Thứ Ba, 11 tháng 5, 2021

TRÍ TUỆ CỦA THIỀN NGỘ ẨN CƯ TRONG NÚI SÂU NƠI CÀNG SÂU HƠN

 Hơn 1200 năm trước, tại Đàm Châu Hồ Nam (nay là Trường sa), một hôm, mọi người bỗng phát hiện ở nơi đầu phố có xuất hiện một nhân vật thần bí đầu trọc chân đỏ, xem ông ta cầm một bình bát trong tay dường như là một Hoà thượng.

Mọi người hỏi ông ta từ đâu đến, ông ta nói: “Từ nơi đến mà đến”.

“Vậy thì ngươi muốn đi đến đâu?”

Ông ta gật gật đầu nói: “Đến nơi cần đến”.

“Nhà của ngươi ở đâu?”.

Ông ta hỏi lại: “Nhà, có một nơi cố định sao?”.

“Ông phải luôn biết mình gọi là gì?”

Ông ta nói: “Ngươi có tên gọi, nhưng tên gọi là ngươi sao?”.

Mọi người không ai biết ông ta từ đâu đến và sẽ đi về đâu, không rõ ông ta quê quán nơi đâu, tục danh pháp hiệu là gì. Vốn dĩ, một người không lai lịch, không tên họ, như vậy cũng rất bình thường. Nhưng, mọi người quen với việc có tên tuổi, cho rằng tên họ chính là mình, nên cảm thấy ông ta có đôi phần thần bí.

Có người lòng dạ tốt đẹp chỉ điểm cho ông: “Ông là Hoà thượng, nên tham thiền đi, từ đây đi về hướng Đông bảy trăm dặm, ở Hồng Châu Giang Tây có Đại sư Mã Tổ xuất thế, chỉ cần ông gặp được Mã Tổ, ông có thể thành Phật làm Tổ”.

Ông ngớ ngẩn hỏi mọi người: “Người còn uống sữa không? Sữa mẹ ngon như vậy vì sao nay ngươi không uống nữa?”.

Từ câu nói này, mọi người thấp thoáng cảm nhận được ông là người có lai lịch, là một Hoà thượng, dường như đã bái kiến Mã Tổ Đạo Nhất. Thế là, liền có một Thiền tăng đến trước mặt ông, trịnh trọng trải đồ lễ bái. Sau khi đảnh lễ ba lễ, cung kính thỉnh ông khai thị Thiền yếu.

Ông hỏi thiền tăng câu hỏi giống như mọi người thường hỏi ông: “ngươi từ đâu đến?”

Thiền tăng đương nhiên biết, cũng một câu nói như vậy, nhưng câu hỏi của Ngài và câu hỏi của người khác, ý nghĩa không giống nhau. Thiền tăng trả lời là: “Tôi từ chỗ Lão tôn túc đến”.

Cổ nhân nói: “Đức cao gọi là Tôn, tuổi lớn gọi là Túc”, Phật giáo gọi người đức tôn niên trưởng là “TônTúc”.

Ông lại hỏi: “Ngươi có điều gì muốn nói không?”.

Thiền tăng loé lên một câu hỏi sắc sảo: “Nói tức trăm câu ngàn lời, không nói tức một câu cũng không”.

Ông cười hì hì: “kẻ này lại giống như con ruồi đẻ trứng”.

Thiền tăng nghe câu nói thô tục tượng hình tượng này rồi, lần nữa năm vóc sát đất đảnh lễ. Nhưng ông lại giơ gậy trúc trên tay lên đánh túi bụi…. Sau đó, cũng thần bí như lúc mới xuất hiện, đột nhiên bí mật biến mất, cũng chẳng còn âm tín gì.

Mấy mươi năm sau, người sáng lập tông Tào Động - Đại sư Động Sơn Lương Giá và sư huynh của Ngài - Thần Tiên Tăng Mật (tục xưng là Sư Bá Mật, xem Tùng Thư ‘Thiền Sơn Thiền Thuỷ, Động Sơn Hàn Thử’) cùng vân du thăm viếng vùng lân cận Đàm Châu.

Một hôm, hai vị đi qua chân núi Long Sơn, lúc Động Sơn Lương Giá đang rửa tay bên suối nhỏ, ngẫu nhiên nhìn thấy một lá rau khô vàng đang trôi nổi trên dòng suối. Động Sơn bất giác ngẩng đầu nhìn lên, vừa nhìn nhìn đỉnh núi Long Sơn hiểm trở, vừa tự nhủ thầm: “Người trong thôn đều nói trên ngọn núi lớn này không có người ở, nhưng tại sao có lá rau trôi theo dòng suối đến? Chẳng lẽ trong núi sâu có người tu hành ẩn cư?”

Sư Bá Mật nói: “Chỉ có một lá rau thôi, có gì phải kinh ngạc như thế? Có lẽ do thợ săn vào núi, hoặc tiều phu vứt bỏ”.

Động Sơn lắc đầu, nói: “Thợ săn, Tiều phu vào núi, làm sao có thể mang rau sống theo được?”.

“Nhưng người trong thôn này nói, trong núi Long Sơn này đã không có chùa chiền, cũng không có am cho người ở”.

Động Sơn Lương giá nói một cách kiên định: “Chính vì như thế, chủ nhân của lá rau này mới chính là ẩn sĩ thực sự, mới là thật là cao nhân tu hành”.

Thế là, Động Sơn và Sư Bá Mật vẹt cỏ tranh um tùm, men theo con suối nhỏ mọc đầy rêu xanh, đi lên phía trên tìm kiếm nơi vùng núi sâu mà đi. Họ gian khổ vượt qua hơn nửa ngày, cuối cùng đi đến tận đầu con suối, nơi miệng suối phun bàng bạc không xa, dường như là một cái nấm, bỗng nhiên xuất hiện một căn lều tranh nhỏ, trước cửa lều thình lình xuất hiện một lão Hoà thượng phong thái như Tiên, hình hài như Hạc đang ngồi đó!

Ngài, dường như đã rất già, nhưng ánh mắt của Ngài lại trong sáng còn hơn trẻ em. Ngài nhìn bạn một cái, tựa hồ như ngay hồn phách của bạn cũng đều được tẩy sạch vậy. Động Sơn đặt túi hành lý xuống, không theo phép dập đầu đảnh lễ như quy cũ Thiền môn, mà chỉ chắp tay tỏ vẻ tôn kính mà thôi – Ngài chưa thấy Phật thật chưa thắp hương. Mặc dù thần thái hình dung của bạn như Tiên nhưng nếu chưa tỏ tâm thấy tánh thì chẳng qua cũng chỉ là tinh linh dựa vào cỏ cây mà thôi.

Nhưng Sư Bá Mật bướng bỉnh lại không để ý đến những điều này, hiếu kỳ vây quanh lão Tăng quay qua quay lại. Tình cảnh như vậy, chỉ mong sao bước tới ôm chân người ta, sà vào lòng người ta, vuốt vuốt chòm râu bạc, giống như cháu nũng nịu và đùa chơi với ông vậy.

Lão Tăng vô danh mở miệng nói: “Núi này không có đường đi, hai vị Cao tăng từ đâu đến?”

Động Sơn Lương Giá biết câu này của Lão Tăng đã nói đường cũng tức là nói đường Thiền. Ngài lập tức dùng cơ phong đối đáp cơ phong, nói: “Có đường hay không có đường tạm thời gác qua một bên, Hoà thượng từ đâu vào đây?”.

Lão Tăng cười nói: “Ta không phải từ mây nước đến”.

Động Sơn ngầm gật đầu, hỏi tiếp: “Hoà thượng trú ở núi này được bao lâu rồi?”.

Câu trả lời của Lão Tăng vi diệu đến cao tuyệt: “Xuân thu không trải qua”.

Đúng vậy, tâm như hư không, trạm nhiên bất động, bất động trạm nhiên, dù thời gian trôi qua, dù không gian biến đổi, dù cho tháng ngày huỷ diệt, tân tinh đản sanh, cũng chẳng hề liên quan đến trạng thái sáng suốt của hư không.

Động Sơn Lương Giá không hổ là vị Đại tông sư khai tông lập phái, đang nhìn nơi không cửa không đường mà vẫn có thể khế nhập: “Hoà thượng ở trước hay núi có trước?”.

“Không biết!”.

Hay cho hai chữ ‘không biết’, trong nháy mắt, gở ngàn cân trong vô hình, hoà sấm chớp ở chín tầng mây.

Biết thì nói biết, không biết thì nói không biết, có cái biết, ắt có cái không biết, mà không biết tức là không có cái gì mà không biết – Tác phẩm ‘Bát Nhã Vô Tri Luận’ rất huy hoàng nổi tiếng của Pháp sư Tăng Triệu đã giải thích điều này rất tinh diệu. Tông Tào Động là một tông trong Thiền tông rất coi trọng kinh giáo lý luận, từ Tổ sư gia của Thiền sư Động Sơn - Đại sư Thạch Đầu Hy Thiên đã rất để tâm nghiên cứu “Triệu Luận”. Do đó, Động Sơn cũng thâm đắc tam muội ở trong đó, hỏi rằng: “Tại sao không biết?”.

Lão Tăng nói: “Ta không phải từ trời người đến”.

Thiền cơ đấu đến đây, xem ra đã sơn cùng thuỷ tận, Động Sơn Lương Giá vẫn có thể đổi mới cách hỏi: “Hoà thượng ngộ được thiền lý sâu sắc, tinh diệu gì mà đến ở trên núi?”.

Thiền, không đắc cũng không có gì không đắc, nếu có sở đắc, ắt có chấp trước. Vì thế, Lão Tăng vô danh nói: “Ta thấy hai con trâu đất đánh nhau trong biển, mãi cho đến nay mất hẳn tung tích”.

Nghe được hai câu nói này, Động Sơn Lương Giá mới sửa lại Tăng y, trải đồ lễ bái, năm vóc sát đất quỳ xuống.

Đại sư Lương Giá lễ bái xong, chính thức thỉnh giáo: “Thế nào là khách ở trong chủ?”.

Lão Tăng nói: “Núi xanh che mây trắng”.

Đại sư Động Sơn hỏi câu thứ hai: “Thế nào là chủ ở trong khách?”.

Lão Tăng đáp: “Tuổi lớn không ra thây”.

Thiền tông Lâm Tế và Tào Động mỗi tông phái lập ra bốn thuyết chủ khách, nghĩa của nó đều khác nhau. Đại sư Động Sơn Lương Giá là Tông sư gia của tông Tào Động, câu hỏi của Ngài đương nhiên là chủ ý của tông Tào Động.

Cho rằng “Chủ” là Chánh, Thể, Lý; “Khách” là Thiên, Dụng, Sự. Thứ nhất, khách trong chủ, chỉ cho “dụng trong thể”, tức là từ trong bản thể dẫn phát ra tác dụng. Ví dụ, Đại thần phụng mệnh Đế vương, ra ngoài hành sự. Thứ hai, chủ trong khách, là chỉ cho “thể trong dụng”, tức là thể hiện bản thể trong các loại tác dụng. Ví dụ, Đế vương ẩn cư trong phố chợ huyên náo.

Đại sư Động Sơn hỏi câu thứ ba: “Tướng khách chủ bao nhiêu?”

Lão Tăng đáp: “Sóng trên sôngTrường Giang”.

Bồ đề tức phiền não, phiền não tức Bồ đề, sóng tức là nước, nước tức là sóng, hai cái thực chất không hề sai khác. Sóng dữ cuộn trào chủ biến thành khách, sóng yên nước lặng khách biến thành chủ. Chỉ cần không để ý thổi gió làm sóng, tâm như nước lặng – trong trẻo sáng suốt, tự tánh cũng vậy, Huệ quang liền sanh!

Động Sơn hỏi câu thứ tư: “Chủ kháh gặp nhau, có gì để nói?”.

Lão Tăng đáp: “Gió xanh phẩy trăng trắng”.

Thật là một thế giới thanh bình, một luồng ánh sáng tự nhiên. Cảnh giới của Thiền chính hài hoà như thế, đẹp đẽ như thế!.

Đại sư Động Sơn như tắm gió xuân, như uống cam lồ, tràn trề vị ngọt , mỗi lỗ chân lông trên toàn thân đều tràn đầy mãn nguyện. Trong lòng Ngài vô cùng cảm kích, cùng sư Bá Mật làm lễ cáo từ. Họ đi được một lúc, nghe trên đỉnh cao chót vót phía sau lưng, trong khoảng không mây trắng phiêu bồng, truyền đến một tràng ngâm tụng như có như không, như gần như xa:

“Ba gian nhà tranh xưa nay ở,

Một đạo thần quang vạn đạo nhàn,

Chớ đem thị phi để bàn Ngã

Phù sanh xuyên đục không liên quan”.

Nhưng nơi am cỏ đã cháy lên ánh lửa bừng bừng.

Động Sơn Lương Giá vừa vỗ vào chân, than lên một tiếng dài, nói với sư Bá Mật: “Ôi, hai chúng ta đã làm khổ Lão Tôn Túc rồi!”.

Sư Bá Mật nói: “Lửa nơi thảo am của Ngài, không phải ông hay tôi đốt, có liên quan gì đến chúng ta đâu?”.

“Bởi vì chúng ta phát hiện ra tông tích của Ngài, cho nên Ngài phải đổi am cỏ, chuyển đến nơi sâu hơn cả núi sâu. Từ nay về sau, e rằng không ai có thể tìm thấy Ngài nữa”.

Quả nhiên, từ đó về sau, mọi người không ai thấy được vị Lão Hoà thượng này nữa. Vì Ngài ẩn cư trong Long Sơn, nên mọi người gọi Ngài là “Hoà thượng Long Sơn”. Lại cũng vì Ngài ẩn cư trong núi sâu không gặp được nữa, nên người đời sau cũng gọi Ngài là “Hoà thượng Ẩn Sơn”.

Liên quan đến thiền cơ: Người Ẩn Sĩ Muốn Gì.

Quê của tôi ở huyện Hành Đường tỉnh Hà Bắc, ngày xưa, rất xưa được gọi là “Nam Hành Đường”. Ý nghĩa của nó là: Đây là nơi Đế vương đương thời từ phươngNam xuống – nơi đóng đô của nhà Nghiêu - Đường (nay là huyện Đường), nơi cần phải đi qua. Phía Bắc cách thôn trang quê nhà khoảng năm dặm có một ngọn núi nhỏ thấp, trước núi có một con sông uốn lượn, con sông nhỏ có một cái tên kỳ quái - Tẩy Nhĩ Hà.

Sở dĩ con sông nhỏ này có cái tên kỳ quái như vậy, nghe nói có liên quan đến Cao sĩ Hứa Do thời kỳ “Tam Hoàng Ngũ Đại”. Mọi người truyền miệng rằng, ngọn núi nhỏ bên sông chính là nơi ẩn cư năm đó của Hứa Do.

Theo sách xưa ghi chép, nơi Hứa Do ẩn cư gọi là “Kỳ Sơn”. Đúng vậy, tên ngọn núi nhỏ đó chính là Kỳ Sơn.

Một hôm, vua Nghiêu từ huyện Đường đến Kỳ Sơn, muốn đem thiên hạ nhường cho Hứa Do, người mà ông cho rằng tài năng và đức độ hơn mình. Hứa Do nói: “chim cưu mái xây trong Sâm Lâm, chỉ chọn một cành cây mà thôi; chuột Yển uống nước trong sông lớn, chẳng qua cũng chỉ uống no bụng mà thôi. Ta cần thiên hạ của vua làm gì?”

Nói xong, Hứa Do cho rằng lời nói của vua Nghiêu quá dung tục, làm bẩn lỗ tai thanh tịnh của ông, liền chạy ra bờ sông rửa sạch. Lần rửa này, ông đã đem ‘ô nhiễm’ đến cho con sông nhỏ đoan chính này – Con sông không tên biến thành “Sông Tẩy Nhĩ”.

Mặc dù tên núi là “Kỳ”, sông là “Tẩy Nhĩ”, đến nay vẫn gọi thôn xóm bên bờ sông dưới núi này là “Thôn Hứa Do”. Ước đoán, đây cũng chỉ là một truyền thuyết vừa đẹp đẽ, vừa hư huyễn mà thôi. Nhưng chính nhờ truyền thuyết của dân gian mà càng nói rõ Hứa Do ở ẩn, có ảnh hưởng sâu xa trong quần chúng.

Không chút nghi ngờ, văn hoá thổ nhưỡng của Trung Quốc tất nhiên sẽ sản sanh ra ẩn sĩ, mà ẩn sĩ tánh tình thanh cao thuần khiết tất nhiên sẽ được mọi người tôn kính.

Trên đỉnh núi cao hồng trần không lên được, bên bờ sông lớn thói đời khó đến được, từ cổ chí kim, thường có một số người ẩn cư khác với nhân loại. Họ vứt bỏ đèn hoa xán lạn, gần gũi với ánh sáng trăng sao, tránh xa khói lửa nhân gian, tắm gội mây trắng gió thanh, xa rời đô thị huyên náo, cận kề với mây ngàn sông núi,… Họ ngủ trên tảng đá, ở trong hang động, màn trời chiếu đất: nước suối - dùng tay làm gáo, vốc một vốc uống hết nước suối trong; Ao cỏ – bện cỏ làm khố, may cỏ làm quần, mặc qua mùa đông; Thức ăn – hái nấm, ngắt tùng, rau thơm quả ngọt, …

Vì sao họ phải xa rời quần chúng đi ẩn cư? Sự ẩn cư của họ có ý nghĩa gì? Một trong những ẩn sĩ vĩ đại nhất của lịch sử Trung Quốc - Khổng Minh Gia Cát, trước lúc lâm chung đã để lại “Giới Tử Thiên” cho con trai, một câu rõ cả thiên cơ: “Phàm hành vi của bậc quân tử, tĩnh để tu thân, liễm để dưỡng đức. Không đạm bạc không thể sáng chí, không yên tĩnh không thể đạt đến cao xa”.

Bạn có biết, Tiên sinh Ngoạ Long ở ẩn tại Nam Dương, trong nhà tranh có ba thành phần trong thiên hạ, trước có Vương Thông về ở ẩn, sau có đệ tử xuống núi, từ đó mà tạo dựng Đại Đường hưng thạnh một thời; Tiên sinh Ngũ Liễu (hiệu của Đào Uyên Minh) bỏ chức quan mà đi ẩn cư dưới chân Lô Sơn, trồng Cúc ở hàng rào phía Đông, thu hoạch được không chỉ là hoa Cúc mùa thu khí cốt kiên cường, đẹp đẽ ngạo nghễ gió sương, mà còn có sự thần kỳ của thơ Điền Viên bất hũ với “Đào Hoa Nguyên Ký” trong lịch sử văn học Trung Quốc…

Năm đầu thời nhà Tần, một vị thiếu niên ở ẩn trong núi sâu, một nơi không ai có thể gặp được, anh ta may mắn gặp một cao nhân. Sau đó, trong một thời gian dài, cao nhân đã dùng nhiều phương pháp khảo nghiệm khí chất của anh ta. Nhưng thiếu niên vẫn luôn luôn khiêm cung, cẩn thận khi một mình. Một hôm, cao nhân để lại cho anh ta một quyển “Thái Công Binh Pháp” thất truyền đã lâu, rồi nhẹ nhàng ra đi.

Năm tháng trong núi như bóng câu qua cửa sổ, thiếu niên trong thoáng chốc đã đến trung niên, mà đế quốc Đại Tần cực thịnh một thời cũng xán lạn như sao băng, liền bị chôn vùi trong vũ trụ mênh mông. Người trung niên mang quyển binh pháp thuộc lòng trong tâm này xuống núi, giúp đỡ Lưu Bang bình định thiên hạ, xây dựng nên Vương triều Đại Hán.

Ông ta chính là Trương Lương.

Để biểu dương công huân bất hũ của Trương Lương, khi Lưu Bang lên ngôi Hoàng Đế rất khảng khái rộng rãi, cho ông ta lựa chọn bất cứ một vùng đất phong nào mà ông ta muốn trong cả nước. Thế là, Trương Lương chọn “Lưu Bá” một vùng hoang vu ở núi Chung Nam. Bởi vì ông ta muốn thoát khỏi sự trói buộc của thế tục, đi ở ẩn lần nữa.

Đây chính là ẩn sĩ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét