Thứ Hai, 6 tháng 4, 2015

Một cái ít hơn nửa cái?

Trong ngôn ngữ sinh hoạt hằng ngày, người Việt thường hay nói: ăn một cái (đã), nghỉ một cái (đã), tắm một cái (đã), ngủ một cái (đã)...

Dường như đã thành một thói quen trong nói năng, hầu như ai trong chúng ta cũng đã từng ít nhiều lần dùng cấu trúc này mà chưa không hề có một lần nào đó bận tâm, thắc mắc: Tại sao lại là “một cái”? “Một cái” là... cái gì? Nghĩa của tổ hợp “một cái (đã)” được hiểu như thế nào?
Ảnh: MINH HỌA
Ảnh: MINH HỌA
Theo Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê chủ biên), “cái” là một từ có nhiều nghĩa: 1. Dùng để chỉ cá thể sự vật với nghĩa khái quát (không thiếu cái gì, cái ăn cái mặc, cái bắt tay…); 2. Dùng để chỉ các sự vật riêng lẻ thuộc đối tượng vô sinh (cái bàn, cái ghế, cái nhà …); 3. Dùng để chỉ từng cá thể động vật (thường là nhỏ bé, được nhân hóa, như: cái cò, cái kiến...); 4. Dùng để chỉ từng đơn vị riêng lẻ, động tác hoặc quá trình ngắn (ngã một cái, nghỉ một cái, loáng một cái...); 5. Cái kết hợp với danh từ chỉ bộ phận cơ thể (cái mặt, cái tay, cái chân...). Ngoài ra, “cái” còn được dùng với nghĩa nhấn mạnh (cái ngôi nhà ấy đã được bán, cái con người ấy...).
Như vậy, có thể thấy nghĩa của từ “cái” khá phức tạp và cách dùng cũng khá tinh tế. Trong các nghĩa đã nêu, nghĩa thứ 4 của từ “cái” chính là nghĩa của tổ hợp “một cái” như trên đã đề cập. Cách giải thích “dùng để chỉ từng đơn vị riêng lẻ, động tác hoặc quá trình ngắn” chưa làm rõ được một số nét nghĩa hàm chứa trong tổ hợp này, chẳng hạn như ý nghĩa phiếm định, ý nghĩa ước lượng không xác định trong một vài văn cảnh nhất định.
Ý nghĩa ước lượng không xác định của tổ hợp “một cái” là điều có thể khẳng định. Quan sát tình huống sau đây:
(A): Anh đói quá ! Cho anh cắn một cái1 thôi.
(B): Anh bảo chỉ cắn có một cái1 mà lại ăn hết nửa cái2 bánh mì của em.
Quả là “một cái” được xem như ít hơn “nửa cái” theo hàm ý trách móc trong phát ngôn của (B). Có thật là “một cái” ít hơn “nửa cái”?
Vấn đề nằm ở chỗ “cái1” và “cái2” là những nghĩa khác nhau của từ “cái”. “Cái2” được hiểu theo nghĩa thông dụng nhất của từ này, đóng vai trò là danh từ chỉ loại, “chỉ các sự vật riêng lẻ thuộc đối tượng vô sinh” và thường kết hợp ở trước danh từ chỉ sự vật (cái bàn, cái tủ, cái xe...). Trong khi “cái1” “dùng để chỉ từng đơn vị riêng lẻ, động tác hoặc quá trình ngắn” và mang ý nghĩa ước lượng không xác định.
Theo đó, tổ hợp “một cái” trong (A) chỉ đề cập đến “động tác hoặc quá trình ngắn” chứ không liên quan đến ý nghĩa về lượng. Sự nảy sinh ý nghĩa ước lượng không xác định đi kèm là do các mối quan hệ phái sinh về ngữ nghĩa trong cấu trúc nghĩa của từ “cái” mang lại. Bên cạnh đó sự chi phối về ngữ nghĩa của động từ đứng trước tổ hợp “một cái” cũng có những vai trò nhất định. Các động từ có liên quan đến ý nghĩa về số lượng của các bổ tố đứng sau như: ăn (ăn một cái), uống (uống một cái)...có vai trò gợi ra ý nghĩa về số lượng ít/nhiều không xác định của tổ hợp “một cái”. Các động từ có liên quan đến ý nghĩa về độ dài/ngắn của thời gian của các bổ tố đứng sau như: nghỉ (nghỉ một cái), tắm (tắm một cái), làm (làm một cái)... thường gợi ra ý nghĩa phiếm định về khoảng thời gian thực hiện hoạt động của động từ khi kết hợp với “một cái”.
Quả thật, cũng phải “nghĩ một cái” mới thấy hết sự lý thú và phức tạp của tổ hợp “một cái” trong tiếng Việt.