Thứ Bảy, 15 tháng 5, 2021

Doanh nghiệp XHCN không phải cứ nghĩ là ra!


(Đoàn Tiểu Long, Tuần Việt Nam)

Cũng như "mô hình" doanh nghiệp TBCN xưa kia, "mô hình" doanh nghiệp XHCN này phải tự mình mở lối đi cho mình, tự mình chứng tỏ sức sống của mình. Chỉ có thực tiễn mới cho câu trả lời cuối cùng về sự tồn vong của nó.

Đối với nhiều người, kinh tế thị trường ở đâu và lúc nào cũng chỉ là kinh tế thị trường. Họ không phân biệt được các hình thái khác nhau của nó ở các giai đoạn phát triển khác nhau. Rất nhiều người đánh đồng kinh tế TBCN với kinh tế thị trường nói chung. Đối với họ, khái niệm "nền kinh tế thị trường định hướng XHCN" là một khái niệm hết sức phi lý. Họ cũng không bao giờ đặt câu hỏi, liệu có "nền kinh tế thị trường định hướng TBCN" hay không?

Kinh tế học marxist, trái lại, phân chia kinh tế thị trường thành nhiều giai đoạn phát triển. Việc phân chia này rất quan trọng vì ứng với mỗi giai đoạn nhất định có những phạm trù, quy luật nhất định. Hoặc, cùng một quy luật kinh tế nhưng ở mỗi giai đoạn lại có cách biểu hiện khác nhau mà nếu không nắm được thì sẽ không hiểu được nhiều hiện tượng, ví dụ như khủng hoảng kinh tế.

Khởi thủy là kinh tế thị trường sơ khai, nơi con người mới bắt đầu quá trình trao đổi những sản phẩm dư ra ngoài số đã tiêu dùng (nhiều nơi ở Việt Nam và trên thế giới vẫn đang còn trong giai đoạn này).


Tiếp đó là giai đoạn kinh tế hàng hóa, khi người ta chấm dứt việc sản xuất tự cung tự cấp, mà tập trung sản xuất một số sản phẩm nhất định nhằm mục đích trao đổi lấy các sản phẩm khác. Trong giai đoạn này mỗi người sản xuất sở hữu một ít tư liệu sản xuất của riêng mình, tự sản xuất, tự tiêu thụ, không ai làm thuê cho ai. Các nhà kinh tế học cổ điển gọi giai đoạn này là nền sản xuất hàng hóa giản đơn.

Cuối cùng là giai đoạn kinh tế thị trường TBCN, với nét đặc trưng là tư liệu sản xuất tập trung trong tay một số ít người, còn đa số không có tư liệu sản xuất và phải đi làm thuê cho số kia.

Lần ngược lại lịch sử, ở cuối giai đoạn phát triển của nền sản xuất hàng hóa giản đơn bắt đầu xuất hiện những nhà tư bản đầu tiên. Đó là những người thay vì tự mình sản xuất, hoặc bắt vợ con, một vài người thân làm cùng trong xưởng nhà, thì nghĩ đến chuyện thuê mướn thêm lao động bên ngoài để mở rộng sản xuất.

Để làm được điều đó cần có ba điều kiện. Thứ nhất, người đó phải tích lũy được một lượng vốn nhất định, đủ để mua sắm tư liệu sản xuất và thuê mướn nhân công.

Thứ hai, phải có những người lao động tự do, không bị lệ thuộc vào ai về mặt thân thể, không có tư liệu sản xuất, sẵn sàng đi làm thuê (hai điều này Marx phân tích tỷ mỷ trong quyển I bộ Tư bản).

Thứ ba, nhà tư bản phải tin tưởng rằng thuê mướn nhân công thì tốt hơn là tự mình làm lấy mọi việc, rằng có khả năng quản lý được đám người làm thuê đó. Điều này ẩn chứa một rủi ro khá lớn cho nhà tư bản. Tâm lý con người luôn cho rằng tự mình làm lấy, hoặc vợ con, người thân của mình làm mà còn chưa yên tâm, thế thì thuê người lạ chỉ tổ chúng nó phá hoại, ăn cắp, dăm hôm là sạt nghiệp. Tâm lý này vẫn còn thống trị tới tận ngày nay, bằng chứng là sự tồn tại của lối quản trị kiểu gia đình tại rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam.

Trong số những người đi đầu đó đã có nhiều người thất bại, và cũng có một số thành công. Những doanh nghiệp đó có thể coi là những mầm mống đầu tiên của một phương thức sản xuất mới - phương thức sản xuất TBCN dựa trên chế độ lao động làm thuê. Và giai đoạn đó, với sự xuất hiện của những doanh nghiệp làm ăn theo lối TBCN đầu tiên, bên cạnh lối làm ăn truyền thống, có thể gọi là giai đoạn "nền kinh tế thị trường định hướng TBCN".

Mô hình doanh nghiệp theo lối TBCN ngày càng chứng tỏ ưu thế của mình trước lối sản xuất tiểu chủ cả về năng suất, chi phí cũng như khả năng mở rộng quy mô sản xuất, và nền sản xuất xã hội ngày càng chuyển sang lối TBCN, cho tới khi phương thức sản xuất TBCN thống trị trong toàn xã hội.

Giờ đây, ở những nơi mà phương thức sản xuất TBCN đã rất phát triển, việc xuất hiện những doanh nghiệp theo lối tập thể, với các nét đặc trưng sau:

- công hữu về tư liệu sản xuất;

- không có các cổ đông, không có ông chủ và người làm thuê, chỉ có những người lao động cùng nhau sử dụng, quản lý tài sản công ty một cách bình đẳng, dân chủ;

- lợi nhuận, ngoài phần dùng để lập các quỹ và mở rộng cơ sở vật chất, quy mô kinh doanh, thì được chia theo công sức đóng góp của mỗi thành viên; có thể coi là những mầm mống của phương thức sản xuất mới - XHCN.

Điều kiện tiên quyết để một tổ chức kinh tế tập thể có thể hình thành là mỗi thành viên của tổ chức đó phải từ bỏ ý thức về tư hữu, thay vào đó là ý thức về công hữu. Ở một số tổ chức, như các trường đại học phi lợi nhuận, nơi vốn thành lập ban đầu và cả vốn hoạt động sau này là do một số Mạnh Thường Quân đóng góp, thì người lao động tương đối dễ dàng từ bỏ ý thức tư hữu (vì bản thân họ không góp vốn, mà chỉ tham gia sử dụng).

Vấn đề sẽ phức tạp hơn nếu các thành viên của tổ chức tự góp vốn (như cách thức hình thành HTX). Cái tư duy "góp bao nhiêu thì phải được chia bấy nhiêu" còn chi phối người ta rất mạnh, và người ta khó chấp nhận việc từ bỏ quyền sở hữu đối với phần đóng góp của mình, chỉ nhận phần chia theo công sức lao động.

Trong trường hợp này, giải pháp khả thi có lẽ là thành lập doanh nghiệp tập thể, hay HTX, từ những người có vốn đóng góp ban đầu tương đương nhau, ví dụ mỗi người nông dân cùng góp một số ruộng, công cụ, một số tiền như nhau, để khỏi lấn cấn về chuyện nhiều ít. Số vốn góp này sẽ được trả lại dần dần cho người góp từ lợi nhuận của doanh nghiệp, để cuối cùng mọi tài sản của doanh nghiệp hoàn toàn có nguồn gốc từ lao động của các thành viên tích tụ lại. Rất có thể sau đó các thành viên sẽ dần thấy đúng là góp gió thành bão, rằng ba cây chụm lại nên hòn núi cao, làm ăn tập thể kiểu này rõ ràng tốt hơn nhiều so với làm ăn cá thể manh mún. Và cùng với sự phát triển của doanh nghiệp thì ý thức tập thể của họ cũng ngày một nâng cao.

Đồng thời, do doanh nghiệp không còn nợ vốn góp của ai cả, và do thu nhập của doanh nghiệp được chia cho các thành viên theo công sức đóng góp thuần túy về mặt lao động, chứ không phải về mặt vốn góp, nên doanh nghiệp có thể thu nhận thêm thành viên mới mà không phải lấn cấn về chuyện thành viên sáng lập phải được hưởng nhiều hơn thành viên mới như thường thấy ở các công ty cổ phần.

Có một con đường khác hình thành nên các doanh nghiệp XHCN. Ở những nước có đảng cầm quyền đi theo đường lối XHCN như Thụy Điển, Nhà nước đứng về phía người lao động, và đặt ra luật lệ nhằm giảm phần giá trị thặng dư của giới chủ, tăng phần trả cho người lao động. Như thế, tuy phương thức sản xuất vẫn là TBCN dựa trên lao động làm thuê, nhưng phương thức phân phối đã không còn hoàn toàn theo lối TBCN, mà đã có hơi hướng XHCN.

Nhiều người lo rằng nếu Nhà nước cứ tiếp tục đánh thuế thu nhập doanh nghiệp cao như thế thì sẽ khiến cho giới chủ nản lòng, không còn muốn làm ăn ở Thụy Điển nữa, và Nhà nước sẽ không thu được thuế. Không thu được thuế thì mọi chính sách an sinh xã hội sẽ bị khủng hoảng ngay lập tức.

Thực ra, các chủ doanh nghiệp Thụy Điển dù có bất mãn với chính sách tái phân phối đến mấy thì cũng khó mà bỏ đi nơi khác. Bởi lẽ họ không thể tha nhà máy đi nơi khác được; họ chỉ có thể bán lại nó cho người khác, mà nếu thế thì tình hình chẳng có gì thay đổi. Người Trung Quốc hiểu rõ điều này khi đưa ra chủ trương "bất cầu sở hữu, đán cầu sở tại", tức là không quan trọng xí nghiệp thuộc sở hữu của ai, quan trọng là xí nghiệp được đặt tại Trung Quốc. Một khi đã đặt nhà máy tại Trung Quốc rồi thì các nhà đầu tư nước ngoài rất khó rút vốn để chuồn đi nơi khác. Trừ phi chịu bán rẻ cho người bản xứ.

Nếu như chủ doanh nghiệp Thụy Điển nào đó muốn chuồn đi nơi khác nhưng không tài nào bán được công ty của mình cho các nhà đầu tư khác, thì họ chỉ còn một cách là bán rẻ cho Nhà nước, hoặc cho chính bản thân tập thể người lao động của công ty. Nếu Nhà nước hỗ trợ vốn cho người lao động mua lại công ty, biến công ty thành sở hữu tập thể, tức là công hữu đúng nghĩa, thì một công ty XHCN đã ra đời. Công ty vẫn cứ tiếp tục làm ăn kinh doanh như trước kia, có lẽ còn tốt hơn trước kia, và sau một thời gian có thể trả lại Nhà nước khoản hỗ trợ khi trước.

Cũng như các doanh nghiệp TBCN đầu tiên, các doanh nghiệp tập thể kiểu này có thể thất bại mà cũng có thể thành công. Nếu một số trong chúng thành công và ngày càng nhân rộng, thì có thể coi giai đoạn này là "nền kinh tế thị trường định hướng XHCN". Để đến khi trong xã hội còn toàn những doanh nghiệp kiểu này, do tính ưu việt của mình so với các doanh nghiệp theo kiểu TBCN, lúc đó sẽ có nền kinh tế thị trường XHCN - một khái niệm mà đối với nhiều người là cực kỳ mâu thuẫn. Cuối cùng, khi bản thân các doanh nghiệp tập thể đó không cạnh tranh với nhau nữa, mà liên hiệp lại vì lợi ích chung của toàn xã hội, lúc đó ta sẽ có nền kinh tế XHCN hoàn chỉnh.

Có thể nhiều người sẽ nói rằng mô hình đó khó khả thi lắm, rằng một vài doanh nghiệp lẻ tẻ thì may ra, chứ nhân rộng lên toàn xã hội thì... Thực ra cách suy nghĩ đó không khác gì cái nhìn nghi ngờ của người xưa đối với những doanh nghiệp TBCN đầu tiên.

Vả chăng, không nên gọi đó là mô hình, theo nghĩa là sản phẩm do ai đó nghĩ ra nhằm những mục tiêu chủ quan, duy ý chí nào đó. Nó là một thực tế đã tồn tại (ví dụ như các trường đại học phi lợi nhuận kiểu Harvard, các doanh nghiệp xã hội bất vụ lợi đang xuất hiện ngày một nhiều), và nó xuất hiện một cách tự nhiên, do những nhu cầu thực nào đó của xã hội, chứ không phải vì ai đó nghĩ rằng nên làm như thế để xóa bỏ bóc lột, để lập lại công bằng xã hội, để xây dựng thiên đường XHCN...

Và cũng như "mô hình" doanh nghiệp TBCN xưa kia, "mô hình" doanh nghiệp XHCN này phải tự mình mở lối đi cho mình, tự mình chứng tỏ sức sống của mình. Chỉ có thực tiễn mới cho câu trả lời cuối cùng về sự tồn vong của nó.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét