Thứ Hai, 24 tháng 10, 2016

"Làm lãnh đạo bao năm, tôi vẫn chưa hiểu 'phê bình nghiêm khắc' là thế nào"

“Thú thật đã từng làm lãnh đạo bao nhiêu năm tôi vẫn không hình dung ra nổi hình thức kỷ luật “phê bình nghiêm khắc” là như thế nào. Luật hoặc các quy định không hề có loại khái niệm như vậy và thực tế cũng không hề có!”- ông Nguyễn Minh Nhị bộc bạch.
Tuần Việt Nam giới thiệu kỳ 2 cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Minh Nhị, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh An Giang và LS. Nguyễn Ngọc Bích.
"Có tình trạng là cấp trên có chính sách tốt, nhưng cấp dưới luôn sẵn sàng có “đối sách” quyết liệt, có khi còn vô hiệu hóa tất cả chỉ vì lợi ích cục bộ!”- LS Nguyễn Ngọc Bích kể.
LTS- Những biện pháp cải cách thủ tục hành chính quyết liệt mà Chính phủ tiến hành thời gian qua đang gặp phải sự kháng cự không ít từ chính bộ máy hành chính quan liêu.Tuần Việt Nam có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Minh Nhị- nguyên Chủ tịch UBND tỉnh An Giang và Luật sư Nguyễn Ngọc Bích.
Thưa ông, những chủ trương quyết liệt của Chính phủ trong thời gian qua như cải tiến môi trường kinh doanh, bãi bỏ giấy phép con đã được ủng hộ và hoan nghênh, song vẫn còn tồn tại nhiều bất cập chưa được giải quyết như nạn tham nhũng, vòi vĩnh, các ông có biết thực hư chuyện này như thế nào?
Ông Nguyễn Minh Nhị: Những việc mà Chính phủ và các cơ quan chức năng đang tiến hành là cần, là quan trọng nhưng vẫn chưa chạm được tới gốc gác vấn đề.
Bản chất của vấn đề không nằm ở thủ tục, cải cách hành chính mà ở công tác cán bộ. Chuyện này nguy hiểm vì nó không có điểm dừng, cho nên có nhiều vấn đề gọi tên không được.
Nguyên cả bộ máy thực hiện mà không gọi tên được thì có ai lên tiếng? Vì vậy không thể quy trách nhiệm. Mà nếu có quy được thì cũng khó mà xử lý tới nơi tới chốn.
Anh thử đi hỏi những đối tượng như doanh nhân hay luật sư, những người trực tiếp cọ xát với bộ máy đang được cải cách mà xem. Cái gì đang thực sự cản trở, thậm chí “chống cự”, sau đó bắt tay cải cách chính những đó.
doanh nghiệp, thủ tục hành chính, chính sách,vợ chồng
Doanh nghiệp sợ nhất là “phí” không chính thức
Thưa ông Nguyễn Ngọc Bích, là người gần gũi, gắn bó với doanh nghiệp, ông nhận thấy những cải cách mạnh mẽ, quyết liệt của Chính phủ, đặc biệt là Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thời gian qua đã ảnh hưởng tích cực đến  môi trường kinh doanh như thế nào? Những cải cách ấy liệu có đủ mạnh để giúp Chính phủ đạt được mục tiêu từ “Chính phủ kiến tạo” thành “Chính phủ phục vụ”?
LS. Nguyễn Ngọc Bích: Chuyển đổi từ nhà nước quản lý sang nhà nước phục vụ là vô cùng khó khăn. Khó khăn lắm.
Doanh nghiệp sợ nhất là “phí” không chính thức, tức là phí chạy công việc cho người phụ trách trực tiếp và sếp của ông ấy phía sau. Luôn có 2 người như vậy. Gọi nôm na là phí “bôi trơn” đấy.
Doanh nghiệp hoạt động phải chịu nhiều loại phí. Nhưng tất cả các loại phí khác không sợ bằng phí “bôi trơn”.
Bản chất là tiền hối lộ phải không ạ?
LS. Nguyễn Ngọc Bích: Đúng rồi! Đó là tiền hối lộ!
Bên đưa hối lộ hoàn toàn tự nguyện trong chuyện này nên im lặng, chấp thuận cho nên phải tốn tiền mà không kêu ca gì?
LS. Nguyễn Ngọc Bích: Đúng. Không kêu được. Vì nếu kêu thì không được việc. Người ta sử dụng quyền chứ không phải giúp đỡ! Cho nên đổi từ Nhà nước quản lý sang Nhà nước phục vụ khó lắm.
Có nhiều thủ tục hành chính ẩn trong các điều khoản của các Thông tư, Nghị định được loại bỏ, có nghĩa là đã tháo bớt rào cản pháp lý và gỡ bỏ những “công cụ” cứng nhắc không phù hợp…. Vậy sao dường như những khó khăn liên quan tới thủ tục hành chính cho doanh nghiệp vẫn còn rất nhiều chuyện đến mức có những doanh nghiệp có cảm giác gần như chưa sửa được gì? Mấu chốt là ở đâu vậy?
LS. Nguyễn Ngọc Bích:  Ví dụ tôi là chủ tòa nhà văn phòng này, tôi ra quy định rất nghiêm là phải tận tình, đàng hoàng với khách đi vào đây làm việc. Nhưng người bảo vệ , tức người trực tiếp sẽ cho khách vào hay không  cứ muốn “tranh thủ” kiếm chác, vòi vĩnh khách. Ai muốn vào phải đưa tiền, còn không tìm mọi cách đòi hỏi phải thế này thế kia để không xòe tiền ra thì không vào được.
Môi trường pháp lý của chúng ta đang trong tình trạng như thế!
Có nghĩa là, quy định hay luật có nghiêm tới đâu đi nữa thì người trực tiếp phụ trách công việc là rất quan trọng. Ta phải nhìn vào chỗ đó chứ đừng nhìn chỗ khác. Chỗ đó chính là gốc của vấn đề.
Nếu người viên chức làm việc với tâm thế phục vụ thì giấy phép con chẳng có ý nghĩa gì cả!
Tôi có thể hiểu, nhân tố con người quan trọng nhất trong mọi vấn đề?
LS. Nguyễn Ngọc Bích: Đúng, viên chức trực tiếp xử lý và người thủ trưởng phụ trách là quan trọng nhất. Quan trọng và quyết định hơn  giấy phép con hay điều kiện kinh doanh rắc rối. Giống như quy định vào tòa nhà như thế nào không quan trọng bằng anh gác cửa vậy!
Nếu đã biết vậy, tại sao không tập trung xử lý anh gác cửa? Chắc chắn khách mà không vào tòa nhà được, họ sẽ chẳng ngại ngần gì mà không phản ánh với chủ nhà?
LS. Nguyễn Ngọc Bích: Cái đáng nói là không xử lý được. Tức là không chế tài được!
Cho nên, trong nhiều trường hợp doanh nghiệp muốn giải quyết công việc thì đành chấp nhận “dàn xếp dưới gầm bàn” cho xong!
Biết là vô lý nhưng không còn cách nào khác!
Theo ông, lý do tại sao lại không chế tài được? Nếu đã có quyết tâm làm tới cùng thì sẽ có cách? Theo ông, có hay không, vấn nạn này cứ dai dẳng nguyên do là có sự “tiếp tay ngầm” từ phía doanh nghiệp?
LS. Nguyễn Ngọc Bích: Anh nói thế chứ không làm được đâu. “Đấu tranh” thì “tránh đâu”. Công việc mà không giải quyết xong thì sao mà làm ăn được.
Còn chế tài cán bộ làm sai hay vòi vĩnh, gây khó cho doanh nghiệp? Tôi kể chuyện này để anh tự rút ra câu trả lời. Hãy xem trường hợp ở TP.HCM, Bí thư Đinh La Thăng đi kiểm tra chỉ đạo cách chức trưởng phòng TN – MT huyện Hóc Môn thì biết, nhiêu khê vô cùng. Nếu báo chí không vào cuộc có khi còn kéo dài nữa!
Có tình trạng là cấp trên có chính sách tốt nhưng cấp dưới sẵn sàng có “đối sách” đối phó quyết liệt không kém, có khi vô hiệu hóa tất cả chỉ vì lợi ích cục bộ!
Có ý kiến cho rằng, một số biện pháp chế tài hiện nay vẫn chưa đủ mạnh để cán bộ Nhà nước phải làm tròn bổn phận công vụ?
LS. Nguyễn Ngọc Bích: Tôi đồng hành, trợ giúp pháp lý cho doanh nghiệp nên thấu hiểu rõ.
Chính quyền nào cũng hoạt động theo thể chế có thể vận hành từ trên xuống dưới, từ phải qua trái. Tất cả các thể chế hành chính đều vận hành như vậy hết.
Ở ta, khi một người đứng đầu vi phạm quy chế công vụ, nhũng nhiễu doanh nghiệp, nếu bị tố giác hay bị phát hiện thì việc xử lý đầu tiên là về mặt Đảng.
Có một qui luật chung là nếu quyền lực mà không bị chế tài, kiểm soát thì ắt sinh ra lạm quyền, xem thường pháp luật!
thể chế, chính quyền, doanh nghiệp, hành chính
LS Nguyễn Ngọc Bích. Ảnh: Trần Bình
Ông Nguyễn Minh Nhị từng có thời gian dài làm trong bộ máy chính quyền. Từ những bài học thực tiễn, ông có chia sẻ như thế nào với ý kiến của LS. Nguyễn Ngọc Bích?
Ông Nguyễn Minh Nhị: Ý kiến này rất đúng, rất chính xác!
Ở ta đây đó vẫn có hiện tượng, khi có lỗi, có sai thì họ lại viễn dẫn “ việc này của tập thể cấp ủy”, ì vậy không quy trách nhiệm được.
Vậy thì điều gì đang khiến cho hiệu lực pháp luật chưa thực sự mạnh mẽ?
Ông Nguyễn Minh Nhị: Nếu công tác “lãnh đạo” và công tác “quản lý” mà lệch pha sẽ không chỉ làm giảm hiệu lực mà còn phát sinh ra một thứ văn hóa “nịnh bợ” rất tệ hại.
Lẽ thông thường xưa nay cấp dưới nịnh cấp trên. Nhưng ở ta cấp trên phải nịnh cấp dưới. Làm lãnh đạo vừa phải nịnh cấp trên và vừa nịnh cấp dưới. Bởi không nịnh cấp dưới thì bầu cử họ không bầu cho. Bầu thi đua ở cơ quan cũng không được chứ đừng nói những cái khác xa hơn.
Khi anh lãnh đạo ra ứng cử thì đưa ra tổ dân phố bình bầu. Cho nên phải nịnh tất tần tật. Bởi vậy cho nên người lãnh đạo đôi khi cũng khó nghiêm khắc, quyết liệt.
thể chế, chính quyền, doanh nghiệp, hành chính
Ông Nguyễn Minh Nhị. Ảnh: Tuổi trẻ
Thời kỳ ông Nguyễn Minh Nhị giữ cương vị Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, ông có gặp phải trường hợp nào tương tự không?  
Ông Nguyễn Minh Nhị: Sao mà tránh được?! Tôi cũng từng ra lệnh cách chức, kỷ luật, ra lệnh báo cáo …những trường hợp không chấp hành chỉ đạo. Nhưng cấp dưới chẳng làm thì cũng cười trừ chứ làm gì bây giờ?!
Cho nên, chúng ta muốn cải cách, thay đổi điều gì thì phải xác định và bắt đầu từ gốc rễ, bản chất của vấn đề.
Ông có thể nói cụ thể hơn?
Ông Nguyễn Minh Nhị: Gốc là cách  lãnh đạo và quản lý đất nước và nền kinh tế này.
Có hiện tượng do năng lực yếu nên sợ, phải bủa lưới, phóng lao, bày ra cái này, cái kia để giữ cho được quyền hành, thể hiện qua việc ban hành nghị định, qui định. Cho nên mới có chuyện khi Chính phủ rà soát, yêu cầu tháo lưới ra, nhưng được ít bữa nữa có lãnh đạo mới thì lại tìm cách lẻn bổ sung thêm nhiều tấm lưới nữa.
Nếu muốn sửa phần gốc vấn đề thì phải sửa từ thể chế tổ chức, rồi cơ chế, pháp chế. Chứ hiện nay có hiện tượng cấp trên ra lệnh, cấp dưới không thi hành nghiêm túc nhưng cuối cùng chẳng làm gì được cả.
Ở Đài Loan ví dụ, nếu có động đất lớn mà nhà bị sập thì sẽ cho bắt chủ thầu ngay, mọi việc tính sau. Còn ta đây đó vẫn còn chuyện xử lấp lửng đánh lận con đen, nào là “kỷ luật phê bình nghiêm khắc”, “xử lý nghiêm khắc”!
Thú thật đã từng làm lãnh đạo bao nhiêu năm tôi vẫn không hình dung ra nổi hình thức kỷ luật “phê bình nghiêm khắc” là như thế nào. Luật hoặc các quy định không hề có loại khái niệm như vậy và thực tế cũng không hề có!
Xin cảm ơn ông Nguyễn Minh Nhị và LS. Nguyễn Ngọc Bích đã dành thời gian trao đổi.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét