho tình trạng người nào đó tồi tệ hơn (worse off), làm giảm phúc lợi của xã hội. Nhưng thị trường hoàn hảo như vậy không thể và không tồn tại trong thế giới thực. Hơn nữa, quan điểm này không thể nhận ra rằng những điểm tài tình nhất của chủ nghĩa tư bản - giải quyết các vấn đề của con người, cũng có mặt trái của nó: Giải pháp cho vấn đề của một người nào đó có thể tạo ra một vấn đề cho người khác hoặc thậm chí cho chính người đó.
Đây là vấn đề muôn thuở của kinh tế học chính trị. Làm thế nào để một hệ thống kinh tế giải quyết các xung đột và phân phối lợi ích? Một sản phẩm phái sinh đúng khẩu vị có thể giúp một thủ quỹ của công ty giải quyết vấn đề của mình trong quản lý rủi ro của công ty, và nó có thể làm cho một chủ ngân hàng giàu có hơn, nhưng nó cũng có thể tạo ra một vấn đề về rủi ro hệ thống lớn hơn cho toàn bộ hệ thống tài chính. Tương tự như vậy, ăn thịt xông khói phô mai có thể giải quyết vấn đề thỏa mãn những ham muốn không có ý thức của người nào đó, vốn được lập trình bởi sự tiến hóa ngàn năm, nhưng cũng có thể tạo ra những vấn đề mới về tắc nghẽn động mạch và gánh nặng xã hội về các chi phí y tế trong tương lai của người đó.
Bằng chứng mạnh mẽ từ các lĩnh vực tâm lý học xã hội và kinh tế học hành vi cho chúng ta thấy rằng con người không phải là rất giỏi trong việc xoay xở những đánh đổi này, giải quyết các xung đột, hay nhận biết sự phụ thuộc lẫn nhau giữa chúng. Chúng ta đã quá lạc quan để tin rằng giá nhà sẽ tiếp tục tăng và rằng chúng ta có thể được tái cấp vốn sau khi lãi suất khởi động (teaser rate) hết hiệu lực. Thủ quỹ công ty có thể không thực sự nhận thức được quyết định mua một chứng khoán phái sinh của mình có thể tác động ngược trở lại công ty của mình (gậy ông đập lưng ông) và góp phần vào sự sụp đổ của hệ thống tài chính như thế nào.
Hiểu được sự thịnh vượng và tăng trưởng theo cách mới này cho phép chúng ta thực hiện sự phân biệt quan trọng giữa các loại hoạt động kinh tế khác nhau. Bây giờ chúng ta có thể thấy sự khác biệt giữa hoạt động kinh tế “không có giá trị” thậm chí là “có hại” (“empty” or even “harmful”) với hoạt động kinh tế “có lợi” (“useful”). Rõ ràng rằng một kỹ sư có thu nhập 100.000 USD mỗi năm, khi tạo ra một công nghệ để đảm bảo rằng những vụ tai nạn ô tô nghiêm trọng trở nên “bình an vô sự” là đang tạo ra sự thịnh vượng. Nhưng khó đánh giá hơn trong trường hợp của một nhà quản lý quỹ phòng hộ (hedge-fund manager) kiếm 500 triệu USD mỗi năm thông qua việc giao dịch tần suất cao (high-frequency trading) nhằm chộp lấy những lợi thế về thông tin so với các nhà đầu tư bình thường. Và nếu việc giao dịch tần suất cao (high-frequency trading) cũng khiến cho nền kinh tế toàn cầu trở nên mỏng manh hơn, thì nó ngụ ý rằng hành động này thậm chí có hại nhiều hơn.
Tuy nhiên, việc phân biệt giữa hoạt động kinh tế “giải quyết vấn đề” với hoạt động kinh tế tạo ra vấn đề có thể là một thách thức. Và ai là người có quyền nhân thân (moral right) để quyết định? Trong khuôn khổ truyền thống, điều này khá đơn giản - mọi người bỏ phiếu thông qua hầu bao của mình, và nếu một hoạt động được đánh giá cao bởi thị trường, thì nó ắt hẳn là tốt. Nhưng khi một hoạt động nhằm giải quyết một vấn đề cho một số người nào đó nhưng lại tạo ra một vấn đề cho những người khác, thậm chí cho chính người đó về sau, hay cho thế hệ tương lai thì ai sẽ quyết định hoạt động kinh tế đó là tốt hay xấu, và tốt hay xấu như thế nào?
Câu trả lời thông thường là những người điều hành chính phủ sẽ quyết định. Nhưng cũng giống như các thị trường, những người điều hành tạo ra vấn đề ngang ngữa với giải quyết chúng. Bởi vậy, chúng ta cũng cần có những cơ chế để điều tiết những người điều hành. Dân chủ là cơ chế tốt nhất mà con người đã tìm ra để điều hướng các đánh đổi và điểm yếu cố hữu trong chủ nghĩa tư bản giải quyết vấn đề. Các nền dân chủ cho phép những cuộc xung đột không thể tránh khỏi của chủ nghĩa tư bản được giải quyết một cách nhằm tối đa hóa sự công bằng và tính hợp pháp, và phản ánh các quan điểm của xã hội.
Mặc dù những quy định trong các nền kinh tế là cần thiết, nhưng chi phí của xã hội về việc hạn chế sự tự do để đổi mới, sáng tạo, và cạnh tranh đôi khi khá lớn, như những người bảo thủ đã chỉ ra. Nhưng cũng cần phải công nhận rằng đôi khi hoạt động kinh tế mới thực sự tạo ra nhiều vấn đề hơn là giải quyết vấn đề và nó cần phải được hạn chế. Những cũng đôi khi, hoạt động kinh tế mới đe dọa trật tự cũ ở mức không đáng kể và nó cần được khuyến khích. Tìm kiếm sự cân bằng giữa các nhu cầu cạnh tranh là khó khăn. Các chính phủ dân chủ là những tổ chức độc quyền (mang tính hợp pháp và chịu trách nhiệm giải trình) thực hiện các đánh đổi này, và đó là lý do tại sao sự bào mòn các thể chế dân chủ thông qua sự phát triển của chủ nghĩa tưbản thân hữu đang đe dọa đến sự thịnh vượng dài hạn của chúng ta. Điều đó cũng có nghĩa là những người thật sự quan tâm đến chủ nghĩa tư bản nên chú trọng hơn đến chất lượng và tính hiệu lực của các quy định chứ không phải chỉ đơn giản là số lượng của nó. [Xem “A Truer Form of Capitalism,” Issue # 29.]
Nhưng trách nhiệm về việc tìm kiếm sự cân bằng phù hợp không chỉ dành riêng cho các chính phủ, mà còn dành cho công dân. Quan điểm xem sự thịnh vượng như các giải pháp cho những vấn đề giúp công dân sử dụng ý thức đạo đức thông thường để phân biệt rõ hơn những loại hoạt động kinh tế thực sự làm cho cộng đồng của họ trở nên tốt hơn với những hoạt động kinh tế chỉ làm giàu cho một số thành viên trong cộng đồng. Cũng như thuyết chính thống tân tự do vào cuối thế kỷ XX đã dẫn tới sự thay đổi quan trọng trong văn hóa và niềm tin dân gian, chúng ta tin rằng những quan điểm mới về kinh tế học và một định nghĩa mới về sự thịnh vượng cũng có tiềm năng để thay đổi văn hóa của ta.
Ngày nay, văn hóa của chúng ta tôn vinh tiền bạc và sự giàu có như những chuẩn mực của thành công. Hãy tưởng tượng nếu thay vào đó chúng ta tôn vinh các giải pháp sáng tạo cho các vấn đề của con người. Còn có chỗ cho một mệnh lệnh như thế chiếm ưu thế - ví dụ, ở Phòng thí nghiệm truyền thông của Viện Công nghệ Massachusetts (MIT Media Lab), nơi những người rất tài giỏi từ khắp nơi trên thế giới làm việc không mệt mỏi để giải quyết những vấn đề khó khăn nhất mà họ có thể tìm thấy, chẳng hạn như việc sử dụng robot để giúp đỡ những người khuyết tật, hoặc việc sử dụng công nghệ thông tin để gia tăng sự tham gia dân sự, hoặc việc thiết kế các thành phố bền vững hơn. Họ có thể không nhất thiết kiếm nhiều tiền từ việc làm của mình, nhưng họ đã xác định cương vị của họ trong việc giải quyết những vấn đề lớn, những vấn đề khủng khiếp nhằm giúp đỡ mọi người và xã hội. Ngược lại, cách Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) 200 dặm về phía nam - tại Phố Wall, một nhóm người có tài năng không kém xác định địa vị dựa trên lượng tiền lương của họ. Nhiều người trong số họ có thể cũng làm những điều tuyệt vời đối với xã hội - bao gồm việc giúp đỡ chuyên gia máy tính của MIT thương mại hóa những phát minh của mình - nhưng văn hóa và các giá trị thì khác nhau đáng kể.
Thuyết chính thống trong kinh tế học truyền thống khiến cho những người ở MIT có vẻ thiếu duy lý và những người ở Phố Wall có vẻ duy lý. Định nghĩa của chúng ta về sự giàu có và thịnh vượng đảo ngược điều này. Việc giải quyết các vấn đề làm lợi cho mọi người là mục tiêu, chứ không phải việc kiếm tiền. Kiếm tiền có thể là một điều kiện cần thiết cho việc giải quyết nhiều vấn đề - các doanh nghiệp cần lợi nhuận để tồn tại và phát triển. Nhưng nói rằng lợi nhuận chính là mục tiêu là đang lẫn lộn giữa phương tiện và mục tiêu. Nói lợi nhuận như là mục tiêu chẳng khác gì nói rằng mục đích của cuộc sống là ăn - cơ thể chúng ta cần thực phẩm, nhưng nó là một phương tiện để đạt được mục tiêu chứ không phải là mục tiêu.
Có quá nhiều hàm ý đạo đức phát sinh từ định nghĩa lại sự thịnh vượng. Thẳng thắn mà nói, chúng tôi không có đủ không gian lẫn khả năng để giải quyết tất cả những câu hỏi ở đây. Nhưng chúng tôi tin rằng những hàm ý đạo đức rõ ràng về việc đánh giá hoạt động kinh tế thông qua các giá trị xã hội của vấn đề mà nó giải quyết, chứ không phải là tiền mà nó tạo cho các cá nhân cụ thể, có thể dẫn tới những thay đổi trong văn hóa và hành vi hơn hẳn ảnh hưởng của bất kỳ quy định nào.
Sự thịnh vượng và sự bất bình đẳng
Horatio Alger (1832- 1899)
James Heckman (1944-)
Chủ nghĩa tư bản có thể là hệ thống giải quyết vấn đề tuyệt vời nhất của nhân loại, nhưng quan điểm này cho biết rất ít về cách thức mà những lợi ích của việc giải quyết vấn đề như vậy có thể được phân phối. Trong bất kỳ xã hội phức tạp nào, những lợi thế và những bất lợi ban đầu rất nhiều - bạn được sinh ra ở đâu, cha mẹ của bạn là ai, bạn nhận được nền giáo dục nào, những cơ hội và rào cản mà bạn phải đối mặt…. Một trong những điểm hấp dẫn lớn của chủ nghĩa tư bản là nó không quan tâm cha mẹ của bạn là ai - nếu bạn giải quyết một vấn đề lớn cho nhiều người, bạn có thể nhận được một phần thưởng lớn. Các xã hội tư bản chủ nghĩa thực sự có những câu chuyện Horatio Alger (ND: Horatio Alger (1832- 1899) là tiểu thuyết gia nổi tiếng của Mỹ trong thế XIX. Những tác phẩm của ông xoay quanh những câu chuyện thành công của một thiếu niên xuất thân từ hoàn cảnh khốn khó, và những câu chuyện này chấp cánh cho giấc mơ Mỹ). Nhưng đồng thời, sự năng động và tính phụ thuộc quỹ đạo của chủ nghĩa tư bản có thể củng cố cho những lợi thế và bất lợi ban đầu. Công trình nghiên cứu của người đoạt giải Nobel James Heckman và sáng kiến Cơ hội kinh tế và vốn con người INET (INET Human Capital and Economic Opportunity) tại Viện Friedman Becker của Đại học Chicago cho thấy các yếu tố như dinh dưỡng và giáo dục thời mầm non có thể có những hệ quả kinh tế phức hợp kéo dài đến khi trưởng thành như thế nào.
Matt Ridley (1958-)

Kinh tế học truyền thống nhìn sự bất bình đẳng thông qua một lăng kính tiền tệ - ví dụ, tỉ trọng thu nhập của nhóm 1% trong tổng thu nhập là bao nhiêu? Nhưng chúng ta cũng có thể xem nó như một câu hỏi trong việc tiếp cận với các giải pháp cho những vấn đề của con người. Bao nhiêu phần trăm dân số được tiếp cận với nhà ở, giao thông, y tế, vui chơi giải trí… tốt? Chất lượng của việc tiếp cận đó khác nhau như thế nào giữa người giàu và người nghèo? Trong cuốn sách Người lạc quan duy lý (The Rational Optimist) của mình, Matt Ridley tạo ra cuộc tranh luận mạnh mẽ rằng nhìn từ góc độ này, nhiều thứ đã trở nên tốt hơn và công bằng hơn đáng kể - đặc biệt khi nhìn dưới góc độ của lịch sử lâu dài. Chênh lệch về dinh dưỡng giữa một lãnh chúa và một nông nô trong thời Trung cổ là rất lớn. Trong khi đó, chế độ dinh dưỡng Warren Buffet không tốt hơn mấy so với mức trung bình của tầng lớp trung lưu Mỹ (trong thực tế, nó có thể tệ hơn, khi Buffett tự thú là một người rất chuộng coca và thịt băm có pho mát). Tương tự như vậy, Donald Trump có thể sở hữu khá nhiều Tivi rất tốt, nhưng hiện nay hơn một nửa hộ gia đình Mỹ có từ 3 chiếc Tivi trở lên. Sự thu hẹp chênh lệch trong ý nghĩa thịnh vượng này không chỉ diễn ra ở  Mỹ mà còn ở các nước đang phát triển, như hơn một tỷ người dân Trung Quốc và Ấn Độ đang gia nhập vào tầng lớp trung lưu toàn cầu và tiếp cận với các giải pháp quan trọng như hệ thống ống nước trong nhà, điện thoại di động, và vận tải cơ giới.
Donald Trump (1946-)
Warren Buffet (1930-)
Theo quan điểm truyền thống với thước đo dựa trên tiền tệ, sự bất bình đẳng trong thực tế như một kết quả đầu ra có thể không quá nghiêm trọng. Nhưng nếu chúng ta xem sự bất bình đẳng không chỉ là một kết quả đầu ra mà còn là một yếu tố đầu vào của một hệ thống tư bản chủ nghĩa, thì nhiều thứ trông có vẻ khó giải quyết hơn - đặc biệt, nếu nó đang hạn chế quyền tiếp cận các cơ hội. Như đã thảo luận, chủ nghĩa tư bản hiệu lực phụ thuộc vào số người giải quyết các vấn đề đa dạng có tính cạnh tranh. Nếu xã hội không tiến hành đầu tư thích đáng vào số dân cư này và cung cấp sự bình đẳng trong việc tiếp cận với các cơ hội, thì vòng lặp tăng trưởng thịnh vượng sẽ bị phá hủy. Trong một cuộc khảo sát quốc tế gần đây của OECD về các kỹ năng của người trưởng thành - khảo sát đầu tiên về vấn đề này - Mỹ xếp hạng vị trí 21 trong tổng số 23 nước khảo sát về khả năng tính toán, và thứ 14 trong tổng số 19 nước khảo sát về “giải quyết vấn đề trong một môi trường công nghệ tiến tiến”. Ấn tượng nhất là cách phân cực kết quả đối với Mỹ. Không giống như bất kỳ nước nào khác trong cuộc khảo sát, Mỹ có nhiều người ở nằm ở top đầu và cuối bảng xếp loại đối với nhiều tiêu chí. Tương tự như vậy, hầu hết các nước cho thấy những người trẻ tuổi có kỹ năng cao hơn so với những lớn tuổi. Ngược lại, thế hệ trẻ của Mỹ có thành tích gần giống như người Mỹ lớn tuổi. Sự thiếu đầu tư về các kỹ năng của tầng lớp trung lưu trong nhiều thập kỷ đã đe dọa làm cỗ máy tạo ra thịnh vượng của chủ nghĩa tư bản ngưng hoạt động.
Tiền tập trung vào tay của càng ít người thì càng có tác động xấu. Nó cho phép những người giàu nhất đẩy giá của các sản phẩm tạo cho cuộc sống trong xã hội tốt đẹp lên, chẳng hạn như nhà cửa, giáo dục và y tế. Bên cạnh đó, sự tập trung tiền bạc và sự giàu có cũng làm chậm vòng chu chuyển giữa người tiêu dùng và doanh nghiệp, hạn chế sự năng động sáng tạo, giải quyết vấn đề, tăng trưởng và thịnh vượng. Cuối cùng, nó cũng làm suy yếu tính chính đáng chính trị của bản thân chủ nghĩa tư bản.
Sự thịnh vượng, sự tăng trưởng và giấc mơ Mỹ
Người Mỹ đúng khi tin rằng chủ nghĩa tư bản là nguồn gốc của sự thịnh vượng lịch sử của chúng ta. Nhưng việc biết rằng nó vận hành được khác với việc hiểu tại sao nó vận hành và nó vận hành như thế nào? Tổ tiên của chúng ta biết rằng các ngôi sao và các hành tinh di chuyển trên bầu trời. Nhưng quan điểm cách mạng của Copernicus đã lấy Mặt Trời làm trung tâm của hệ mặt trời thay thế cho Trái đất, và định luật hấp dẫn của Newton giúp con người hiểu tại saonó di chuyển và nó di chuyển như thế nào.
Kinh tế học truyền thống chính thống giả định rằng các thị trường thì hiệu quả, con người thì duy lý, và các nền kinh tế tự điều chỉnh đến một trạng thái tối ưu. Nhưng bây giờ chúng ta hiểu rằng các thị trường có thể không hề hiệu quả, con người không phải lúc nào cũng duy lý, và các nền kinh tế là một hệ thống giải quyết vấn đề phức tạp, năng động và tiến hóa - nó giống như một hệ sinh thái phụ thuộc lẫn nhau hơn là một cổ máy hiệu quả. Sự thay đổi gần đây trong quan điểm, giống như thuyết Copernius, cung cấp một khuôn khổ mới mạnh mẽ cho sự hiểu tại sao chủ nghĩa tư bản vận hành và nó vận hành như thế nào, sự giàu có thực sự là gì, và tăng trưởng đến từ đâu. Quan điểm về các nền kinh tế trong thế kỹ XXI này cho phép chúng ta hiểu chủ nghĩa tư bản như một hệ thống, có tính tiến hóa, giải quyết vấn đề. Nó cho phép chúng ta thấy rằng những giải pháp mà chủ nghĩa tư bản sản xuất ra là những thứ tạo nên sự thịnh vượng thực sự cho cuộc sống của con người, và tốc độ mà chúng ta tạo ra các giải pháp chính là sự tăng trưởng kinh tế thực sự. Quan điểm này cũng cho phép chúng ta thấy rằng những lựa chọn đạo đức tốt sẽ là những cái tạo nên sự thịnh vượng thật sự.
Quan điểm mới này cũng làm sáng tỏ lí do tại sao cả những chính sách tự do kinh doanh của phe cực hữu và thuyết trung ương tập quyền (statism) của phe cực tả đều thất bại. Những chính sách nhằm tạo cơ hội cho mọi người dân phát huy tiềm năng của họ, và các khoản đầu tư cho phép mọi người mở rộng tiềm năng của họ, là những cách chắc chắn nhất để cổ vũ cho sự thịnh vượng và tăng trưởng. Nhận thức các nền kinh tế giống như các hệ sinh thái tự nhiên làm nổi bật vòng lặp (feedback loop) thiết yếu giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng. Chính sách phải nhằm tạo ra người tiêu dùng cũng như những doanh nhân, và nhằm tạo ra nhiều vòng lặp đến mức có thể.
Chúng ta cần phải khuyến khích ban hành các chính sách có lợi cho chủ nghĩa tư bản một cách rộng rãi, chứ không phải những chính sách có lợi cho một vài nhà tư bản. Có thể có một sự khác biệt rất lớn. Chúng ta phải nhận thức rằng một tầng lớp trung lưu phát triển mạnh mẽ không phải là một hệ quả của sự tăng trưởng, mà là nguyên nhân của sự tăng trưởng và thịnh vượng.
Đo lường số lượng, chất lượng, và khả năng tiếp cận những giải pháp cho các vấn đề của con người, chứ không phải chỉ một tiêu chí GDP, có thể có một tác động tích cực triệt để đến nền kinh tế và cuộc sống của người dân. Bằng cách tạo ra động lực nhằm giải quyết vấn đề và không khuyến khích để tạo ra vấn đề, chúng ta có thể tập trung sự sáng tạo và năng lực tiềm tàng đáng kinh ngạc của quốc gia vào những thứ mà thực sự làm cho cuộc sống của chúng ta tốt hơn. Những thất bại thị trường, những thất bại về đạo đức, những vấn đề ảnh hưởng chung, và các ngoại tác gây khó khăn cho nền kinh tế và cuộc sống của chúng ta ngày hôm nay có thể được làm giảm nhẹ bằng cách tái tập trung vào chất lượng tăng trưởng, chứ không chỉ là số lượng. Giải quyết sự căng thẳng mà tư duy kinh tế chính thống tạo ra giữa một thế giới đạo đức và một thế giới thịnh vượng có thể kết nối chúng ta xung quanh một bộ các nguyên tắc kinh tế và xã hội mới. Việc xem sự thịnh vượng như sự đóng góp mà chúng ta tạo ra cho cộng đồng cho thấy hành động kinh tế phi pháp và tìm kiếm đặc lợi rõ ràng hơn về những gì chúng đang làm, cùng lúc tái khẳng định những bài học lâu đời của các niềm tin và truyền thống đạo đức của chúng ta.
Đất nước tuyệt vời của chúng ta được đan xen với nhau bởi giấc mơ Mỹ, ý tưởng rằng nếu chúng ta làm việc chăm chỉ và hành xử theo các quy tắc, chúng ta sẽ có một cuộc sống tốt hơn so với cha mẹ của chúng ta, và rằng con cái chúng ta sẽ có một cuộc sống tốt hơn so với cuộc sống của chúng ta. Thật vậy, thời hoàng kim của chủ nghĩa tư bản Mỹ trong thập niên 1950 và thập niên 1960 đã không được đánh dấu nổi bật bởi sự tích lũy của cải lớn, nhưng bởi sự nhân rộng mạnh mẽ của các giải pháp mới cho vấn đề của con người mà hầu như tất cả các gia đình Mỹ đều được tận hưởng nhà ở, xe hơi, tivi, máy rửa chén, và trường học tốt. Đó cũng là một giai đoạn đầu tư lớn trong nghiên cứu và cơ sở hạ tầng, và một giai đoạn mở ra các cơ hội cho các dân tộc thiểu số và phụ nữ, những việc này đã làm tăng vọt sự đa dạng và năng lực giải quyết vấn đề của xã hội chúng ta. Chúng ta tin tưởng sâu sắc trong ý tưởng cốt lõi của giấc mơ Mỹ - không chỉ vì nó là một mệnh lệnh đạo đức, mà còn vì nó là cách chắc chắn nhất để xây dựng sự thịnh vượng cho mọi người dân Mỹ.
Nguyễn Minh Cao Hoàng dịch
Nguồn: “Capitalism Redefined”, Democracy, n021, Winter 2014.