Thứ Bảy, 29 tháng 11, 2014

Ba tổng thống Mỹ và một bí ẩn mang tên Putin


Bill Clinton thấy ông lạnh lùng và đáng lo ngại, nhưng dự đoán ông sẽ là một lãnh đạo cứng rắn và có khả năng. George W. Bush muốn ông trở thành bạn bè và đối tác trong cuộc chiến chống khủng bố nhưng ngày càng vỡ mộng. Barack Obama thì cố gắng xây dựng mối quan hệ tốt đẹp hơn với ông, nhưng mối quan hệ song phương Nga - Mỹ ngày càng xấu đi và hiện ở đỉnh điểm tồi tệ từ khi chiến tranh Lạnh chấm dứt.
Suốt 15 năm, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã khiến các đời tổng thống Mỹ bối rối và bực dọc khi họ cố gắng đánh giá ông nhưng càng làm càng sai. Ông thách thức các giả định và cự tuyệt các nỗ lực xây dựng tình bạn của họ. Ông tranh luận với họ, thuyết giảng, đánh lừa họ, cáo buộc họ, khiến họ phải chờ đợi, đồn đoán…
Crưm, Mỹ, Ukraina, Putin, Obama, Nga
Ảnh: Nytimes
Mỗi người trong số ba tổng thống Mỹ kể trên đều cố gắng có cách riêng để tạo dựng một mốc lịch sử, nếu không nói là mối quan hệ mới với Nga. Nhưng nỗ lực của họ đều tan vỡ vì một bậc thầy võ thuật và một cựu đại tá KGB. Họ hình dung ông là một điều gì đó mà ông không phải. Họ nhìn ông bằng ống kính của riêng họ, tin rằng ông nhìn nhận các lợi ích Nga như họ nghĩ ông nên như thế.

Và cuối cùng, họ khó có thể tưởng tượng rằng họ đã không thể thay đổi việc Putin tiếp quản Crưm bất chấp hàng loạt biện pháp cấm vận. Để rồi đây, khi lực lượng Nga hiện diện ngập tràn khu vực biên giới giáp Ukraina, một cuộc tranh luận đã nổ ra về việc nên hay không chuyển từ cách làm việc sang đối đầu với ông như thế nào.

“Ông ấy tự mình công khai bản thân”, Tom Donilon, nguyên là cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Mỹ Obama nói. “Rằng đó là người bạn phải đối phó”.

Nhìn lại, mọi trợ lý của ba người đều có đánh giá tương tự: Tổng thống của họ không ngây thơ về Putin, nhìn nhận ông đúng như những gì ông là thế, nhưng cảm thấy rằng có rất ít chọn lựa ngoài việc cố gắng thiết lập mối quan hệ tốt hơn. Có thể một số chính sách của họ đã làm ảnh hưởng tới cơ hội ấy khi khiến Putin bất bình hơn như mở rộng NATO, chiến tranh Iraq và Libya nhưng cuối cùng, họ vẫn thừa nhận, họ đang đối phó với một lãnh đạo Nga cơ bản là bất hoà với phương Tây.

“Tôi biết có một số chỉ trích rằng nỗ lực thiết lập lại (reset) quan hệ là khờ dại”, Donilon nói. Ông sử dụng cụm từ nói về chính sách của chính quyền Obama. “Nó là vì những lợi ích của Mỹ”.

Một số chuyên gia cho rằng, ông Obama và hai người tiền nhiệm đã chứng kiến những gì họ muốn thấy. “Phương Tây tập trung vào quan điểm Putin là người thực dụng, thực tế, người sẽ hợp tác với chúng tôi bất cứ khi nào thấy lợi ích chung”, James M. Goldgeier, trưởng khoa nghiên cứu quốc tế Đại học Mỹ nhấn mạnh.

Theo Eric S. Edelman, Thứ trưởng Quốc phòng dưới thời Bush, các nhà lãnh đạo Mỹ đã đánh giá quá cao khả năng của họ trong việc xoa dịu nỗi bất mãn của Putin với phương Tây. Để rồi sau 15 năm, không ai ở Washington còn nghĩ Putin là một đối tác. “Ông ấy đi ngủ với suy nghĩ của Peter Đại đế và thức giấc với tư duy của Stalin”, nghị sĩ Cộng hoà Mike Rogers - Chủ tịch Uỷ ban Tình báo Hạ viện nói. “Chúng ta cần hiểu ông ấy là ai và những gì ông muốn”.

Bush vỡ mộng

Clinton là vị tổng thống đầu tiên chạm trán với Putin cho dù không phải trong thời gian dài. Ông dành phần lớn nhiệm kỳ tổng thống của mình để xây dựng mối quan hệ mạnh mẽ với Tổng thống Boris Yeltsin, người tiền nhiệm của ông Putin và tin tưởng vào việc chọn lựa người kế nhiệm trở thành Thủ tướng Nga năm 1999, sau đó là Tổng thống.

“Tôi ra khỏi cuộc họp và tin rằng, Yeltsin đã chọn một người kế nhiệm có đủ khả năng, kỹ năng để làm những công việc cần thiết, quản lý sự hỗn loạn chính trị cũng như đời sống kinh tế nước Nga tốt hơn Yeltsin có thể”, Clinton viết trong hồi ký. Khi chọn lựa Putin được phê chuẩn trong cuộc bầu cử tháng 3/2000, ông Clinton đã gọi điện chúc mừng ông và như sau này ông viết “gác điện thoại là tôi nghĩ ông ấy đủ cứng rắn để nối kết nước Nga”.

Tuy nhiên, bản thân Clinton cũng lo lắng vì sự cứng rắn ấy. Ông thúc giục Yeltsin “trông nom” người kế nhiệm. Clinton cũng cảm thấy bị gạt sang lề khi Putin dường như thờ ơ trong việc hợp tác với một Tổng thống Mỹ sắp mãn nhiệm.

Tuy nhiên, đó là thời điểm Putin nhanh chóng cải tổ hệ thống thuế, đất đai và luật pháp Nga. Như Strobe Talbott, Thứ trưởng Ngoại giao thời Clinton đánh giá, Putin “đủ trẻ, đủ khéo léo và đủ thực tế để hiểu rằng, nước Nga đang diễn ra quá trình dịch chuyển cần thiết mà ông cần phải thúc đẩy nó”.

Bush nhậm chức với sự hoài nghi về Putin, gọi ông là “kẻ lạnh lùng” và có cuộc gặp đầu tiên với Putin tại Slovenia tháng 6/2001. Putin đã tạo sự kết nối với Bush bằng một câu chuyện về đức tin. Tuy nhiên, không phải ai cũng bị thuyết phục. Phó tổng thống Dick Cheney khi ấy đã nói rằng, lúc ông gặp Putin “Tôi nghĩ K.G.B., K.G.B., K.G.B”. Nhưng ông Bush đã quả quyết xoá nhoà sự chia cắt lịch sử và “ve vãn” Putin khi lãnh đạo Nga thăm trại David cũng như trang trại Texas của Bush.

Putin thích nói rằng, ông là nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên gọi điện cho ông Bush sau vụ tấn công khủng bố 11/9/2001 và ông cho phép quân đội Mỹ vào Trung Á như một cơ sở hoạt động cho cuộc chiến ở Afghanistan.

Nhưng Putin lại không cảm thấy Bush đáp lại, quan hệ hai bên trở nên căng thẳng vì cuộc chiến Iraq và cách Kremlin đối phó với người bất đồng chính kiến ở Nga. Vào nhiệm kỳ thứ hai của Bush, hai bên tranh cãi về nền dân chủ Nga, và lên tới đỉnh điểm trong một cuộc gặp tại Slovakia năm 2005.

“Nó như cuộc tranh cãi thời trung học vậy”, Bush phàn nàn với Thủ tướng Anh Tony Blair. Sự thất vọng của ông về Putin gia tăng hơn nữa vào một năm sau đó. “Ông ấy không thạo tin”, Bush nói với Thủ tướng Đan Mạch năm 2006. “Giống như tranh cãi với học sinh lớp 8 về những lập luận sai lầm của mình”.

Ít tuần sau, Bush nói với một nhà lãnh đạo khác về Putin rằng: “Tôi nghĩ rằng, chúng tôi đã mất ông ấy”.

Thứ Sáu, 28 tháng 11, 2014

Vì sao tiền giả chỉ mãi là tiền giả?

- Tiền giả là một vấn nạn mà bất cứ quốc gia nào cũng phải đối mặt. Cùng với sự phát triển của công nghệ sao chụp và xử lý hình ảnh, kỹ thuật làm tiền giả của tội phạm ngày càng tinh vi hơn. Tuy nhiên, đồng tiền giả dù làm tinh vi đến đâu cũng chỉ gần giống tiền thật về hình thức, không có các yếu tố bảo an hoặc có làm giả một số yếu tố nhưng không tinh xảo.
12 yếu tố bảo an trên đồng tiền polymer
Tiền polymer tại Việt Nam là loại tiền bằng polymer được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát hành năm 2003, có giá trị lưu hành song song với các đồng tiền cũ với mục tiêu đáp ứng nhu cầu lưu thông tiền tệ về cơ cấu mệnh giá (thêm loại tiền có mệnh giá lớn), chủng loại, đồng thời nâng cao chất lượng, nhất là khả năng chống làm giả của đồng tiền.
Mặt trước của đồng tiền có hình chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh, Quốc huy, dòng chữ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, mệnh giá bằng số và bằng chữ, hoa văn trang trí.
Mặt sau của đồng tiền có dòng chữ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, mệnh giá bằng số và bằng chữ, phong cảnh hoặc công trình kiến trúc lịch sử, văn hóa, hình hoa trang trí.
Đặc điểm bảo an của tờ 500.000 đồng
Các đặc điểm bảo an cơ bản của đồng tiền polymer đó là: hình bóng chìm; dây bảo hiểm; hình định vị; yếu tố in lõm (nét in nổi); mực đổi màu OVI (mệnh giá 100.000, 200.000, 500.000 đồng); hình ẩn nổi (mệnh giá 10.000, 20.000, 50.000, 200.000 đồng); IRIODIN (dải màu vàng lấp lánh); cửa sổ lớn có số mệnh giá dập nổi, cửa sổ nhỏ có yếu tố hình ẩn – DOE (mệnh giá 50.000, 100.000, 200.000 và 500.000 đồng); mảng chữ siêu nhỏ; mực không màu phát quang khi soi dưới đèn cực tím; số seri phát quang khi soi dưới đèn cực tím.
Đặc điểm bảo an của tờ 200.000 đồng
Trao đổi với lãnh đạo Cục Phát hành và kho quỹ, tiền giả dù làm tinh vi đến đâu thì cũng chỉ là tiền giả, vì không thể đảm bảo được hết các yếu tố bảo an trên đồng tiền. Các yếu tố bảo an hiện nay của tiền giấy đều áp dụng được trên chất liệu polymer như hình định vị, in lõm… Ngoài ra, chất liệu polymer còn cho phép in nét mảnh, siêu nhỏ tinh xảo hơn so với in trên nền truyền thống nên hiệu quả chống sao chụp cao hơn. Sử dụng tiền polymer không những nâng cao khả năng chống giả của đồng tiền lưu thông mà còn góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế xã hội.
Đặc điểm bảo an của tờ 100.000 đồng
Tiền giả thường “tuồn” đi đâu?
Thủ đoạn tiêu thụ tiền giả của một số đối tượng nhằm vào người dân có ít hiểu biết, không có nhiều thông tin về tiền giả nhất là vùng sâu, vùng xa, dân tộc thiểu số. Chúng thường để tiền giả lẫn cùng tiền thật nên những người không có thông tin rất khó phân biệt. Nhiều đối tượng, dùng tiền giả mệnh giá lớn mua hàng hóa có giá trị nhỏ hoặc đổi lấy tiền mệnh giả nhỏ để được trả lại bằng tiền thật. Lợi dụng khi người bán hàng bận rộn hoặc có những hành vi khiến họ mất tập trung, thiếu cảnh giác. Hầu hết, những người buôn bán nhỏ, người già ở các vùng nông thôn, nơi vắng người đều là “con mồi” các đối tượng nhắm đến.
Tờ 200.000 đồng thật và giả
Tại Điều 29 Luật Ngân hàng Nhà nước; điều 3 Quyết định 130/2003/QĐ-TTg ngày 30/6/2003 của Thủ tướng Chính phủ về việc bảo vệ tiền Việt Nam đã nghiêm cấm những hành vi: làm tiền giả; vận chuyển, tàng trữ, lưu hành, mua, bán tiền giả; hủy hoại tiền Việt Nam bằng bất kỳ hình thức nào. Sao, chụp tiền Việt Nam với bất kỳ mục đích nào mà không có sự chấp nhận trước bằng văn bản của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Từ chối nhận, lưu hành đồng tiền do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát hành.
Người nào làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả, ngân phiếu giả, công trái giả, thì bị phạt tù từ ba năm đến bảy năm. Phạm tội trong trường hợp nghiêm trọng thì bị phạt tù từ năm năm đến mười hai năm. Phạm tội trong trường hợp rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản - Điều 180 (Bộ luật hình sự, sửa đổi bổ sung)

Polymer là chất liệu mới cho phép tạo ra những đồng tiền có khả năng chống giả cao, bền và sạch hơn tiền giấy truyền thống, được Ngân hàng Dự trữ Australia phát hiện và bắt đầu nghiên cứu ứng dụng từ năm 1967. Tuy nhiên, phải đến năm 1988, Australia mới bắt đầu thử nghiệm đồng tiền lưu niệm trên giấy nền Polymer và đến năm 1992, nước này chính thức phát hành đồng tiền polymer đầu tiên trên thế giới.
Quá trình thử nghiệm thực tế ở nước này đã khẳng định tiền polymer có chất lượng cao trong lưu thông và ngăn chặn có hiệu quả nhất nạn tiền giả. Hơn 1 thập kỷ sau, tiền polymer được phát hành ở 19 nước thay cho tiền giấy truyền thống.

Thu Thủy – Ninh Giang

Những tỷ phú gây dựng sự nghiệp từ hai bàn tay trắng

 - Câu chuyện về những tỷ phú từ cuộc sống nghèo khổ vươn đến đỉnh cao thành công nhắc nhở chúng ta rằng: Thông qua quyết tâm, can đảm, và một chút may mắn, bất cứ ai có thể vượt qua hoàn cảnh của mình và đạt được thành công phi thường.
Mọi người thường nói, của cải sẽ sinh ra nhiều của cải hơn, tuy nhiên, gia cảnh giàu có không phải là con đường duy nhất dẫn đến thành công. Rất nhiều trong số những người giàu có nhất trên thế giới đã bắt đầu sự nghiệp của mình từ con số 0.
Kenny Troutt, Nhà sáng lập của Excel Communications, tự chi trả học phí đại học bằng cách bán bảo hiểm nhân thọ.
Tổng tài sản: 1700000000 $ (tính đến tháng 9 năm 2013)
Cha của Troutt là một bartender, không muốn đặt gánh nặng tài chính lên vai cha mình, Troutt đã tự trả tiền học phí của mình tại Đại học Southern Illinois bằng cách bán bảo hiểm nhân thọ. Hầu hết số tiền Troutt kiếm được là từ việc kinh doanh tại công ty điện thoại Excel Communication mà ông thành lập năm 1988 và phát hành cổ phiếu lần đầu  vào năm 1996. Hai năm sau, Troutt sáp nhập công ty của ông với Teleglobe trong một thỏa thuận trị giá 3,5 tỷ USD. Hiện giờ, ông đã nghỉ hưu và đầu tư mạnh vào trường đua.
Starbucks Howard Schultz lớn lên trong một khu nhà dành cho người nghèo.
Tổng tài sản: 2000000000 $ (tính đến tháng 9 năm 2013)
Trong một cuộc phỏng vấn với tờ báo Anh Mirror, Schultz nói : "Trong suốt thời niên thiếu của mình luôn luôn cảm thấy như mình đang sống ở một bên của hàng rào xã hội. Tôi biết những người ở phía bên kia có nhiều nguồn lực hơn, nhiều tiền hơn, gia đình hạnh phúc. Vì một vài lý do nào đó, tôi không biết tại sao hoặc làm thế nào, chỉ là tôi muốn vượt qua hàng rào đó và đạt được những điều vượt xa cả suy nghĩ của mọi người. Có thể hiện giờ tôi đã khoác lên mình bộ Comple lịch lãm, thắt cà vạt sang trong, nhưng  tôi luôn ghi nhớ mình đến từ đâu và những khó khăn mình đã phải trải qua. "
Schultz đã giành được học bổng bóng đá của Đại học  Bắc Michigan và đến làm việc cho Xerox sau khi tốt nghiệp. Không lâu sau, anh đẫ tiếp nhận và quản lý một cửa hàng cà phê có tên là Starbucks ( Starbucks khi ấy mới chỉ có 60 cửa hàng). Schultz đã trở thành Giám đốc điều hành của công ty trong năm 1987 và mở rộng chuỗi cửa hàng cà phê lên đến hơn hơn 16.000 cửa hàng trên toàn thế giới.
Cha của nhà đầu tư nổi tiếng Ken Langone là thợ sửa ống nước còn mẹ là nhân viên phục vụ tại quán cà phê.
Tổng tài sản: 2100000000 $ (tính đến tháng 9 năm 2013)
Tong suốt quãng thời gian đại học của mình, Langone đã phải làm những công việc lặt vặt còn cha mẹ ông thì phải thế chấp ngôi nhà họ đang sống để chi trả học phí của Langone.
Năm 1968, Langone đã cùng với Ross Perot thiết lập hệ thống dữ liệu điện tử (HP) công cộng. Chỉ hai năm sau đó, ông hợp tác với Bernard Marcus để xây dựng Home Depot – công ty đã được cổ phần hóa vào năm 1981.
 
Sinh ra trong nghèo đói, Oprah Winfrey đã trở thành phóng viên truyền hình người Mỹ gốc Phi đầu tiên ở Nashville.
Tổng tài sản: 2900000000 $ (tính đến tháng 9 năm 2013)
Winfrey sinh ra trong một gia đình nghèo ở Mississippi, nhưng điều này không ngăn cô giành được học bổng Đại học Tiểu bang Tennessee và trở thành phóng viên truyền hình người Mỹ gốc Phi đầu tiên trong tiểu bang ở tuổi 19. Năm 1983, Winfrey chuyển đến Chicago để làm việc cho một PM talk show mà sau này sẽ được gọi là "The Oprah Winfrey Show ".
Doanh nhân Shahid Khan đã từng làm nhân viên rửa chén bát với mức lương 1,20 $ một giờ.
Tổng tài sản: 3800000000 $ (tính đến tháng 9 năm 2013)
Shahid Khan và vợ - Ann
Shahid Khan hiện giờ là một trong những người giàu nhất thế giới, nhưng khi Khan đến Mỹ từ Pakistan, ông đã từng làm công việc rửa chén bát trong khi học Đại học Illinois. Khan hiện đang sở hữu Flex-N-Gate, một trong những công ty tư nhân lớn nhất ở Mỹ, Jacksonville Jaguars của NFL, và Premier League - câu lạc bộ bóng đá Fulham.

Tiền có mua được hạnh phúc?

- Các nhà khoa học và tâm lý học trên thế giới đã tiến hành nhiều nghiên cứu để tìm ra đáp án cho câu hỏi muôn thuở: Tiền có mua được hạnh phúc?
Trong vài năm gần đây, các nghiên cứu mới đã cho chúng ta một cái nhìn sâu sắc hơn về mối quan hệ giữa chúng ta kiếm được gì và cảm thấy thế nào. Các nhà kinh tế đã rà soát mối liên hệ giữa thu nhập và hạnh phúc trên khắp các quốc gia. Các nhà tâm lý học tiến hành thăm dò cá nhân để tìm hiểu những gì thực sự làm cho chúng ta quan tâm khi nói đến tiền.
Và kết quả, nhìn một cách tổng quan có lẽ không có gì ngạc nhiên. "Có, những người có thu nhập cao hơn hạnh phúc hơn"
Nhưng nhìn sâu hơn một chút vào những phát hiện, có rất nhiều chi tiết đáng ngạc nhiên và đầy hữu ích.
Trong ngắn hạn, nghiên cứu mới nhất này cho thấy, giàu có thôi chưa đủ để cho bạn một cuộc sống hạnh phúc. Điều quan trọng hơn nhiều so với một mức thu nhập khủng là cách mà bạn sử dụng nó. Cụ thể như, cho đi sẽ làm bạn hạnh phúc hơn nhiều so với việc hoang phí trên bản thân mình. Và khi "tự thưởng" cho mình, bạn sẽ hạnh phúc hơn rất nhiều khi sử dụng nó vào những việc đem lại kinh nghiệm như đi du lịch hơn là mua sắm hàng hóa.
Theo đó, sau đây là những gì nghiên cứu mới nhất đã chỉ ra, làm thế nào để chúng ta có thể tiêu dùng một cách thông minh nhất và tối đa hóa mức độ hài lòng.
Kinh nghiệm có giá trị nhiều hơn bạn nghĩ
Rất nhiều nghiên cứu được tiến hành trong 10 năm qua đã chỉ ra rằng kinh nghiệm sống cho chúng ta niềm vui lâu dài hơn so với những thứ vật chất. Nhưng mọi người lại thường phủ nhận điều này và dành ưu tiên cho việc mua sắm hàng hóa.
Vì vậy, Ryan Howell - giáo sư tâm lý tại Đại học bang San Francisco đã quyết định nghiên cứu về điều này. Trong một nghiên cứu được công bố đầu năm nay, ông thấy con người thường nghĩ rằng việc mua sắm hàng hóa sẽ mang lại giá trị cao hơn, bởi trải nghiệm sẽ qua nhanh, còn hàng hóa sẽ ở lại cùng ta lâu dài. Vì vậy, dù thi thoảng ta có thể chi tiền cho những chuyến du lịch hay buổi hòa nhạc lớn, nhưng mua sắm hàng hóa vẫn là lựa chọn thường xuyên và được ưu tiên hơn.
Tuy nhiên trên thực tế, Howell thấy rằng khi nhìn lại những gì mình có được, chúng ta nhận ra rằng kinh nghiệm thực sự đem lại giá trị tốt hơn.
"Mọi người nghĩ rằng kinh nghiệm sẽ chỉ đem hạnh phúc nhất thời, nhưng sự thật thì kinh nghiệm sẽ mang lại hạnh phúc và giá trị lâu dài hơn." Nhưng chúng ta vẫn tiếp tục mua sắm vật chất bởi chúng hữu hình và chúng ta nghĩ rằng mình có thể giữ sử dụng lâu dài.
Giáo sư tâm lý học Thomas Gilovich đại học Cornell cũng đã kết luận tương tự. "Mọi người thường đặt ra một so sánh: Với số tiền hạn chế của mình, tôi hoặc là có thể đi đến đó, hoặc là có được sản phẩm này," "Nếu tôi lựa chọn đi, đó sẽ là một điều tuyệt vời và mọi thứ sẽ kết thúc sau chuyến đi. Còn nếu tôi mua món hàng này, ít nhất nó sẽ ở lại cùng tôi.”
Một chiếc váy mới hay một chiếc siêu xe sẽ khiến chúng ta cảm thấy vui mừng, phấn khích ngay lập tức, tuy nhiên rồi chúng sẽ sớm được ta cất vào tủ, hay bán đi để tìm một niềm vui mới.
Kinh nghiệm, mặt khác lại có xu hướng đáp ứng nhu cầu tâm lý cơ bản của chúng ta nhiều hơn. Ông Gilovich phân tích thêm, chia sẻ với những người khác cho chúng ta một cảm giác vui vẻ, hòa nhập, kết nối hơn với cộng đồng. Nếu bạn đã chinh phục được dãy Himalaya, đó sẽ là những trải nghiệm bạn không bao giờ có thể quên, bạn có thể nhớ về nó với một niềm tự hào và đầy kỷ niệm, trong khi những chiếc váy, chiếc xe ngày nào giờ có thể đã trở thành phế thải.
Và, điều quan trọng là chúng ta ít có xu hướng so sánh kinh nghiệm của mình với những người khác. "Theo kịp với những trào lưu mới nhất, có được những sản phẩm thời thượng sẽ làm bạn được chú ý hơn so với có nhiều kinh nghiệm”. Nhưng "Hãy tưởng tượng bạn vừa mua được một máy tính mới mà bạn thực sự thích. Tôi xuất hiện và nói rằng cũng với số tiền đó, tôi đã có một chiếc máy với màn hình sáng hơn và bộ vi xử lý nhanh hơn. Điều đó sẽ ảnh hưởng đến tâm lý của bạn thế nào? "
Trong các thí nghiệm đã tiến hành, ông thấy tâm lý mọi người bị giảm sự thích thú rất nhiều. Nhưng khi được hỏi, tưởng tượng bạn đã có một kỳ nghỉ tại New Zealand và ai đó có một chuyến đi tốt hơn một chút. “ Điều đó cũng khiến ta có chút không thoải mái, nhưng bạn vẫn còn có sự trải nghiệm của riêng mình và những kỷ niệm đó là của riêng bạn, không ai có thể có được và do đó bạn ít khi bận lòng với những suy nghĩ về chuyến đi của người khác hơn.”
Không thích ứng với những gì bạn có
Một trong những lý do chính giải thích cho việc tại sao có nhiều thứ hơn chưa hẳn đã làm cho chúng ta luôn hạnh phúc là chúng ta rất nhanh thích ứng với nó. "Con người thích ứng khá tốt với những thay đổi trong cuộc sống, đặc biệt là những thay đổi tích cực", Sonja Lyubomirsky - giáo sư tâm lý tại Đại học California, Riverside cho biết. "Nếu bạn có một sự gia tăng trong thu nhập, bạn sẽ có điều kiện hơn, nhưng sau đó nhu cầu của bạn cũng sẽ tăng theo. Có thể bạn sẽ mua một căn nhà lớn hơn trong một khu phố mới. Đó là nơi bạn có những người hàng xóm giàu có hơn, và bạn bắt đầu muốn nhiều hơn. Chân bạn đã bước lên chiếc máy chạy “hưởng thụ”. Cố gắng để dừng hay chậm lại thực sự là một thách thức."
Theo bà, chúng ta cần có ý thức quý trọng và lòng biết ơn đối với những gì mình đang có. Bạn sẽ nhanh chóng thích ứng với món đồ mới mua, cho rằng việc mình có được là hoàn toàn hợp lý và cảm giác hạnh phúc không còn. Có thể làm chậm lại quá trình tâm lý này bằng cách nhắc nhở mình bạn đã cố gắng thế nào để có được và vì sao mình phải coi trọng nó.
Có thể đơn giản như dành một phần trong quỹ thời gian mỗi ngày để cầu nguyện, đọc những cuốn tạp chí hay hoặc bày tỏ lòng biết ơn của mình với người khác. Điều quan trọng là phải tìm cách để duy trì ý thức về tất cả mọi thứ bạn sở hữu và tránh chỉ đơn giản là thích ứng với việc có nó xung quanh.
Làm được điều đó không phải dễ dàng bởi ta đang đi ngược lại khuynh hướng tự nhiên của mình. Giáo sư Lyubomirsky thừa nhận rằng cảm xúc của lòng biết ơn và sự đánh giá cao có thể rất khó khăn để duy trì. Nếu cuốn tạp chí của bạn hoặc công việc hàng ngày trở thành chỉ là một thói quen cũ, nó sẽ không còn gây nhiều hứng thú.
Sự đa dạng, mới lạ hay gây ngạc nhiên có thể giúp bạn hài lòng hơn với những gì mình có. "Bạn sẽ thích ứng, coi đó là hiển nhiên khi mọi thứ không thay đổi."
Nếu bạn treo một bức tranh tại một vị trí trên tường trong một thời gian dài, bạn sẽ không còn để ý đến nó nữa. Tuy nhiên, đổi nó với một bức tranh từ phòng khác, bạn sẽ thấy mọi thứ trở nên tươi mới hơn và giá trị của bức tranh cũng được nâng cao thêm. Theo bà, hãy thử chia sẻ đồ của mình với những người khác và mở lòng hơn, bạn chắc chắn sẽ có những trải nghiệm thú vị!
Điều này thậm chí có nghĩa là lấy đi tài sản của mình trong một thời gian, có thể bằng cách cho mượn hoặc chia sẻ chúng với người khác. Elizabeth Dunn - phó giáo sư tâm lý học tại Đại học British Columbia và đồng tác giả cuốn sách "Happy Money" gần đây đã tiến hành một thí nghiệm. Bà gửi mọi người một chiếc túi lớn đầy sô cô la và một nhóm trong số đó được ăn nhiều nhất có thể. Trong khi một nhóm khác bị cấm không được ăn và nhóm còn lại có thể ăn theo nhu cầu.
Và kết quả là? Những người đã bị cấm ăn sô cô la thưởng thức thanh sô cô la tiếp theo một cách ngon miệng và hài lòng hơn nhiều so với những người đã ăn rất nhiều hay ăn theo nhu cầu bình thường. "Từ bỏ tạm thời một điều gì đó thực sự có thể giúp ta giữ được niềm thích thú với nó khi tận hưởng lại."
Sống là cho đi
Nghịch lý của đồng tiền là khi kiếm được nhiều tiền hơn, trở nên có điều kiện hưởng thụ hơn thì việc chia sẻ, cho đi sẽ khiến bạn hạnh phúc hơn là chỉ chi tiêu nó cho chính bản thân mình.
Đó là phát hiện sau một loạt các nghiên cứu của giáo sư Dunn. Bà bắt đầu bằng việc giao tiền cho các sinh viên và nói với một số hãy chi tiêu cho bản thân mình và số còn lại hãy học cách cho đi, chia sẻ với những người xung quanh. Kết quả cho thấy, những người trong nhóm chia sẻ hạnh phúc hơn so với những người chỉ tiêu cho bản thân mình.
Giáo sư Dunn đã lặp lại thí nghiệm này ở các nước khác trên toàn thế giới và mở rộng thí nghiệm hơn, xem liệu người dân vẫn hạnh phúc hay không khi cho đi bằng chính tiền của mình chứ không phải tiền nhận được từ giáo sư. Bà thấy rằng ở các nước khác nhau như Canada, Nam Phi và Uganda, cho đi luôn làm cho mọi người cảm thấy hạnh phúc hơn. Điều này đúng ngay cả khi họ đã cho đi bằng chính tiền của mình và thậm chí cả khi bản thân họ cũng không lấy gì làm khá giả.
Bà cũng đã làm việc với các nhà kinh tế học để phân tích số liệu điều tra từ 100 quốc gia trên thế giới và thấy rằng những người quyên góp tiền cho từ thiện đều hạnh phúc hơn, không phân biệt nước giàu hay nghèo.
"Kêt quả thực tế thu được tại các nước như Nam Phi và Uganda giống với kết quả thu được tại Canada thực sự là bất ngờ lớn nhất trong sự nghiệp của tôi”. "Rất nhiều người trong chúng ta nghĩ rằng mình sẽ làm từ thiện khi mình giàu có hơn, nhưng thực tế chúng ta đã thấy được lợi ích của việc cho đi, thậm chí với cả những người đang ngày đêm nỗ lực chỉ để đủ sống."
Điều giúp bạn hạnh phúc hơn không đánh giá bằng số tờ bạc xanh bạn cho đi mà quan trọng là tấm lòng của bạn. Nếu bạn thấy tiền của mình có thể giúp cho cuộc sống của một ai đó tốt hơn, thì dù chỉ là số lượng nhỏ thôi, nó cũng sẽ làm bạn cảm thấy hạnh phúc.
Hãy dùng tiền để "mua" thời gian
Việc xem xét những gì bạn mua ảnh hưởng thế nào đến cách bạn sử dụng thời gian của mình cũng rất quan trọng. Ngôi nhà lớn ở ngoại ô kia có vẻ như là một điều lý tưởng. Nhưng một nghiên cứu năm 2004 của Alois Stutzer và Bruno Frey của Đại học Zurich cho thấy cùng với điều kiện như nhau, những người phải di chuyển nhiều hơn lại ít hài lòng với cuộc sống hơn những người còn lại. Họ đã tính toán được rằng bạn sẽ cần tăng 40% lương để bù đắp cho một giờ làm thêm mệt nhọc.
"Hãy dùng tiền để “mua” cho mình những khoảng thời gian tốt đẹp hơn". Bà Dunn cũng chia sẻ thêm "Đừng mua một chiếc xe hơi sành điệu để phục vụ 2 giờ di chuyển mỗi ngày. Hãy mua một chỗ gần nơi làm việc. Như vậy bạn có thể dành những  giờ cuối ngày để vui đùa với lũ trẻ trong công viên. "
Một cách khác để “mua” thêm thời gian là sử dụng công nghệ cho những việc bạn không thích. Thay vì việc thuê một trợ lý cá nhân, giờ đây bạn có thể giải quyết một cách dễ dàng và với chi phí hợp lý hơn bằng cách thuê “trợ lý ảo trực tuyến” hay mua phần mềm để giúp bạn quản lý mọi việc tốt hơn.
Hiện tại bà đang nghiên cứu về cách mọi người sử dụng thời gian tiết kiệm được từ việc dùng công nghệ. Các kết quả sơ bộ cho thấy, hầu hết mọi người đều hạnh phúc hơn khi “mua” thêm thời gian cho bản thân, nhưng chỉ khi họ sử dụng thời gian một cách đúng đắn.
Trong một phần khác của nghiên cứu được tiến hành, giáo sư Dunn phát hiện ra rằng khi người ta coi thời gian như tiền, điều đó khiến họ ít dám dành thời gian – thâm chí là một ít thời gian thôi cho những việc không đem lại giá trị kinh tế. “Xem thời gian như tiền bạc lại có thể khiến chúng ta không tận hưởng hết được cuộc sống!”
Tiền chỉ đem lại hạnh phúc cho ta trong một thời điểm
Khi nhìn vào các kết quả của cuộc nghiên cứu, có một điều quan trọng cần ghi nhớ. Những người trong lĩnh vực này chia hạnh phúc thành hai phần và để thực sự hạnh phúc, bạn cần có cả hai. Nhưng chỉ một trong đó giúp bạn lưu giữ cảm xúc hạnh phúc lâu hơn. Trong khi phần còn lại sẽ chỉ dừng tại một thời điểm.
Thước đo đầu tiên cho hạnh phúc là "sự tự đánh giá." Giáo sư Lyubomirsky định nghĩa nó như là "một cảm giác rằng cuộc sống của bạn thật tuyệt - bạn hài lòng với cuộc sống của mình, cảm thấy mình đang dần tiến đến mục tiêu cuộc đời." Đó là biện pháp các nhà kinh tế Justin Wolfers và Betsey Stevenson, người đã tiến hành nghiên cứu sâu rộng việc so sánh dữ liệu kinh tế và khảo sát hạnh phúc trên thế giới sử dụng.
"Chúng tôi đã tìm thấy những bằng chứng rất rõ ràng với tất cả các nước trên thế giới, những người giàu có hạnh phúc hơn người nghèo", giáo sư Wolfers cho biết. "Và người dân ở các nước giàu có hạnh phúc hơn người dân ở các nước nghèo."
Phần khác của hạnh phúc chính là “trạng thái cảm xúc”. Giáo sư Lyubomirsky giải thích, hãy xem mức độ thường xuyên của việc bạn có những cảm xúc tích cực như vui vẻ, tình cảm và yên bình với những cảm xúc ngược lại. "Bạn có thể hài lòng với cuộc sống của bạn một cách tổng thể nhưng có thể bạn không thực sự hạnh phúc vào thời điểm đó". "Tất nhiên, người hạnh phúc cũng trải qua những cảm xúc tiêu cực, chỉ cần điều đó không phải là thường xuyên."
Daniel Kahneman và Angus Deaton của Đại học Princeton nhận thấy rằng khi họ đánh giá bằng "trạng thái cảm xúc", hạnh phúc không tăng lên sau khi một hộ gia đình đạt thu nhập hàng năm đến ngưỡng 75,000 đô.
Như vậy, khi bạn không có nhiều tiền, chặng đường sẽ trở nên xa hơn bởi bạn còn nhiều nhu cầu thiết yếu hơn cần thực hiện. Tuy nhiên, khi trở nên giàu có hơn, cũng không đơn giản để bạn có thể "mua" được hạnh phúc nhiều hơn.
Đừng quá lưu tâm vì những điều đó
Cuối cùng, mặc dù nhiều trong số những nghiên cứu này là về chi tiêu hơn là tiết kiệm, các nhà nghiên cứu vẫn đồng ý rằng chi tiêu nhiều hơn khả năng không thể đưa bạn đến một cuộc sống tốt đẹp. Hãy quan tâm đến những nhu cầu cơ bản đầu tiên, an toàn tài chính là rất quan trọng.
Giáo sư Gilovich cho biết, mặc dù nghiên cứu của ông cho thấy rằng kinh nghiệm sống cho ta hạnh phúc hơn của cải vật chất, con người tất nhiên vẫn cần mua những thứ thiết yếu trước. Phát hiện của ông vẫn đúng với các mức thu nhập và nhóm người khác nhau, nhưng không phải với người có thu nhập rất thấp. "Những người này không thực sự có nhiều sự lựa chọn với thu nhập bởi hầu hết trong số đó đã được dùng cho những vật phẩm thiết yếu.”
Một số nghiên cứu cũng chỉ ra rằng nợ có ảnh hưởng xấu tới hạnh phúc, trong khi tiết kiệm và an toàn tài chính có xu hướng thúc đẩy sự hạnh phúc hơn. Một cuộc khảo sát các hộ gia đình người Anh cho thấy những người nợ nhiều hơn cảm thấy ít hạnh phúc hơn và một phần nghiên cứu riêng trên các cặp vợ chồng cho thấy, những cặp vợ chồng nợ cao hơn có xung đột trong hôn nhân nhiều hơn.
"Tiết kiệm là tốt cho hạnh phúc; nợ có hại cho hạnh phúc. Nhưng nợ xấu có hại nhiều hơn so với cái tốt từ tiết kiệm ". Ông Dunn cũng cho biết thêm: "Từ góc độ hạnh phúc mà nói, thoát khỏi nợ là điều quan trọng hơn cố gắng tiết kiệm."
Vì vậy, trước khi bạn đi ra ngoài và dành tất cả tiền của bạn trên một kỳ nghỉ mơ ước, chắc chắn rằng bạn đã chăm sóc hết các nhu cầu thiết yếu, trả hết nợ, và có đủ tiền để trang trải cho những biến cố không may của cuộc sống.
"Điều đầu tiên bạn nên làm với tiền của mình là xây dựng một kế hoạch tài chính an toàn. Nếu đi vào nợ nần để mua cho mình những kinh nghiệm cuộc sống tuyệt vời, những căng thẳng khi nhận các hóa đơn thẻ tín dụng sẽ thổi bay những điều tốt đẹp mà kinh nghiệm đem lại. "

Người Việt ưa nịnh, thích 'dìm': Tác hại đến đâu? Làm thế nào VN có 'những cú thay đổi ngoạn mục'?


"Với một truyền thống văn hóa "ưa được nịnh", "thích được khen", nhưng lại sợ phê bình và tự phê bình đến như thế, nếu không tự thay đổi từ gốc rễ mà cứ đòi hỏi tiến bộ, đòi hỏi "văn hóa từ chức"..., thì vẫn chỉ là mơ mộng mà thôi!"
 Vừa qua, "Đại tướng quân Hai lúa" trở thành đề tài được bàn luận sôi nổi. Mặc dù đây chỉ là một câu chuyện nhỏ, nhưng từ đó đã gợi ra rất nhiều điều khiến chúng ta suy ngẫm, liên quan đến việc vì sao những sáng tạo, thay đổi, cải cách của VN vẫn còn gặp nhiều rào cản và chậm bước so với đòi hỏi của thời đại.
Chẳng hạn, so với các quốc gia láng giềng trong khối ASEAN, như Myanmar, Campuchia, Lào, thì Việt Nam đổi mới sớm nhất. Nhưng sau cú đột phá ngoạn mục vào năm 1986, chúng ta lại rơi vào trì trệ, hiện nay nhiều người đã cảnh báo về nguy cơ tụt hậu...
Nguyên nhân văn hóa căn cốt ẩn sau những vấn đề ấy chính là chủ đề của cuộc trò chuyện của Tuần Việt Nam với GS.TSKH Trần Ngọc Thêm, Viện sĩ Viện hàn lâm Khoa học tự nhiên Nga, Ủy viên Hội đồng lý luận Trung ương, Giám đốc Trung tâm Văn hóa học Lý luận và Ứng dụng Trường Đại học KHXH&NV thuộc ĐHQG-HCM. Những câu trả lời của ông xoay quanh một lý giải được ông khái niệm hóa là "Văn hóa âm tính".
Trần Ngọc Thêm, Đại tướng quân, văn hóa, Trần Quốc Hải, xe tăng, Campuchia, Myanmar, Trung Quốc, Vạn lý Trường thành,
GS-TSKH Trần Ngọc Thêm. Ảnh: Phạm Thành Long/ Documentary.vn
"Biến đổi từ từ"
Thưa Giáo sư, là người có nhiều năm nghiên cứu văn hóa VN, xin ông đưa ra một nhận định tương đối khái quát vì sao những thay đổi của chúng ta thường diễn ra khó khăn và chậm hơn so với đòi hỏi bức thiết của thực tế?
GS.TSKH Trần Ngọc Thêm: Tôi đã có quá trình nghiên cứu khá lâu về câu hỏi nhức nhối này và đi đến kết luận rằng: "Văn hóa VN có đặc điểm là biến đổi từ từ, không có đột biến, trừ trường hợp có ảnh hưởng hay tác động có yếu tố bên ngoài như cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945 hay công cuộc Đổi mới năm 1986". Giờ tôi xin nhắc lại để trả lời cho câu hỏi của anh.
Xuất phát từ đâu VN lại có đặc điểm văn hóa như vậy, thưa ông?
GS.TSKH Trần Ngọc Thêm: Năng lực hành động và năng lực tư duy bắt đầu từ văn hóa. Nói cách khác, văn hóa là cái gốc rễ của dân tộc. Phải hiểu sâu hơn về cội nguồn gốc rễ đó thì mới lý giải được mọi chuyện, mọi vấn đề đặt ra, mọi vấn nạn mà chúng ta đang thấy.
Theo phân loại của tôi, nền văn hóa Việt Nam của chúng ta thuộc loại âm tính, mang những đặc trưng khác hẳn những nền văn hóa dương tính. Văn hóa âm tính giống như tính cách của người đàn bà, thích sự ổn định và luôn hướng tới sự ổn định, rất ngại mọi sự thay đổi. Văn hóa dương tính thì ngược lại, giống tính cách người đàn ông, mạnh mẽ, quyết liệt, hay thay đổi, ghét sự trì trệ, nhàm chán, v.v.
Khi nghiên cứu chúng ta tách ra chứ kỳ thực trong mỗi sự vật, hiện tượng, con người... đều có phần âm và phần dương, cái khác nhau là ở chỗ mặt nào trội hơn mà thôi.
Điều kiện tự nhiên là nguồn gốc của văn hóa. Thiên nhiên khác nhau thì kinh tế cũng sẽ khác nhau, từ đó văn hóa ắt cũng sẽ khác nhau. Các dân tộc có truyền thống mưu sinh bằng nông nghiệp trồng trọt là âm tính; trong đó nông nghiệp lúa nước thuộc loại âm tính nhất. Các dân tộc sống bằng chăn nuôi, du mục thuộc loại dương tính.
Trên thế giới mênh mông này chỉ có Đông Nam Á là cái nôi của nền nông nghiệp lúa nước. Trồng trọt phụ thuộc vào thiên nhiên nhiều hơn chăn nuôi, trồng lúa nước thì mức độ phụ thuộc cao nhất. Sự phụ thuộc khiến người ta trở nên thụ động. Và cũng chính vì vậy mà nơi này có nền văn hóa âm tính nhất.
Đông Bắc Á và phương Tây là những vùng đồng cỏ, thảo nguyên mênh mông, con người thời cổ sống bằng kinh tế du mục, khiến con người phải luôn phải rong ruổi, di chuyển. Điều này tác động đến lối suy nghĩ, dần dần hình thành kiểu văn hóa dương tính, đối lập với văn hóa âm tính của chúng ta.
Văn hóa Việt - Trung: Giống nhau chỉ trên bề mặt
Nhiều công trình nghiên cứu trong và ngoài nước khẳng định văn hóa VN chịu ảnh hưởng rất sâu rộng bởi nền văn minh Trung Hoa, yếu tố cùng thể chế cũng chi phối sự ảnh hưởng này. Quan điểm của ông ra sao?
GS.TSKH Trần Ngọc Thêm: Nhìn bề ngoài thì đúng là như thế, nhưng nếu chỉ dừng ở cảm nhận bề ngoài thì ta sẽ chỉ có được những nhận xét cảm tính, phiến diện rất đáng tiếc vì không đi vào bản chất gốc của sự việc! Văn hóa luôn là "mục tiêu, động lực và nền tảng của sự phát triển" cho nên dù có sự tương đồng về thể chế thì VN và TQ vẫn khác nhau rất nhiều.
Trên cơ sở nghiên cứu tài liệu, cũng như qua quan sát thực địa tại nhiều địa phương khác nhau của TQ, tôi thấy rất rõ rằng những sự giống nhau tuy nhiều nhưng thuộc về tầng mặt, trong khi những sự khác nhau thì nằm ở tầng sâu, rất căn bản.
Một bên là văn hóa âm tính điển hình như VN, một bên là loại hình văn hóa trung gian "vừa có âm vừa có dương" và có những giai đoạn mặt dương có phần trội hơn như TQ thì làm sao giống nhau hoàn toàn được. Chỉ có thể có những ảnh hưởng do tiếp xúc giao thoa, còn do có cái gốc nền rất khác nhau nên bản chất cũng khác nhau.
Tính trung gian này của văn hóa TQ thể hiện rất rõ trong lĩnh vực tổ chức xã hội. Trong khi xã hội phương Tây luôn biến động nên coi trọng cá nhân, Đông Nam Á ưa ổn định, ít biến động nên coi trọng làng xã thì Đông Bắc Á ở giữa, coi trọng gia đình.
Cụ thể là thế nào, thưa giáo sư?
GS.TSKH Trần Ngọc Thêm: Văn hóa âm tính xuất phát từ nông nghiệp lúa nước nên có sức mạnh tập thể rất cao. Chính nhu cầu thu hoạch mùa màng, bảo vệ cuộc sống đã buộc mọi người phải chung tay, phải có mối liên kết ràng buộc chặt chẽ.
Tương tự như vậy, khi có ngoại xâm là bị đẩy vào thế cùng, sức mạnh tập thể của văn hóa âm tính, sức mạnh làng xã sẽ trỗi lên chống lại. Lúc ấy cả nước như một.
Đặc trưng rõ nhất của văn hóa VN là vai trò cao của cộng đồng làng xã - đơn vị tế bào của xã hội Việt Nam. Từ làng ra đến nước, tạo nên mô hình Làng - Nước. Trong suốt chiều dài của lịch sử, TQ đô hộ ta cả ngàn năm, đánh chiếm ta bao nhiêu lần mà ta không mất nước là nhờ việc cái gốc văn hóa Việt nằm ở làng chứ không phải ở đô thị.
Quan quân TQ cai trị chỉ có thể đưa đến ở các đô thị chứ không thể kiểm soát hết nông thôn, nên không thể tiêu diệt hay đồng hóa được văn hóa Việt. Và do văn hóa làng quá mạnh nên cứ mỗi khi quân xâm lược rút đi thì văn hóa làng lại tấn công trở lại đô thị, kéo đô thị trở về với văn hóa làng. Đây là đặc trưng rất Việt, khác biệt với nhiều quốc gia khác có nền văn hóa thiên về dương tính mà tại đó, đô thị luôn có lực hút kéo nông thôn biến đổi theo thành thị.
Trong những cuộc đối đầu với các cuộc xâm lăng, chất âm tính mạnh của văn hóa làng xã ấy đã phát huy tác dụng, giúp cho VN dù có trải qua hàng ngàn năm lệ thuộc cũng không bị ảnh hưởng của đô thị lôi kéo, kết quả là không bị văn hóa ngoại bang đồng hóa.
Trong khi đó, trong văn hóa TQ và các nước Đông Bắc Á, do làm nông nghiệp lúa cạn, trồng kê mạch, không cần liên kết lớn ở quy mô làng xã nên đơn vị cơ bản của xã hội là gia đình. Từ gia đình (nhà) ra đến nước, tạo nên mô hình Quốc gia - Nhà nước.
Đặc trưng của gia đình là tôn ti trật tự, có trên có dưới. Ra xã hội cũng vậy, "trên bảo thì dưới phải nghe" là nguyên tắc tối thượng. Nó khác với VN ta ngày xưa là "phép vua thua lệ làng", hay ngày nay là hiện tượng "trên bảo dưới không nghe", "thủ kho to hơn thủ trưởng", v.v...
Bởi vậy mà trong văn hóa TQ, ý chí luận rất mạnh. Họ có thể làm được những việc "kinh thiên động địa" như xây Vạn lý Trường thành thời Tần Thủy Hoàng, hay "chiến dịch diệt chim sẻ" vào những năm 1958-1962 khiến cho sau đó châu chấu tràn ngập phá nát mùa màng và kéo theo nạn đói lớn làm cho nhiều người chết đói.
Văn hóa TQ hướng đến cái tuyệt đối, cực đoan kiểu "đội đá vá trời", "Ngu Công dời núi", "Tinh Vệ lấp biển", "toàn dân làm gang thép", "toàn dân diệt chim sẻ". Trong khi văn hóa VN do thiên về âm tính nên hướng đến sự dung hòa theo triết lý âm dương. Theo đó, làm cái gì cũng hướng tới mục tiêu "vừa phải", không thấp quá nhưng cũng đừng cao quá, "trông lên thì chẳng bằng ai, trông xuống chẳng ai bằng mình".
Trần Ngọc Thêm, Đại tướng quân, văn hóa, Trần Quốc Hải, xe tăng, Campuchia, Myanmar, Trung Quốc, Vạn lý Trường thành,
Xe bọc thép mới do cha con ông Trần Quốc Hải chế tạo. Ảnh: TTO
Tư duy "vừa phải", ưa khen ngợi
Đứng từ góc độ này thì có thể thấy hai nền văn hóa rất khác nhau về bản chất. Vậy tư duy "vừa phải" mà ông vừa nói tác động đến ta thế nào - trong tính cách cá nhân, cộng đồng, xã hội...?
GS.TSKH Trần Ngọc Thêm: Tư duy "vừa phải" là đặc điểm cố hữu của người nông dân Việt. Thấy ai khó khăn thì mọi người xung quanh xúm lại giúp cho vươn lên, đó là mặt tốt đẹp. Nhưng ngược lại, nếu thấy có ai vươn lên cao hơn thì mọi người cũng thường xúm lại, cùng nhau kéo xuống, để về sau không ai còn dám nghĩ đến chuyện nổi trội lên nữa!
Ở VN ta, những người tài giỏi xuất sắc trong một cơ hay bị dèm pha, đố kỵ. Mà ở đời thì anh nào giỏi, làm nhiều thì hay có sai nhiều. Do "ghen ăn tức ở" (hiện nay lớp trẻ gọi tắt là thói GATO) và tâm lý muốn giữ lấy cái sự ổn định, bình yên cho mình mà người ta sẽ săm soi, bới móc thổi phồng, biến cái lỗi nhỏ thành to, thậm chí đặt điều nói không thành có.
Khi cả tập thể đã xúm vào "trị" anh giỏi mà lãnh đạo lại non tay thì ông ta sẽ không bảo vệ người giỏi nữa và ngả theo số đông. Đó là một lý do lớn khiến nhiều người phải từ bỏ môi trường nhà nước, hoặc thậm chí ra nước ngoài tìm đất phát triển khả năng.
Với tư duy "vừa phải" như thế, ở VN không thể có những công trình vĩ đại như Vạn lý Trường thành, Kim tự tháp hay Angkor. Những cái kỳ vĩ đó chỉ có thể là sản phẩm của lối tư duy tuyệt đối theo kiểu văn hóa dương tính, đối lập với tư duy "vừa phải" của ta.
Mặt khác, văn hóa âm tính giống như người phụ nữ, thường chỉ thích nghe và tin là thật những lời khen nịnh. Vì vậy mà người VN ta thường không thích bị chê, kiểu "Tốt đẹp phô ra, xấu xa đậy lại", "Đừng vạch áo cho người xem lưng". Có ai đụng đến khuyết tật gì của mình là lập tức thanh minh thanh nga, tìm cách trốn tội, "đá quả bóng sang chân người khác".
Cả hệ thống quản lý nếu không tỉnh táo, sáng suốt, thì cũng bị nền văn hóa âm tính này chi phối và phạm phải những quyết định sai lầm.
Chẳng hạn, mấy năm qua có một tổ chức quốc tế thường khảo sát các giá trị ở các quốc gia qua thăm dò dư luận. Khi họ công bố kết quả rằng VN là đất nước có chỉ số hạnh phúc cao vào loại gần nhất thế giới thì chỗ nào cũng phấn khởi đưa tin, lên tiếng phụ họa. Nhưng khi cũng chính tổ chức này công bố kết quả rằng ngành nọ ngành kia của Việt Nam do tham nhũng, đút lót nhiều mà có chỉ số hài lòng thấp thì ngay lập tức, tổ chức đó bị phản ứng.
Với một truyền thống văn hóa "ưa được nịnh", "thích được khen", nhưng lại sợ phê bình và tự phê bình đến như thế, nếu không tự thay đổi từ gốc rễ mà cứ đòi hỏi tiến bộ, đòi hỏi "văn hóa từ chức"..., thì vẫn chỉ là mơ mộng mà thôi!
"Một nền văn hóa âm tính đậm đặc, với những con người lúc nào cũng chỉ lo "ổn định" luôn có một lực lượng bảo thủ không cho phép phái cấp tiến làm gì tới nơi tới chốn" - GS.TSKH Trần Ngọc Thêm.
"Văn hóa âm tính", đặc tính "biến đổi từ từ" chi phối ra sao đến sáng tạo, đổi mới tại VN? Làm sao khắc phục điều này?... Đó là nội dung Phần 2 cuộc trò chuyện của Tuần Việt Nam với GS.TSKH Trần Ngọc Thêm, Viện sĩ Viện hàn lâm Khoa học tự nhiên Nga, Ủy viên Hội đồng lý luận Trung ương, Giám đốc Trung tâm Văn hóa học Lý luận và Ứng dụng Trường Đại học KHXH&NV thuộc ĐHQG-HCM.
Trần Ngọc Thêm, Đại tướng quân, văn hóa, Trần Quốc Hải, xe tăng, Campuchia, Myanmar, Trung Quốc, Vạn lý Trường thành
GS. TSKH Trần Ngọc Thêm - Ảnh: Phạm Thành Long/ Documentary.vn
Mặt trái của sự ổn định kéo dài
Ở phần trước, GS đã bàn đến những tác động của tư duy "vừa phải" đến tính cách cá nhân, cộng đồng, xã hội. Ở tầm vĩ mô hơn, tác động của nó ra sao đến bộ máy, cơ chế vận hành đất nước?
GS.TSKH Trần Ngọc Thêm: Xuất phát từ tư duy "vừa phải", nền văn hóa âm tính luôn hướng tới sự ổn định. Ổn định là đứng yên, mọi sự thay đổi, phát triển đều bị chống lại, bị kìm hãm. Và cả một bộ máy, cả cơ chế đều hướng tới sự ổn định, phục vụ và gìn giữ cho sự ổn định đó. Cái mới xuất hiện thường bị dị ứng, bị xem là "có nguy cơ mất ổn định" rất cao.
Muốn phát triển thì phải có đột phá, thay đổi hiện trạng, và phải có người giỏi để làm việc này. Nhưng như tôi đã nói, văn hóa âm tính của ta sẽ "kéo" người giỏi nào muốn nổi trội lên. Và toàn bộ người Việt chúng ta đều thấm nhuần đức khiêm tốn, coi đó không chỉ là đạo đức mà còn là cách sống.
Các nền văn hóa dương tính như phương Tây không như vậy. Họ được giáo dục sự trung thực, nói về mình như mình thực có. Họ quan niệm tự cao tuy có thể vấp ngã, nhưng sau vấp ngã sẽ học kinh nghiệm mà đi lên, còn khiêm tốn thì không.
Ai cũng ngại thay đổi, xáo trộn. Vì vậy, khi chọn người chẳng hạn, người ta sẵn sàng "bầu" cho người không có gì đặc sắc nhưng được cái là lúc nào cũng vui vẻ, xởi lởi, hòa đồng với mọi người, ai nói gì cũng gật.
Dường như đặc tính thích "ổn định" này cũng chi phối lớn đến quan niệm về tài năng và cách sử dụng người tài ?
GS.TSKH Trần Ngọc Thêm: Cũng vì thích sự ổn định nên người VN thường thích người dễ bảo, thích nghe lời. Trong gia đình thì thích "con ngoan", biết vâng lời chứ không phải biết sáng tạo. Còn trong nhà trường thì muốn "trò giỏi", nhưng "giỏi" ở đây phải hiểu là học thuộc bài, làm văn cũng phải theo văn mẫu của thầy cô đưa ra.
Cho nên người VN với bản tính linh hoạt chỉ giỏi sáng tạo vặt, biến báo, kiểu Trạng Quỳnh, thích ăn may kiểu Trạng Lợn, nói dóc kiểu Ba Phi, còn sáng tạo kiểu làm máy bay, tầu ngầm, chế tạo xe tăng thì nhẹ sẽ bị coi là "có vấn đề".
Với nền giáo dục như thế này thì làm sao đào tạo cho ra những những nhà phát minh, nhà bác học, nhà văn hóa lỗi lạc?
Trong quản lý xã hội, nhiều lãnh đạo ở các cấp đều thường chọn cấp phó, người giúp việc thấp hơn mình từ một đến vài "cái đầu". Người ta cho rằng làm như thế thì mới đảm bảo "ổn định", trước hết là "ổn định" vị trí của mình.
Cách làm đó vô hình trung đã tạo nên một "cơ chế loại bỏ người tài" ra khỏi bộ máy. Thậm chí trong xã hội cũng không có đất cho họ dụng võ vì những ràng buộc đạo đức, pháp luật luôn chống lại nguy cơ làm "mất ổn định".
Nghe ông nói tôi không khỏi liên hệ đến những câu chuyện "Đại tướng quân" hay phát minh, sáng chế "Hai lúa" được nhắc đến rất nhiều gần đây?
GS.TSKH Trần Ngọc Thêm: Phải, với những đặc điểm tôi đã phân tích, không có gì ngạc nhiên khi thấy những sáng chế, phát minh hay sáng kiến cải tiến khoa học kỹ thuật trong nước ít khi được quan tâm, ngược lại có khi còn bị o ép.
Như chuyện ông Phan Bội Trân ở TP.HCM bỏ tiền của, trí tuệ công sức ra chế tạo tàu ngầm mi-ni mà phải "lên bờ xuống ruộng" khi cho chạy thử nghiệm...
Như chuyện ông Hải máy bay, có thể có vị Bộ trưởng sẽ trả lời rằng việc này là do "cơ chế bên Campuchia thoáng hơn ở ta... Và ta không có nhu cầu sửa chữa xe quân sự vì đã có đơn vị chuyên môn làm rồi". Điều này có thể đúng. Nhưng nó cũng đồng thời cho thấy nền văn hóa âm tính luôn kìm hãm sáng tạo, dị ứng với thay đổi đã chi phối mạnh mẽ đến mức nghiệt ngã vào hệ thống quản lý xã hội.
Nguy cơ của nền văn hóa âm tính vô cùng lớn nếu không biết phát huy mặt mạnh và khắc phục những mặt trái của nó, thoát ra khỏi "vũng lầy ổn định" của nó.
Không thể "cứ từ từ" mãi
Theo GS, chắc phải có giải pháp nào cho "căn bệnh" âm tính, truyền thống biến động từ từ của chúng ta chứ?
GS.TSKH Trần Ngọc Thêm: Nghiên cứu lịch sử, tôi nhận thấysự "biến động từ từ" như một quy luật ấy có thể thúc đẩy cho nhanh hơn lên nếu có được sự kết hợp ở những mức độ khác nhau của ít nhất 3 trong số 4 điều kiện: (1) Cuộc sống của toàn dân chúng rơi vào (hoặc gần như rơi vào) tình trạng đặc biệt khó khăn, bế tắc; (2) Có một vị minh quân, minh chúa, tức một nhà lãnh đạo mạnh mẽ, sáng suốt, tận tâm tận lực vì dân; (3) Có một cú hích từ bên ngoài và (4) Mỗi người nhìn ra xung quanh thấy người khác khá hơn mình và bản thân mình có nhu cầu thay đổi hiện trạng.
Trong đó, điều kiện 1 thuộc về văn hóa vật chất - mưu sinh; điều kiện 2 thuộc về văn hóa chính trị; điều kiện 3 thuộc về ngoại lực; điều kiện 4 thuộc về văn hóa tính cách, tinh thần.
Cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945 là một trường hợp đột biến nhờ hội tụ ở mức rất cao ba điều kiện đầu: 1/ Cuộc sống của dân chúng dưới thời thực dân, phát xít Nhật rơi vào bước đường cùng, hàng triệu người chết đói. 2/ Cái tên "Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh" có sức mạnh như một lời hiệu triệu thu hút quần chúng. 3/ Chiến tranh thế giới kết thúc, Nhật đầu hàng Đồng minh vô điều kiện.
Công cuộc Đổi mới năm 1986 là một trường hợp đột biến khác cũng hội đủ cả ba điều kiện đầu, nhưng ở mức thấp hơn: 1/ Cuộc sống kinh tế của cán bộ nhân dân ba miền ở mức rất khó khăn. 2/ Tổng bí thư Trường Chinh là một nhà lãnh đạo có uy tín và tận tâm tận lực vì dân. 3/ Công cuộc Cải tổ (Perestroika) của Liên Xô cũng vừa lúc bắt đầu.
Nếu nói về "cú hích từ bên ngoài" thì hiện nay VN đang có rất nhiều đấy chứ, thưa GS? Chẳng hạn VN hiện đang là thành viên của nhiều tổ chức lớn trên thế giới và khu vực như WTO, AFTA, NAFTA, v.v... tất cả đều yêu cầu ràng buộc VN phải cải cách, cải tổ theo hướng chung của thế giới?
GS.TSKH Trần Ngọc Thêm: Đúng là VN đang có những tác động bên ngoài, nhưng chúng chưa đủ sức tạo nên những thay đổi mang tính đột biến. Ta đã bỏ lỡ nhiều cơ hội lớn từ sau Đại hội 6 năm 1986.
Những năm 1990 là thời mà chính sách Mở cửa đã bắt đầu phát huy tác dụng, đời sống một bộ phận dân chúng khá lên đã kích thích toàn xã hội hừng hực, hứng thú làm giàu. Giai đoạn này, ngoài 3 điều kiện đầu cho sự phát triển đột biến của VN mà chúng tôi đã nói ở trên, điều kiện thứ 4 là "Mỗi người nhìn ra xung quanh thấy người khác khá hơn mình và bản thân mình có nhu cầu đó" đã hiện hữu ở mức cao.
Tuy nhiên, bước sang những năm 2000, dễ quan sát thấy rằng xã hội VN đã không còn sự phấn đấu hăng say như những năm 1990 nữa, dù VN đã hội nhập nhiều hơn, sâu rộng hơn với thế giới. Một bộ phận đáng kể trong cán bộ và dân chúng thấy rằng mình đã thoát khỏi tình trạng cùng cực và đã chuyển sang được trạng thái "trông lên thì chửa bằng ai, nhưng trông xuống thì chẳng ai bằng mình" nên đã hài lòng mà chững lại.
Trần Ngọc Thêm, Đại tướng quân, văn hóa, Trần Quốc Hải, xe tăng, Campuchia, Myanmar, Trung Quốc, Vạn lý Trường thành
Một tướng lĩnh Campuchia bên chiếc xe thiết giáp do cha con ông Hải chế tạo hoàn chỉnh. Ảnh: LĐO
Cần một hệ giá trị mới
Vào thế kỷ 17, 18 tiếp xúc với văn minh phương Tây, chúng ta cũng có cơ hội cải cách rất lớn giống như Nhật Bản. Tự Đức là vị vua thông minh, có tài, có năng lực và tầm nhìn song vẫn thất bại, trong khi Nhật hoàng lúc ấy là cậu bé 3 tuổi mà cuộc cải cách của Nhật lại thành công. Chúng ta có thể rút ra kinh nghiệm gì từ thất bại này?
GS.TSKH Trần Ngọc Thêm: Khu vực Đông Bắc Á vốn thuộc loại hình trung gian chuyển tiếp. Văn hóa của Nhật có độ dương tính cao nhất trong số các quốc gia ở đây nên người Nhật không làm thì thôi, còn khi đã nhận thức ra thì họ làm tới nơi tới chốn. Trong lịch sử, họ thường có cách làm là tiếp thu cái mới rồi đóng cửa lại thẩm thấu, sửa chữa, nâng cấp rồi phát huy.
Trước kia, Nhật đã từng tiếp nhận văn hóa Trung Hoa theo cách như thế. Rồi khi người Nhật phát hiện họ thua châu Âu, họ bắt tay cải cách ngay. Từ "thoát Á luận" cho đến "thoát Á, nhập Âu", người Nhật đã đề ra mục tiêu nhận thức rất rõ ràng, thoát hẳn khỏi cái cũ, nhập hẳn vào cái mới chứ không lơ lửng. Bên cạnh vua Minh Trị, cả dân tộc Nhật, cả nền văn hóa đều cùng chung mục đích và quyết tâm nên họ tiếp thu và cải cách thành công.
Còn chúng ta, do thuộc loại hình văn hóa âm tính cho nên trong khi vua Tự Đức và vài nhân vật khác có tầm nhìn rộng và xa hơn nên thoát được, nhưng lại bị số đông bảo thủ kiềm xuống, lôi kéo trở lại. Cả triều đình không muốn thoát thì một mình vua cũng không làm được gì hơn.
Một nền văn hóa âm tính đậm đặc, với những con người lúc nào cũng chỉ lo "ổn định" luôn có một lực lượng bảo thủ không cho phép phái cấp tiến làm gì tới nơi tới chốn.
Bởi vậy mà VN rất khó có thoát ra được hoàn cảnh mà ta bị đặt vào, để có được những cú thay đổi ngoạn mục như Nhật Bản hay Hàn Quốc là các quốc gia Đông Bắc Á thuộc loại hình văn hóa trung gian. Dù có bậc minh quân như Tự Đức hay ai khác mà nếu chưa hội đủ cả 4 điều kiện như tôi đã đề cập thì cũng rất khó.
Với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, đặc biệt là công nghệ thông tin, cả thế giới ngày nay trở thành một ngôi nhà chung. Ắt rằng, chúng ta sẽ còn có nhiều "cú hích" tác động vào. Vậy theo GS, để tận dụng thời cơ quốc tế hóa cao độ như hiện nay, chúng ta phải làm gì nhằm tạo được sự thay đổi đột phá mạnh mẽ cho kịp với các nước?
GS.TSKH Trần Ngọc Thêm: Từ những điều trình bày trên, có thể thấy rất rõ nguyên nhân sự trì trệ sâu xa là nằm trong văn hóa và con người. Chính bởi vậy mà Nghị quyết 33 của Hội nghị Trung ương 9 khóa XI đã đặt vấn đề "xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước".
Nhưng chỉ Nghị quyết không thôi thì chưa đủ. Để xây dựng và phát triển văn hóa - con người thì cần phải thay đổi hệ giá trị. Thực ra, hệ giá trị VN tự nó đang biến động rất mạnh. Vấn đề là cần sớm nhận thức được xu hướng biến động, góp phần điều chỉnh và định hướng sự thay đổi đó từ tự phát thành tự giác, theo hướng có lợi nhất, để tạo nên sự phát triển đột biến một cách sớm nhất.
Trong một Chương trình KH & CN trọng điểm cấp Nhà nước mà tôi đang làm chủ nhiệm, chúng tôi nghiên cứu và phân tích kỹ sự biến động của hệ giá trị VN trong quá trình chuyển đổi từ văn hóa làng xã đến văn hóa đô thị, từ văn hóa nông nghiệp đến văn hóa công nghiệp, từ văn hóa khép kín đến văn hóa trong thời kỳ toàn cầu hoá và hội nhập. Một trong những trọng tâm là phân tích kỹ nguyên nhân dẫn đến biết bao nhiêu thói hư tật xấu của con người VN hiện nay. Bởi lẽ muốn thay đổi để đi lên, để phát triển thì phải xóa hết các nguyên nhân gây ra những tật xấu đó.
Chẳng hạn, tính cộng đồng tự nó không xấu, nhưng cộng đồng kiểu làng xã là gây ra sự cào bằng, bệnh sĩ diện, bệnh thành tích...; tính cộng đồng tình cảm gây ra tật thiếu ý thức, không tuân thủ pháp luật...; sự kết hợp của nhiều đặc trưng gây ra quốc nạn dối trá, tham nhũng... Vì vậy phải thay đổi cộng đồng tình cảm bằng cộng đồng lý trí; thay cộng đồng làng xã bằng cộng đồng xã hội, tức coi trọng quyền lợi xã hội chứ không phải của một làng hay của một nhóm lợi ích, v.v... Trên cơ sở đó đề xuất một hệ giá trị VN mới.
Tuy nhiên, đề xuất một hệ giá trị VN mới mới chỉ là bước khởi đầu. Để đưa hệ giá trị đó vào cuộc sống, để tạo ra những con người VN mới thì cần có quyết tâm rất cao của cấp lãnh đạo cao nhất và sự đồng lòng của toàn dân. Được như vậy, VN mới có thể thoát ra khỏi căn bệnh trì trệ của truyền thống văn hóa âm tính, tạo nên một bước phát triển đột biến mới trong giai đoạn hiện đại.
Xin cảm ơn GS!