Thứ Ba, 27 tháng 1, 2015

Một cách giải thích về xung đột Hồi giáo - phương Tây

 - Xung đột giữa thế giới Hồi giáo và phương Tây tiếp tục bùng nổ khi mà nhóm khủng bố ISIS liên tiếp tuyên bố chống lại phương Tây đến cùng và khi mà sự kiện tuần báo biếm Charlie Hebdo vẫn đang khiến toàn bộ châu Âu đặt trong tình trạng báo động với khủng bố. Trong nhiều bài viết liên quan, người ta lại nhắc đến khái niệm sự va chạm của các nền văn minh của Giáo sư Đại học Harvard Samuel P. Huntington. Lập luận Huntington có thể không hoàn toàn đúng nhưng giải thích phần nào nguyên nhân hiện tượng xung đột giữa Hồi giáo và phương Tây…
Năng lượng Mới số 394
Va chạm, như thế nào và tại sao?
Giáo sư Samuel Huntington cho rằng nguồn gốc cơ bản cho các cuộc xung đột thế giới thời sau Chiến tranh lạnh không phải là ý thức hệ hay kinh tế mà chính là nền văn minh. Ranh giới khác biệt giữa các nền văn minh là ranh giới chiến tuyến trong các cuộc giao tranh. Xung đột không còn là cuộc chiến giữa các vị vua hay cuộc đối đầu trong thế giới lưỡng cực như thời Chiến tranh lạnh mà bước sang giai đoạn mới trong đó cọ xát bắt đầu từ mâu thuẫn giữa các nền văn minh phương Tây và không phương Tây (non-Western civilizations). Trong khi đó, đặc thù văn hóa dân tộc và văn minh ngày càng chiếm vị trí quan trọng. Thế giới trong ngôi làng toàn cầu sẽ được định dạng bằng sự tương tác giữa các nền văn minh chính trong đó có phương Tây, Khổng giáo, Hồi giáo, Hindu, Chính thống giáo Slavic, Mỹ Latinh… Tại sao sự va chạm giữa các nền văn minh là nguồn gốc của chiến tranh? Huntington đưa ra sáu lý do.
Thứ nhất, sự khác biệt giữa các nền văn minh không chỉ tồn tại như một sự thật mà còn rất cơ bản. Các nền văn minh được phân định bằng lịch sử, ngôn ngữ, văn hóa, truyền thống và quan trọng nhất là tôn giáo. Dân tộc thuộc các nền văn minh khác nhau có quan điểm khác nhau về tương quan giữa thượng đế và con người, tương quan giữa cá thể và tập thể, giữa công dân và nhà nước, giữa cha mẹ và con cái, giữa quyền lợi và nghĩa vụ, giữa tự do và quyền lực… Sự khác biệt chưa hẳn dẫn đến mâu thuẫn và mâu thuẫn chưa chắc đồng nghĩa với bạo lực. Tuy nhiên, trong chiều dài lịch sử văn minh nhân loại, khác biệt giữa các nền văn minh thường là nguyên nhân tạo ra các cuộc xung đột kéo dài và dữ dội nhất.
Tín đồ Hồi giáo tại Paris vào giờ cầu nguyện
Thứ hai, thế giới đang ngày càng nhỏ hơn. Sự tương tác giữa các dân tộc có nền văn minh khác nhau đang tăng dần và chính điều này đã làm nổi bật ý thức về văn minh và nhận thức về sự khác biệt giữa các nền văn minh. Một người di cư gốc Bắc Phi luôn gây khó chịu cho dân Pháp. Người Mỹ sẽ phản ứng tiêu cực hơn trước cơn lốc đầu tư của người Nhật vào nước mình, so với phản ứng trước sự đầu tư của Canada hay châu Âu. Người Ibo là người Ibo ở Nigeria. Tuy nhiên, sang London, anh ta sẽ được gọi là “người Nigeria” và ở New York anh được biết như một “người châu Phi”.
Thứ ba, tiến trình hiện đại hóa nền kinh tế và thay đổi xã hội trên khắp thế giới đang tách người ta ra khỏi sự nhận dạng địa phương từng tồn tại trong thời gian dài. Tình trạng này tạo nên hiện tượng ra đời hàng loạt xu hướng “chính thống” hay “nguyên thủy” có thể thấy trong Công giáo, Do Thái giáo, Phật giáo, Hindu giáo và nhất là Hồi giáo.
Thứ tư, sự phát triển nhận thức văn minh sẽ được tăng lên, nhằm khống chế vai trò bao trùm của phương Tây mà sức mạnh kinh tế lẫn quân sự đang nghiêng về họ. Người ta ngày càng nghe nói nhiều hơn về xu hướng quay về cội nguồn và “châu Á hóa” ở Nhật, “Hindu hóa” ở Ấn và “tái - Hồi giáo hóa” (re-Islamization) ở Trung Đông. Cách đây vài mươi năm, các xã hội không thuộc phương Tây thường tự hào về sự phương Tây hóa của mình, tự hào về việc tốt nghiệp Đại học Oxford, Sorbonne hay Sandhurst. Tuy nhiên, sự chuyển hướng ngược lại đang xảy ra. Một hiện tượng giảm thiểu ảnh hưởng phương Tây (de-Westernization) đang bùng nổ.
Thứ năm, người ta đang tránh để các đặc tính văn hóa bị ảnh hưởng nhiều của chính trị và kinh tế. Trong các xã hội thay đổi nhanh như Nga chẳng hạn, người giàu có thể biến thành kẻ nghèo và người nghèo phút chốc thành kẻ giàu nhưng người Nga sẽ không thể thành người Estonia và người Azeris không thể thành Armenia. Trong những cuộc xung đột giai cấp và tư tưởng hệ, câu hỏi quan trọng nhất luôn là “Bạn đang ở phe nào?” và người ta có thể ở phe này hôm nay hay nhảy sang phe kia vào ngày mai. Trong xung đột văn minh, câu hỏi quan trọng nhất sẽ là “Bạn là gì?” và điều này không thể thay đổi. Ở Bosnia, Caucasus hay Sudan, việc trả lời sai câu hỏi này đồng nghĩa với một phát đạn vào đầu. Chúng ta dễ dàng bắt gặp một người vừa là Pháp vừa là Arập và có thể mang quốc tịch hai nước, nhưng hiếm khi thấy một người vừa theo Công giáo vừa theo đạo Hồi.
Cuối cùng, hiện tượng kinh tế khu vực đang hình thành cũng là vấn đề đáng để ý. Sự thành công của một nền kinh tế khu vực sẽ củng cố và tăng sức mạnh cho ý thức hệ văn minh. Chính nền văn hóa chung chứ không phải gì khác là cơ sở cho sự tăng cường mối quan hệ kinh tế giữa Trung Quốc với Hongkong, Đài Loan, Singapore và các cộng đồng Hoa kiều ở các nước châu Á. Bức tranh tương tự cũng có thể thấy trong cộng đồng các nước Hồi giáo không thuộc Arập: Iran, Pakistan, Thổ Nhĩ Kỳ, Azerbaijan, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Turkmenistan, Tadjikistan, Uzbekistan và Afghanistan. Khi định nghĩa về dân tộc bao hàm sự nhận dạng cụ thể về sắc tộc và tôn giáo thì người ta bắt đầu có khuynh hướng tạo ra một quan hệ “chúng ta - bọn họ” tồn tại giữa cộng đồng mình và các cộng đồng khác sắc tộc và tôn giáo. Hơn nữa, sự khác biệt văn hóa và tôn giáo cũng tạo ra khác biệt về các vấn đề chính sách cụ thể, từ chuyện nhập cư cho đến thương mại và cả môi trường.
Phương Tây và Hồi giáo
Trong thực tế, mâu thuẫn dọc theo ranh giới phân định văn minh phương Tây và văn minh Hồi giáo đã tồn tại hàng ngàn năm qua và thể hiện không chỉ ở các cuộc thập tự chinh Công giáo tấn công Hồi giáo mà còn thể hiện ở sự hiện diện của Anh, Pháp, Italia tại Bắc Phi và Trung Đông sau khi đế quốc Ottoman sụp đổ vào đầu thế kỷ XX; còn là các cuộc chiến giữa Arập và Israel (lãnh thổ do phương Tây tạo nên); hàng loạt cuộc xâm chiếm của phương Tây (thực dân Pháp tại Algeria vào thập niên 50 của thế kỷ trước, Anh và Pháp xâm lăng Ai Cập năm 1956, Mỹ đổ bộ Lebanon năm 1958…), còn là cuộc chiến của phương Tây do Mỹ cầm chịch tại vùng Vịnh đầu thập niên 90; hay cuộc xung đột sắc tộc và tôn giáo ở Bosnia đầu thập niên 90… Trong bối cảnh chính trị mới, sự va chạm giữa các nền văn minh, hiểu rộng hơn, là xung đột giữa phương Tây và phần còn lại của thế giới - Huntington nhấn mạnh.
Xung đột quân sự giữa các cường quốc phương Tây là điều khó xảy ra mà chỉ có thể là cuộc chiến giữa phương Tây và phần còn lại của thế giới, khi phương Tây thống trị thế giới bằng các công cụ như Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ quốc tế hay thậm chí Liên Hiệp Quốc. Trong xu hướng toàn cầu, có khi người ta nghe nói đến khái niệm “nền văn minh phổ quát” (universal civilization) mang tính toàn cầu nhưng khái niệm này do phương Tây đặt ra và không thể áp dụng rộng khắp và không bao giờ thành hiện thực. Giáo sư Samuel P. Huntington cho biết ông đã thực hiện cuộc khảo sát 100 nghiên cứu về chuẩn mực giá trị ở các xã hội khác nhau và nhận thấy giá trị được xem là quan trọng nhất ở phương Tây lại kém quan trọng nhất ở các nước không thuộc phương Tây…
Samuel P. Huntington nhấn mạnh, ông không có ý nói rằng các đặc tính văn minh sẽ thay thế tất cả đặc tính khác và mỗi nền văn minh sẽ trở thành một thực thể chính trị độc lập, mà chỉ dự báo rằng, sự khác biệt giữa các nền văn minh là một sự thật đang tồn tại và quan trọng, rằng sự nhận thức văn minh đang tăng, va chạm giữa các nền văn minh sẽ thay thế các hình thức xung đột khác (chẳng hạn tư tưởng hệ) và mâu thuẫn gay gắt giữa các nhóm thuộc nền văn minh khác nhau dễ có khả năng xảy ra nhất với mức nguy hiểm có thể dẫn đến chiến tranh toàn cầu. Quan trọng hơn, Samuel P. Huntington muốn dùng luận thuyết mình làm cơ sở để nhấn mạnh ý kiến rằng các nước phương Tây nên xem xét lại chính sách đối ngoại của họ, cần “hiểu thấu đáo hơn các tính chất tôn giáo và chính trị cơ bản nằm bên dưới các nền văn minh khác (không thuộc phương Tây) và cách mà những dân tộc sống trong các nền văn minh này đánh giá về chuẩn mực riêng của họ”. Và cả chính sách đối nội cũng cần được xem lại. Câu chuyện nước Pháp được kể dưới đây cũng là câu chuyện chung của châu Âu.
France Walid sinh tại Pháp, học trung học Pháp, có bằng lái xe Pháp và căn cước Pháp. Nói cách khác, France Walid là công dân Pháp chính cống. Tuy nhiên, căn cước France Walid bắt đầu từ hai chữ số “93”, có nghĩa đối tượng thuộc khu vực ngoại ô Đông Bắc Paris, nơi tập trung dân thất nghiệp kinh niên và quanh năm đụng độ chính quyền về chính sách nhà ở cũng như phúc lợi xã hội. “93” cũng là “ký hiệu” chung cho thấy thành phần đối tượng có khả năng thuộc dân bụi đời, lăn lộn vỉa hè, ban ngày nghiện ngập, ban đêm “nhập nha” và sẵn sàng vác mã tấu giải quyết xung đột băng nhóm. Vấn đề nằm sâu xa ở chính sách đối với người di cư. Hầu hết cư dân Clichy-sous-Bois và các vùng lân cận là thế hệ thứ nhất hoặc thứ hai của thành phần di dân từ các thuộc địa cũ của Pháp. Khu Seine-Saint-Denis có mức độ tập trung dân gốc Arập nhiều nhất Pháp (khoảng 30%). Tỷ lệ thất nghiệp tại những khu ổ chuột này cũng ở mức độ cao nhất Pháp (30% ở La Courneuve, 23% tại Clichy-sous-Bois…). Thập niên 60, theo sau sự cai trị Pháp ở Algeria, khoảng 1 triệu người Arập và dân Berber từ Bắc Phi (chủ yếu Hồi giáo) đã di cư đến Pháp và sống tập trung tại ngoại ô Paris. Do vậy, bi kịch nước Pháp, tương tự một số nước châu Âu, đang đối mặt thật ra là một vấn đề kép: Thành phần di cư nghèo khổ thuộc đối tượng Hồi giáo (Pháp là quốc gia có tỷ lệ Hồi giáo cao nhất châu Âu, 5-10% dân số, với số tín đồ khoảng 3-6 triệu).

Thứ Ba, 13 tháng 1, 2015

Cuộc đời nhà tiên tri nổi tiếng nhất Trung Hoa Gia Cát Lượng

Với người Trung Quốc, quân sư Khổng Minh là một nhà tiên tri vĩ đại. Tài tiên đoán, liệu sự như thần của ông khiến hậu thế phải nghiêng mình thán phục.
Trí tuệ tinh thông, tài năng lỗi lạc lẫn lòng trung hiếu sắt son của Khổng Minh luôn được hậu thế tôn vinh, trân trọng. Sử sách ghi nhận ông là một nhà chính trị, quân sự, chiến lược, ngoại giao tài ba, kiệt xuất thời Tam quốc.
1. Thân thế của Gia Cát Lượng
Theo Bách kho toàn thư mở, Gia Cát Lượng (181 - 234), tự là Khổng Minh, hiệu Ngọa Long tiên sinh. Ông là quân sư xuất chúng của Lưu Bị nước Thục, thời hậu Hán. Gia Cát Lượng quê tại Dương Đô (nay thuộc huyện Nghi Nam, tỉnh Sơn Đông).
Không chỉ kiệt xuất trong lĩnh vực quân sự, chính trị, Khổng Minh còn là một học giả và nhà phát minh kỹ thuật đại tài. Ông đã sáng tạo ra các chiến thuật quân sự nổi tiếng như: Bát trận đồ (Hình vẽ tám trận), Liên nỏ (Nỏ Liên Châu, tên bắn ra liên tục), Mộc ngưu lưu mã (trâu gỗ ngựa máy).
Cuộc đời của nhà tiên tri nổi tiếng nhất Trung Hoa Gia Cát Lượng 1
Tương truyền, chính vị quân sư này là nhà phát minh ra đèn trời (Khổng Minh đăng - một dạng khinh khí cầu cỡ nhỏ) và món màn thầu nổi tiếng của Trung Quốc.
Tài năng của Khổng Minh không chỉ dừng ở những lĩnh vực ấy. Với người Trung Quốc, Gia Cát Lượng còn là nhà tiên tri vô cùng vĩ đại. Ông được mệnh danh là người “trên thông thiên văn, dưới tường địa lý”, có tài tiên đoán mọi việc cực chuẩn xác.
2. Những lời tiên tri chính xác của Gia Cát Lượng
Nói về kỳ tài "liệu sự như thần" của Khổng Minh, dân gian Trung Quốc hãy còn lưu truyền một câu chuyện khá thú vị. Tương truyền, trước lúc lâm chung, Gia Cát Lượng dặn dò con cháu: “Sau khi ta chết, trong số các con sẽ gặp phải đại họa chết người. Tới lúc ấy, hãy dỡ nhà, lấy từ trong tường ra một bọc giấy, trong đó có cách cứu mạng”.
Sau khi ông qua đời, Tư Mã Viêm lên ngôi hoàng đế. Nghe tin trong số quan quân triều đình có viên tướng quân là hậu thế của Gia Cát Lượng, Viêm bèn nghĩ cách trừng trị người này.
Cuộc đời của nhà tiên tri nổi tiếng nhất Trung Hoa Gia Cát Lượng 2
Một hôm, Tư Mã Viêm tìm cớ định tội chết cho viên tướng nhà Gia Cát. Trên Kim điện, Viêm cất lời hỏi: “Trước khi chết, tổ phụ nhà ngươi đã nói những gì?”. Kẻ “tội đồ” bèn thật thà truyền đạt tới vua lời dặn dò của Gia Cát Lượng. Nghe thấy vậy, Tư Mã Viêm bèn ra lệnh cho quân lính dỡ nhà, lấy bọc giấy ra xem. Bên trong chỉ có một phong thư kín, phía trên viết rằng: “Ngộ hoàng nhi khai” (nghĩa là đúng hoàng thượng mới mở ra xem).
Đám binh sĩ bèn dâng thư lên vua. Trong thư có mấy chữ: “Xin lùi ba bước”. Tư Mã Viêm lập tức làm theo. Vừa đứng vững đã nghe thấy một tiếng “rầm”, chiếc xà rơi thẳng xuống chỗ vua ngồi, khiến bàn ghế tan tành. Viêm trông thấy vậy mà sợ hãi lạnh người, rồi lại xem tiếp những dòng ở cuối thư: “Ta cứu mạng ngươi, ngươi hãy giữ lại mạng sống của con cháu ta”.
Xem xong thư, Tư Mã Viêm thầm thán phục tài tiên đoán như thần của Gia Cát Khổng Minh rồi ra lệnh phục nguyên chức cho vị tướng quân này. Còn theo Bách Khoa toàn thư mở, Khổng Minh bỗng lâm bệnh nặng khi ra Kỳ Sơn lần thứ 6.
Biết mệnh sắp tàn, ông cho gọi tướng tài Khương Duy vào truyền thụ 24 thiên binh thư của mình. Gia Cát Lượng còn cẩn thận dặn dò các tướng quân phải nêu cao cảnh giác, đề phòng mối nguy quân Ngụy tấn công, Ngụy Diên trở mặt làm phản rồi bày cho diệu kế đối phó.
Quả nhiên, mọi lo lắng, tiên liệu của ông trước khi qua đời đều thành hiện thực. Ngụy Diên tráo trở làm phản, nhưng vì nghe lời căn dặn của quân sư, Mã Đại đã chém chết Diên. Lại nói, khi Tư Mã Ý hô quân tới đánh, bên Thục bèn đẩy xe có tượng gỗ của Khổng Minh ra trận, khiến Ý hoang mang lo sợ rồi tháo chạy. Nhờ đó, quân Thục bình an vô sự rút về Thành Đô.
Thêm lần nữa, tài tiên liệu hơn người của Gia Cát Lượng đã bảo toàn mạng sống cho quân binh và cứu vãn thế sự cho cả vương triều. Để tưởng nhớ công lao to lớn của ông, dân gian lưu truyền câu nói: “Gia Cát chết vẫn đuổi được Trọng Đạt sống”.
3. Tiên tri của Gia Cát Lượng về vận mệnh Trung Quốc
“Mã Tiền Khóa” được cho là một tác phẩm kiệt xuất của Gia Cát Lượng. Tương truyền, nhà quân sư trong lúc nhàn nhã việc quân đã hoàn thành “Mã Tiền Khóa” với những tiên đoán như thần về việc đại sự trong thiên hạ. Nếu giải nghĩa về mặt câu chữ, “Mã Tiền Khóa” ý chỉ việc gieo quẻ bói trước ngựa.
Theo những chiêm nghiệm của hậu thế, lời tiên đoán trong các khóa của Gia Cát Lượng vô cùng linh ứng và chính xác. Ví như khóa thứ nhất:
Vô lực hồi thiên
Cúc cung tận tụy
Âm cư dương phất
Bát thiên nữ quỷ
Nhiều quan điểm cho rằng, khóa này chính là lời dự ngôn về bản thân Gia Cát Lượng và thế sự thời Tam Quốc. Sớm biết vận mệnh nhà Hán đã tới hồi tận, mọi nỗ lực chỉ là “vô lực hồi thiên”, nhưng ông vẫn tận tâm tận sức phò tá Thục Hán, không phụ nghĩa bạc tình với chủ nhân Lưu Bị.
Cuộc đời của nhà tiên tri nổi tiếng nhất Trung Hoa Gia Cát Lượng 3
Tổng cộng, Khổng Minh đã 5 lần Bắc phạt Tào Ngụy để khôi phục trung nguyên, tái hưng giang sơn Đại Hán. Trong “Xuất Sư Biểu”, ông cũng bày tỏ nỗ lực tâm huyết tái hưng Hán thất của mình: “Cúc cung tận tụy, tử nhi hậu dĩ” (ý chỉ: Cúc cung tận tụy tới chết mới thôi).
Vậy nên, hai câu trước: “Vô lực hồi thiên, Cúc cung tận tụy” là viết cho chính mình. Trong hai câu sau: “Âm cư dương phất, Bát thiên nữ quỷ”, câu “Bát thiên nữ quỷ” được xem như một câu chơi chữ. Chữ “bát” (八) thêm chữ “thiên” (千) rồi thêm chữ “nữ” (女) và chữ “quỷ” (鬼) hợp lại thành chữ “Ngụy” (魏). Điều ấy có nghĩa, nhà Thục Hán cuối cùng sẽ bị Ngụy Quốc tiêu diệt.
Còn ở khóa thứ hai:
“Hỏa thượng hữu hỏa
Quang chúc trung thổ
Xưng danh bất chính
Giang Đông hữu hổ
là những dự ngôn của Khổng Minh về Tấn triều. Thực tế lịch sử cho thấy, gia tộc Tư Mã nắm đại quyền trong triều đình nhà Ngụy thời Tam Quốc, trong đó, Tư Mã Chiêu trở thành kẻ thống trị thực quyền. Tới năm 265, Chiêu qua đời, con là Tư Mã Viêm lập tức bắt Hoàng đế cuối cùng của Tào Ngụy là Tào Hoán thoái vị, giao lại triều đình cho mình. Viêm tức vị hoàng đế, lập ra triều Tây Tấn trong lịch sử phong kiến Trung Quốc.
Tới khóa 10:
Thỉ hậu ngưu tiền
Thiên nhân nhất khẩu
Ngũ nhị đảo trí
Bằng lai vô cữu
là những dự ngôn của Gia Cát Lượng về sự ra đời của Trung Hoa Dân quốc. Ngày 13/2/1912, hoàng đế nhà Thanh chính thức thoái vị, vương triều Đại Thanh hoàn toàn sụp đổ. Câu: “Thỉ hậu ngưu tiền” (tức: Lợn sau trâu trước) chính là chỉ sự kiện này. Năm 1911 là năm Tân Hợi, tức năm lợn. Còn năm 1913 là năm con trâu. Trong khi đó, sự thống trị của vương triều nhà Thanh kết thúc vào năm 1912, chính là năm ở giữa: “Thỉ hậu ngưu tiền” (Lợn sau trâu trước).
“Ngũ nhị đảo trí” (tức năm và hai đảo ngược vị trí) ý chỉ chế độ và quốc thể của Trung Hoa Dân Quốc: mọi quyền lực đều thuộc về nhân dân. Nguyên thủ quốc gia được gọi là Tổng thống và chức vụ này cũng là do dân bầu. Trước kia có câu: “Cửu ngũ chí tôn”, “ngũ” ở đây ý chỉ ngôi vua. Vì vậy, câu “Ngũ nhị đảo trí” là chỉ chế độ nhà nước do dân làm chủ, dân nắm quyền.
4. Tiên đoán trước được cái chết của chính mình
Cũng như các nhà tiên tri nổi tiếng khác, Gia Cát Lượng tính được mệnh của mình. Theo ghi chép, trước khi chết, nói về việc lo hậu sự của mình, Gia Cát Lượng nói với các tướng sỹ rằng, sau khi mình chết thì đem bỏ xác vào quan tài, lấy dây thừng buộc lại rồi cho quân sỹ khiêng theo đoàn quân rút về Hán Trung. Dây thừng đứt ở đâu thì lấy nơi đó làm mộ.
Truyền thuyết kể rằng, quân sỹ theo lời dặn của Gia Cát Lượng, buộc dây thừng vào quan tài rồi khiêng theo đoàn quân rút lui về phía Hán Trung. Cứ khiêng đi như vậy một thời gian rất lâu nhưng dây vẫn không đứt.
Cuộc đời của nhà tiên tri nổi tiếng nhất Trung Hoa Gia Cát Lượng 4
Tuy nhiên, khi tới núi Định Quân thì đột nhiên sợi dây thừng rất chắc chắn bỗng dưng đứt bật ra, quan tài rơi xuống đất. Quân sỹ vội đặt quan tài xuống rồi tìm xẻng để đào huyệt hạ quan tài xuống. Nhưng khi binh lính vừa tản ra đất tại nơi đặt quan tại bỗng sụp xuống, vừa khít lấp trọn quan tài của Gia Cát Lượng.
Thời kỳ Tam Quốc là thời kỳ “mộ tặc” cực kỳ lộng hành. Vì vậy, ngoài việc chọn phong thủy cho ngôi mộ, việc đầu tiên cần nghiên cứu đối với các nhà phong thủy chính là làm cách nào để chống lại bọn mộ tặc này. Tào Tháo vốn là một chuyên gia trộm mộ, vì vậy cũng trở thành một người cực kỳ tài năng trong việc chống lại mộ tặc.
Nghi án về 72 ngôi mộ của Tào Tháo cho tới tận ngày nay vẫn chưa có lời giải và người ta vẫn chưa thể nào tìm thấy ngôi mộ thật của nhà chính trị lừng danh thời Tam Quốc này.
Về mặt phong thủy, Gia Cát Lượng có lẽ không thua gì Tào Tháo, vì vậy, việc chống mộ tặc của Gia Cát Lượng cũng đặc sắc không kém. Gia Cát Lượng khi chọn mộ cũng đã nghĩ đến việc sẽ bị Tư Mã Ý hoặc những người đời sau đào và cướp mộ vì vậy đã yêu cầu tướng lĩnh dưới quyền không chôn theo các vật tùy táng, mộ huyệt cũng không cần đào lớn, chỉ vừa đủ để đặt quan tài là được. Khu vực đặt mộ cũng không cần xây kín, cũng không trồng cây đánh dấu hay làm bất cứ thứ gì có thể bị phát hiện.

Thứ Hai, 12 tháng 1, 2015

Động vật có quan hệ tình dục vì 'ham muốn'?


Liệu con người có phải loài duy nhất quan hệ tình dục để thỏa ham muốn?
Tình dục, như chúng ta được biết, là thứ mang lại những cảm giác khoái lạc. Thế nhưng nếu lướt qua những tà liệu khoa học, có lẽ bạn sẽ không nghĩ vậy.
Từ góc độ khoa học, tình dục chỉ gói gọn xung quanh những lý giải về quy trình tiến hóa, hơn là khía cạnh liên quan đến cảm xúc.
Việc nói rằng chúng ta quan hệ tình dục để duy trì nói giống là hoàn toàn chính xác, nhưng những trải nghiệm, cảm xúc không thể không được đề cập đến.
Thế nhưng liệu chúng ta có là loài duy nhất tìm đến tình dục để thỏa ham muốn? Còn động vật thì sao?
Trong 10 - 15 năm qua, các bằng chứng khoa học cũng đang dần cho thấy động vật cũng tìm thấy khoái lạc.
Trong một thí nghiệm năm 2011, các nhà tâm lý học Jeffrey Burgdorf và Jaak Panskepp nhận thấy chuột bạch thích được cù. Không nhưng vậy, chúng còn muốn tìm kiếm cảm giác này.
Thế nhưng liệu điều này có bao gồm những khoái lạc về xác thịt?
Một trong những cách để tìm câu trả lời là nhìn vào các trường hợp quan hệ tình dục không dẫn đến mang bầu, ví dụ như giữa hai con đực, giữa hai con cái hoặc quan hệ ngoài mùa sinh đẻ.
Loài vượn hà mã là một trong các loài có quan hệ tình dục đồng tính.
Các nhà nghiên cứu Joseph Manson, Susan Perry và Amy Parish cũng nhận ra quan hệ tình dục khác giới ở loài này cũng xảy ra ngoài mùa sinh nở.
Nếu các loài động vật quan hệ tình dục nhiều hơn cần thiết để mang bầu, điều đó cũng thể là bằng chứng cho thấy chúng quan hệ để tìm khoái lạc hơn là mục đích duy trì nòi giống.
Một sư tử cái có thể quan hệ 100 lần một ngày trong suốt một tuần với nhiều con đực.
Một cách khác để nhận biết liệu động vật có đến với tình dục vì khoái lạc, là liệu chúng có đạt cực đỉnh hay không.
Nhà nghiên cứu người Ý Alfonso Troisi và Monica Carosi đã dành 238 giờ quan sát loài khỉ đuôi ngắn Nhật Bản và ghi nhận từ 240 lần quan hệ tình dục giữa con đực và con cái.
Một phần ba số lần quan hệ tình dục này đã dẫn đến trạng thái đạt cực đỉnh của con cái.
"Con cái quay đầu lại nhìn và lấy một tay vồ lấy con đực", nhóm nghiên cứu này viết.
Đây là phản ứng khá giống với nữ giới ở con người.
Điều đáng chú ý ở đây, là con cái thường có nhiều khả năng đáp ứng những con đực ở hàng cao hơn trong bầy, thể hiện sự có mặt của cả những yếu tố xã hội.
Quan hệ tình dục bằng miệng cũng là một trong những bằng chứng khác.
Điều này thường được thấy ở các loài khỉ, dê, cừu, gấu.
Có thể khẳng định rằng bởi vì việc tái sản xuất vô cùng quan trọng đối với sự tồn vong của các loài nên qua quá trình tiến hóa, hoạt động này đã trở thành điều mang lại khoái lạc.
Cả con người và động vật đều tìm kiếm tình dục ngay cả khi không có nhu cầu để tái sản xuất.

Tôn giáo liệu có ngày diệt vong?

Chủ nghĩa vô thần đang ngày càng lan rộng hơn trên toàn thế giới, liệu điều này có đồng nghĩa với việc tôn giáo sẽ trở thành dĩ vãng?
Hàng triệu người trên thế giới đang tin rằng cuộc sống kết thúc với cái chết - không có Thượng Đế, không có kiếp sau.
Dù đây là một viễn cảnh không mấy tươi sáng, chủ nghĩa vô thần đang thịnh hành hơn bao giờ hết,
"Rõ ràng là ngày nay có nhiều người theo chủ nghĩa vô thần hơn bao giờ hết, về cả số lượng lẫn tỷ lệ trong nhân loại", giáo sư Phil Zuckerman, từ Pitzer College ở Claremont, California, nói.
Theo khảo sát của Gallup International đối với hơn 50.000 người tại 57 nước, số lượng người tự nhận là theo tín ngưỡng đã giảm từ 77% xuống 68% trong thời gian từ 2005 và 2011, trong khi những người tự nhận là vô thần tăng 3%.
Tổng số người tự nhận là hoàn toàn vô thần hiện chiếm khoảng 13% dân số thế giới.
Mặc dù số người vô thần vẫn chưa phải chiếm đa số, nhưng liệu những con số này có phải là điềm báo trước cho những gì sắp xảy ra?
Với xu hướng hiện nay, liệu tôn giáo có một ngày nào đó biến mất khỏi Trái Đất hay không?
Nhiều học giả vẫn đang tìm cách xem xét điều gì đang đẩy một cá nhân hoặc một quốc gia hướng đến chủ nghĩa vô thần.
Một phần nguyên nhân khiến tôn giáo thu hút sự quan tâm, là do nó mang lại sự trấn an ở một thế giới bất ổn.
Vì vậy, không phải là điều ngẫu nhiên khi những quốc gia có tỷ lệ người theo chủ nghĩa vô thần lớn nhất, thường là những nước phát triển về kinh tế, ổn định về chính trị.
Chủ nghĩa tư bản, sự tiếp cận với công nghệ và giáo dục gần như tương ứng với tình trạng giảm niềm tin vào tôn giáo, ông Zuckerman nói.
Một linh mục Ukraine ôm cây thánh giá trong đống đổ nát của tòa nhà Công đoàn

Khủng hoảng niềm tin

Nhật Bản, Anh, Canada, Nam Hàn, Hà Lan, Cộng hòa Czech, Estonia, Đức, Pháp và Uruguay đều là những nơi mà tôn giáo từng đóng vai trò quan trọng một thế kỷ trước.
Thế nhưng giờ đây, các nước này lại là nơi đông người không theo tín ngưỡng nhất trên thế giới.
Các quốc gia này đều có điểm chung là có nền giáo dục và hệ thống bảo trợ xã hội phát triển.
"Về cơ bản, người ta ít cảm thấy sợ hãi hơn về điều có thể xảy ra với họ," Quentin Atkinson, một nhà tâm lý học tại Đại học Auckland, New Zealand, nói.
Niềm tin vào tôn giáo cũng giảm ở nhiều nước khác như Brazil, Jamaica và Ireland, nơi tầm ảnh hưởng của tôn giáo vẫn rất lớn.
"Rất ít xã hội ngày nay tin vào tôn giáo hơn 40-50 trước," Zuckerman nói.
"Iran có thể là một trường hợp ngoại lệ, nhưng đây là điều khó đoán, vì người dân ở đây có thể không công khai tín ngưỡng của mình".
Hoa Kỳ cũng là một trường hợp ngoại lệ khác, vì có đông đảo dân số theo tín ngưỡng, dù là nước giàu có nhất trên thế giới.
Tuy nhiên, một khảo sát của Pew gần đây trong khoảng thời gian từ 2007 - 2012 cũng cho thấy người Mỹ tự nhận là vô thần đã tăng từ 1,6% lên 2,4% trong dân số.
Mặc dù vậy, sự suy giảm không có nghĩa là biến mất, Ara Norenzayan, một nhà tâm lý xã hội học của Đại học British Columbia ở Vancouver, Canada, nhận định.
"Người ta muốn thoát khỏi đau khổ, nhưng nếu người ta không thể thoát khỏi nó, người ta sẽ đi tìm ý nghĩa của sự đau khổ đó", Norenzayan nói.
"Vì một lý do nào đó, tôn giáo thường mang lại ý nghĩa cho những sự đau khổ, hơn bất cứ niềm tin hay lý tưởng nào mà chúng ta biết đến".
Những người sống sót sau bão Haiyan tại Philippines trong một cuộc diễu hành tôn giáo

Thói quen khó từ bỏ

Tuy nhiên, con người thường luôn muốn tin rằng họ là một phần của thứ gì đó vĩ đại hơn, rằng cuộc sống có một ý nghĩa nào đó.
Khối óc của chúng ta luôn tìm kiếm một mục tiêu và những lời giải.
"Với giáo dục, sự tiếp cận với khoa học cũng như thói quen suy luận, con người ta sẽ dần ít tin vào trực giác", Norenzayan nói.
"Nhưng trực giác của họ vẫn ở đó".
Trong khi đó khoa học, công cụ mà những người theo chủ nghĩa vô thần thường chọn để hiểu hơn về thế giới tự nhiên, không phải là thứ dễ hiểu và dễ tiếp thu.
Chúng ta phải chấp nhận thực tế rằng Trái Đất xoay, dù chúng ta không cảm nhận điều đó. Chúng ta phải chấp nhận rằng Vũ trụ tồn tại không vì một mục đích nào cả, dù điều đó đi ngược lại với trực giác của mình.
Cũng giống như chúng ta cảm thấy khó để chấp nhận rằng mình sai, khó để cưỡng lại trực giác của mình và chấp nhận sự thật.
"Khoa học là thứ khó nuốt," Mc Cauley, giám đốc một viện nghiên cứu tâm lý và văn hóa tại Đại học Emory, Atlanta, Georgia, nói.
"Trong khi đó, tôn giáo lại khác. Đó là thứ chúng ta không cần phải học mà vẫn hiểu".
"Có nhiều bằng chứng cho thấy những suy nghĩ liên quan đến tôn giáo thường ít nhận phải sự kháng cự".
"Bạn sẽ phải thay đổi những giá trị cơ bản nhất về nhân loại để có thể khiến tôn giáo biến mất".
Điều này có thể giải thích vì sao trong số 20% người Mỹ không đi nhà thờ, 68% trong số họ vẫn nói họ tin vào Thượng Đế.
Dù không theo một tôn giáo nào, họ vẫn tin rằng có một sức mạnh vô hình, vĩ đại nào đó đang vận hành vũ trụ.