Thứ Tư, 27 tháng 6, 2018

Chủ nghĩa xã hội hiện thực và ý nghĩa đối với Việt Nam

 - Chủ nghĩa xã hội hiện thực kể từ Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 đến nay đã tròn 100 năm, với bao thăng trầm lịch sử nhưng vẫn trụ vững, ngày càng được đổi mới và phát triển. Sự đổi mới, phát triển của chủ nghĩa xã hội hiện thực phụ thuộc vào nhiều nhân tố, trong đó đặc biệt có việc nhận thức và giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa tính phổ biến và tính đặc thù trong xây dựng chủ nghĩa xã hội ở mỗi nước.
Nguồn ảnh: Trang web Tuyên giáo

Những thuộc tính giống nhau tồn tại ở nhiều sự vật riêng thì được gọi là tính phổ biến. Tính phổ biến được thể hiện ở những cái riêng cụ thể khác nhau thì được gọi là tính đặc thù. Tính phổ biến và tính đặc thù có mối quan hệ biện chứng, quy định lẫn nhau. Do vậy, trong hoạt động thực tiễn không được tuyệt đối hóa hoặc tính phổ biến, hoặc tính đặc thù, mà phải căn cứ vào tình hình thực tiễn cụ thể mà nhận thức và giải quyết mối quan hệ này cho phù hợp. Trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội hiện thực theo mô hình Xô viết, ngay trong hệ thống xã hội chủ nghĩa đã có sự khác nhau về nhận thức và giải quyết mối quan hệ này. Đảng Cộng sản Nam Tư đã nhấn mạnh thái quá tính đặc thù của mình, đưa ra lý luận tự quản xã hội chủ nghĩa, không đánh giá đúng tính phổ biến của những nguyên lý của chủ nghĩa xã hội. Từ năm 1956, Đảng Cộng sản Trung Quốc cho rằng, Đảng Cộng sản Liên Xô đang xa rời chủ nghĩa Mác-Lênin, rơi vào giáo điều, cứng nhắc và tuyệt đối hóa tính phổ biến. Đảng Cộng sản Liên Xô thì cho rằng, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã xa rời lập trường chủ nghĩa Mác-Lênin, tuyệt đối hóa tính đặc thù, rơi vào xét lại, thậm chí dân tộc chủ nghĩa...

Có thể nói, trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội hiện thực, những người cộng sản ở các nước xã hội chủ nghĩa đã chưa giải quyết thỏa đáng mối quan hệ giữa tính phổ biến và tính đặc thù. Một mặt, do mô hình chủ nghĩa xã hội hiện thực ở Liên Xô đạt được những thành tựu vô cùng to lớn trên tất cả các mặt, đã động viên, khích lệ các Đảng Cộng sản ở những nước đang phải đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc, không có nhiều thời gian nghiên cứu, học hỏi, tự nguyện vận dụng mô hình Xô viết một cách nóng vội và tuyệt đối hóa mô hình này. Mặt khác, trên thực tế, xuất hiện khuynh hướng áp đặt mô hình Xô viết đối với các nước khác, coi đó là mô hình mẫu mực mang tính phổ biến mà các nước khác phải noi theo. Trong các năm 1957, 1960, 1969, Cục Thông tin quốc tế (KOMINFORM) đã tổ chức các Hội nghị đại biểu các Đảng Cộng sản và công nhân quốc tế thống nhất nhận thức chung về những vấn đề có tính phổ biến của chủ nghĩa xã hội, làm cơ sở cho các nước trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội. Những cố gắng của đảng nào, hay của quốc gia nào muốn tìm con đường đặc thù của dân tộc mình để đi lên chủ nghĩa xã hội đều bị phê phán là “xét lại”, chệch hướng. Đây cũng là một nguyên nhân làm cho mô hình chủ nghĩa xã hội hiện thực Xô viết trở nên phổ biến và dường như là duy nhất đối với các nước đi theo con đường chủ nghĩa xã hội trước đổi mới, mở cửa, cải cách.

Từ thực tế trên, chúng ta cần rút ra những bài học sâu sắc cho việc giải quyết mối quan hệ này trong xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam:

Một là, nhận thức đúng tầm quan trọng của việc nhận thức và giải quyết mối quan hệ giữa tính phổ biến và tính đặc thù trong xây dựng chủ nghĩa xã hội Việt Nam. Không được tuyệt đối hóa tính phổ biến của những nguyên lý của chủ nghĩa xã hội mà quên tính đặc thù, vì như vậy sẽ rơi vào giáo điều, cứng nhắc. Ngược lại không được tuyệt đối hóa tính đặc thù vì như vậy sẽ rơi vào “xét lại”, “dân tộc chủ nghĩa”.

Hai là, quán triệt trên thực tế những nguyên tắc phương pháp luận mà các nhà kinh điển chủ nghĩa Mác-Lênin đã chỉ dẫn trong việc giải quyết mối quan hệ giữa tính phổ biến và tính đặc thù khi xây dựng chủ nghĩa xã hội. Việc áp dụng những nguyên lý phổ biến “thì, xét riêng từng nơi, ở Anh không giống ở Pháp, ở Pháp không giống ở Đức, ở Đức không giống ở Nga”; “Tất cả các dân tộc đều sẽ đi đến chủ nghĩa xã hội, đó là điều không tránh khỏi, nhưng tất cả các dân tộc đều tiến tới chủ nghĩa xã hội không phải một cách hoàn toàn giống nhau; mỗi dân tộc sẽ đưa đặc điểm của mình vào hình thức này hay hình thức khác của chế độ dân chủ, vào loại này hay loại khác của chuyên chính vô sản, vào nhịp độ này hay nhịp độ khác của việc cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với các mặt khác nhau của đời sống xã hội”; “…để đạt mục đích chiến thắng giai cấp tư sản thì đều giống nhau về bản chất, song mỗi nước lại hoàn thành quá trình phát triển ấy theo cách thức riêng của mình”...

Ba là, quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh về tính đặc thù của con đường lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Hồ Chủ tịch từng chỉ rõ, “ta không thể giống Liên Xô, vì Liên Xô có phong tục, tập quán khác, có lịch sử địa lý khác... Đại hội đã chỉ cho ta thấy, ta có thể đi con đường khác để tiến lên chủ nghĩa xã hội”. Tất nhiên, khác ở đây không khác về bản chất mà khác về cách thức, con đường, biện pháp.

Bốn là, xuất phát từ điều kiện lịch sử - cụ thể của đất nước, tăng cường tổng kết thực tiễn, học hỏi kinh nghiệm quốc tế để vận dụng sáng tạo những nguyên lý phổ biến của chủ nghĩa Mác-Lênin về chủ nghĩa xã hội vào điều kiện cụ thể Việt Nam.

Quán triệt tốt các bài học trên chúng ta sẽ nhận thức và giải quyết thỏa đáng mối quan hệ giữa tính phổ biến và tính đặc thù trong xây dựng chủ nghĩa xã hội Việt Nam. Chính việc giải quyết thành công mối quan hệ này trong xây dựng chủ nghĩa xã hội Việt Nam là một nguyên nhân quan trọng làm cho chủ nghĩa xã hội Việt Nam ngày càng đơm hoa, kết trái.

- - - - - - -
V.I.Lênin : Toàn tập, Nxb Tiến bộ, Matxcơva, 1978, tập 4, tr. 232
V.I.Lê nin: Toàn tập, Nxb Tiến bộ, Matxcơva, 1981, tập 30, tr. 160
V.I.Lê nin: Toàn tập, Nxb Tiến bộ, Matxcơva, 1977, tập 41, tr. 45.
Hồ Chí Minh: toàn tập, NxbCTQG,H. 1996, tập 8, tr. 227
GS,TS Trần Văn Phòng (Học viện CTQG Hồ Chí Minh)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét