Thứ Hai, 30 tháng 11, 2020

GIỜ LÂM CHUNG ALEXANDER ĐẠI ĐẾ NÓI GÌ?

 GIỜ LÂM CHUNG ALEXANDER ĐẠI ĐẾ NÓI GÌ?


Trong giờ phút lâm chung, Alexander Đại đế triệu tập các cận thần của mình và nói với họ 3 điều ước cuối cùng của ông:
1. Hãy để các ngự y giỏi nhất khiêng quan tài của ta.
2. Hãy rải tài sản của ta, bao gồm tất cả tiền, vàng, kim cương, đá quý trên đường đến nghĩa trang.
3. Hãy để đôi bàn tay của ta được thả lỏng và để nó bên ngoài cho tất cả mọi người thấy.
Một trong những vị tướng của ông đã rất bất ngờ trước những yêu cầu bất thường này nên đã yêu cầu Alexander giải thích. Alexander Đại đế đáp lại:
Ta muốn các ngự y giỏi nhất khiêng quan tài của ta để chứng minh rằng, khi đối mặt với cái chết, ngay cả những ngự y giỏi nhất trên thế giới cũng không có sức mạnh cải tử hoàn sinh
Ta muốn rải hết tiền vàng trên đường để muốn mọi người biết rằng, sự giàu có về vật chất có được trên Trái Đất này thì sẽ phải ở lại Trái Đất.
Ta muốn bàn tay ta đung đưa trong gió, để muốn mọi người hiểu rằng, chúng ta đến với thế giới này bằng hai bàn tay trắng, thì chúng ta rời thế giới này cũng với hai bàn tay trắng. Chúng ta sẽ không còn gì, sau khi tài sản quý giá nhất của chúng ta đã cạn kiệt đó là SỨC KHOẺ và THỜI GIAN.

Hai câu chuyện minh chứng rõ ràng cho thấy bạn phải luôn sống trọn mọi khoảnh khắc

 

Hiện tại là hiện tại, tương lai là tương lai, dù tương lai là ngày mai thì có thể nó cũng không bao giờ tới, vì thế, nếu có thể, nhất định phải tận hưởng cuộc sống, phải làm những gì nên làm ngay hôm nay, ngay lúc này.


Câu chuyện thứ nhất: Alexander Đại Đế và lời tiên tri của triết gia

Khi Alexander Đại đế (356 – 323 TCN) – một vị vua vĩ đại của Hy Lạp cổ đại đang trên đường tới chinh phục Ấn Độ, ngài đã quyết định phải gặp một triết gia Hy Lạp kỳ lạ tên là Diogenes (404 – 323 TCN). Vì đã nghe nhiều câu chuyện về Diogenes nên Alexander rất quan tâm đến ông ta. Nghe nói ông ta sống bên cạnh một con sông nên Alexander đã tìm đến đây.

Hôm đó là một buổi sáng mùa đông. Từng cơn gió lạnh buốt thổi hun hút bên bờ sông, thế nhưng, Diogenes lại cởi trần, nằm trên một bãi cát để tắm nắng.

Là một đấng quân vương, nhưng khi đứng trước Diogenes, vị vua của Hy Lạp vẫn tỏ ra rất khiêm nhường: “Thưa ông tôi muốn làm điều gì đó cho ông. Có điều gì tôi có thể làm cho ông không?”

Trước vinh hạnh này, Diogenes vẫn tỏ ra bình tĩnh và đáp lại một câu khiến những người có mặt đều sửng sốt: “Xin ngài đứng tránh sang một bên vì ngài đang che mất ánh nắng của tôi. Thế thôi. Tôi không cần gì hơn”.

Alexander Đại Đế và lời tiên tri của triết gia Diogenes – Ảnh minh họa

Ấn tượng trước khí phách tuyệt vời của người đàn ông kỳ lạ, Alexander lại nói tiếp: “Nếu được tái sinh lần nữa, tôi sẽ xin Thượng đế cho tôi trở thành Diogenes chứ không phải là Alexander đại đế.”

Diogenes mỉm cười và bảo: “Cái đó thì ngài cần gì xin, vì hiện giờ có ai cấm ngài làm đâu? Ngài có thể trở thành Diogenes mà. Ngài đang định đi đâu thế? Trong nhiều tháng nay, tôi đã thấy các đoàn quân di chuyển không ngừng. Các ngài định đi đâu và làm gì?”

Alexander nói mình đang chuẩn bị tới Ấn Độ để chinh phục cả thế giới.

“Vậy sau đó ngài sẽ làm gì?”, Diogenes hỏi.

“Sau đó tôi sẽ nghỉ ngơi”, Alexander trả lời.

Diogenes cười, đáp lại: “Ngài điên rồi, vì giờ tôi đang nghỉ ngơi, và tôi chưa từng chinh phục cả thế giới. Tôi thấy điều đó là không cần thiết. Nếu đến cuối cùng ngài chỉ muốn nghỉ ngơi, thư giãn thì sao không làm nó ngay bây giờ?

Ai bảo ngài rằng trước khi nghỉ ngơi thì ngài phải đi chinh phục thế giới? Tôi nói ngài nghe, nếu bây giờ ngài không nghỉ ngơi thì sẽ không bao giờ nghỉ ngơi được nữa, vì khi chinh phục xong chỗ này, ngài sẽ lại tiến đến mảnh đất khác. Ngài sẽ chết giữa cuộc hành trình của mình”.

Alexander đáp lại: “Tôi sẽ luôn ghi nhớ điều đó, dù hiện giờ tôi vẫn chưa thể làm được nó. Nhưng cảm ơn lời khuyên của ông”.

Thế rồi, Alexander tiếp tục con đường chinh chiến, và chết khi từ Ấn Độ trở về. Vào trước giờ phút lâm chung, ông đã nhớ đến Diogenes, trong đầu ông chỉ văng vẳng những lời nói của vị triết gia này, cả cuộc đời ông đã không được nghỉ ngơi, còn Diogenes thì đã được nghỉ ngơi suốt cả cuộc đời.

Lời bàn:

Nhiều khi chúng ta cứ luôn theo đuổi những mục tiêu không ngớt trong cuộc sống, không dám nghỉ ngơi, không dám cho mình một phút giây tĩnh lặng để nhìn lại bản thân, để rồi có ngày có hối tiếc cũng không kịp.

Câu chuyện thứ 2: Vua Yudhisthira và người ăn xin

Ngày xưa, có một người ăn xin đến gặp vị vua của vùng đất Indraprastha (thuộc Ấn Độ cổ đại) tên là Yudhisthira, cầu xin được giúp đỡ. Khi đó, vua Yudhisthira đang bận nên đã bảo người ăn xin rằng “Ngày mai hãy đến”.

Nghe thấy vậy, người ăn xin đành lầm lũi bỏ đi. Ngay sau đó, Bheema, em trai của vua Yudhisthira đã cầm một chiếc trống lớn và đánh trống một cách điên cuồng. Với mỗi một lần gõ, anh lại bước một bước về phía trước.

Vua Yudhisthira và người ăn xin – Ảnh minh họa

Vua Yudhisthira chứng kiến cảnh này, lấy làm ngạc nhiên lắm, nên đã đi tới hỏi Bheema nguyên do. Bheema đáp lại: “Anh trai, em vừa phát hiện ra là anh là một nhà tiên tri, nên em muốn nói cho cả vương quốc biết về chuyện này”.

Yudhisthira vô cùng sửng sốt trước câu trả lời, nhìn cậu em trai một cách hồ nghi và hỏi lại: “Ý em là gì?”

Bheema mỉm cười, đáp lời: “Chẳng phải anh vừa bảo người ăn xin ngày mai hãy quay lại hay sao? Làm sao anh biết ngày mai anh ta vẫn còn sống? Làm sao anh biết ngày mai anh vẫn ở đây?

Mà cho dù cả 2 người vẫn còn sống đi, làm sao anh dám chắc được rằng anh vẫn còn ở vị thế có thể ban phát thứ gì đó cho anh ta? Anh làm sao biết anh ta có còn cần thứ gì đó của anh hay không? Làm sao anh biết 2 người chắc chắn có thể gặp nhau vào ngày mai?

Vua Yudhisthira và người ăn xin – Ảnh minh họa

Đó là lý do em nói anh là nhà tiên tri, và em muốn mọi người ở vương quốc này đều biết điều đó”.

Đến lúc này, Yudhisthira mới vỡ lẽ ngụ ý đằng sau lời nói của em trai, vội vàng gọi người ăn xin, lúc này vẫn chưa đi xa quay lại, và cho anh ta sự giúp đỡ mà anh ta cần.

Lời bàn: 

Dù là bất cứ ai, chúng ta cũng không thể nào chắc chắn được chuyện gì sẽ xảy ra trong tương lai. Chính vì thế, nếu có thể, hãy sống trọn từng khoảnh khắc, chuyện gì làm được thì phải làm ngay, người nào cần giúp, phải giúp ngay, để không còn gì hối tiếc, phải ân hận.


Thứ Bảy, 28 tháng 11, 2020

Thánh vương Đế Nghiêu hợp Thiên Đạo, dùng đức giáo hóa dân chúng vạn thế tôn sùng

Vua Nghiêu không truyền ngôi cho con trai mà lại truyền cho một người dân thường áo vải là Thuấn. Chuyện ấy đã trở thành một giai thoại đẹp trong lịch sử nhân loại, cũng là hình mẫu của thời đại dùng đạo đức để quản lý quốc gia, "vô vi nhi trị", không cần các biện pháp hình pháp, chính lệnh mà đạt được thiên hạ thái bình thịnh trị...

 Hiên viên Hoàng Đế, Đế Chuyên Húc, Đế Khốc, Đế Nghiêu và Đế Thuấn, lịch sử gọi là Ngũ Đế. Trong lịch sử thời thống trị của Tam Hoàng Ngũ Đế, thời kỳ vua Nghiêu cai trị có thể nói là thời kỳ tốt nhất. Bất kể là qua lời nhận xét của Khổng Tử, hay nội dung ghi chép trong các thư tịch lịch sử, đều hết lời ca tụng và đánh giá rất cao tài đức cai trị của vua Nghiêu. Sử ký có viết rằng: "Vua Nghiêu nhân đức như Trời, trí tuệ như Thần, ở gần thấy ông như mặt trời, đứng từ xa ngắm thấy ông như mây, giàu mà không kiêu, sang mà không thảnh thơi".



Phần Ngũ đế bản kỷ sách Sử ký có chép rằng, Đế Khốc có hai con trai là Chí và Phóng Huân. Sau khi Đế Khốc qua đời thì người con trai lớn tuổi nhất là Chí kế thừa ngôi vị, gọi là Đế Chí. Đế Chí tài năng tầm thường, không thể quản lý quốc gia thỏa đáng. Còn Nghiêu thì nhân từ, yêu dân, sáng suốt nhìn nhận người, trị sửa có phương pháp, đức lớn nổi tiếng khắp thiên hạ. Thế là các thủ lĩnh các bộ lạc tới tấp rời bỏ Đế Chí đến quy theo Nghiêu. Đế Chí cũng tự thấy mình không thánh minh bằng Nghiêu, cuối cùng sau 9 năm kế vị ngôi vua, Đế Chí đã nhường ngôi cho Nghiêu.

Sau khi Nghiêu lên ngôi, khéo dùng những người hiền năng tài đức song toàn trong bộ tộc, khiến người bộ tộc đoàn kết chặt chẽ, đã có thành tựu khiến "9 bộ tộc hòa mục" và khảo sát bá quan, phân biệt cao thấp, thưởng thiện phạt ác, khiến chính sự rành mạch rõ ràng có trật tự. Đồng thời vua Nghiêu chú ý điều hòa các mối quan hệ giữa các bộ tộc, các nước, giáo dục bách tính chung sống hoà thuận, do đó "hài hòa vạn bang, dân chúng liền thay đổi trở nên hoà thuận", thiên hạ yên bình, chính trị trong sạch, phong thái xã hội an lành hòa ái.

Công tích của Đế Nghiêu trong lịch sử được hậu thế kính ngưỡng. Nho gia và Mặc gia thời kỳ Tiên Tần là "Hiển học" đương thời, cả hai gia phái này đều đánh giá cực cao đối với Nghiêu Thuấn. Bắt đầu từ thời kỳ đó, Nghiêu trở thành đại biểu của Thánh vương cổ đại, là tượng trưng của luân lý đạo đức cao thượng, và cũng là tấm gương của các bậc quân chủ trong thiên hạ. Khổng Tử nói: "Vỹ đại thay bậc đế vương như vua Nghiêu. Cao cả thay, chỉ có Trời là vỹ đại nhất, chỉ có vua Nghiêu là học theo phép tắc vỹ đại của Trời".

Những lời ca ngợi vua Nghiêu của Khổng Tử đã có ảnh hưởng sâu sắc và lâu dài đối với Nho gia các đời sau. Vua Nghiêu trở thành truy cầu lý tưởng về tinh thần của tư tưởng Nho gia.

Dùng đức hạnh giáo hóa, vô vi nhi trị
Thời thượng cổ không chuộng võ mà chuộng đức, coi trọng vô vi nhi trị (Không cố ý tác động, việc trị sửa thuận theo Đạo, thuận theo tự nhiên để đạt được thịnh trị). Vai trò của thiên tử là nâng cao đạo đức con người, khiến nhân dân có thể an cư lạc nghiệp. Vua Nghiêu dẫn dắt thiên hạ bằng Đạo khiến dân chúng thuận theo. Vua tôi trên dưới, vạn dân bách tính đều lấy Đạo Trời làm chuẩn mực, người người đều không cần người khác quản thúc, đều tự giác dùng Đạo Trời làm tâm Pháp tự xem xét bản thân, tự giác tự luật. Do đó thời vua Nghiêu Thuấn là đại trị, thiên hạ không có hình pháp, chỉ có lòng người hướng thiện, ngoài đường không có người nhặt đồ rơi, đêm ngủ không cần đóng cửa, một cảnh tượng đại đồng vui vẻ hài hòa.

Đó chính là thời thịnh thế anh minh "Đại Đạo chi hành" mà trong lòng Khổng phu tử mong ngóng. Đó chính là hàm nghĩa chân chính của câu người quân tử "thả xiêm y mà thiên hạ thịnh trị" trong thịnh thế lý tưởng của Khổng Tử: "Cuối xuân, xuân phục may xong, năm sáu người mặc áo đội mũ, [mang theo] sáu bảy tiểu đồng, tắm ở sông Nghi, đón gió trên đàn cầu mưa Vũ Vụ, ngâm vịnh ca hát rồi trở về"...

Một hôm vua Nghiêu thấy một người dân miền núi nằm ở ven đường rên rỉ, vua liền quan tâm hỏi thăm: "Anh làm sao vậy?".

Người dân miền núi đáp lời với giọng yếu ớt: "Đói...".

Vua Nghiêu bèn lấy lương khô của mình đưa cho và nói: "Ăn đi, là ta đã khiến anh bị đói".

Người dân miền núi cảm động, ăn ngốn ngấu. Vua Nghiêu nói với các đại thần tùy tùng rằng: "Từ khẩu phần thức ăn của ta lấy ra một phần cho người bị đói".

Các đại thần nói: "Vậy bệ hạ thì sao?".

Vua Nghiêu nói: "Ta ăn chút cháo, ăn thêm rau dại là được rồi".

Các đại thần nghe thế đều làm theo vua, ai nấy đều lấy một phần lương thực từ khẩu phần của mình ra để cho những người bị đói.

Một hôm trên đường đi qua một thị trấn nhỏ, vua Nghiêu phát hiện ra có một tội phạm đang bị trói, dẫn đi trên phố thị chúng. Vua bèn đi đến và hỏi sai nha: "Anh ta phạm tội gì?"

Sai nha đáp: "Ăn trộm lương thực".

Vua Nghiêu hỏi phạm nhân: "Tại sao anh phải ăn trộm lương thực?"

Phạm nhân trả lời rằng: "Chỗ thảo dân xảy ra hạn hán, không thu hoạch được một hạt thóc nào".

Vua Nghiêu nói với sai nha rằng: "Hãy trói ta lại đi, là ta đã khiến anh ta phạm tội".

Viên sai nha và các đại thần tùy tùng cuống quýt quỳ xuống. Một đại thần nói: "Anh ta phạm tội là do hạn hán không có lương thực để ăn, có liên quan gì đến bệ hạ đâu".

Vua Nghiêu nói: "Dân chúng không có sức chống lại thiên tai, đó là trách nhiệm của ta. Không có cái ăn liền ăn trộm cũng là do ta không giáo dục tốt. Sao có thể nói là không có liên quan gì đến ta?"

Thế là vua Nghiêu mệnh lệnh cho các đại thần trói ông lại, đứng bên phạm nhân. Lê dân bách tính từ tứ phương tám hướng tràn đến xem, cảm động khóc lớn.

Bỗng nhiên trong đám đông có hơn chục người bước ra, quỳ trước mặt vua Nghiêu, vừa khóc nức nở vừa thú nhận những tội mà mình trước kia đã phạm, họ đều bày tỏ xin nguyện ý được xử phạt.

Vua Nghiêu sau khi đi thị sát dân tình trở về, trong đại điện bằng cỏ tranh, ông nói với quần thần trong triều rằng: "Có người bị đói, có người không có áo mặc, có người phạm tội, đều là lỗi của ta, ta muốn xuống chiếu "Tội kỷ chiếu" (chiếu trách tội bản thân) để kiểm điểm những lỗi lầm của mình đối với người dân".

Các đại thần đều xôn xao nói: "Cuộc sống dân chúng không tốt là vì thiên tai quá nhiều, là thời kỳ khó khăn, bách tính nên học cách nhẫn chịu".

Vua Nghiêu nói: "Cuộc sống bách tính không tốt, không thể đẩy trách nhiệm đó cho thiên tai được, cần phải kiểm điểm bản thân ta. Ta cũng không được trách nhân dân không biết nhẫn chịu, cần nghĩ xem khi ta trị sửa quốc gia có những chỗ nào đã làm sai?"

Mấy hôm sau, ở cổng trái cung đình, vua Nghiêu đặt một chiếc trống "Cản gián chi cổ" (Trống dám can gián), mọi người có thể đánh trống để đề xuất ý kiến với vua Nghiêu. Vua Nghiêu lại sai người đặt khúc gỗ "Phỉ báng chi mộc" (Gỗ phỉ báng) ở cổng bên phải cung đình, bách tính có thể đứng bên nói những lỗi lầm của vua Nghiêu.

Biết mệnh Trời, chế định lịch pháp
Ở thời đại vua Nghiêu đã lần đầu tiên chế định lịch pháp. Đế Nghiêu lệnh cho Hy Trọng, Hy Thúc và Hòa Trọng, Hòa Thúc lần lượt cư trú ở 4 phương Đông Nam Tây Bắc, báo cáo chi tiết về sự thay đổi dài ngắn của ngày đêm và vị trí cụ thể của các tinh tú và các các tiết Xuân phân, Hạ chí, Thu phân, Đông chí, cùng với các hoạt động nông nghiệp của mọi người và sự thay đổi cư trú của các loài muông thú. Vua yêu cầu họ quan sát sự thay đổi vận hành của mặt trời, mặt trăng và các vì sao, xác định các tiết Trọng xuân, Trọng thu, Trọng đông, tính toán lịch pháp, dạy người dân cày cấy theo mùa màng thời tiết. Dạy dân kính thuận Thượng Thiên, hàng ngày cung kính đón mặt trời mọc, cung kính tiễn mặt trời lặn, cung kính thực hiện các nghi thức cúng tế. Vua vận dụng biện pháp dùng tháng nhuận để hiệu chuẩn thời gian một năm bốn mùa.

Là Thánh vương cổ đại, vua Nghiêu biết rõ Đạo Trời khởi tác dụng quyết định tất cả lên xã hội nhân loại. Sắp đặt việc nhà nông của bách tính, các hoạt động sinh hoạt, cho đến chức phận bá quan đều phải tuân theo tiết khí bốn mùa... Tiết khí bốn mùa chính thì tất cả chính, tiết khí bốn mùa không chính thì xã hội nhân loại đều sẽ loạn. Vì vậy bậc quân vương lập thân giữa Trời Đất thì việc quan trọng hàng đầu là biết được Đạo Trời, sau đó nghiêm khắc chiểu theo tiêu chuẩn của Đạo Trời để tu trì bản thân, rồi lại chiểu theo Đạo Trời để giáo hóa dưỡng dục muôn dân trong thiên hạ.

Thời cổ đại, hết thảy cử chỉ của con người đều coi trọng thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Thế là việc kính phụng thiên thời, để con người phù hợp với Trời đã trở thành việc mà các bậc cổ Thánh tiên hiền đích thân dốc sức thực hiện và giáo hóa người đời sau, nhằm đạt được cảnh giới đạo đức cao nhất.

Bởi vì bậc quân vương hợp với Đạo Trời nên chính sự thông suốt, con người hòa hợp, có thể an bang định quốc. Người dân hợp với Đạo Trời thì tu thân tề gia, có thể đứng vững mãi mãi ở nơi bất bại. Bá quan vạn dân đều tự giác dùng Đạo Trời ước thúc bản thân, như vậy bậc quân vương tự nhiên sẽ đạt được "thả xiêm y mà thiên hạ thịnh trị".

Nhưng Trời Đất không nói. Mệnh Trời, Đạo Trời thế nào thì con người làm sao biết được? Ý chỉ của Thượng Thiên là thông qua sự vận hành của mặt trời, mặt trăng và các vì sao và sự thay đổi của giới tự nhiên để thể hiện ra cho nhân loại thấy, để con người quan sát mà ngộ ra. Đế Nghiêu biết rõ điểm này, do đó ông đã coi việc nắm vững và tính toán lịch pháp là việc trọng đại nhất của quốc gia. Ông đã để tâm sắp đặt anh em Hy Hòa nắm lịch pháp, đồng thời báo cáo chi tiết phương pháp và tiêu chuẩn cụ thể tính toán hiệu chỉnh lịch pháp, thời lệnh, căn dặn mọi người phải cung kính đón mặt trời mặt trăng, cử hành tế lễ, để đảm bảo hết thảy xã hội nhân loại vận hành không rời xa ý chỉ của Thượng Thiên, đồng thời được Thượng Thiên bảo hộ, từ đó đạt được chính sự thông đạt, con người thuận hòa, thiên hạ thái bình.

Cầu hiền tài như khát nước, dùng hiền tài mưu cầu thịnh trị
Đế Nghiêu chấp chính 70 năm, ông triệu tập đại thần, thảo luận chọn người kế vị. Đế Nghiêu không muốn để con trai mình là Đan Chu kế thừa ngôi vị, ông cho rằng đức hạnh Đan Chu không đủ. Vậy là Tứ Nhạc tiến cử Ngu Thuấn.

Để khảo sát đức hạnh của Ngu Thuấn, vua Nghiêu gả 2 con gái là Nga Hoàng và Nữ Anh cho Thuấn, để từ hai con gái quan sát đức hạnh Thuấn. Vua Nghiêu để hai con gái buông bỏ cái tâm quý tộc đến sống ở ngôi nhà bên sông Quy, tuân thủ đạo người phụ nữ. Vua Nghiêu cho rằng làm như thế này rất tốt, và để Thuấn thử gánh vác chức Tư đồi. Thuấn cần thận xử lý, thực hiện tốt năm loại luân lý đạo đức là: cha nhân nghĩa, mẹ nhân từ, anh nhân ái, em cung kính, con hiếu thuận, người dân đều tuân theo ông.

Vua Nghiêu lại để Thuấn tham gia việc của bá quan. Sự việc của bá quan cũng do đó mà trở nên trật tự rành mạch. Vua Nghiêu lại để ông đón tiếp tân khách ở tứ môn Minh Đường. Tứ môn đều hoà thuận, tân khách từ phương xa đến đều cung kính. Vua Nghiêu lại sai Thuấn vào núi hoang rừng rậm, sông lớn đầm lầy. Gặp phải mưa to gió lớn sấm sét, Thuấn vẫn không bị lạc đường lỡ việc.

Vua Nghiêu càng cho rằng Thuấn rất thông minh, rất có đức hạnh, bèn vời ông đến, hy vọng ông có thể lên ngôi thiên tử.

Trước khi vua Nghiêu nhường ngôi cho Thuấn, do tuổi tác đã cao nên vua Nghiêu để Thuấn xử lý chính sự của thiên tử, qua đó quan sát xem Thuấn làm thiên tử có hợp với ý Trời không. Vua Nghiêu nhường ngôi cho Thuấn, người trong thiên hạ đều có được lợi ích mà chỉ không có lợi đối với một mình Đan Chu. Nếu truyền ngôi cho Đan Chu thì người thiên hạ đều bị tai ương, mà chỉ một mình Đan Chu có lợi. Vua Nghiêu nói: "Ta không thể để người thiên hạ chịu thiệt hại mà chỉ để một người được lợi ích".

Do đó cuối cùng vua Nghiêu đã đem thiên hạ truyền cho Thuấn.

Đối với cách làm chọn người hiền kế vị của vua Nghiêu, Khổng Tử đã ca ngợi rằng: "Vỹ đại thay, vua Nghiêu là bậc quân vương vỹ đại". Ý nghĩa là nói rằng vua Nghiêu là tấm gương "thiên hạ vi công" (thiên hạ là của chung của tất cả mọi người).

Vua Nghiêu tại vị 70 năm rồi tìm được Thuấn, lại qua 20 năm, vua vì tuổi cao rút lui nên để Thuấn quản lý chính sự thay. Sau khi nhường ngôi cho Thuấn 28 năm, vua Nghiêu qua đời. Bách tính đau buồn thương xót, giống như mất cha mẹ đã sinh ra mình vậy. Trong vòng 3 năm, khắp các nơi 4 phương không có người nào tấu nhạc vì để tưởng nhớ vua Nghiêu.

Gia huấn người xưa: Sáng tỏ ngộ, sáng tỏ Đạo, sáng tỏ lý

 Xã hội truyền thống giữ được nền đạo đức cao thượng suốt hàng nghìn năm thì một phần lớn là ở vai trò giáo dục gia đình, trong đó những bản gia huấn, gia quy khởi tác dụng then chốt. Những gia tộc hàng trăm hàng nghìn năm không suy bại đều nhờ những lời răn dạy trí tuệ của tiền nhân.

Nhan Thị gia huấn (Gia huấn họ Nhan)

"Tích tiền của ngàn vạn không bằng nghề mọn trên thân"

Nguyên văn: Tích tài thiên vạn bất như bạc kỹ tại thân

Nhan Chi Suy kết hợp kinh nghiệm sống, triết học xử thế, học thức tư tưởng của mình viết thành sách Nhan Thị gia huấn để răn dạy cháu con. Cuốn sách gồm 7 quyển, 20 thiên, phạm vi nội dung mỗi thiên đề cập đến khá rộng, nhưng chủ yếu là dùng tư tưởng Nho gia truyền thống giáo dục con em, giảng tu thân, trị gia, xử thế, học hành...

Ví như ông đề xướng học tập, cần phải học hành, học thức, hiểu lý sự. Ông cho rằng học tập cần lấy đọc sách làm chính, và phải chú ý đến tri thức các phương diện như thủ công, nông nghiệp, thương nghiệp... Ông chủ trương "học quý ở có thể thực hành", phản đối nói suông, luận điều cao siêu, không thiết thực. Rất nhiều câu danh ngôn trong sách này đã được lưu truyền rộng rãi, như:

Sống với người thiện như vào phòng hoa lan, lâu dần bản thân mình cũng thơm. Sống với người xấu như vào hàng cá, lâu dần bản thân mình cũng tanh hôi.
Tuổi nhỏ mà học tập thì như ánh sáng mặt trời mới mọc. Tuổi già mới học tập thì như cầm đuốc đi đêm, còn hơn người đến khi nhắm mắt vẫn không có tri thức"
Giữa cha con không được suồng sã. Tình cốt nhục không thể sơ sài. Sơ sài thì không giữ được nhân từ và hiếu thuận. Suồng sã thì sinh ra khinh mạn"
Sinh mệnh không thể không quý tiếc, cũng không thể quá ham sống sợ chết.

nhan thị gia huấn
Một bản khắc "Nhan Thị Gia Huấn". (Ảnh: Phạm vi công cộng).

Người các thời đại đều rất tôn sùng Nhan Thị gia huấn, thậm chí còn cho rằng "Gia huấn cổ kim, lấy bản này làm ông tổ". Bản gia huấn này được tái bản liên tục, trải qua hơn ngàn năm mà không mất.

Viên Thị thế phạm (Quy phạm để đời họ Phạm)

"Tiểu nhân làm việc xấu không nhất thiết phải khuyên can"

Nguyên văn: Tiểu nhân vi ác bất tất gián

Viên Thái là người tài đức song toàn, người đương thời ca ngợi ông là "Đức đủ hạnh đầy, học rộng văn hay". Khi làm huyện lệnh Nhạc Thanh, ông cảm khái cách làm của Tử Tư năm xưa, truyền bá Đạo Trung dung trong bách tính, bèn viết sách Viên Thị thế phạm  để thực hiện giáo dục luân lý.

Viên Thị thế phạm đi từ nông cạn đến thâm sâu, nói uyển chuyển nhẹ nhàng như nói chuyện thường ngày, do đó còn được gọi là "Tục huấn". Sách có rất nhiều câu đặc sắc, như:

Tiểu nhân thì nên tôn trọng và tránh xa.
Trách mình nhiều, trách người ít.
Tiểu nhân làm việc xấu không nhất thiết phải khuyên can.
Gia nghiệp thành nhờ lo lắng, e sợ, bại vì lười biếng, khinh suất.
Người cùng hội không thiện thì phải biết tự cảnh tỉnh mình.

Viên Thị thế phạm đã rất nhanh chóng trở thành sách giáo khoa giáo dục trẻ em trong các trường tư thục. Sỹ đại phu các thời đại đều rất tôn sùng bộ sách này, coi là báu vật.

"Mệnh tử Thiên" của Tư Mã Đàm 

Tư Mã Đàm học vấn uyên bác.  Hán Vũ Đế đã "chiểu theo tài năng đặt công việc",  cho Tư Mã Đàm, phong cho ông chức quan mới, làm Thái sử lệnh thường được gọi là Thái sử công, quản các việc như thiên văn, lịch pháp, và còn ghi chép, thu thập và bảo tồn các văn hiến, điển tịch. 

Vì vậy Tư Mã Đàm vô cùng cảm ân đội đức đối với Vũ Đế, đồng thời dốc sức làm hết chức trách. Do tinh thần trách nhiệm cao, Tư Mã Đàm trước khi lâm chung đã nắm tay con là Tư Mã Khiên, vừa khóc vừa căn dặn. Đó chính là Mệnh tử Thiên của Tư Mã Đàm. Tư Mã Đàm hy vọng sau khi mình chết thì Tư Mã Khiên có thể kế thừa được sự nghiệp của ông, càng không được quên chép, viết sử sách, cho rằng đó là "đại hiếu": "Hơn nữa, hiếu bắt đầu từ phụng sự cha mẹ, tiếp đến phụ sự quốc quân, cuối cùng là lập thân. Hiển dương danh tiếng các đời sau để vinh hiển mẹ cha, đó là đại hiếu vậy".

Hơn 400 năm sau khi Khổng Tử qua đời, chư hầu thôn tính lẫn nhau, chép sử bị đoạn tuyệt. Hiện nay thiên hạ nhất thống, những sự tích vua sáng tôi hiền, trung thần nghĩa sỹ rất nhiều. Làm Thái sử mà không thể làm hết trách nhiệm viết về những sự tích đó thì nội tâm ông vô cùng lo lắng không yên. Do đó ông đã cấp thiết hy vọng Tư Mã Thiên có thể hoàn thành đại nghiệp mà ông còn dang dở.

tư mã thiên
Tư Mã Thiên - là tác giả bộ Sử ký; với bộ sử đó, ông được tôn là Sử Thiên, một trong Mười vị thánh trong lịch sử Trung Quốc. (Ảnh: Phạm vi công cộng).

Tư Mã Thiên đã không phụ mệnh huấn của cha, cuối cùng đã viết được bộ Sử ký được ca ngợi là "Tuyệt xướng của sử gia, bộ "Ly Tao" không vần", được sử sách lưu danh muôn thuở.

Có người nói, không có Mệnh tử Thiên của Tư Mã Đàm thì không có Sử ký của Tư Mã Thiên. Lời nói này rất chính xác, đáng tin cậy.

Giới tử thư và Giới ngoại sanh thư của Gia Cát Lượng

"Không đạm bạc không lấy gì để sáng tỏ chí hướng"

Nguyên văn: Phi đạm bạc vô dĩ minh chí

Gia Cát Lượng 46 tuổi mới có con trai là Gia Cát Chiêm, ông rất thích cậu con trai này, hy vọng con trai sau này trở thành rường cột quốc gia. Gia Cát Lượng có hai người chị, chị hai sinh được con trai tên là Bàng Hoán, được Gia Cát Lượng rất yêu quý. Gia Cát Lượng quanh năm chinh chiến, chính sự cuốn chặt thân, nhưng ông vẫn không quên răn dạy con cháu.

Hai bức thư ông viết gửi cho Gia Cát Chiêm và Bàng Hoán được gọi là Giới tử thư (Thư răn dạy con) và Giới ngoại sanh thư (Thư răn dạy cháu). 

Thư Gia Cát Lượng gửi con trai (Giới tử thư) như sau:

“Nết người quân tử, tĩnh để tu thân, kiệm dùng dưỡng đức.
Không đạm bạc chí chẳng sáng soi, không tĩnh tâm tiến xa chẳng nổi.
Học cần tâm tĩnh, tài cần phải học.
Không học, tài chẳng mở mang, không chí, chẳng thành nghiệp học.
Biếng nhác ắt chẳng thể tinh thông, nóng nảy sao tu thành tâm tính.
Tháng ngày vùn vụt, ý chí qua đi, thân đã già nua, chưa hiểu sự đời.
Nhà rách sầu bi, hối thì đã muộn”.

Thư Gia Cát Lượng gửi cháu (Giới ngoại sanh thư) như sau:

"Chí hướng cần phải cao xa, ngưỡng mộ tiên hiền, đoạn tuyệt tình dục, trừ bỏ nghi hoặc.
Khiến chí hướng nâng cao, tiếp cận bậc tiên hiền, lúc nào cũng cảm thấy khẩn thiết.
Cần nhẫn nại, biết co biết duỗi, gạt bỏ tạp niệm, học hỏi rộng rãi, trừ bỏ oán hận, sỉ nhục, tuy tài đức không được hiển đạt cũng đâu tổn hại mỹ đức bản thân, lo gì sự nghiệp không thành.
Nếu chí không kiên nghị, ý chí không khảng khái thì chỉ luân lạc chốn tầm thường, bị tình trói buộc, mãi mãi không thoát khỏi tầm thường, không tránh khỏi rớt chốn hạ lưu".

Từ hai bức thư có thể thấy Gia Cát Lượng yêu cầu với con trai và cháu trai là như nhau. Giới tử thư và Giới ngoại sanh thư là những thiên nổi tiếng trong gia huấn cổ đại, đã luận thuật tu thân dưỡng tính, học tập nên người, khiến người đọc cảnh tỉnh sâu sắc.

gia cát lượng
Đền thờ Gia Cát Lượng. (Ảnh: kanegen Flickr/CC BY 2.0).

Gia huấn của Bao Chửng

"Kẻ tham ô không được quay về gia tộc"

Nguyên văn: Phạm tang lạm giả, bất đắc phóng quy bản gia.

Bao Chửng nổi tiếng công chính liêm khiết, cương trực, chấp pháp như sơn. Vào những năm cuối đời, ông đã đặt ra một điều gia huấn cho con cháu đời sau rằng: "Con cháu đời sau làm quan, kẻ tham ô không được quay về gia tộc. Sau khi chết cũng không được chôn trong khu mộ gia tộc. Không theo chí của ta thì không phải là con cháu của ta". 

Bên dưới còn viết mấy chữ: "Mong Bao Củng (con trai Bao Chửng) khắc vào đá, dựng ở tường đông nhà, để răn dạy hậu thế".

Bản gia huấn này của Bao Chửng là lời răn dạy của ông đối với con cháu khi ông còn sống, đồng thời bảo con trai là Bao Củng khắc vào tấm đá, dựng ở tường đông ngôi nhà để cho con cháu các đời sau làm theo. Chỉ 37 chữ này nhưng đã ngưng kết phẩm tiết Bao Công, một thân chính khí, hai tay gió lành, tuy đã ngàn năm mà vẫn đủ làm mẫu mực cho người đời sau. Gia huấn của Bao Chửng là lời răn dạy của ông đối với hậu thế, cũng là miêu tả phẩm cách một đời của ông.

"Hối học thuyết" của Âu Dương Tu

"Ngọc không mài không thành đồ quý"

Nguyên văn: Ngọc bất trác bất thành khí.

Khi Âu Dương Tu 4 tuổi thì phụ thân qua đời, mẫu thân giáo dục ông rất nghiêm khắc. Để tiết kiệm chi tiêu, mẫu thân dùng cây sậy, hòn than làm bút viết lên đất hoặc bãi cát để dạy chữ cho Âu Dương Tu. Trong bản gia huấn của mình, Âu Dương Tu hy vọng con trai có thể nuôi dưỡng được thói quen đọc sách, và học được đạo lý làm người.

Thế là khi dạy bảo con trai thứ hai là Âu Dương Dịch cần nỗ lực học tập, ông đã viết Hối học thuyết (Khuyên con học) rằng:

"Ngọc không mài không thành đồ quý. Người không học không biết đạo lý. Nhưng ngọc là vật, có đức bất biến, tuy không mài thành đồ quý thì cũng không tổn hại gì ngọc. Tính con người thay đổi theo vật, nếu không học thì bỏ quân tử mà làm tiểu nhân, có thể không nghĩ sao?"

âu dương tu
Âu Dương Tu thuở nhỏ được mẹ nghiêm khắc dạy bảo, sau này lớn lên ông hy vọng con trai có thể nuôi dưỡng được thói quen đọc sách, và học được đạo lý làm người. (Ảnh: Wikipedia).

Âu Dương Tu dùng ngọc để ví với người, dạy bảo có phương pháp, có thể coi là lời vàng tiếng ngọc.

Chu Tử gia huấn

Chu Bá Lư (1627-1698), là người huyện Côn Sơn, Giang Tô sống vào cuối thời Minh đầu thời nhà Thanh. Ông là nhà lý học, nhà giáo dục nổi tiếng. Phụ thân Chu Bá Lư đã tuẫn nạn khi trấn thủ thành Côn Sơn chống quân Thanh. Chu Bá Lư phụng dưỡng mẹ già, nuôi dưỡng dạy bảo các em, tha hương lưu lạc, cực kỳ gian khổ.

Ông trước sau không làm quan, cả đời dạy học ở quê. Ông chuyên tâm học tập, lấy lý học của Trình - Chu làm gốc, đề xướng “tri - hành” cùng tiến, bản thân thực hiện thực tiễn. Ông và Cố Viêm Vũ kiên quyết từ chối không tham dự khoa thi "Bác sỹ hồng Nho" của triều đình Khang Hy. Ông cùng Từ Phương, Dương Vô Cữu được mọi người tôn xưng là "Ngô trung tam cao sỹ" (Ba cao nhân đất Ngô)

Toàn văn Chu Tử gia huấn chỉ  hơn 500 chữ, nội dung cô đọng, rành mạch, sâu sắc, ngôn từ thông tục dễ hiểu, vần điệu. Từ khi ra đời đến nay, bản gia huấn này đã được lan truyền rộng khắp, trở thành bản gia huấn kinh điển giáo dục con, quản lý gia đình được người người biết đến và yêu thích. Trong đó có những câu cảnh tỉnh như:

- Bát cơm bát cháo, phải biết có được không dễ.
- Sợi tơ mảnh vải, nên nhớ vật lực gian nan.
- Nên chưa mưa mà thu lụa, chớ khát nước giếng mới đào.

Những lời dạy trong bản gia huấn này đến ngày nay vẫn còn nguyên giá trị giáo dục.

Bản "Chu Tử gia huấn" chỉ có 506 chữ nhưng lại là tập đại thành của phương pháp đối nhân xử thế của Nho gia.

Đệ tử quy

Lý Dục Tú (1647-1729) tự Tử Tiềm, hiệu Thái Tam, là học giả, nhà giáo dục nổi tiếng sống vào thời kỳ đầu nhà Thanh. Sau khi thi khoa cử không đỗ, Lý Dục Tú dốc sức học tập. Ông căn cứ vào yêu cầu truyền thống đối với giáo dục trẻ em, kết hợp với thực tiễn dạy học của bản thân, đã viết ra sách Huấn mông văn (bài văn dạy trẻ em), sau được Giả Tồn Nhân chỉnh sửa, đổi tên thành Đệ tử quy.

Đệ tử quy được lưu truyền rộng rãi thời kỳ cuối nhà Thanh, dường như có ảnh hưởng tương đồng với Tam tự kinhBách gia tính và Thiên tự vănĐệ tử quy xem có vẻ như một cuốn sách nhỏ không nổi bật, nhưng thực tế lại tổng hợp đại trí huệ của các bậc chí Thánh tiên hiền.