Thứ Sáu, 29 tháng 6, 2018

Phận làm dân

Phận làm dân

Nguyễn Văn VĩnhĐăng Cổ Tùng báo – Thứ sáu, 18.7.1907

Lời giới thiệu111 năm trước, khi bối cảnh chính trị xã hội Việt Nam còn cực kỳ non yếu về nhận thức trong việc xây dựng bộ máy Nhà nước, nhà văn hóa, nhà báo, dịch giả Nguyễn Văn Vĩnh đã thông qua con chữ, thông qua báo chí để giác ngộ người dân về thế nào là quyền và nghĩa vụ dân sự, nhất là những người nhân danh đại diện cho dân. Xin chép lại nguyên văn bài viết về đề tài này của Nguyễn Văn Vĩnh...

Nguyễn Văn Vĩnh (1882 – 1936) là nhà tân học, nhà báo, nhà văn, nhà phiên dịch Việt Nam, nhà chính trị Việt Nam đầu thế kỷ 20.

.
PHẬN LÀM DÂN
(Đăng Cổ Tùng báo – Thứ Sáu 18.7.1907)
.
Phương ngôn Tây có câu nói rằng: “Mỗi đời một tục”.
Xưa nay dân An-nam mình chỉ biết một việc cầy cấy làm ăn, chịu thuế, quan hay thì dân được nhờ, quan dở dân phải chịu.
Bây giờ nhờ quan Toàn-quyền Beau, dân nước Nam ta được quyền mới, nhưng có quyền mới lại phải có nghĩa vụ mới.
Bản-báo mấy kỳ nay đã nói việc Nghị-viện cặn kẽ lắm rồi, nhưng dân-sự nhà-quê ít người được xem báo. Vậy nay lại xin nói một lần nữa, chắc rằng những ông đã mua báo mà xem thì cũng lo đến việc công, và cũng ước ao như chúng tôi cho dân An-nam được hiểu thấu những chính văn-minh của nước Pháp đem sang cho ta.
Xin các ông có về đến chỗ nhà-quê thì nói cho dân-sự biết rằng: dân ngày nay có quyền giự vào công việc Nhà-nước.
Ai ai cũng phải biết rằng đặt ra Nghị-viện là cái nhẽ sau này:
Phàm bao nhiêu nước văn-minh là quyền cai-trị do ở như dân cả, nhưng không có nhẽ trong một nước như xứ Bắc-kỳ ta, có 7 triệu người, lại họp cả 7 triệu lại để bàn việc nước, thì thành ra bát-nháo, cho nên cứ 35.000 người ấy có một mẩu quyền, mà mẩu ấy kén trọn một ông nào thông-minh mà gửi để mình còn làm ăn. Thế thì tuy việc nước ai ai cũng phải gánh vác, nhưng ba năm mới phải bận đến một lần.
Như vậy thì mỗi người có một mẩu quyền mà muốn giao cho ai mình phải nghĩ, phải tính toán. Mỗi hạt, sợ dân bối dối không biết bầu ai, đã có mấy ông biết mình có tài, đứng lên tình-nguyện ra làm, thì dân ai có chân đi bầu phải xét cho kỹ. Cũng có ông thì dùng cách diễn-thuyết để tỏ ý mình ra cho dân biết để dân bầu cho mình; cũng có ông lại dùng cách khác: như làm riệu mời, như đi nằn nì, xin từng người: “ông bầu cho tôi”; cũng có người mượn thế quan huyện sở-tại bảo trị-hạ một tiếng.
Tất thế nào từ hôm nay đến ngày bầu còn có lắm trò.
Mà chúng tôi là người ở giữa, chỉ muốn cho nước-nhà mỗi ngày một hay ra, mà thấy những trò ấy thì lo lắm. Lo rằng việc hay mà không khéo thì hóa ra chẳng ra gì.
Như các cụ nhà-quê xưa nay có biết đâu đến những việc này. Ví dù như thấy hai người, một người đến nói: ông bầu cho tôi thì tôi sẽ hết sức làm cho dân được nhờ, một ông lại đến: mời ông lại sơi riệu rồi ông đi bầu cho tôi; một ông đến: tôi lậy ông, ông ký cho cháu, nhé!Thế rồi quan huyện lại chuyền: anh em bảo nhau bầu cho ông Mỗ là chỗ bà con tôi nhé!Thì chắc hẳn mấy ông nhà-quê nghĩ ngay rằng: “có bầu thì phi bầu cho người bà con quan huyện, thì lại bầu cho lão kia đãi bữa chén; ông nào khí khái nhất thì đến bầu cho người van là cùng. Còn như bảo hứa làm lợi cho dân thì không nghe, vì xưa nay vẫn quen thế, người ra làm Hội-viên vẫn cho là người cầu danh, chớ có ai cho là người lo việc nước. Đi cầu danh thì phải van nài phải thần thế, phải có riệu, chớ quan huyện còn không binh nữa làm gì lợi cho ai?”.
Vậy thì ông nào Nhà-nước đã phát cho cái vé đi bầu, phải nhìn vào cái vé ấy, mà nghĩ rằng: “cái vé này là một phần lợi hại của dân ta đấy, trong ba ông: ông Giáp, ông Ất, ông Bính, là ba ông muốn ra làm, thì ta phải xem ông nào thực chí tưởng đến sự lợi của dân, thì ta bầu cho ông ấy. Đã đành rằng mỗi mình ta vì chén riệu, nhời van, hoặc có nể quan huyện, mà bầu cho người không ra gì thì một vé cũng chẳng thấm vào đâu, nhưng trong 35.000 người mà ai cũng trểnh mảng, nể nang như ta, thì có phải hạt bầu phải ông Nghị-viện dở không? Sau nữa ra phải nghĩ đến câu này: người nào thực có tài mà vì việc dân cho nên muốn ra làm, thì tính hay thẳng, tất không dùng cỗ bàn, không khấn vái, không chịu luồn-lụy, không chịu cầu cạnh thế quan”.
Hoạt động bầu cử Sau năm 1954 ở miền Bắc
.
Một bữa riệu bất quá có no được lâu đâu, vài đồng bạc tiêu cũng phải hết. Còn mượn nhời quan huyện, thì lệ bầu phải kín, ta bầu cho ai thì quan huyện biết đấy là đâu! Ta phải chịu khó đi, để mà bầu lấy một ông Nghị-viên cho rồi. Nếu ta nể nang thì dù sung-sướng một ngày, hại việc dân việc nước bao nhiêu. Ai cũng nghĩ thế cho, thì chắc Bắc-kỳ ta được một tòa Nghị-viện cứng. Dân sẽ được nhờ nhiều.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét