Thứ Hai, 24 tháng 10, 2016

Sau vụ Hố Hô, nghĩ về các phép ngụy biện

Đưa hàng cứu trợ tới các vùng lũ lụt ở Quảng BìnhImage copyrightAFP
Image captionĐưa hàng cứu trợ tới các vùng lũ lụt ở Quảng Bình
Sau khi thủy điện Hố Hô xả lũ làm 35 người chết, 4 người bị mất tích và nhấn chìm nhà cửa, Bộ công thương đã có Báo cáo gửi Quốc hội về kết quả kiểm tra, rà soát, về quy hoạch, xây dựng, vận hành các công trình thủy điện tính đến hết tháng 9/2016.
Bản báo cáo được báo chí đăng tải phần nào đáp ứng được nhu cầu thông tin của người dân về hoạt động của các đập thủy điện.
Theo bài 'Bộ công thương: Di dân thủy điện giúp thu nhập cao hơn' trên báo điện tử Vietnamnet, báo cáo cho biết hiện trên cả nước có 306 công trình thủy điện đang vận hành phát điện, 193 dự án đang thi công xây dựng, 245 dự án đang nghiên cứu đầu tư, còn lại 59 dự án có quy mô nhỏ, đang được tiếp tục rà soát về hiệu quả kinh tế và các điều kiện khác có liên quan. Trong 3 năm qua, đã có 1118 công trình thuỷ điện lớn nhỏ bị loại bỏ khỏi quy hoạch vì những tác động tiêu cực về môi trường, xã hội.
Bên cạnh những thông tin hữu ích đáp ứng nhu cầu hiểu biết của người dân, Bản báo cáo còn chứa đựng một số nội dung có hàm ý bào chữa cho cơ quan quản lý ngành là Bộ công thương trước các tác hại của đập thủy điện.
Một số nội dung có tính chất ngụy biện tinh vi, mà nếu không được chỉ ra thì ngay cả cán bộ các ban ngành cũng bị làm cho sai lệch về nhận thức.

Những ngụy biện

Người dân chèo thuyền trong nước lụtImage copyrightVNA/AFP
Image captionNgười dân chèo thuyền trong nước lụt
Báo cáo có đoạn 'Xác định công tác an toàn đập, hồ chứa và vận hành quản lý an toàn đập là nhiệm vụ then chốt, Bộ Công thương cho biết, hiện các đập thuỷ điện đều đang vận hành an toàn, ổn định'.
Nội dung này cung cấp thông tin sai. Vì đập thủy điện xả nước góp phần gây lũ lớn làm chết người và nhấn chìm tài sản thì không thể nói các đập thủy điện vận hành an toàn ổn định, mà ngược lại đó là hoạt động đang rất có vấn đề.
Người báo cáo có lẽ muốn nói sự ổn định an toàn theo nghĩa rằng các đập thủy điện chưa cái nào bị bục vỡ, nhưng thay vì nói rõ ràng thì lại 'lập lờ đánh lận con đen' làm đẹp cho bức tranh ổn định an toàn cho các đập thủy điện.
Trên thực tế không chỉ vụ thủy điện Hố Hô vừa rồi mà năm 2009 thủy điện trên sông Ba Hạ của tỉnh Phú Yên cũng xả lũ góp phần nhấn chìm nhà dân, khiến 98 người chết, 20 người mất tích. Năm 2014 các đập thủy điện miền Trung cũng xả lũ làm tăng hậu quả thiên tai làm chết 41 người, 5 người mất tích và 74 người bị thương.
Nhiều vụ khác xảy ra rải rác trên phạm vi cả nước mỗi năm, như thế các đập thủy điện đang hoạt động rất có vấn đề chứ không phải an toàn ổn định.
Trong một đoạn khác báo cáo viết: 'Bộ Công thương đã phê duyệt 154 quy trình vận hành hồ chứa và hiện nay một số quy định về quản lý an toàn đập đã không còn phù hợp, chưa được sửa đổi'.
Bản báo cáo không nêu rõ đập thủy điện Hố Hô có được Bộ công thương phê duyệt quy trình vận hành không. Và tại sao lại nói 'hiện nay một số quy định về quản lý an toàn đập đã không còn phù hợp, chưa được sửa đổi'?
Quy trình vận hành đập thủy điện là cái có nguy cơ gây hại đến tính mạng tài sản của hàng vạn người nên đòi hỏi phải tính toán khoa học để đảm bảo an toàn lâu dài. Tại sao mới có vài năm hoặc được chục năm đã thấy không còn phù hợp? Hoạt động của đập thủy điện thì có yếu tố gì phụ thuộc vào sự thay đổi theo thời gian?
Hiện nay hay một chục năm trước thì mục tiêu đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của người dân vẫn quan trọng không thay đổi. Hiện nay hay chục năm trước các thông số kỹ thuật trong xây dựng quy trình vận hành như độ cao, chiều sâu, khối lượng, khoảng cách thì có gì khác nhau?
Vậy thì phải nói quy trình vận hành hồ chứa đã tính toán sai do dốt nát, hoặc vì lòng tham hay đút lót nên đã dễ dãi lỏng lẻo không đặt ra những phép tính chính xác nhằm đảm bảo an toàn. Cho nên bây giờ từ cái thực tế gây họa mới đặt ra phải làm lại cho nghiêm túc.
Chứ còn nếu tính toán đúng đắn khoa học thì cái kết quả có thể sử dụng được 50 năm, 100 năm chứ không chỉ vài năm đã thấy không còn phù hợp. Vì cái quy trình vận hành thủy điện có các yếu tố thuộc về khoa học tự nhiên, nó không thay đổi như các quy định pháp luật thuộc về khoa học xã hội.
Việc lồng vào nội dung 'đến nay không còn phù hợp, chưa được sửa đổi' trong bản báo cáo gửi Quốc hội là để lợi dụng cái nhận thức theo thói quen của các nhà làm luật, những người thường chấp nhận sửa đổi các quy định pháp luật sau một thời gian nếu thấy không còn phù hợp.
Sự ngụy biện đánh tráo khái niệm tinh vi khiến cho ngay các Đại biểu Quốc hội cũng có thể bị nhầm lẫn, giúp giảm tránh trách nhiệm cho cơ quan quản lý ngành trong việc đánh giá phê duyệt các quy trình vận hành đập thủy điện.
Một đoạn khác khi nói về những tồn tại thực tế, bản Báo cáo cho rằng: 'Đa số cán bộ làm công tác quản lý an toàn đập tại các địa phương không có chuyên môn về xây dựng, thủy lợi...'
Đây là lỗi thuộc về cơ quan quản lý ngành là Bộ công thương chứ không chỉ là lỗi yếu kém chuyên môn của cấp dưới. Vì vấn đề năng lực chuyên môn của các địa phương đúng ra phải được thấy ngay từ đầu, từ khi trước khi cho làm thủy điện, chứ không phải bây giờ mới nhận ra.
Nhà quản lý phải dự liệu được thực tế và lường tính được tương lai, khi đã thấy năng lực quản lý còn yếu kém thì không thể dễ dãi cho xây dựng mấy trăm đập thủy điện, để bây giờ gây tác hại.

Bạo hành nhận thức

Lụt ở Hương Khê, Hà TĩnhImage copyrightAFP
Image captionLụt ở Hương Khê, Hà Tĩnh
Điểm qua một vài nội dung trong một văn bản Báo cáo đã cho thấy những phép ngụy biện tinh vi gây hại cho nhận thức của người dân.
Trong thực tế còn nhiều ví dụ cho thấy tình trạng ngụy biện, ví như vụ một phóng viên bị đánh khi tác nghiệp, rõ ràng là một cú đấm thì người ta lại nói là gạt tay vào má, một cú đá thì lại nói là giơ chân hơi cao. Đó là những ngôn từ bóp méo sự thật làm sai lệch vấn đề một cách thô bạo.
Hay những câu nói có tính ngụy biện thỉnh thoảng xuất hiện như 'không nên', 'phản cảm', 'đúng quy trình' và 'lỗi tại người đánh máy' tất cả đều bóp méo bản chất, làm thay đổi tính chất nghiêm trọng của sự việc.
Trong vụ thủy điện Hố Hô, sau khi những hình ảnh ngũ ngập lụt đến với đông đảo cộng đồng, thì một số cán bộ nhà máy lại phán ngôn là đập xả lũ 'đúng quy trình', hay một vị thuộc Tổng cục năng lượng lại cho rằng việc xả lũ là 'chấp nhận được'.
Những phát ngôn kiểu đó khiến người dân không khỏi bất bình, nó như một kiểu bức hại về nhận thức và cảm xúc.
Tình trạng này cho thấy một số tầng lớp cán bộ hiện nay đạo đức công vụ yếu kém, luôn dùng luận điệu ngụy biện chối bỏ trách nhiệm. Tính mạng và tài sản của người dân không thể đặt vào tay những cán bộ quản lý như vậy.
Người dân thường không nhận ra những phép ngụy biện đánh tráo khái niệm khiến họ hiểu sai bản chất sự việc, và ngay cả khi mơ hồ nhận ra có điều gì không đúng thì họ lâm vào trạng thái ức chế bực bội vì không thể hiểu biết rõ ràng và không thể đáp trả lại cái thông tin đã đến với họ.
Hệ quả là người dân bị bạo hành về mặt nhận thức, họ biết có điều gì sai nhưng không hiểu rõ được vấn đề vì sự tinh vi trong những lời ngụy biện. Người dân lâm vào tình trạng mơ hồ về bản chất sự việc, mơ hồ về chân lý đúng sai và cảm thấy khó khăn trong tư duy hay bị bạo hành về nhận thức.
Bài phản ánh văn phong và quan điểm riêng của tác giả, giám đốc công ty luật Công chính ở Hà Nội.

'Tôi từng thấy dự án tỷ đô vô vọng vẫn được duyệt'

"Tôi cũng được chứng kiến một dự án đầu tư hàng tỉ đô la Mỹ được đệ trình vào giữa cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, và mặc dù bị các chuyên gia tài chính đánh giá là “vô vọng”, nó vẫn được phê duyệt một cách rất nhầm lẫn".
Làm thế nào để giải quyết mâu thuẫn (hoặc sự không đồng nhất) hiện nay giữa phát triển kinh tế - thông qua các dự án kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội, lợi ích cộng đồng? TBKTSG trao đổi với luật sư Nguyễn Tiến Lập, Văn phòng Luật sư NHQuang & Cộng sự, Trọng tài viên VIAC.

Phóng viên: Theo ông, việc xem xét, đánh giá và ra quyết định thực hiện một dự án kinh tế nên như thế nào? Vai trò, tiếng nói của người dân - cộng đồng liên quan và toàn xã hội về tác động của dự án đối với họ ra sao?
Formosa, Luật đầu tư, tăng trưởng kinh tế, thu hút đầu tư
Luật sư Nguyễn Tiến Lập. Ảnh: TBKTSG
- Luật sư Nguyễn Tiến Lập: Có thể nói rằng bất cứ dự án đầu tư nào cũng gây ra các tác động về nhiều mặt như kinh tế, xã hội và môi trường, dự án càng lớn thì các tác động gây ra càng lớn. Đặc biệt lưu ý là các tác động đó không bao giờ chỉ là tích cực, có dự án mang lại lợi ích về kinh tế nhưng lại có ý nghĩa tiêu cực về xã hội và phải trả giá về môi trường, điển hình là dự án thép của Công ty Formosa ở Hà Tĩnh như chúng ta đã biết.
Tuy nhiên, có một thực tế là trải qua bao nhiêu lần xây dựng và sửa đổi các luật về đầu tư, chúng ta vẫn đi theo một lối mòn tư duy rất cũ và bị trói buộc bởi cách tiếp cận một phía và một chiều. Đó là khi đánh giá các tác động của dự án thì chủ yếu chỉ căn cứ vào sự giải trình của chính nhà đầu tư và sự thẩm định của các cơ quan nhà nước mà quên đi quan điểm và tiếng nói của các tổ chức chuyên môn độc lập và đặc biệt là người dân, với tư cách là đối tượng chịu sự tác động trực tiếp.
Tại sao lại như vậy? Có lẽ bởi bao lâu nay, chúng ta luôn luôn tự cho rằng Nhà nước là đại diện của dân nên luôn luôn nghĩ thay và lo hộ cho dân rồi! Nhưng những gì diễn ra với dự án thép Formosa đã chứng minh hùng hồn rằng điều đó sai...
Trên thế giới, không ở đâu người ta có lối tư duy đơn giản như vậy cả. Cho nên, đối với mỗi dự án đầu tư, dù là ở quy mô nhỏ và tác động không lớn, nhưng hễ có một số lượng nhất định người dân phản đối là người ta cho dừng dự án ngay để xem xét lại, nếu không dừng hẳn thì ít nhất cũng buộc phải giải trình cho người dân hiểu rõ hơn.
Từ cách tiếp cận lấy tăng trưởng kinh tế làm mục tiêu đến coi con người làm trung tâm là một chặng đường đấu tranh để thay đổi nhận thức khá dài. Năm 2011, Liên hợp quốc đã ban hành bản khuyến nghị về các nguyên tắc chung về kinh doanh và nhân quyền. Theo đó, không chỉ Nhà nước mà cả các nhà đầu tư và doanh nghiệp cũng buộc phải tôn trọng và bảo về các quyền con người đã được pháp luật thừa nhận, trong đó có các quyền quan trọng như quyền sinh kế, quyền được hưởng môi trường trong sạch và an toàn cho sức khỏe, quyền bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống và cộng đồng...
Từ thời điểm này và cả trước đó, ở nhiều quốc gia, một nguyên lý hành động và ứng xử mới đã được cả chính quyền và các doanh nghiệp lớn cam kết tuân thủ. Đó là, đối với một dự án đầu tư, người dân trực tiếp và các cộng đồng dân cư bị ảnh hưởng đều có quyền tham gia vào quá trình đánh giá các tác động kinh tế, xã hội và môi trường có liên quan. Thậm chí, trong nhiều trường hợp, khi phê duyệt dự án, chính quyền còn cho phép cả hai bên, tức nhà đầu tư và người dân, cùng đồng thời đánh giá tác động và phản biện lẫn nhau. Rất tiếc rằng cả nhận thức và thực tế này đường như còn khá mới mẻ và xa lạ với đất nước chúng ta.
Làm sao để hạn chế sự câu kết giữa chính quyền địa phương, các quan chức với các ông chủ dự án nhằm lách luật, thậm chí là vượt qua luật? Hay bản thân luật hiện nay cũng có vấn đề, cũng tạo môi trường cho sự câu kết này, thưa ông?
- Cũng phải thừa nhận là sự câu kết giữa chính quyền và các quan chức địa phương với các nhà đầu tư và chủ dự án có thể xảy ra ở khắp nơi, không chỉ Việt Nam. Lý do đơn giản là bởi các lợi ích trước mắt cho tất cả các bên như: thành tích chính trị về tăng trưởng và tạo việc làm cho các nhà chính trị địa phương, các lợi ích vật chất mà các quan chức có được thông qua đường dẫn tham nhũng, tiêu cực; còn người dân bình thường thì có thể nhất thời ủng hộ và hoan nghênh dự án do bị lừa dối và cả tin vào các điều hứa hẹn về tương lai tốt đẹp hơn.
Vậy thì luật pháp có thể giúp được gì nhằm hạn chế sự câu kết này? Theo tôi, vấn đề không chỉ là thực thi luật pháp mà trước hết ở chất lượng của pháp luật. Câu hỏi cụ thể là: pháp luật có thực sự thể hiện tính khoa học, dân chủ, nhân văn và lẽ công bằng hay không, hay pháp luật được tạo ra chỉ như một công cụ để bảo vệ lợi ích của một nhóm xã hội nào đó, thậm chí là các lợi ích được theo đuổi tại một thời điểm chính trị - xã hội nhất định nào đó?
Phân tích ở khía cạnh này, tôi cho rằng các luật về đầu tư, kinh doanh của chúng ta trước đây và cả Luật Đầu tư hiện giờ đã và đang có rất nhiều vấn đề căn bản. Xét từ góc độ lợi ích của nhà đầu tư, chúng ta không tôn trọng các nguyên lý thị trường. Xét theo quan điểm bảo vệ lợi ích của người dân, chúng ta không hướng tới mục tiêu bảo về các quyền của họ. Thay vào đó và trên tất cả, một tinh thần toát lên vẫn là kiểm soát và quản lý của Nhà nước, được nhấn mạnh tới mức nhiều người nhận xét là không hiểu động cơ của điều đó là gì, bởi nó không gắn với lợi ích nào cụ thể cả. Cá nhân tôi ủng hộ quan điểm xem xét lại sự cần thiết tồn tại của chính Luật Đầu tư hiện nay.
Các dự án kinh tế lớn hiện nay chủ yếu được thực hiện bằng vốn vay, cả trong nước và nước ngoài. Những rủi ro nào cần cân nhắc khi quyết định có cho thực hiện một dự án hay không, thay vì chỉ nhìn vào chiếc bánh vẽ mà chủ đầu tư trưng ra?
- Trong khía cạnh cụ thể này, tức quy mô vốn hay tài chính của dự án, tôi cho rằng đang tồn tại cả sự nhầm lẫn lẫn sự có chủ ý từ phía các cơ quan phê duyệt. Nhầm lẫn ở chỗ, về bản chất kinh tế, không có dự án lớn nào được thực hiện bởi chính người đang được gọi là “chủ đầu tư” cả, và đối với các dự án hàng tỉ đô la Mỹ thì câu trả lời càng tuyệt đối là “không”. Thay vào đó, các ông chủ dự án chỉ đóng vai trò người phát triển (tức developer) và là người bỏ ra các chi phí ban đầu. Còn chủ sở hữu thật sự của dự án bao giờ cũng là các ngân hàng và định chế tài chính.
Ở các nước, đối với một dự án đầu tư, người dân trực tiếp và các cộng đồng dân cư bị ảnh hưởng đều có quyền tham gia vào quá trình đánh giá các tác động kinh tế, xã hội và môi trường có liên quan.
Đã từng tham dự các cuộc họp thẩm định dự án, tôi chưa thấy các cơ quan phê duyệt tham khảo ý kiến các nhà tài trợ hoặc nhà tư vấn, môi giới tài chính mà chỉ tập trung chất vấn các developer mà thôi, hay cùng lắm là đòi cho xem các tờ giấy cam kết tài trợ của ngân hàng nào đó, vốn không có giá trị pháp lý thực sự nào cả. Tôi cũng được chứng kiến một dự án đầu tư hàng tỉ đô la Mỹ được đệ trình vào giữa cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, và mặc dù bị các chuyên gia tài chính đánh giá là “vô vọng”, nó vẫn được phê duyệt một cách rất nhầm lẫn.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, cũng còn có cả sự chủ ý của cơ quan phê duyệt, đặc biệt là các cơ quan địa phương. Đó chính là chủ trương săn đuổi các dự án có quy mô vốn lớn. Quy mô lớn thì tính phức tạp càng cao và dự án càng tạo cơ hội trục lợi lớn hơn cho các cán bộ “câu kết”. Đồng thời, cái bánh vẽ được tạo ra cũng càng lớn hơn, ít nhất có lợi cho sự quảng bá về thành tích chính trị trong phát triển kinh tế của địa phương.
Formosa, Luật đầu tư, tăng trưởng kinh tế, thu hút đầu tư
Có một thực tế là khi đánh giá các tác động của dự án thì chủ yếu chỉ căn cứ vào sự giải trình của nhà đầu tư và sự thẩm định của các cơ quan chức năng mà quên đi quan điểm và tiếng nói của các tổ chức chuyên môn độc lập và đặc biệt là người dân. Ảnh: Daidoanket.vn/ TBKTSG
Có dự án ra đời sau này trong bối cảnh quy hoạch về sử dụng đất, quy hoạch phát triển ngành đã có nhưng các quy hoạch đó dễ dàng được sửa đổi để hợp thức hóa dự án hoặc ngược lại? Vậy thì, theo ông, các quy hoạch này có ý nghĩa gì? Cần thay đổi tư duy và cách làm quy hoạch ra sao?
- Có thể nói rằng vấn đề quy hoạch cũng đang là một nhức nhối khác đối với xã hội và người dân. Công tác quy hoạch dường như không còn sự tín nhiệm xã hội nào bởi cả tính mục tiêu, tính khoa học, sự minh bạch và công bằng lẫn sự ổn định của các bản quy hoạch. Trong trạng thái lý tưởng, công tác quy hoạch hỗ trợ cho sự phát triển đồng đều, hài hoà và bền vững, đồng thời các bản quy hoạch trở thành hành lang pháp lý cho các dự án đầu tư cụ thể. Bởi xét cho cùng, hiệu quả và hiệu lực quản lý vĩ mô của Nhà nước có trọng tâm chính ở quy hoạch.
Tuy nhiên, rất tiếc rằng trong những năm qua, điều tiêu cực nhất ảnh hưởng đến chất lượng các bản quy hoạch là tính chủ quan, duy ý chí của những người làm ra nó, lấy kế hoạch áp đặt lên thị trường. Ngoài ra, yếu tố làm cho các bản quy hoạch không còn tính pháp quy là sự dễ dàng bị uốn nắn hay sửa đổi bởi các nhóm lợi ích có thế lực trong xã hội thông qua các dự án đầu tư cụ thể.
Chúng ta đang có quá nhiều quy hoạch lại ở mức độ quá chi tiết, do đó, nó luôn luôn thiếu các phương tiện và nguồn lực để thực hiện. Không cấp chính quyền nào muốn các quy hoạch của mình thất bại cả, do đó, chỉ cần có dự án đầu tư như một nguồn lực xuất hiện là người ta sẵn sàng cho phép thương lượng để chỉnh sửa quy hoạch. Mâu thuẫn này là có thật và tồn tại ở mọi nơi. Tuy nhiên, chỉ có thể giải quyết nó bằng những người làm quy hoạch thật sự công tâm vì sự phát triển đất nước, đồng thời với sự nhận thức đúng đắn bản chất thị trường của nền kinh tế trong mối quan hệ với vai trò điều tiết vĩ mô của Nhà nước, hơn là các ý kiến đề xuất về xây dựng Luật Quy hoạch một cách giản đơn.
TheoMỹ Lệ/ Thời báo Kinh tế Sài Gòn

Chở thi thể bằng xe máy: Nỗi ám ảnh từ Khâu Pùm

Ngày nay, người ta không thể nhịn được bi thương trước hình ảnh một thi thể bó chiếu buộc trên xe gắn máy.
Khâu Pùm là đỉnh núi cao nhất của huyện Quỳnh Nhai, Sơn La. Nó cao hơn 1800 mét so với mặt nước biển, tức là, nếu đứng ở đây, dù cho Quỳnh Nhai là một huyện sơn cước với nhiều chia cắt về địa hình, cũng có thể nhìn thấy nhiều thứ bị che khuất bởi những cánh rừng và những ngọn núi mờ xanh.
Khâu Pùm, chiều 12/9/2016 chắc cũng đã nhìn thấy một hình ảnh bi thương đã và đang tiếp tục gây sang chấn mạnh cho những trái tim dễ tổn thương của rất nhiều người được gọi chung với cái tên cư dân mạng. Hình ảnh của một thi thể được bó chiếu không đầy, thò ra đôi chân gầy guộc đeo đôi dép tổ ong xỉn màu được buộc phía sau một chiếc xe máy chở về từ Thành phố Sơn La, đến xã Mường Sại, huyện Quỳnh Nhai.
Lò Thị P. một phụ nữ 40 tuổi người dân tộc Thái bị bệnh hiểm nghèo, sau khi rời bệnh viện Lao phổi tỉnh Sơn La trong tình trạng “bệnh viện trả về” thì tử vong, thi thể của chị được bó chiếu, đưa về bằng xe gắn máy. Ngang qua Thành phố Sơn La, hình ảnh này được một thành viên của diễn đàn ô tô, xe máy Việt Nam (oto fun) ghi lại và đưa lên mạng. Ngay sau đó, hình ảnh đã lôi cuốn sự quan tâm, bình luận  của đông đảo thành viên, được like và share với tốc độ chóng mặt, và được một số tờ báo dẫn lại với những câu từ thấm đẫm tình người. Không dừng lại ở những thông tin và hình ảnh ban đầu, những bài báo sau đó tiếp tục cung cấp đủ toàn bộ hồ sơ bệnh án, tiến trình điều trị. Làm gì có thể thỏa mãn cơn khát chia sẻ tình thương của người đọc, những người đưa tin đều đã thực hiện.
chở thi thể, bệnh viện, Sơn La, chở thi thể xe máy
Hình ảnh được một thành viên của diễn đàn ô tô, xe máy Việt Nam (oto fun) ghi lại và đưa lên mạng
Bây giờ, không hiểu độc giả đã có thể như đỉnh Khâu Pùm cao ngất Quỳnh Nhai kia tạm lắng tâm một chút được chưa. Trong vô vàn những dòng trạng thái trên mạng xã hội về hình ảnh thương tâm này, có lẽ những lời sau đây thật là công bình và cảm động “Gần 20 năm đi xa lại thấy lại hình hài ký ức về quê hương gần như chẳng thay đổi là bao bỗng thấy giật mình cay đắng. Có rất nhiều thứ đã thay đổi trong cuộc đời này, ấy vậy mà đường về nhà của những người dân nghèo đâu đó thì vẫn như vậy, quá đỗi nhọc nhằn, quá đỗi đau thương. Ai rồi cũng chết, nhưng được chết như một con người dẫu sao cũng cảm thấy được an ủi”.
Người viết những dòng này, là một cô gái Thái quê ở Sơn La. Cũng giống như cô, những ai sinh ra ở miền núi, hoặc lùi lại chút về thời gian ở các vùng nông thôn Bắc Bộ, chắc không quá lạ lẫm trước việc người ta đã phải về nhà bằng những cách như thế nào, khi bệnh viện đã không còn khả năng cứu chữa.
Có thể quả quyết rằng, so với khoảng vài chục năm trước đây, khi mà người ốm được đưa tới trạm xá bằng một cái cáng do hai người khiêng (ở miền núi) hoặc buộc vào gascbaga xe đạp trước và ghi đông xe đạp sau (ở nông thôn) và khi họ chết, sẽ lại được cáng trở về như vậy, thì việc đưa người trở về trên xe gắn máy đã là một khoảng phát triển về phương tiện, và tốc độ.
Tất nhiên, ngày nay, người ta không thể nhịn được bi thương trước hình ảnh một thi thể bó chiếu buộc trên xe gắn máy. Người ta mặc nhiên xem, giống như ở nhiều bệnh viện tuyến Trung ương, khi được trả về, người sắp mất phải có một xe cứu thương, một bình ô xy và một bác sỹ đi cùng để quan tâm săn sóc.
Hình dung của người  thành thị quả không sai. Nhưng Quỳnh Nhai quê hương của Lò Thị P. có tới hơn 20% số hộ nghèo với thu nhập bình quân dưới 800 ngàn một người một tháng. Hơn thế nữa, P còn là một bệnh nhân Lao đã mất hết những giọt sức cuối cùng trong cơn bạo bệnh, tức là không khó đoán về khả năng lao động của cô trong những năm tháng cuối cùng. Người chết không chọn cho mình cách về. Người sống cũng có không nhiều lựa chọn, địa hình đồi dốc, lung vốn không nhiều, một manh chiếu, một cuốc xe, 62 cây số.
Lựa chọn ấy, hẳn chỉ bi thương đối với những con người đang thừa thãi sự đủ đầy và lòng thương cảm thường được biểu cảm bằng một biểu tượng lập trình sẵn của những kỹ sư phầm mềm máy tính. Dẫu sao, hình ảnh đó cũng đã làm một phần trái tim của xã hội mạng rung lên. Rung lên, tức là còn đập và còn sẵn sàng thổn thức.
Nhưng cơn sang chấn rồi sẽ qua nhanh không như những gì mà Khâu Pùm đã thấy trong tầm mắt ngàn triệu năm của nó…người nghèo không thể giầu lên, không thể chết sang hơn nhờ vào tình thương nhất thời của những người ở xa trên thành phố.
Và từ câu chuyện nhỏ này, chúng ta có thể nhìn thấy, cái hố ngăn cách người giầu và người nghèo, cái dãn cách thành thị và nông thôn miền núi, không chỉ đơn giản là những con số thống kê thu nhập bình quân khô khan, nó còn là sự cách ngăn phi địa lý về quan niệm về nhân bản của mỗi cộng đồng.
Lại Trọng Tình

"Làm lãnh đạo bao năm, tôi vẫn chưa hiểu 'phê bình nghiêm khắc' là thế nào"

“Thú thật đã từng làm lãnh đạo bao nhiêu năm tôi vẫn không hình dung ra nổi hình thức kỷ luật “phê bình nghiêm khắc” là như thế nào. Luật hoặc các quy định không hề có loại khái niệm như vậy và thực tế cũng không hề có!”- ông Nguyễn Minh Nhị bộc bạch.
Tuần Việt Nam giới thiệu kỳ 2 cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Minh Nhị, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh An Giang và LS. Nguyễn Ngọc Bích.
"Có tình trạng là cấp trên có chính sách tốt, nhưng cấp dưới luôn sẵn sàng có “đối sách” quyết liệt, có khi còn vô hiệu hóa tất cả chỉ vì lợi ích cục bộ!”- LS Nguyễn Ngọc Bích kể.
LTS- Những biện pháp cải cách thủ tục hành chính quyết liệt mà Chính phủ tiến hành thời gian qua đang gặp phải sự kháng cự không ít từ chính bộ máy hành chính quan liêu.Tuần Việt Nam có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Minh Nhị- nguyên Chủ tịch UBND tỉnh An Giang và Luật sư Nguyễn Ngọc Bích.
Thưa ông, những chủ trương quyết liệt của Chính phủ trong thời gian qua như cải tiến môi trường kinh doanh, bãi bỏ giấy phép con đã được ủng hộ và hoan nghênh, song vẫn còn tồn tại nhiều bất cập chưa được giải quyết như nạn tham nhũng, vòi vĩnh, các ông có biết thực hư chuyện này như thế nào?
Ông Nguyễn Minh Nhị: Những việc mà Chính phủ và các cơ quan chức năng đang tiến hành là cần, là quan trọng nhưng vẫn chưa chạm được tới gốc gác vấn đề.
Bản chất của vấn đề không nằm ở thủ tục, cải cách hành chính mà ở công tác cán bộ. Chuyện này nguy hiểm vì nó không có điểm dừng, cho nên có nhiều vấn đề gọi tên không được.
Nguyên cả bộ máy thực hiện mà không gọi tên được thì có ai lên tiếng? Vì vậy không thể quy trách nhiệm. Mà nếu có quy được thì cũng khó mà xử lý tới nơi tới chốn.
Anh thử đi hỏi những đối tượng như doanh nhân hay luật sư, những người trực tiếp cọ xát với bộ máy đang được cải cách mà xem. Cái gì đang thực sự cản trở, thậm chí “chống cự”, sau đó bắt tay cải cách chính những đó.
doanh nghiệp, thủ tục hành chính, chính sách,vợ chồng
Doanh nghiệp sợ nhất là “phí” không chính thức
Thưa ông Nguyễn Ngọc Bích, là người gần gũi, gắn bó với doanh nghiệp, ông nhận thấy những cải cách mạnh mẽ, quyết liệt của Chính phủ, đặc biệt là Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thời gian qua đã ảnh hưởng tích cực đến  môi trường kinh doanh như thế nào? Những cải cách ấy liệu có đủ mạnh để giúp Chính phủ đạt được mục tiêu từ “Chính phủ kiến tạo” thành “Chính phủ phục vụ”?
LS. Nguyễn Ngọc Bích: Chuyển đổi từ nhà nước quản lý sang nhà nước phục vụ là vô cùng khó khăn. Khó khăn lắm.
Doanh nghiệp sợ nhất là “phí” không chính thức, tức là phí chạy công việc cho người phụ trách trực tiếp và sếp của ông ấy phía sau. Luôn có 2 người như vậy. Gọi nôm na là phí “bôi trơn” đấy.
Doanh nghiệp hoạt động phải chịu nhiều loại phí. Nhưng tất cả các loại phí khác không sợ bằng phí “bôi trơn”.
Bản chất là tiền hối lộ phải không ạ?
LS. Nguyễn Ngọc Bích: Đúng rồi! Đó là tiền hối lộ!
Bên đưa hối lộ hoàn toàn tự nguyện trong chuyện này nên im lặng, chấp thuận cho nên phải tốn tiền mà không kêu ca gì?
LS. Nguyễn Ngọc Bích: Đúng. Không kêu được. Vì nếu kêu thì không được việc. Người ta sử dụng quyền chứ không phải giúp đỡ! Cho nên đổi từ Nhà nước quản lý sang Nhà nước phục vụ khó lắm.
Có nhiều thủ tục hành chính ẩn trong các điều khoản của các Thông tư, Nghị định được loại bỏ, có nghĩa là đã tháo bớt rào cản pháp lý và gỡ bỏ những “công cụ” cứng nhắc không phù hợp…. Vậy sao dường như những khó khăn liên quan tới thủ tục hành chính cho doanh nghiệp vẫn còn rất nhiều chuyện đến mức có những doanh nghiệp có cảm giác gần như chưa sửa được gì? Mấu chốt là ở đâu vậy?
LS. Nguyễn Ngọc Bích:  Ví dụ tôi là chủ tòa nhà văn phòng này, tôi ra quy định rất nghiêm là phải tận tình, đàng hoàng với khách đi vào đây làm việc. Nhưng người bảo vệ , tức người trực tiếp sẽ cho khách vào hay không  cứ muốn “tranh thủ” kiếm chác, vòi vĩnh khách. Ai muốn vào phải đưa tiền, còn không tìm mọi cách đòi hỏi phải thế này thế kia để không xòe tiền ra thì không vào được.
Môi trường pháp lý của chúng ta đang trong tình trạng như thế!
Có nghĩa là, quy định hay luật có nghiêm tới đâu đi nữa thì người trực tiếp phụ trách công việc là rất quan trọng. Ta phải nhìn vào chỗ đó chứ đừng nhìn chỗ khác. Chỗ đó chính là gốc của vấn đề.
Nếu người viên chức làm việc với tâm thế phục vụ thì giấy phép con chẳng có ý nghĩa gì cả!
Tôi có thể hiểu, nhân tố con người quan trọng nhất trong mọi vấn đề?
LS. Nguyễn Ngọc Bích: Đúng, viên chức trực tiếp xử lý và người thủ trưởng phụ trách là quan trọng nhất. Quan trọng và quyết định hơn  giấy phép con hay điều kiện kinh doanh rắc rối. Giống như quy định vào tòa nhà như thế nào không quan trọng bằng anh gác cửa vậy!
Nếu đã biết vậy, tại sao không tập trung xử lý anh gác cửa? Chắc chắn khách mà không vào tòa nhà được, họ sẽ chẳng ngại ngần gì mà không phản ánh với chủ nhà?
LS. Nguyễn Ngọc Bích: Cái đáng nói là không xử lý được. Tức là không chế tài được!
Cho nên, trong nhiều trường hợp doanh nghiệp muốn giải quyết công việc thì đành chấp nhận “dàn xếp dưới gầm bàn” cho xong!
Biết là vô lý nhưng không còn cách nào khác!
Theo ông, lý do tại sao lại không chế tài được? Nếu đã có quyết tâm làm tới cùng thì sẽ có cách? Theo ông, có hay không, vấn nạn này cứ dai dẳng nguyên do là có sự “tiếp tay ngầm” từ phía doanh nghiệp?
LS. Nguyễn Ngọc Bích: Anh nói thế chứ không làm được đâu. “Đấu tranh” thì “tránh đâu”. Công việc mà không giải quyết xong thì sao mà làm ăn được.
Còn chế tài cán bộ làm sai hay vòi vĩnh, gây khó cho doanh nghiệp? Tôi kể chuyện này để anh tự rút ra câu trả lời. Hãy xem trường hợp ở TP.HCM, Bí thư Đinh La Thăng đi kiểm tra chỉ đạo cách chức trưởng phòng TN – MT huyện Hóc Môn thì biết, nhiêu khê vô cùng. Nếu báo chí không vào cuộc có khi còn kéo dài nữa!
Có tình trạng là cấp trên có chính sách tốt nhưng cấp dưới sẵn sàng có “đối sách” đối phó quyết liệt không kém, có khi vô hiệu hóa tất cả chỉ vì lợi ích cục bộ!
Có ý kiến cho rằng, một số biện pháp chế tài hiện nay vẫn chưa đủ mạnh để cán bộ Nhà nước phải làm tròn bổn phận công vụ?
LS. Nguyễn Ngọc Bích: Tôi đồng hành, trợ giúp pháp lý cho doanh nghiệp nên thấu hiểu rõ.
Chính quyền nào cũng hoạt động theo thể chế có thể vận hành từ trên xuống dưới, từ phải qua trái. Tất cả các thể chế hành chính đều vận hành như vậy hết.
Ở ta, khi một người đứng đầu vi phạm quy chế công vụ, nhũng nhiễu doanh nghiệp, nếu bị tố giác hay bị phát hiện thì việc xử lý đầu tiên là về mặt Đảng.
Có một qui luật chung là nếu quyền lực mà không bị chế tài, kiểm soát thì ắt sinh ra lạm quyền, xem thường pháp luật!
thể chế, chính quyền, doanh nghiệp, hành chính
LS Nguyễn Ngọc Bích. Ảnh: Trần Bình
Ông Nguyễn Minh Nhị từng có thời gian dài làm trong bộ máy chính quyền. Từ những bài học thực tiễn, ông có chia sẻ như thế nào với ý kiến của LS. Nguyễn Ngọc Bích?
Ông Nguyễn Minh Nhị: Ý kiến này rất đúng, rất chính xác!
Ở ta đây đó vẫn có hiện tượng, khi có lỗi, có sai thì họ lại viễn dẫn “ việc này của tập thể cấp ủy”, ì vậy không quy trách nhiệm được.
Vậy thì điều gì đang khiến cho hiệu lực pháp luật chưa thực sự mạnh mẽ?
Ông Nguyễn Minh Nhị: Nếu công tác “lãnh đạo” và công tác “quản lý” mà lệch pha sẽ không chỉ làm giảm hiệu lực mà còn phát sinh ra một thứ văn hóa “nịnh bợ” rất tệ hại.
Lẽ thông thường xưa nay cấp dưới nịnh cấp trên. Nhưng ở ta cấp trên phải nịnh cấp dưới. Làm lãnh đạo vừa phải nịnh cấp trên và vừa nịnh cấp dưới. Bởi không nịnh cấp dưới thì bầu cử họ không bầu cho. Bầu thi đua ở cơ quan cũng không được chứ đừng nói những cái khác xa hơn.
Khi anh lãnh đạo ra ứng cử thì đưa ra tổ dân phố bình bầu. Cho nên phải nịnh tất tần tật. Bởi vậy cho nên người lãnh đạo đôi khi cũng khó nghiêm khắc, quyết liệt.
thể chế, chính quyền, doanh nghiệp, hành chính
Ông Nguyễn Minh Nhị. Ảnh: Tuổi trẻ
Thời kỳ ông Nguyễn Minh Nhị giữ cương vị Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, ông có gặp phải trường hợp nào tương tự không?  
Ông Nguyễn Minh Nhị: Sao mà tránh được?! Tôi cũng từng ra lệnh cách chức, kỷ luật, ra lệnh báo cáo …những trường hợp không chấp hành chỉ đạo. Nhưng cấp dưới chẳng làm thì cũng cười trừ chứ làm gì bây giờ?!
Cho nên, chúng ta muốn cải cách, thay đổi điều gì thì phải xác định và bắt đầu từ gốc rễ, bản chất của vấn đề.
Ông có thể nói cụ thể hơn?
Ông Nguyễn Minh Nhị: Gốc là cách  lãnh đạo và quản lý đất nước và nền kinh tế này.
Có hiện tượng do năng lực yếu nên sợ, phải bủa lưới, phóng lao, bày ra cái này, cái kia để giữ cho được quyền hành, thể hiện qua việc ban hành nghị định, qui định. Cho nên mới có chuyện khi Chính phủ rà soát, yêu cầu tháo lưới ra, nhưng được ít bữa nữa có lãnh đạo mới thì lại tìm cách lẻn bổ sung thêm nhiều tấm lưới nữa.
Nếu muốn sửa phần gốc vấn đề thì phải sửa từ thể chế tổ chức, rồi cơ chế, pháp chế. Chứ hiện nay có hiện tượng cấp trên ra lệnh, cấp dưới không thi hành nghiêm túc nhưng cuối cùng chẳng làm gì được cả.
Ở Đài Loan ví dụ, nếu có động đất lớn mà nhà bị sập thì sẽ cho bắt chủ thầu ngay, mọi việc tính sau. Còn ta đây đó vẫn còn chuyện xử lấp lửng đánh lận con đen, nào là “kỷ luật phê bình nghiêm khắc”, “xử lý nghiêm khắc”!
Thú thật đã từng làm lãnh đạo bao nhiêu năm tôi vẫn không hình dung ra nổi hình thức kỷ luật “phê bình nghiêm khắc” là như thế nào. Luật hoặc các quy định không hề có loại khái niệm như vậy và thực tế cũng không hề có!
Xin cảm ơn ông Nguyễn Minh Nhị và LS. Nguyễn Ngọc Bích đã dành thời gian trao đổi.

Thứ Năm, 13 tháng 10, 2016

John Kerry: 'Chỉ có chủ nghĩa tư bản' ở Việt Nam

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry khi thăm Việt Nam ngày 7/8/2015Image copyrightGETTY IMAGES
Image captionNgoại trưởng Mỹ John Kerry khi thăm Việt Nam ngày 7/8/2015
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nói chỉ còn "chủ nghĩa tư bản cuồng nhiệt" tại Việt Nam.
Ông John Kerry đề cập Việt Nam khi phát biểu tại một hội thảo về internet, Virtuous Circle, ở California hôm 10/10.
"Chúng tôi đã mở cửa Cuba. Một trong những yếu tố trong ngoại giao của chúng tôi khi mở cửa Cuba là gia tăng sự tiếp cận internet cho người dân Cuba. Điều đó đang xảy ra. Không nhanh như chúng tôi muốn, nhưng đang xảy ra."
"Bạn đến một nơi như Việt Nam. Tôi đã từng chiến đấu tại Việt Nam, chúng tôi được cho là đến để ngăn cản nơi này biến thành cộng sản. Chúng ta mất hơn 58.000 sinh mạng để làm điều đó trong 10 năm, cuộc chiến dài nhất lịch sử Hoa Kỳ. Và các bạn đoán được không? Cách chúng tôi làm là mở cửa và bình thường hóa quan hệ, mà John McCain và tôi đã dẫn đầu cùng nhau, dỡ bỏ cấm vận để có kinh doanh. Và nay không còn dấu vết của "chủ nghĩa cộng sản", theo nghĩa là một kế hoạch và lý thuyết kinh tế."
"Ở đó là chủ nghĩa tư bản cuồng nhiệt, có internet mà người dân được tiếp cận. Đó vẫn là một quốc gia độc đảng độc đoán, và không may là vẫn còn vi phạm nhân quyền, nhiều thứ khác, nhưng theo thời gian, đất nước này đang chứng tỏ thay đổi."

'Thay đổi đang diễn ra'

Ngoại trưởng Mỹ tháp tùng Tổng thống Barack Obama thăm Việt Nam ngày 23/5/2016Image copyrightGETTY IMAGES
Image captionNgoại trưởng Mỹ tháp tùng Tổng thống Barack Obama thăm Việt Nam ngày 23/5/2016
Ông John Kerry đã nhiều lần nói điều tương tự về Việt Nam trong một số sự kiện gần đây.
Hôm 4/10, khi thăm Brussels, Bỉ, Ngoại trưởng Mỹ nhắc lại quan điểm Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ "nâng các tiêu chuẩn" tại Việt Nam.
Ông nói tiếp: "Tôi vừa quay lại đó với Tổng thống Mỹ loan báo việc mở Đại học Fulbright, hoàn toàn tự do về học thuật và sẽ đào tạo thế hệ lãnh đạo kế tiếp của Việt Nam tại một đất nước hoàn toàn tư bản ngày hôm nay, không phải cộng sản."
"Cộng sản là một lý thuyết kinh tế, và bạn không thấy một chút hơi thở của chủ nghĩa cộng sản tại Việt Nam."
"Bạn thấy chủ nghĩa độc đoán, một chính phủ độc đảng, và dĩ nhiên đó không phải là lựa chọn của chúng tôi."
"Nhưng thay đổi đang diễn ra. Và lợi ích của những thỏa thuận thương mại này là chúng không đem lại cuộc đua xuống dưới, nếu được soạn thảo đàng hoàng, mà đem lại cuộc đua lên đỉnh cao."

'Tự hào'

Hôm 29/9, phát biểu tại Washington DC, Ngoại trưởng Mỹ lại nhắc đến ví dụ Việt Nam, rằng những gì đang diễn ra tại đây là "không thể tin được".
"Hiện nay nhà cao tầng khắp mọi nơi, giao thông, người dân mặc quần jean xanh, đồ phương Tây, mong muốn giao lưu với thế giới. Lối sống thay đổi nhanh, có tầng lớp trung lưu, cơ hội đầu tư."
Ông John Kerry nhấn mạnh "chuyển hóa thông qua ngoại giao".
"Nếu anh tiến hành chiến tranh, thì phải đánh nhau cho đúng, và sau chiến tranh cũng phải làm cho đúng."
"Tôi nghĩ chúng ta đã làm sai phần đầu, và làm đúng phần sau, và tôi rất tự hào về điều đó."